Bà Lê Duy Loan là người phụ nữ đầu tiên, cũng là người gốc Á duy nhất từng đạt tới chức vụ đỉnh cao trong nấc thang kỹ thuật tại Mỹ, là diễn giả xuất sắc, là chuyên gia hàng đầu với 24 bằng sáng chế, và cũng là một người phụ nữ với trái tim ấm áp vô cùng.
Năm 2016, tập đoàn Texas Instruments, 1 trong 3 công ty điện tử lâu đời tại Mỹ, đã vinh danh những kỹ sư có Thành tựu trọn đời (Senior Fellow) và đây là chức vị cao nhất trong nấc thang kỹ thuật ở Hoa Kỳ. Đáng chú ý trong lần vinh danh này có sự xuất hiện của một người phụ nữ gốc Việt, cũng là phụ nữ châu Á duy nhất. Bà có tổng cộng 24 bằng sáng chế tại Mỹ, trong đó có 4 bằng sáng chế tiên phong, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của máy tính hiện đại. Bà cũng được coi là 1 trong 10 diễn giả xuất sắc nhất tại Mỹ thường được mời diễn thuyết tại các trường đại học uy tín và các tập đoàn lớn trong 20 năm qua. Bà là Lê Duy Loan, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, và là người luôn tự hào về nguồn gốc Việt Nam của mình.
Khởi đầu cơ cực, động lực của mọi thành công
Sinh ra tại Nha Trang, song bà Loan lại sớm theo gia đình sang định cư ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ từ năm 1975. Khi ấy bà Duy Loan mới 12 tuổi và không biết một chữ tiếng Anh, vì vậy bà phải học lùi lại 2 lớp so với tuổi thật. Thay vì lên lớp 8, bà chuyển xuống học lớp 6 ở trường tiểu học Gordon Elementary ở Houston. Cô bé Duy Loan khi ấy đã tự học tiếng Anh vào buổi đêm khi gia đình đã đi ngủ và học tập chăm chỉ cũng như cố gắng thích nghi với một nền văn hóa hoàn toàn khác so với Việt Nam. Với nỗ lực của mình, bà đã tốt nghiệp thủ khoa trung học phổ thông ở tuổi 16, sớm hơn 2 năm so với bạn bè cùng trang lứa. Năm 19 tuổi bà bắt đầu làm việc tại Texas Instruments.
Bà Loan kể lại rằng, vì quá ấn tượng với một cô gái 19 tuổi học ngành kỹ thuật lại trả lời vanh vách các câu hỏi trong buổi phỏng vấn nên công ty điện tử lớn của Mỹ đã tìm mọi cách nhằm chiêu mộ bà: “Không những gửi thư qua đường bưu điện mà Texas Instruments còn cử một nhân viên lâu năm đến tận nhà riêng để nói chuyện trực tiếp. Sau đó, sợ tôi không đồng ý nên họ đã gọi điện thoại nhằm đề nghị tăng lương so với mức đề xuất trong buổi phỏng vấn. Và tôi chính thức gắn bó với nơi này từ ngày đó cho tới tận bây giờ”.
7 năm sau khi gia nhập công ty, bà Loan thăng chức lên làm Trưởng phòng thiết kế, và một năm sau được bầu chọn vào vị trí đầu tiên trên nấc thang kỹ thuật của Texas Instruments – thành viên hội đồng kỹ thuật (Member of Technical Staff).
Tiếp đó, dù có gặp khó khăn nhưng bà vẫn liên tục gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp khi trở thành thành viên cấp cao hội đồng kỹ thuật (Senior Member of Technical Staff) vào năm 1993; người phụ nữ đầu tiên đạt thành viên ưu tú hội đồng kỹ thuật (Distinguished Member of Technical Staff) vào năm 1997; người phụ nữ đầu tiên đạt vị trí đồng sự của Texas Instruments (TI-Fellow) vào năm 1999.
Trả lời cho câu hỏi “Những giá trị cốt lõi” đằng sau thành công của mình, bà Loan đã nói: “Tôi làm việc trong ngành công nghệ cao, một ngành mà nam giới chiếm phần nhiều. Tôi bắt đầu từ 35 năm trước. Mà 35 năm sau, cũng không có gì thay đổi nhiều đối với những người phụ nữ không phải người Mỹ có nguồn gốc châu Á, làm việc trong lĩnh vực mà nam giới áp đảo. Do đó tôi nghĩ những giá trị cốt lõi, những điều giúp thôi thúc tôi phá vỡ những rào cản vô hình đó không chỉ tại một mà tại rất nhiều công ty tôi từng làm việc, có lẽ đầu tiên chính là đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp tuyệt vời chính là điểm nổi bật của các nền văn hóa châu Á.
Điều thứ 2 có lẽ là điều mà chỉ giới hạn trong cá nhân tôi, đó chính là niềm tin rằng tôi có thể vượt qua mọi thứ nếu tôi làm việc chăm chỉ và đối xử tốt với mọi người. Sự tự tin bắt nguồn từ đó. Điều thứ ba chính là một niềm tự hào không lay chuyển được về cội nguồn của mình. Trước khi làm bất cứ việc gì, tôi cũng nghĩ về đất nước đã sinh ra mình. Và tôi cũng biết rằng dù tôi làm bất cứ việc gì, họ cũng nhìn vào đó và phán xét. “Cô gái đó là ai?” – “Vẫn da vàng, vẫn tóc đen”, đúng không? Niềm tự hào đó thôi thúc tôi thể hiện vượt trội ở bất kỳ công việc nào gắn với tên tôi. Khi bạn làm việc với đam mê và thể hiện xuất sắc thì sẽ có kết quả tốt. Và kết quả đương nhiên sẽ đem lại thành công. Vì thế tôi nghĩ 3 yếu tố đó là những lý do chính”.
Khi được hỏi về thời thơ ấu của mình, bà chia sẻ rằng có nhiều kỷ niệm đẹp nhưng cũng có những cơ cực, khó khăn. Bà sinh năm 1962 khi đất nước còn chiến tranh, có những năm nhà cửa tan nát hết. Cha của bà đã dạy bà đan những chiếc giỏ để bắt cá rồi phơi khô ăn dần. Khi dựng lại nhà, gia đình cũng không có tiền, vậy nên bà và các chị phải học cách xây từ các ông thợ, từ lát gạch đến quấy hồ. Rồi vài năm cuối của bà ở Việt Nam, ba bà chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn và mua một chiếc xe ô tô để chạy xe buýt. Lúc đó dù còn bé, bà đã phải dậy từ 5 giờ sáng, theo ba đi bán vé xe, rồi đến 1 giờ chiều lại đến trường đi học. Gian nan, vất vả là thế nhưng chính quãng thời gian đó đã hun đúc cho bà một tính cách cứng rắn và độc lập, và một tấm lòng biết cảm thông, san sẻ với những số phận kém may mắn hơn. Bà cho rằng 12 năm đầu đời đã định hình con người mình, và bà luôn cảm ơn cha vì đã dạy bà những điều cơ bản của một con người.
Giáo dục là chìa khóa
Bà Lê Duy Loan là con thứ 7 trong một gia đình có 6 người con gái và 3 người con trai. Sinh nhiều con gái ở một nơi mà hồi đó thường chỉ có con trai mới được học cao, ông Lê Thiên Thanh, cha bà Duy Loan vẫn nuôi những ước vọng lớn. Có lần ông nói với đứa con 6 tuổi của mình rằng: “Duy Loan à, sau này con sẽ là kỹ sư, còn hai chị của con sẽ là bác sỹ và luật sư”.
Những lời dạy bảo và cách giáo dục của cha đã nuôi dưỡng trong bà những khát vọng và ước mơ. “Tôi đã đã từng sống một cuộc sống mà tôi chắc rằng cũng như các bạn thôi, có những điều, có những khoảnh khắc, có những sự kiện không thể nào quên được. Tôi rất may mắn khi được sinh ra ở Việt Nam, và 12 năm đầu đời ở Việt Nam gần như định hình con người tôi. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi có lẽ là ngày tôi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp tiểu học. Mùa hè năm đó, cha tôi gần như bỏ tất cả mọi thứ để trông chừng tôi học.
Đến lúc thi, ngày nào ông cũng đứng ngoài phòng thi chờ tôi ra và hỏi: “Sao con, con có làm được không?” Khoảnh khắc đó luôn luôn ở trong tâm trí tôi. Thông điệp của nó chính là giáo dục rất quan trọng. Giáo dục là thứ cho ta khả năng thoát khỏi đói nghèo. Điều đó mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên. Cha tôi rất bận, ông cũng phải kiếm sống, nhưng ông đã bỏ tất cả chỉ để ở nhà trông tôi học, vì vậy tôi nhất định phải làm tốt…. Đặc biệt ở một đất nước chưa phải giàu có như Việt Nam, giáo dục còn đóng một vai trò quan trọng hơn. Vì cha mẹ tôi đã sống qua thời kỳ đói khổ, họ không muốn con cái của mình cũng phải sống trong cảnh đó. Họ biết rằng chỉ có giáo dục mới giúp con họ thoát khỏi vòng tròn đó”.
Bà Duy Loan luôn có niềm tin mạnh mẽ vào giáo dục. Theo bà, giáo dục sẽ giúp những em bé sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ những người kém may mắn hơn. “Có đôi khi cuộc đời lấy đi của chúng ta nhiều thứ nhưng không thể lấy đi kiến thức trong bộ não của chúng ta được. Nhưng chúng ta phải nhớ một điều giản dị là giáo dục bao gồm cả việc học kiến thức lẫn đào tạo nhân cách, đạo đức”.
Theo bà Duy Loan, không có gì đáng sợ bằng một người thông minh, tài năng mà không có trái tim. Vậy nên có nhiều khi bà thường chia sẻ với những bạn nghiên cứu sinh rằng: 10 bằng tiến sỹ cũng không quan trọng bằng 5 chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Thành lập tổ chức từ thiện, trao hơn 15.000 học bổng cho học sinh Việt Nam
Dù hiện tại đang lái những chiếc xe hơi đắt tiền, ăn những bữa ăn ngon, song cái kết viên mãn này lại có khởi đầu từ vạch số 0. Vì thế công việc xã hội giúp bà không quên rằng trước kia bà cũng chẳng hơn gì lũ trẻ nghèo khó ở quê hương, và nhận quá nhiều rồi thì cần phải tìm cách để trả lại cuộc đời.
Năm 2002, bà Duy Loan cùng một số người bạn thành lập tổ chức Sunflower Mission (SM), tượng trưng cho Hy vọng, Niềm tin và Ánh sáng. Lúc thành lập SM, bà đặt mục tiêu trong 10 năm gây dựng được quỹ 1 triệu đô, giúp xây được 100 lớp tiểu học, trao 10,000 học bổng cho các em ở những vùng nghèo nhất ở Việt Nam. Tính đến năm 2015, SM đã xây được 144 lớp học và trao hơn 15.000 học bổng mà trong đó 388 em đã tốt nghiệp đại học.
Hàng năm SM tổ chức một buổi trao học bổng ở Đà Nẵng và Sài Gòn, cha mẹ của những em xuất sắc nhất sẽ được mời đến tham dự cùng. Trong buổi đó, không chỉ trực tiếp bay về Việt Nam, bà còn mời một vài người bạn bà là CEO hay giám đốc điều hành của các cong ty nổi tiếng cùng tham gia giao lưu. Chưa nói ở Việt Nam, ngay cả các em học sinh Mỹ muốn có cơ hội gặp CEO của một tập đoàn lớn cũng không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên bà cố gắng thuyết phục những người đó tham gia cùng SM vì bà muốn cho các em học sinh nghèo ở Việt Nam thấy những người thành công thực sự, bằng xương bằng thịt. Và từ đó, các em sẽ nuôi dưỡng đam mê, khát khao, dám ước mơ và dám theo đuổi.
Dù luôn xuất hiện với trang phục đơn sắc tối giản và thành lịch, nhưng bà luôn luôn thu hút bởi lối diễn đạt trực diện đi thẳng vấn đề, sự hài hước và khả năng tối giản những vấn đề cực kỳ phức tạp. Không chỉ là một phụ nữ tài năng, bà Duy Loan còn để lại cho cuộc đời trái tim ấm áp và tấm lòng cao đẹp cùng những giá trị đạo đức truyền thống không mai phờ theo thời gian.
Xem thêm:
(Nguồn ảnh: denonvn.wordpress.com)
Đinh Quân (TH)