Đại Kỷ Nguyên

Ba bao gạo mốc xanh của người mẹ tật nguyền và tình yêu thương vô bờ bến dành cho con trai

Bước chân tập tễnh, chị vác trên vai bao tải gạo, đây là phần ăn của con trai trong tháng này. Chị đã rất vất vả mới có được chỗ gạo này. Dù tật nguyền, nhưng không điều gì làm người mẹ này thôi cố gắng để cho con được đến trường. 

Cuộc sống với nhiều người không phải là những ngày êm đẹp, dễ dàng nối tiếp nhau. Sinh ra ở miền quê nghèo, chị lập gia đình từ khi còn trẻ. Nhưng vợ chồng chị chỉ có một đứa con trai nên anh chị thương con, dành hết tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc cho cậu bé. Tuy nhà nghèo, nhưng cả hai chăm chỉ làm ăn, không bao giờ để con bị đói, bị rét. Và đặc biệt hai người luôn tâm niệm: Phải cho con trai đi học, không phải để con lớn lên tranh hơn thua với đời. Mà đi học là để biết phân biệt phải quấy, biết tổ chức cuộc sống, công việc sau này. Đi học là để học những thứ anh chị không thể dạy con mình. 

Nhưng rồi vì bệnh tật, chồng chị đã ra đi bất ngờ khi con trai đến tuổi tới trường. Nhà vốn đã nghèo, trước đây còn anh, chị còn có người để sẻ chia gánh nặng. Dù có nghèo, nhưng hai vợ chồng thương nhau, cùng nhau làm lụng. Vất vả thì vất vả nhưng chị cảm thấy có điểm tựa để cảm thấy vững tâm. Tuy nhiên, cuộc sống là thế, đến định số thì phải chia ly. Chị hiểu vậy nên cam lòng nén nỗi đau ấy vào trong để lo cho con trai ăn học. 

Ngày ngày, chị chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng nhỏ, tài sản lớn nhất của hai mẹ con. Thời gian trống, chị lại xin đi làm mướn cho mấy nhà giàu trong làng. Sự chăm chỉ ấy là để đổi lấy những bữa cơm no và tiền sách vở cho con. Với chị, cậu bé là ý nghĩa, là động lực lớn nhất. Không nghĩ đến tương lại và hạnh phúc của con, chị không đủ dũng cảm để thức dậy mỗi ngày. 

Dù vất vả ra sao, mẹ vẫn sẽ cố gắng vì con (Ảnh minh họa: sparkling)

Thật may mắn, con trai chị là một cậu bé nhạy cảm. Con hiểu chị vất vả thế nào, nên dù không hay nói những lời ngọt ngào như “con yêu mẹ” nhưng cậu luôn nỗ lực trong học tập. Năm nào em cũng đem về cho mẹ bằng khen. Trong ngôi nhà rách nát của hai mẹ con, bức tường dán kính những mảnh giấy khen là nơi chị tìm thấy nhiều nhất sự bình an. Những tờ giấy khen cho chị thêm tin tưởng, con có thêm một chút vốn liếng để tự lo cho mình, khi chị không còn có thể đồng hành cùng con. Phải chăng đây là nỗi lòng chung của tất cả những bà mẹ trên cõi đời này. Họ đến thế giới là để nuôi nấng và bảo vệ con, khi chúng non nớt nhất.

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”.

Đây là câu hát mà mỗi lần thấy chị buồn, con lại khe khẽ hát. 

Cuộc sống trôi qua, chị vẫn tiếp tục nỗ lực mỗi ngày. Sự biếng nhác, mệt mỏi không bao giờ có chỗ trong tâm hồn chị. Nhưng đến một ngày, chị ngã bệnh. Căn bệnh quái ác ấy khiến chị trở thành một người tàn tật. Đôi chân chị không thể bước đi bình thường được nữa. Chị chỉ còn có thể bước đi tập tễnh, khó nhọc. Từ nay, chị không thể ra ruộng làm việc, càng không thể đi làm mướn cho người ta. Ngồi trên giường mà đầu chị nặng trĩu âu lo. Chị sẽ làm gì để nuôi con. 

“Mẹ ơi, con vừa có giấy báo con đỗ trường cấp ba trên huyện rồi đó mẹ”. Con trai ùa vào lòng chị, đôi mắt sáng lên. Con đưa chị tờ giấy báo trúng tuyển.

Chị đón tờ giấy từ tay con. Hai hàng nước mắt ùa ra, chị không kịp giữ. Chị khóc vì con trai đã cố gắng rất nhiều mới có được kết quả này. Và chị cũng khóc vì sợ, vì lo lắng.

“Mẹ à, con sẽ không đi học nữa, con sẽ ở nhà làm ruộng, sẽ lao động để nuôi mẹ”, con trai chị quả quyết.

Câu nói của con như lôi chị ra khỏi sự tuyệt vọng. Con không thể không đi học nữa. Dù điều gì xảy ra, con vẫn phải tiếp tục đến trường. Suy nghĩ ấy khiến chị phút chốc bình tâm lại. Chị gạt nước mắt, nhìn con dịu dàng:

“Con trai à, con vẫn phải đến trường. Mẹ có thể lo được cho con. Con có biết, con là động lực lớn nhất để mẹ dũng cảm mà sống tiếp không?”

Nghe thấy vậy, con trai chị chỉ cúi đầu. Cậu bé hiểu điều đó rõ hơn ai hết. Nhưng đi học trên huyện đâu phải là chuyện dễ dàng. Học phí thì cao mà mỗi tháng cha mẹ đều phải nộp cho trường 15 cân gạo. Đó sẽ là lương thực của mỗi học trò. Cậu nài nỉ mẹ cho nghỉ học, nhưng rồi nhìn ánh mắt kiên định của mẹ, cậu biết mình phải đến trường. 

***

Ngày muộn nhất của kì nộp gạo đã đến. Trong hành lang, một người phụ nữ nhỏ thó đang khó nhọc vác một bao tải đã ngả màu tiến vào phòng cân gạo. 

“Sao chị đến muộn thế?” Thầy giáo hỏi người mẹ thọt bằng giọng khó chịu. 

“Tôi xin lỗi, giờ tôi mới có đủ số gạo mà nhà trường yêu cầu”. 

Thầy giáo ném cho chị một cái nhìn lạnh lùng rồi mở bao tải để kiểm tra. Khi miệng túi mở ra, thầy giáo đã nhăn mặt, tỏ vẻ khó hiểu. 

Gạo trộn lẫn rất nhiều loại và đã bị mốc một phần (Ảnh minh họa: gaodeo)

“Sao lại có đủ thứ gạo trong này thế này? Chị có biết đây là gạo mà con chị sẽ ăn không? Chị nghĩ chúng tôi có thể nấu một nồi cơm tử tế với số gạo thập cẩm từ gạo lứt đến gạo mốc này sao?”

“Tôi xin lỗi, mong thầy nhận cho”.

Thầy giáo nhìn chị với ánh mắt như trách cứ rồi cũng nhận lấy bao gạo. Chị chưa kịp đi khuất đã nghe thấy tiếng thở dài:

“Sao lại có người mẹ như vậy”. 

Tháng thứ hai, tình huống không có gì thay đổi. Nếu có, cũng chỉ là thái độ của thầy giáo có phần nạt nộ và bất bình hơn trước mà thôi. Nhưng cứ một lần thầy lớn tiếng, là một lần người mẹ ấy nuốt nước mắt vào trong, cúi đầu thấp hơn. Rồi lại lặng lẽ ra về. Và chỉ đến sau khi khuất khỏi cổng trường, chị mới cho phép mình bật khóc. 

Lòng mẹ biết mình đang làm gì, điều đó khiến mẹ không tủi hổ mà sẵn sàng bước tiếp (Ảnh minh họa: Zing)

Nỗi tủi hờn dường như theo dòng nước mắt chảy ra ngoài. Khi nỗi lòng đã nguôi ngoai, chị lại lau khô mặt mũi, mỉm cười với mình, mỉm cười với con trai đang hăng say học tập trong ngôi trường phía xa kia. Chị lại tiếp tục lên đường. 

Trời mưa sập sùi suốt mấy ngày nay. Chị lo lắng không biết làm sao với bao gạo sẽ đem nộp cho trường. Mà cũng đến gần cuối tháng rồi mà cái bao mới chỉ đầy một nửa. Chị lấy cái áo mưa cuối cùng trong nhà ra, chằng buộc thật kĩ, lấy cái nón lá cũng sờn nát lắm rồi che lên trên chốc, lòng thầm ước, bao gạo không bị dính mưa.

“Trời đất ơi, chị làm mẹ kiểu gì vậy, gạo không đủ cân lại còn mốc hết sạch thế này?”

“Tôi xin lỗi… tôi không cố ý.., chỉ vì trời mưa quá?”. Người mẹ tội nghiệp run bắn người trước tiếng quát của thầy quản gạo. Chị hơi sững người, nhưng đã kịp nắm chặt đôi tay, đầu cúi thấp. Chị đang ngăn dòng cảm xúc của mình. 

“Có chuyện gì thế?” Một giọng nói trầm ấp vang lên. Thầy hiệu trưởng nghe thấy tiếng quát lớn nên đi vào. 

“Chị phụ huynh này nộp gạo thiếu lại còn mốc hết sạch. Tôi bức qua nên phải hỏi cho ra nhẽ”

Thầy hiệu trưởng nhìn người mẹ chăm chú, rồi ông hỏi chị:

“Chị này, có chuyện gì với số gạo này vậy? Là gia đình chị đang gặp khó khăn gì sao?”

Nghe xong câu hỏi, người mẹ ngồi sụp xuống đất. Chị không kìm nén được cảm xúc và sự bất lực của mình trước lời hỏi thăm ân cần. 

“Số gạo ấy là do tôi đi xin ăn, gom góp bao ngày. Cả hai bao tải gạo lần trước cũng kiếm được bằng cách này. Từ khi cái chân đổ bệnh, tôi cũng không thể làm ruộng, không thể làm thuê. Dạo này trời mưa quá, tôi không đi xin được nhiều. Số gạo này tích cóp từ đầu tháng đến giờ. Tôi đã cố che chắn rồi nhưng…”, nói đến đây thì chị không thể tiếp lời.

“Tôi hiểu rồi, xin mời chị ra bàn đằng kia, tôi muốn biết thêm về hoàn cảnh gia đình chị”.

“Tôi xin lỗi, tôi sẽ đưa số gạo này vào kho”, trước khi người mẹ đi cùng thầy hiệu trưởng, thầy quản gạo đã vội nói lời xin lỗi với chị. Chị không nói thêm gì chỉ cúi đầu cảm ơn rồi đi cùng thầy hiểu trưởng. 

***

Năm đó, con trai chị làm lễ tốt nghiệp. Cậu bé đứng thứ 5 toàn trường.

Cuối cùng con trai chị đã tốt nghiệp. Cậu bé đứng thứ 5 toàn trường. (Ảnh minh họa: pktkd.dlu)

Theo thông lệ, ba người đứng đầu sẽ thực hiện nghi lễ cúi đầu để cảm tạ công ơn của cha mẹ. Nhưng trong buổi tổng kết, toàn trường đều bất ngờ vì có bốn chiếc ghế trên sân khấu. Con trai của chị còn bất ngờ hơn khi nhìn thấy người mẹ khập khiễng của mình trên  sân khấu. 

“Hôm nay, buổi lễ của chúng ta có một ngoại lệ. Sẽ không chỉ có ba người đứng đầu đại diện cho học sinh toàn trường làm lễ cúi đầu, rửa chân cho cha mẹ. Sẽ có bốn học sinh làm việc này. Xin hãy để tôi giải thích. 

Có một người mẹ dù chỉ có một mình, không còn chồng làm điểm tựa, không còn sức lao động để cày ruộng hay đi làm thuê, làm mướn. Nhưng người mẹ ấy vẫn kiên quyết tự nuôi con mình ăn học. Chị đã đi xin ăn. Dù mỗi bước chân đi đều đau buốt, nhưng người mẹ ấy vẫn đi khắp nơi để xin đủ 15 cân gạo cho con mình được học mỗi tháng”. 

Trên sân khấu, ba bao tải dạo được đặt ngay ngắn gần nơi người mẹ ngồi. Con trai chị đã hiểu ra tất cả. 

“Thật may mắn, đứa con của chị đã không phụ công của mẹ. Chàng trai ấy đứng thứ 5 toàn trường. Và chúng tôi muốn dành cho cậu bé một cơ hội để cảm ơn mẹ mình”. 

***

Con trai đỡ lấy bàn chân nhỏ nhưng thô ráp của chị, nhẹ nhàng rửa sạch, nhẹ nhàng lau khô. Lúc rửa, con trai không nói gì, chị sợ lắm. Sợ con giận chị vì chị đã giấu con nhiều điều. Nhưng khi cậu bé ngẩng mặt lên, chị thấy mắt con đỏ hoe. Cậu bé đặt chiếc chậu sang bên cạnh rồi ôm lấy người mẹ bé nhỏ vào lòng. 

Mẹ đã làm tròn nhiệm vụ của mình. (Ảnh minh họa: hinhhddep)

Bên dưới mọi người vỗ tay rất nhiều nhưng chị vẫn nghe rõ từng lời con nói:

“Mẹ của con, con sẽ không bao giờ dám làm người xấu, không bao giờ dám biếng nhác, không bao giờ dám bỏ cuộc dù có vì bất cứ lý do gì. Nếu không con sẽ là đứa con bất hiếu nhất trên cuộc đời này”.

Chị ôm lấy đứa con trai bé bỏng: “Nghe những lời này của con, mẹ biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ của cuộc đời mình”. 

 

Video xem thêm: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm.

 

Exit mobile version