Đại Kỷ Nguyên

Ấn tượng hai miền Nam – Bắc Việt Nam qua cái nhìn của khách Tây

Matthew Pike – một nhà văn đến từ Canada từng dừng chân ở Sài Gòn và du lịch nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam đã chia sẻ những cảm nhận của mình về sự khác biệt trong cuộc sống của người dân hai miền Nam – Bắc.

Ẩm thực đường phố

Ấn tượng của Matthew về ẩm thực người Việt là hình ảnh những gánh hàng ăn trên vỉa hè với đủ các món bún phở, cháo súp hay đồ ăn vặt… phục vụ cho hàng triệu người mỗi ngày.

Ở miền Nam, những người chủ quán thường sử dụng xe đẩy, quầy hàng di động để thuận tiện di chuyển và… dễ chạy khi bị công an đuổi. Còn miền Bắc, người dân vẫn giữ nét truyền thống sử dụng quang gánh với thúng, mẹt bằng tre để bán hàng rong ngay trên vỉa hè của thành phố.

Ngôn ngữ

Tiếp xúc với người dân ở nhiều vùng miền, nhà văn trẻ nhận ra, dù Tiếng Việt là ngôn ngữ chính nhưng mỗi vùng miền lại có cách phát âm khác nhau, tạo thành nhiều kiểu tiếng địa phương đặc sắc.

Không chỉ ngữ âm, người dân 3 miền Bắc – Trung – Nam còn sử dụng nhiều từ, cụm từ khác biệt. Thậm chí, người vùng này không thể nghe hiểu được hết tiếng của vùng miền khác. Lời khuyên của Matthew dành cho những người muốn học tiếng Việt là: “Hãy tìm hiểu kỹ giọng điệu của mỗi miền và lựa chọn ngôn ngữ bạn yêu thích để học”.

Mùa mưa

Mùa mưa ở Việt Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và việc nhiều tuyến đường giao thông trong thành phố lớn bị ngập bởi nước mưa không phải điều quá xa lạ.

Theo Matthew, các trận mưa ở miền Nam thường không có giông gió báo hiệu, mưa to đến bất ngờ nhưng chỉ kéo dài khoảng 1 giờ rồi tạnh ngay. Còn ở miền Bắc, trước những cơn mưa sẽ nổi gió lớn, có sấm chớp và mưa dai dẳng có thể kéo dài cả ngày hoặc nhiều ngày.

“Và những tháng này không phải là thời điểm tốt nhất để đi du lịch ở Việt Nam”, Matthew Pike cho biết. (Ảnh: Theculturetrip)

Cà phê

Sống ở Sài Gòn, chàng trai người Canada nhận ra dân Sài thành rất ưa chuộng cà phê sữa đá. Nguyên liệu để pha cà phê kiểu Việt khá đơn giản. Chỉ là cà phê thô rang xay cất lấy nước cốt rồi kết hợp cùng sữa đặc, đường cát, vậy mà đủ để tạo ra món đồ uống có hương thơm ngào ngạt.

Người Sài Gòn yêu thích cà phê sữa đá, còn người Hà Nội lại thích trà đá vỉa hè. (Ảnh: Theculturetrip)

Khác với Sài Gòn, người miền Bắc thích uống trà hơn, thói quen này có ảnh hưởng từ văn hóa Trung hoa. Những quán trà đá vỉa hè là hình ảnh quen thuộc ở khắp ngóc ngách Hà Nội.

Bữa ăn hàng ngày

Người miền Bắc thích bún, phở, mì… hơn cơm. Vì vậy, món phở truyền thống, bún chả, bún riêu nổi tiếng… đều bắt nguồn từ miền Bắc. Miền Nam lại là nơi sản xuất nhiều gia súc, gia cầm, gạo và hoa quả hơn nhờ khí hậu nắng ấm và diện tích đất nông nghiệp rộng lớn.

Matthew nói: “Hầu hết ở khắp nơi, mọi người đều chọn ăn bún, mì, phở cho bữa ăn sáng. Vào những bữa ăn khác trong ngày, người Việt thường ăn cơm cùng cơm, thịt lợn, hải sản, trứng, rau củ…”. (Ảnh: Amthuc365)

Thời trang

Cũng theo nhà văn trẻ, trang phục và phong cách ăn mặc giữa hai miền cũng không hề giống nhau.

Nếu như dân miền Nam mang phong cách phóng khoáng, bắt mắt với những bộ quần áo hở bạo, quyến rũ thì người miền Bắc lại kín đáo, tinh tế và tiết chế hơn trong phong cách ăn mặc. Sự khác nhau về khí hậu và văn hóa đã tạo nên đặc điểm trang phục đó. Bạn có thể tìm thấy nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại bày bán đồ các thương hiệu lớn trên thế giới ở Tp. HCM, nơi đây được xem là “kinh đô” thời trang của Việt Nam.

Đồ ăn nhanh

Khi ở Sài Gòn, Matthew thấy người dân nơi đây rất thích đồ ăn nhanh kiểu Mỹ. Anh dễ dàng tìm thấy những thương hiệu nổi tiếng như gà rán KFC, Popeye’s, Lotteria, Burger King hoặc Mc.Donald’s trên các con phố ở trung tâm.

Chuỗi thức ăn nhanh này cũng có ở miền Bắc, nhưng số người sử dụng thấp hơn nhiều so với miền Nam.

Nhu cầu tiêu thụ đồ ăn nhanh của mỗi miền rất khác nhau. (Ảnh: Theculturetrip)

Cuộc sống về đêm

Đến Sài Gòn, nhà văn người Canada thấy rất nhiều quán bar và câu lạc bộ mở cửa cả đêm, ví dụ như phố Tây Bùi Viện. Những quán ăn đông đúc khách nhậu vào đêm khuya đem đến một Sài Gòn náo nhiệt, sáng rực. Tuy nhiên, khi ở Hà Nội, Matthew lại thấy một không khí hoàn toàn khác. Người dân nơi đây thường gặp nhau ngay sau giờ làm việc, cùng nhau ăn uống nói chuyện trong khoảng 2-3 tiếng rồi vội vã trở về nhà trước 11 giờ đêm.

Hà Nội thích hợp hơn với những người thích tận hưởng sự yên tĩnh. (Ảnh: Theculturetrip)

Điểm du lịch

Sau khi “du hý” khắp nơi trên đất nước Việt Nam, nhà văn trẻ khuyên mọi người nếu muốn khám phá cả thiên nhiên lẫn lịch sử thì nên đến miền Bắc. Nơi đây có những địa điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Tràng An – Ninh Bình hay những cung đường phượt quanh co tuyệt đẹp trên những vùng núi cao Tây Bắc sẽ khiến bạn vô cùng thích thú.

Nếu muốn được đắm mình trong bầu không khí đầy nắng, gió của những bãi biển đẹp thì miền Nam với Nha Trang, Vũng Tàu hay các khu nghỉ dưỡng ở Đà Lạt… là địa điểm bạn nên đến.

Khắp đất nước Việt Nam là những địa điểm du lịch đáng trải nghiệm. (Ảnh: Theculturetrip)

Hoài Phương 

Exit mobile version