Đại Kỷ Nguyên

Ám ảnh những phận già cô đơn, sống tủi hờn trong trại phong bỏ hoang ở Hà Nội

Ám ảnh những phận già cô đơn, sống tủi hờn trong trại phong bỏ hoang ở Hà Nội

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Giữa một ngọn đồi xanh ngát xanh, có một dãy quét vôi vàng cũ kỹ lặng lẽ nằm đó đã từ hơn nửa thế kỷ. Căn nhà và mảnh đất ấy là chốn dừng chân cuối cùng của những mảnh đời bất hạnh, những người bị người khác tránh xa, ghẻ lạnh và kỳ thị vì căn bệnh mà họ phải mang suốt cuộc đời.

Căn nhà lặng lẽ ấy là trại phong Đá Bạc thuộc địa bàn xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là nơi cư ngụ của những con người không được xã hội chấp nhận, những bệnh nhân mắc bệnh phong, căn bệnh cứ ăn mòn dần thân thể và cả hạnh phúc của một đời người.

Trại phong nhỏ giữa núi đồi bao la.

Trước năm 2013, trại phong này là một cộng đồng nhỏ của những người mắc phong, với 100 bệnh nhân, cùng cả các bác sĩ và y tá. Dù phải sống biệt lập với thế giới bên ngoài, đồng thời phải hứng chịu sự kỳ thị của những người dân địa phương, nhưng khi ấy, cuộc sống trong trại phong còn có phần dễ chịu. Bởi những người bệnh được sống cùng nhau, sống cùng những người có lòng cảm thông. Mỗi người cũng vì thế mà cảm thấy cuộc đời bớt đi những nỗi cô đơn, tủi phận.

Nhưng năm 2013, trại phong phải rời đi nơi khác, các bệnh nhân trong đó cũng theo đó mà tứ tán khắp nơi. Người theo trại đến địa điểm mới, người theo con cháu về nhà, người thì cậy nhờ họ hàng mà đi tìm một trại phong khác. Duy chỉ có 10 người vẫn xin được ở lại nơi này, dù họ biết, những tháng ngày sau đó sẽ thật khó khăn.

Cụ Oanh, một trong những người cuối cùng xin được ở lại cùng Đá Bạc.

Nhưng không ai trong số 10 con người ấy muốn rời mảnh đất này. Có những người đã gắn bó với Đá Bạc từ lúc mới xây, có người đã dành cả tuổi thanh xuân của mình ở đây và giờ đã là gần cả cuộc đời. Ai cũng có một lý do thầm kín để lựa chọn không rời xa chốn bình yên xanh ngát này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do khu nhà quá xuống cấp, trần nhà đã quá dột nát, mỗi lúc trời mưa, sàn nhà cũng sũng nước như bên ngoài, nên nhiều cụ còn con cháu cũng trở về gia đình, đặc biệt là sau mỗi đợt mưa to gió lớn. Duy chỉ còn lại hai bóng hình bé nhỏ, không gia đình vẫn thủy chung, kiên nhẫn ở lại với mảnh đất này.

Cụ Liên, một trong hai người cuối cùng còn lại ở trại phong Đá Bạc.

Hai cụ một cụ tên Sợi, một cụ tên Liên. Cụ Liên năm nay đã ngoài 80 tuổi và vào Đá Bạc từ năm 1980. Còn cụ Sợi ít tuổi hơn nhưng lại là một trong những người đầu tiên gắn bó, phá bụi rậm làm đường đi cho những khu nhà này. Hai cụ giờ là hai người độc nhất lặng lẽ sống những ngày cuối cùng của mình trong cái u tĩnh của núi đồi và của những dãy nhà không người ở đã gần như thành hoang phế.

Cụ Sợi, người đã gắn bó với trại phong ngay từ những ngày đầu tiên và gần như cũng là hết cả cuộc đời.

Từ khi trại bị bỏ hoang, các bác sĩ, y tá không còn lui tới, hai cụ chỉ còn có thể nương vào nhau mà sống, cuộc sống lại quay về giống như ngày xa xưa, lúc con người còn sống theo kiểu tự cung tự cấp. Cụ Sợi lo chăm đàn gà để thỉnh thoảng có bữa cải thiện, còn cụ Liên gửi hy vọng của mình vào nơi giàn mướp cụ đã vất vả gây dựng, duy trì suốt ba năm. Những con vật và cây cỏ giờ là những người bạn duy nhất có thể mang tới niềm vui cho hai con người già cả mang thân hình và tâm hồn nặng những nỗi đau này.

Giàn mướp của cụ Liên.

Khi người ta đã già, miếng ăn, chỗ ngủ cũng không còn quá cầu kỳ. Nhưng điều mà người già và đặc biệt là những người già bị phong cần nhất vẫn là hơi ấm của tình người. Bởi cả đời đã sống thiếu tình thân, vì bệnh mà tha phương từ thủa còn xuân sắc, nên nỗi khao khát được quan tâm của hai cụ còn lớn hơn rất nhiều so với những thiếu thốn trăm bề trong cuộc sống hàng ngày.

Cái các cụ thiếu nhất không phải là cơm ăn, áo mặc mà là cái ấm áp của tình thân.

Cảnh núi đồi Sóc Sơn thanh bình là thế mà đôi khi cũng không thể xoa dịu được những vết thương nơi tâm người.

Vì bệnh mà thành những con người biệt xứ, mảnh đất này vì thế cũng thành quê hương

Khi được hỏi về lý do không rời trại phong, hai cụ đều nói rằng, mình đã quá gắn bó với nơi này, lại cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi nên không còn muốn thu vén hành lý để tới bất kì một nơi nào khác.

Các cụ ta ngày xưa vẫn có câu “an cư lạc nghiệp”, ý nói khi con người tìm được cho mình một mảnh đất để dừng chân, một nơi để gắn bó thì mới có thể toàn tâm, toàn ý mà xây dựng cơ đồ, xây dựng cuộc sống. Với người bình thường, một nơi để đi về, để cảm thấy an toàn, yên ổn, nơi mà người ta cảm thấy được chấp nhận, được yêu thương còn quan trọng đến thế, nói chi đến những người như cụ Sợi, cụ Liên, những con người chưa được hưởng mấy ngày hạnh phúc của cuộc sống thì đã phải nhẫn chịu những cơn đau, sự mất dần từng phần thân thể, cùng sự ghẻ lạnh, không chút xót thương của những người xung quanh.

Thế nên, khi về được với núi đồi Đá Bạc, được sống giữa những người cùng cảnh ngộ, âu cũng là một niềm hạnh phúc hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất trong cuộc đời không may mắn của mỗi người. Ở đó thời gian trước, tuy bệnh tật, đau đớn và kỳ thị lạnh lùng vẫn còn đó, nhưng ở trong khuôn viên nhỏ này, những người như cụ Liên, cụ Sợi vẫn còn tìm được cho mình những người để bầu bạn, những người để sẻ chia. Nhiều người còn có tìm được một tâm hồn đồng điệu để nên duyên vợ chồng. Mảnh đất ấy vì thế đã trở thành nơi duy nhất bao dung, chấp nhận các cụ như những con người.

Người bạn già đã về với con cháu, nhưng khi nhớ Đá Bạc, nhớ những người bạn cô đơn trên ấy, cụ lại nhờ con cháu cho lên chốn cũ.

Đó cũng là lý do sâu kín hơn cụ Sợi nhất quyết xin ở lại Đá Bạc: Không chỉ bởi nơi này đã cho cụ những tháng ngày yên ổn, hay cụ đã quá quen với nơi này, mà quan trọng hơn cụ muốn ở lại nhang khói cho những người bạn của mình. Đối với những ai đã từng bị hắt hủi, bị ghẻ lạnh, một tình bạn, một sự chia sẻ chân tình có lẽ đủ để làm ấm trái tim họ cho tới suốt cuộc đời.

Trong suốt bốn năm qua, trại phong Đá Bạc không phải lúc nào cũng tĩnh lặng, cũng u hoài, nặng một niềm tủi phận. Ở đó, vẫn có những ngày đầy nắng, những ngày mà các đoàn tình nguyện lên thăm hai cụ.

Các cụ tâm sự rằng ở đây, ngoài căn bệnh phong hủi ra, mọi người còn mắc thêm một căn bệnh khác – bệnh thèm người. Các cụ ở đây, ai cũng trông những đoàn tình nguyện lên nhưng không phải chỉ vì đồng quà tấm bánh các anh chị mang lên cho các cụ. Mà quan trọng hơn, đó là những ngày duy nhất, có ai đó nấu cho các cụ ăn, cùng ăn với các cụ… như một gia đình. Đó là những ngày hạnh phúc nhất, bởi một góc trời Đá Bạc vọng những tiếng cười, tiếng trò chuyện hỏi han, tiếng bát đũa lanh canh như một khoảng sân ở nơi quê nhà ngày giỗ, Tết. Nhộn nhịp, háo hức và đầy tình thân.

Họ ở đây cũng đã lâu lắm rồi, cái buồn tủi dường như cũng đang tan vào không gian, nhờ đó mà trái tim người nhẹ bớt.

Nhưng các anh chị tình nguyện cũng chỉ có thể mang một mảnh niềm vui tới với các cụ, chỉ có thể vá vào tấm áo hạnh phúc của các cụ một miếng vá nhỏ của nghĩa tình. Còn khi các anh chị ra về, lòng các cụ có lẽ lại mất đôi ngày nặng trĩu, rồi mới có thể trở lại hài hòa với cái lặng lẽ của nơi này.

Giờ đây, giữa núi đồi Đá Bạc sáng sáng người ta lại nghe thấy tiếng tụng kinh của cụ Liên trầm trầm vang trong không gian rộng lớn, và ở đầu hè, người ta lại nhìn thấy cụ Sợi thảy những nắm thóc nhỏ cho đàn gà và rồi về lại chiếc ghế gỗ đặt bên hiên, thả ánh nhìn của mình theo những mảng trời xanh, nhìn ngắm cuộc đời lặng trôi.

Ước mơ của hai con người ấy giản dị lắm, các cụ chỉ xin được ở lại với chốn này tới cuối cuộc đời, vì Đá Bạc giờ đã thành quê hương…

Hải Lam

(Nguồn ảnh: Dân Trí)

Video xem thêm: Câu chuyện 9 đôi giày của ông Vương

Exit mobile version