Đại Kỷ Nguyên

Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt (Phần cuối): Nặng tình xứ An Nam…

Mỗi căn nhà đều có dấu vết của con người cùng đồ vật gắn bó với những kỉ niệm. Mỗi thành phố luôn ẩn chứa trong nó bao nhiêu vết tích tàn dư của lịch sử. Hôm nay, lật lại từng trang ký ức đang dần bị lãng quên bởi thời gian, tôi muốn làm sống lại một con người, để chúng ta lại có dịp gọi tên ông thêm một lần, và rất nhiều lần nữa… Lịch sử đời đời nhớ đến ông – bác sĩ, nhà bác học Alexandre Yersin, không phải chỉ trong những trang giấy, mà còn trong cả trái tim những người ở lại.

Nếu bạn đã từng một lần được tiêm chủng, chích ngừa… hãy biết ơn người đã cứu mạng mình.

Nếu bạn đã từng được thưởng thức một ly cà phê hay ca cao nóng… hãy nhớ ơn người đã mang chúng về Việt Nam

Nếu bạn đã từng được ăn cà rốt, súp lơ, su su… hay ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa lay-ơn, cẩm tú cầu… đừng quên người đã trồng nên chúng…

Đón xem: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4

***

Không chỉ là ân nhân của người Việt mà bác sĩ Alexandre Yersin còn là ân nhân của cả nhân loại. Biết bao trái tim thương mến và kính trọng dành cho ông – con người chỉ lặng lẽ sống và làm việc để cho đi chứ không mong nhận lại…

Một cuộc đời bình dị mà cao cả

Ở tuổi 27, giữa lúc đỉnh cao sự nghiệp trong môi trường học thuật đỉnh cao ở Paris, Alexandre Yersin đã quyết định từ bỏ tất cả. Người thân, bạn bè, cho đến những ai biết đến danh tiếng của vị bác sĩ trẻ xuất sắc, đều ngạc nhiên trước quyết định này của ông, ngoại trừ Louis Pasteur. Từng là thầy, đồng nghiệp của Yersin, Pasteur hiểu rằng, chàng trai trẻ này không lấy thước đo sự nghiệp, danh vọng xã hội làm chuẩn mực cho cuộc đời mình, càng không màng người đời vinh danh tưởng thưởng mình ra sao. Anh ta chỉ quan tâm đi tìm sứ mệnh cuộc đời.

Và Alexandre Yersin đã tìm được gì? Chẳng có gì cả ngoài những khó khăn, túng thiếu ở xứ Đông Dương nghèo nàn, và đối đầu với nhiều thứ bệnh dịch nguy hiểm.

Yersin làm việc như một nhà bác học nhưng vẫn sống thầm lặng, bình dị như chính những người dân chài ở xóm Cồn (Nha Trang). Và ở cái xóm nghèo ấy, người ta không biết đến huyền thoại sống Alexandre Yersin – người đã đẩy lùi “cái chết đen” cho nhân loại – chỉ biết đến một vị bác sĩ Pháp tốt bụng, yêu quý trẻ con và nặng lòng với dân nghèo.

Yersin làm việc như một nhà bác học nhưng vẫn sống thầm lặng, bình dị như chính những người dân chài ở xóm Cồn. (Ảnh tư liệu)

Có một giai thoại về ông được kể lại như sau:

Vào năm 1922, khi Alexandre Yersin đã rất nổi tiếng, nhưng ông vẫn bị bồi bàn trên tàu cấm cửa phòng tiệc vì thấy ông bận bộ kaki hở cổ và nhàu nhĩ. Họ yêu cầu ông phải thắt cà vạt mới được vào. Lặng lẽ quay ra, ông gắn chiếc huân chương Bắc đẩu bội tinh mà Chính phủ Pháp đã trân trọng trao tặng, đi vào bữa tiệc.

Một đám tang không điếu văn nhưng hàng ngàn người rơi lệ

Tấm lòng và việc làm của bác sĩ Yersin nhân ái đến mức khi ông mất, người dân Nha Trang đã xếp hàng dài từ Xóm Cồn bên bờ biển đến tận Suối Dầu trên núi để khóc, tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng! Họ còn kể lại, vào tối trước khi mất, bác sĩ Yersin vẫn cố xuống để lấy số liệu thủy văn, giúp họ đi biển.

Tôi để lại cho Viện Pasteur ở Đông Dương tùy nghi sử dụng các cơ sở do tôi xây cất, toàn bộ đồ đạc trong nhà tôi, tủ lạnh, máy thu vô tuyến, các máy chụp ảnh, kể cả toàn bộ thư viện của tôi … Tôi muốn các người giúp việc già và trung thành người Việt của tôi được nhận những món tiền trợ cấp trọn đời trích từ tiền lãi của phiếu gửi tiền có kỳ hạn do tôi gửi ở Ngân hàng Hong Kong, Thượng Hải có trụ sở đặt tại Sài Gòn, nhằm sử dụng cho mục đích này. Phiếu này do ông Gallois ở Suối Dầu giữ. Ông Jacotot hãy vui lòng phân chia số tiền cấp dưỡng trên cho những người giúp việc của tôi, gồm có: trước hết là Nuôi, Dung, Xê, kế đến là người làm vườn Trịnh Chi, Du, người săn sóc bầy chim của tôi, Chút, một trong số những người con của người giúp việc cũ của ông Gallois và sau cùng là cho tất cả những người thân cận nào của tôi được ông Jacotot cho là xứng đáng. Tôi mong được chôn cất đơn giản, không tổ chức đám tang rình rang lẫn đọc phát biểu…

(Trích di chúc của bác sĩ Alexandre Yersin)

Làm sao người ta có thể không khóc khi mà cho đến tận giây phút cuối đời, vẫn có một người đau đáu lo cho họ, và thậm chí còn không quên cả con của một người đã nghỉ việc.

Dù không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng Yersin đã xem Nha Trang như quê hương không thể rời xa. Và những người giúp việc, dù không phải máu mủ ruột già, nhưng ông đã xem như người thân thích. 

Alexandre Yersin – người Pháp thương Việt Nam và yêu Nha Trang như chính ngôi nhà của mình! (Ảnh tư liệu)

Những lời dặn dò trước khi nhắm mắt (với ông Bùi Quang Phương) “Phương ơi, đừng cho người ta mang tôi đi chôn nơi khác, tôi muốn được ở lại Suối Dầu, Nha Trang…” đã khiến biết bao người không thể cầm lòng mà rơi lệ – Một người Pháp thương Việt Nam và yêu Nha Trang như chính ngôi nhà của mình!

Ông được chôn cất theo đúng ý nguyện. Thi hài ông nằm sấp, đầu quay về biển như muốn ôm trọn mảnh đất Khánh Hòa vào lòng mình. Đám tang lặng lẽ không điếu văn, nhưng rất đông người vẫn tìm đến tiễn đưa. Đoàn người đưa tang dài đến hơn ba cây số. Họ quấn khăn tang, lập bàn thờ bên đường, đưa ông về chốn an nghỉ ngàn thu.

Mấy ngày sau đó, cả Nha Trang không một chiếc ghe nào ra khơi. Chỉ có những giọt nước mắt, những tiếng khóc của những người đã từng được ông cưu mang…

Một trái tim không bao giờ chết luôn ở lại đất Việt

Có một câu chuyện rất đặc biệt rằng, trong những năm chiến tranh, nơi bác sĩ Alexandre Yersin yên nghỉ ở vùng núi rừng Suối Dầu, tỉnh Khánh Hòa là chiến địa rất ác liệt, thường xuyên bị oanh tạc và cài mìn dày đặc. Tuy nhiên, mộ phần của ông không bao giờ bị trúng một viên đạn, trái bom nào. 

Người ta nói rằng, tất cả mọi người, dù là binh lính của chiến tuyến nào cũng đều kính trọng bác sĩ Yersin. Không ai muốn đạn rơi bom nổ vào nơi ông yên nghỉ. Cũng có người nói, vì Yesin là thiên sứ Chúa gửi đến cho nhân loại nên Ngài đã che chở cho ông.

Mộ phần bác sĩ Yersin luôn được người dân nơi đây chăm nom (Ảnh tư liệu)

Còn một hình ảnh vô cùng xúc động nữa. Bất cứ khi nào thăm mộ bác sĩ Yersin ở Suối Dầu, Nha Trang, người ta luôn thấy có bó hoa tươi tắn được đặt bên nấm mộ, dù nơi ông yên nghỉ nằm hẻo lánh trên ngọn đồi rậm rạp, xa dân cư.

Nhà thơ Giang Nam gắn bó với Nha Trang tâm sự: “Đó chính là tấm lòng của những người dân bình thường nhất trao cho ông, có khi chỉ là nhánh hoa rừng của cậu bé chăn bò, cô nông dân làm rẫy gần đó. Không chỉ thời bình, mà ngay thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất cũng có hoa tươi trên nấm mộ ông do những người lính cả hai bên chiến tuyến hái đặt lên”.

Yersin đã ra đi nhưng trái tim vẫn còn ở lại mãi nơi này…

Trần Phong

Exit mobile version