Đại Kỷ Nguyên

8 câu chuyện thấm đẫm tình người gây xúc động cộng đồng mạng Việt Nam năm 2016, số 2 khiến trái tim bạn tan chảy

Năm 2016 Việt Nam khép lại với rất nhiều sự kiện, buồn cũng có, vui cũng có, mất mát cũng có mà yêu thương cũng có. Nhưng ở đâu đó, vẫn có những câu chuyện cổ tích thời hiện đại âm thầm, lặng lẽ, khiến ta thêm niềm tin vào tình người và sự cho đi vô điều kiện.

1. “Trò sống thì cô sống, trò chết cô cũng chết” – 4 cô giáo kiên trì bảo vệ 13 học trò nhỏ giữa dòng lũ lớn

Ngày 13 tháng 12 vừa qua, lũ lớn đã bất ngờ đổ về khu vực huyện Tuy An, xã Phú Yên cô lập 13 học sinh mẫu giáo cùng bốn cô giáo trong một lớp học tại Trường  An Hiệp, thuộc huyện Tuy An. Các cô giáo và 13 em nhỏ đã ở trong tình huống rất nguy cấp: nước dâng ngày một cao trong lớp học, bên ngoài dòng nước xiết khiến việc bơi ngược dòng để tiếp cận lớp học trở nên rất khó và nguy hiểm. Các cô giáo vừa động viên nhau vừa giữ bình tĩnh cho học trò. Không ai có ý định buông xuôi: “Chúng tôi kê bàn ghế, rồi đứng ở dưới để các trò một chân đứng lên vai chúng tôi, một chân đứng lên bệ cửa sổ. Cứ thế, nước ngập đến đâu thì chúng tôi kê cao lên thêm đến đó. Miễn sao các cháu không bị ướt và lạnh. Chúng tôi xác định thà cô chết chứ không để học trò chết”.

Cuối cùng, đáp lại sự cầu cứu, 4 thanh niên trẻ đã dũng cảm, ngược dòng nước lũ, bơi vào giải cứu các em nhỏ và các cô. Chỉ đến khi các học trò nhỏ an toàn trong vòng tay gia đình, các cô mới có thể an tâm để lo cho chính mình.


Chân dung 4 cô giáo dũng cảm dầm mình trong nước lũ suốt 5 tiếng để bảo vệ các em học sinh

Câu chuyện bảo vệ các em học sinh không quản đến an nguy của tính mạng của bốn cô giáo đã thực sự khiến mọi người cảm phục và trân quý tấm lòng của các cô. Những gì các cô đã làm không chỉ thể hiện trọn vẹn trách nhiệm của những người làm thầy, mà còn gói trọn tấm lòng thương trẻ như con. Không coi các em như con mình, hẳn rằng bốn người phụ nữ ấy sẽ không đủ dũng cảm để đương đầu với ranh giới sinh tử mong manh.

2. Chưa một lần làm mẹ, cô gái trẻ dũng cảm trở thành “mẹ” của một em bé không còn nhiều sự sống

Cuối tháng 6/2016, bức ảnh của bé tên Yến Nhi, ở xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai đã được lan truyền ộng rãi trên Facebook. Mọi người đều xót xa vì thân hình quá bé nhỏ của em. Lúc Nhi 4 tháng tuổi, mẹ em mất tích trong một lần đi chợ và mọi người tin rằng chị bị lừa bán qua biên giới. Hoàn cảnh túng bấn, vắng vợ, bố Yến Nhi chỉ biết lấy nước cơm bón cho con. Vì thế, cô bé tới 14 tháng tuổi chỉ nặng 3,5 kg. Em còn bị bại não, không nhận thức được gì, đặt đâu nằm đấy.

Là người hay tham gia các hoạt động thiện nguyện, biết đến hoàn cảnh của Yến Nhi, cô gái Lào Cai sinh năm 1992 Phạm Thị Thanh Tâm đã tìm tới tận nhà em, xin nhận nuôi em và đưa em đến bệnh viên để chữa trị.


Bé Yến Nhi những ngày đầu trong vòng tay mẹ Tâm

Thanh Tâm đã vượt qua tất cả sự phản đối của gia đình, sự bất đồng với bạn trai để cứu lấy sinh mệnh bé nhỏ đang cận kề cái chết. Chỉ trong vài tháng, với sự chăm sóc tận tình của người “mẹ” mới, mọi người thực sự không còn nhận ra bé Yến Nhi ngày nào nữa. Trên thân hình và khuôn mặt em, mọi người đã nhìn thấy sự sống, và nhất là  ai cũng cảm nhận được rằng em đang sống trong một vòng tay ân cần và đầy yêu thương.


Cô bé bụ bẫm dễ thương trong vòng tay ‘mẹ’

 3. Người xe ôm – Từ sự đồng cảm mà san sẻ những nỗi lo toan

Những lần chở quà cho một nhóm thiện nguyện và cùng họ phát quà cho các cháu nhỏ trong viện, bác Nguyễn Xuân Trường (58 tuổi, quê huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cảm nhận được cái khó khăn của các bệnh nhân nhí, cùng gia đình, khi phải rời quê lên chốn thành đô chữa bệnh. Cũng là một người thường xuyên phải vào viện chăm vợ ốm, bác Trường càng thấm thía nỗi vất vả của những bệnh nhân nhỏ tuổi và người nhà của các em. Sự đồng cảm đã khiến bác Trường quyết đinh, sẽ chở xe miễn phí cho các bệnh nhân nhí. “Chỉ cần có nhu cầu, hãy gọi cho tôi”, đó là câu nói gắn liền số liên lạc của bác, được mọi người truyền nhau trong khoa nhi của viện K Tân Triều. Đối với những vị khách đặc biệt này, bao giờ bác cũng dành sự ưu ái. 2 năm làm công việc thiện nguyện này, bác đã trở thành người bạn lớn của rất nhiều đứa trẻ.


Chân dung bác Trường, người đồng cảm với các bệnh nhân nhỏ

Bác Trường với những cuốc xe ôm miễn phí đã khiến rất nhiều người biết được câu chuyện cảm thấy ấm lòng: Sự sẻ chia không cần là những thứ to tát, cao siêu. Đó chỉ đơn giản là những điều ta có thể làm được cho người khác, trong khả năng của mình, với một ước nguyện chân thành, bằng hành động đó mà cùng san sẻ khó khăn với họ. Lòng tốt không hề khó cho đi. Trái tim đồng cảm sẽ  luôn có thể chỉ cho ta biết cần phải làm gì.

4. Thầy giáo trẻ bám rừng, nuôi ước mơ đi học của học trò nghèo

Thầy Nguyễn Quốc Thắng đã gắn bó với ngồi trường Tiểu học B An Hảo, nằm giữa núi đồi xã An Hảo tỉnh An Giang đã được hơn mười năm nay. Thầy về trường ngay khi tốt nghiệp CĐ Sư Phạm tiểu học (ĐH An Giang). Từ đó đến nay, thầy Thắng đã tân tụy đem con chữ tới cho các em nhỏ vùng núi. Nhưng đặc biệt nhất, với đồng lương ít ỏi của mình, thầy Thắng vẫn nhận nuôi bốn em nhỏ có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thầy mua sắm quần áo, sách vở cho các em, để các học trò này vẫn được tới lớp. Thầy giáo trẻ còn hàng ngày thổi cơm trưa cho các học trò của mình, mà không hề yêu cầu cha mẹ của các em đóng tiền.


Thầy Thắng tự tay nấu cơm trưa cho các học sinh

Mười năm bám rừng, mười năm vừa làm thầy, vừa làm “bảo mẫu” chăm cho bữa ăn, giấc ngủ buổi trưa cho các học trò nhỏ, mười năm từ chối mọi công danh để vẫn được đứng lớp, thầy Thắng đã mang tới cho mọi người niềm tin: các thầy cô vẫn không quên “sứ mệnh” thiêng liêng của mình, đem con chữ và tình thương tới với những tâm hồn thơ bé. Giúp các em lớn lên trong hiểu biết và yêu thương.


Thầy cũng tích cóp tiền, mua quần áo, sách vở cho các học trò

5. Người phụ nữ 10 năm ròng lặng lẽ chôn cất hàng vạn hài nhi

Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thi Nhiệm, cư trú tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Sau một lần đi chăm sóc người nhà, chứng kiến một ca nạo phá thai, bà Nhiệm cảm thấy rất day dứt trong tâm. Sau một hồi lưỡng lự, bà đã tới xin đưa hài nhi về nghĩa trang Đồi Cốc, nơi quê bà để an táng. Đó cũng là ngày bà bắt đầu công việc thầm lặng của mình. Hàng ngày, bà Nhiệm thường đến những phòng nạo phá thai để xin những hài nhi bé nhỏ còn đỏ hỏn mang về, rửa ráy rồi đặt các em trong những chiếc hòm nhỏ.


Bà Nhiệm lau rửa cho các em, bọc các em lớn trong nhiều lớp vải xô trước khi đặt các em vào quan tài

Trong mỗi chiếc hòm, bà đều cẩn thận đặt vào đó một bộ quần áo sơ sinh, để giúp các em bớt tủi thân và không thấy lạnh lẽo.


Hàng vạn những sinh không may mắn đã được bà Nhiệm chôn cất chu toàn

Ban đầu, bà Nhiệm mỗi ngày đón và chôn cất một vài hài nhi. Nhưng hiện nay, mỗi ngày bà đón nhận hàng chục thi hài nhỏ bé, cần đưa về với đất mẹ. Nghĩa trang Đồi Cốc giờ đây đã trở thành nơi an nghỉ của các hài nhi. Từ không hiểu bà, cho bà là gàn dở lúc ban đầu, nay nhóm thiện nguyện “Bảo vệ sự sống” của bà đã có cả chục thành viên. Bà con xung quanh dù không tham gia vào công việc, nhưng đều cố gắng , người góp gạch, người góp xi măng, để bà Nhiệm có thể xây cho các em nhỏ những mộ phần chắc chắn.


Bà Nhiệm cầu nguyện hằng ngày sau khi đã chôn cất các sinh linh bé nhỏ

Sinh ra được làm người là một cơ duyên vô cùng trân quý của mỗi sinh mệnh, nên trong tương lai sẽ không còn người mẹ trẻ nào quyết  từ bỏ con của mình, một sinh mệnh vô tội luôn ước ao nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời. Đó là những điều bà Nhiệm hằng ngày xin với Chúa của mình, sau khi cầu nguyện cho các linh hồn nhỏ tại Đồi Cốc được an nghỉ trong yên bình.

6. Ba “người hùng của những chiếc xe chết máy” trong triều cường Thành phố

Trong trận mưa lớn kỉ lục ngày 3 tháng 10 vừa qua, nhiều tuyến đường của thành phố Hồ Chí Minh đã bị ngập từ 50- 60cm, khiến nhiều xe mô tô rơi vào tình trạng chết máy, không thể lưu thông. Tại tuyến đường Phan Huy Ích,chiều đó, đã có ba chàng trai xuất hiện với bộ đồ nghề sửa xe và tấm bảng viết vội: “ Cứu hộ sửa chữa xe máy cho bà con, miễn phí” khiến những người đang vật lộn với chiếc xe không nổ cảm thấy thật may mắn.


Tấm biển khiến nhiều người thở phào và cũng rất xúc động

Ba anh Phạm Như Thắng , Nguyễn Tài Dũng và Nguyễn Mạnh Cường do có kinh nghiệm trong việc sửa chữa xe gắn máy đã nhanh chóng trợ giúp cho mọi người. Các anh đã không ngại ngần thời tiết, sửa xa liên tục trong ba tiếng đồng hồ, giúp rất nhiều người có thể trở về nhà và tránh được ùn tắc giao thông cho quãng đường này.


Chân dung ba thanh niên cứu hộ xe máy giữa Sài Gòn mưa ngập

Hành động của ba anh Thắng, Dũng, Cường đã không chỉ “giải cứu” nhiều người, trong cảnh cuối ngày, nước ngập mênh mông, mà những gì các anh làm còn sưởi ấm nhiều những tấm lòng trong ngành mưa lạnh. Ba anh đã mang những câu ca “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “nhiều điều phủ lấy giá gương” ngày trước trở lại trong cuộc sống hằng ngày, xóa tan sự hoài nghi về lòng thiện giữa con người với con người.

7. Hiệu sách ông Cần- chia sẻ đam mê, niềm tin bồi đắp

Trong sự táp nập của phố phường Thành phố, có một hiệu sách nhỏ nằm khiêm tốn bên góc đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Hiệu sách ấy có một điểm rất đặc biệt: Khi tới đây, bạn có thể lặng lẽ tìm cho mình một cuốn sách, trong hơn 4000 đầu sách, chọn một góc nhỏ và  đọc. Nếu bạn chưa đủ tiền mua cuốn sách, bạn có thể thoải mái mượn về. Không có phiếu ghi, ngày hẹn trả, không tiền đặt cọc.


Hiệu sách nhỏ nơi chứa đựng rất nhiều tinh hoa của các hiệu sách Sài Gòn, nơi chia sẻ niềm đam mê đọc với tất cả mọi người 

Ông Cần khi lập ra nhà sách “miễn phí” này  6 năm trước đã xác định, ông bán sách cũng là để sẻ chia niềm đam mê của mình tới với mọi người, đặc biệt là những người yêu sách, nhưng điều kiện kinh tế không cho phép họ được tận hưởng cái đẹp của những con chữ. Khi được hỏi, ông có sợ người ta không trả sách cho mình không. Ông chỉ cười hiền và đáp rằng từ ngày lập hiệu sách đến giờ, chỉ có rất ít những trường hợp đặc biệt mượn mà không trả, còn lại sách của ông chỉ đầy lên mà không bao giờ vơi bớt. Bởi có người mang đi thì sẽ có người mang tới. Sẻ chia chân thành sẽ không làm mất điều gì cả, mà chỉ bồi đắp thêm niềm tin giữa con người mà thôi.


Chân dung ông Nguyễn Ngọc Cần, chủ tiệm sách đọc, mượn miễn phí

Nụ cười và ánh mắt hiền của ông khiến những mượn sách thêm vững tâm vào cái thiện lành mà con người có thể trao nhau.

8. Quầy quần áo san sẻ khó khăn với người nghèo lan tỏa đến nhiều tỉnh thành

Người dân các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Tam Kỳ (Đà Nẵng) hẳn bắt đầu thấy quen thuộc với những quầy hàng quần áo không có người bán. Quần áo được treo trong quầy rất cẩn thận và đa dạng chủng loại. Từ đồ của phụ nữ, đàn ông, cho đến đồ trẻ con, cặp sách, túi đi học v.v. Đây chính là những quầy quần áo từ thiện, do những bạn trẻ cùng nhau lập ra, và lan tỏa thông tin trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook.


Một cửa hàng quần áo miễn phí ở Đà Nẵng

Các bạn tiếp nhận quần áo, phân loại, rồi treo ngay ngắn lên một chiếc tủ đặt tại nơi công cộng hoặc trong những cửa hàng nhỏ. Những người lao động nghèo có thể đến lấy đồ theo nhu cầu mà không phải trả bất kì khoản phí nào. Những người thực hiện ý tưởng này, luôn muốn chia sẻ với những người lao động một phần gánh nặng trong cuộc sống.


Quầy quần áo miễn phí vừa xuất hiện rất kịp thời trong những ngày mùa đông lạnh của Hà Nội

Đặc biệt tại những thành phố có mùa đông lạnh như Hà Nội, những tủ quần áo này sẽ giúp cho rất nhiều người có một mùa đông ấm áp hơn, nhờ quần áo, nhưng ấm cả bằng tình thân ái, sự quan tâm mà họ cảm nhận được khi tới tủ đồ.

Năm 2016 sắp khép lại, những lo toan cho cuộc sống vẫn còn đó. Nhưng, khi đọc những câu chuyện này, hi vọng bạn đã có những phút giây lắng lại, cảm nhận sự ngọt ngào của những sẻ chia vô tư và sự ấm áp khi tình người lan tỏa. Biết đâu, bạn cũng sẽ tìm thấy trong cuộc sống của mình những cơ hội để cho đi mà không cần nhận lại và cảm nhận được niềm hạnh phúc không cần lời khi được đem tới niềm vui đến cho những người xung quanh.

Ly Ly tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version