Đôi khi chỉ vì một câu nói không đúng chuẩn mực mà bạn có thể phá hỏng mối quan hệ với sếp. Nếu không muốn bị mất điểm hoàn toàn trong mắt nhà quản lý, tốt nhất bạn nên lựa chọn ngôn từ cho phù hợp.
Đặc biệt, đừng bao giờ tùy tiện nói với cấp trên 7 câu nói sau.
1. Tôi không thể
Pete Lamson – Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng dịch vụ phần mềm JazzHR nói: “Tôi luôn tức giận khi nghe câu nói “Tôi không thể làm được”.
Khi được giao nhiệm vụ, chắc chắn sếp đã cân nhắc trước về năng lực của bạn. Vậy nên, bạn hoàn toàn có thể làm được nếu đặt toàn bộ tâm trí và công sức vào nó. Khi bắt tay vào thực hiện, giải pháp sẽ trở nên rõ ràng, đó chính là chìa khóa của sự đổi mới chứ không phải là dập tắt ngay từ đầu.
Đặc biệt, đối với sếp, thái độ “cố gắng” từ nhân viên luôn được trân trọng. Còn đối với “Tôi không thể”, sếp sẽ nhìn nhận bạn như một người thiếu trách nhiệm hoặc không tự tin nắm bắt cơ hội – cả 2 điều đều không hề có lợi cho bạn.
2. Nếu không được tăng lương, tôi sẽ nghỉ việc
Chuyên gia nghề nghiệp Vicki Salemi nói: “Bạn đừng bao giờ nói với sếp như vậy mặc dù bạn nghĩ hành động này sẽ có thể thành công”. Bạn càng không nên đánh giá quá cao năng lực bản thân và tầm quan trọng của mình trong công ty. Thực tế, sếp bạn sẽ nghĩ: “Ok, nếu muốn thì bạn cứ nghỉ, tôi sẽ đào tạo người mới. Có sao đâu!”.
Rõ ràng, bạn sẽ gặp bất lợi trong tình huống này. Vì vậy, hãy khéo léo và thận trọng để không phải hối hận vì hành động thiếu suy nghĩ.
3. Đó không phải việc của tôi
Ngay cả khi đó thực sự không phải việc của bạn thì sếp cũng không bao giờ muốn nghe những lời này. Bạn có thể kiệt sức vì quá tải công việc, nhưng câu nói đó không thể được chấp nhận ở góc độ nhà quản lý. Nghe có vẻ khó khăn, nhưng điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và tinh thần không hợp tác.
Khi được yêu cầu thực hiện một công việc không liên quan đến bạn, hãy giữ thái độ cởi mở. Nhà quản lý sẽ rất vui khi thấy một tập thể sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, ngay cả khi đó không phải công việc của bạn, hãy nghĩ đến cả người khác nữa. Bạn có chắc chắn rằng mình không bao giờ cần sự giúp đỡ của người khác không?
4. Tôi được lợi gì từ việc này?
Aubrey Quinn, phó chủ tịch công ty truyền thông Clyde nói: “Đây là một trong những câu nói tồi tệ nhất tôi từng nghe từ nhân viên”.
Chắc chắn rằng, một nhà quản lý không bao giờ thích những nhân viên ích kỷ. Nếu bạn chỉ chăm chăm vào lợi ích cá nhân, tức là bạn không sẵn sàng nỗ lực để đóng góp cho sự thành công của công ty. Vậy thì, sẽ chẳng có lý do gì để họ tiếp tục giữ bạn lại làm việc cả. Bạn sẽ đứng trước nguy cơ bị mất việc khi người có khả năng thay thế bạn xuất hiện.
5. Đó không phải lỗi của tôi mà là của…
Đổ lỗi cho người khác là một hành động vô cùng nguy hiểm. Nếu bạn thực sự vô tội, hãy giải thích rõ lý do với sếp. Đừng làm liên lụy hay đổ lỗi cho người khác, ngay cả khi trách nhiệm không thuộc về bạn.
Chịu trách nhiệm chính là “chìa khóa vàng” nếu bạn muốn tồn tại trong một môi trường tập thể. Đặc biệt, “cao thượng” sẽ khiến bạn luôn được mọi người yêu mến và đánh giá cao. Còn nếu bạn lúc nào cũng đổ lỗi cho người khác, sếp sẽ nghi ngờ chính bạn ngay cả khi bạn thực sự không phạm lỗi gì.
6. Tôi không thể hợp tác với…
Điều này đã không được khuyến khích ngay từ khi chúng ta là học sinh tiểu học, chứ đừng nói đến việc đã đi làm. Mâu thuẫn cá nhân là chuyện không tránh khỏi ở nơi làm việc nhưng đừng bao giờ nói với sếp những chuyện đó. Điều bạn cần làm đó là giải quyết xung đột.
Tất nhiên, nếu bạn gặp vấn đề nghiêm trọng như bị quấy rối ở nơi làm việc, hãy báo cáo với bộ phận nhân sự để được hỗ trợ. Nhưng nếu vấn đề chỉ là bạn không thích ai đó theo cảm tính, đừng để sếp phải can thiệp vào nếu không muốn sự việc trở nên phức tạp hơn.
Andy Bailey, CEO Petra Coach cho biết: “Điều này làm cho các nhà lãnh đạo nghĩ bạn đang đưa ra yêu sách: Giữa người đó và tôi, anh chọn ai? Bạn rất có thể sẽ bị mất việc. Thay vào đó, hãy dành thời gian giao tiếp với đồng nghiệp để tìm ra điểm chung và cải thiện quan hệ tốt hơn. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Chắc chắn, bạn có thể làm việc với bất cứ ai khi giao tiếp cởi mở”.
7. Tại sao anh ta được còn tôi thì không?
Những lời này luôn mang lại cảm giác khó chịu. Nếu bạn cảm thấy mình không được đối xử công bằng, hãy đặt vấn đề với sếp về việc làm cách nào bạn có thể có được những điều mình mong muốn. Quan trọng nhất, bạn đừng bao giờ lôi thêm người thứ 3 vào cuộc đối thoại.
Hãy học cách tập trung phát triển sự nghiệp của riêng mình thay vì để ý đến lương hay việc thăng tiến của người khác, vì sẽ chẳng có gì tốt nếu bạn làm theo cách này. Ghen tức và đố kỵ không giúp bạn tiến bộ, trái lại, đó là một suy nghĩ vô cùng xấu mà các sếp đều không muốn có ở các nhân viên của họ.
Bạn đang đọc bài viết: “7 câu tuyệt đối không nên nói với sếp nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |