Đại Kỷ Nguyên

5 thói quen nhiều người mắc phải, vô tình ‘ngáng chân’ bạn đến với thành công

Trong thời đại nhịp sống nhanh như ngày nay, hiệu quả công việc là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với mỗi chúng ta. Làm thế nào để làm việc một cách nhanh chóng nhưng đạt được hiệu quả như mong muốn luôn là những băn khoăn của mọi người ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Trong nhiều trường hợp, để tăng năng suất làm việc, tất cả những gì bạn cần là bỏ đi một số thói quen xấu. Chính những thói quen đó đã không chỉ đình trệ công việc của bạn mà còn khiến bạn trở nên mệt mỏi hơn. Loại bỏ được nó, bạn có thể thay vào bằng những việc khác thật sự quan trọng. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt vô cùng to lớn.

Nếu bạn đang không biết nên bắt đầu từ đâu, hãy xem xét đến cách bạn quản lí thời gian và tập trung bỏ đi 5 thói quen sau:

1. Lên kế hoạch làm việc trong suốt cả ngày, không có thời gian rảnh rỗi

Thật đáng ngạc nhiên, nhưng nếu bạn muốn bắt đầu cải thiện năng suất của mình, bạn cần ngừng lập kế hoạch chi tiết mỗi ngày. Mọi người yêu thích quá trình lên kế hoạch và cảm giác thích thú khi xong việc. Nhưng nếu bạn lên lịch quá nhiều, bạn sẽ kết thúc một ngày làm việc với cảm giác khó chịu.

Không chỉ vậy, khi một trường hợp khẩn cấp xảy ra hoặc khi bạn không còn năng lượng để hoàn thành công việc dang dở, bạn sẽ bị mất hứng thú làm việc. Nó sẽ trở thành một mớ hỗn độn, và bạn sẽ không đạt được gần như tất cả các kế hoạch đặt ra ban đầu.

Đâu là giải pháp cho vấn đề này? Hãy chọn một phương pháp đơn giản hơn, chẳng hạn như chọn sáu nhiệm vụ quan trọng mà bạn muốn hoàn thành trước khi đi ngủ. Khi bạn thức dậy, hãy tạo một phác thảo đơn giản cho những điều bạn muốn thực hiện, nhưng đừng quá cứng nhắc với kế hoạch của mình.

Hãy lắng nghe những gì cơ thể đang nói với bạn. Chú ý đến  những nhiệm vụ quan trọng nhất – và đừng quên ăn sáng vào buổi sáng.

2. Cố gắng hoàn thành nhiều việc một lúc

Đây là điều mà hầu hết mọi người đều không để ý tới. Tất cả chúng ta đều muốn thành công ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống: xây dựng doanh nghiệp trên nhiều thị trường, làm một vận động viên, du lịch vòng quanh thế giới,…

Nếu bạn theo đuổi quá nhiều cơ hội cùng một lúc, bạn đang làm chính mình dễ bị thất bại nhiều hơn một lần. Hoặc, nếu bạn có thành công đi chăng nữa, quy luật phân bố sẽ xảy ra: bạn sẽ có ít niềm vui và sự thỏa mãn hơn những người thành công ở một hoặc hai thành tựu lớn.

Tốt hơn cả, bạn nên xác định theo đuổi một mục tiêu giúp bạn đạt được những mục tiêu khác và tập trung toàn lực vào chất xúc tác giúp thay đổi ấy. Khi thành công, giảm bớt thời gian bạn dành cho sự thay đổi trước và dành thời giờ cho những hướng đi mới.

Phần hay ho nhất là gì? Bạn có thể tận dụng thành công ban đầu của mình để giúp bạn đạt được các dấu mốc quan trọng khác. Ví dụ: nếu bạn xây dựng doanh nghiệp mà bạn hằng mong đợi và tạo ra lợi nhuận ổn định, bạn có thể sử dụng số vốn đó thử làm những việc khác – giúp nó thành công nhanh gấp đôi so với công ty đầu tiên của bạn. Hoặc sử dụng số tiền đó để đi khắp thế giới mà không phải lo lắng về luồng tiền cũng như không cần dành thời gian để chăm sóc doanh nghiệp của mình.

3. Theo đuổi sự hoàn hảo

Bạn đã từng rơi vào cảm giác lo lắng khi thử làm một dự án mới? Hay sự bứt rứt khi vận hành một trang web và tìm thấy một vài chi tiết nhỏ không vừa ý?

Nếu bạn có những suy nghĩ trên, bạn sẽ phải dành hàng giờ thậm chí nhiều ngày trời theo đuổi ý tưởng về sự hoàn mỹ. Nhưng một ngày nọ bạn sẽ chợt nhận ra ảnh hưởng của nó giống như nặn một quả bóng tuyết: ngay khi bạn bắt đầu sửa chữa một chỗ lồi lõm nhỏ, những lỗi khác sẽ hiện ra ngày càng nhiều. Vòng lặp này cứ tiếp diễn cho đến khi bạn nản chí để tạo ra một quả bóng tuyết hoàn hảo. Và chắc chắn điều đó sẽ dẫn đến sự trì hoãn vô tận.

Sự thật phũ phàng là sẽ chẳng có ai để ý tới sự thiếu hoàn hảo trong cách bạn làm. Kể cả với những người hay soi mói, những tổn thất xảy ra với bạn cũng chẳng là gì với họ nếu bạn không thử sức chút nào. Ngay cả khi thất bại, bạn cũng đã học được một bài học.

Thay vào đó, nên hướng tới việc chuẩn bị 90% cho công việc rồi bắt tay làm. Bạn có thể lặp lại hay hoàn thiện dự định hơn trong quá trình thực hiện.

4. Nghỉ ít, thành tựu nhiều

Khi bạn càng làm nhiều, phải chăng bạn sẽ được càng nhiều? (Đảm bảo bạn trả lời sai 100%).

Như ông Cal Newport mô tả trong cuốn sách “Deep work: Rules for Focused Success in a Distracted World,” (Tạm dịch: “Làm việc tập trung: Những quy tắc tập trung để thành công trong một thế giới xao lãng”) những thứ bạn đạt được tương đương với thời gian bạn bỏ ra tương ứng trừ đi cường độ công việc.

Vậy nên nếu bạn bỏ ra 10 tiếng để làm những việc có cường độ 2 tiếng, bạn sẽ đạt được kết quả như khi bạn dành ra 2 tiếng đồng hồ làm việc với cường độ 10 tiếng. Đó là một khái niệm tuyệt vời. Chỉ với ¼ thời gian, bạn đã đạt được cùng một điều. Chìa khóa để đạt được nhiều hơn chính là tăng cường cường độ.

Để tạo lập thói quen này, bạn có thể áp dụng phương pháp Pomodoro. Làm việc liên tục với một công việc trong 25 phút rồi nghỉ 5 phút. Sau 4 vòng làm việc, bạn có thể nghỉ ngơi nhiều hơn. Đây là một trong 3 bước để tôi gây dựng cơ nghiệp khi đang học về nha khoa.

5. Không tự thưởng cho mình

Làm thế nào việc tự thưởng cho bản thân lại giúp tăng năng suất làm việc? Nó làm bạn hứng khởi để duy trì cường độ làm việc. Và nếu bạn muốn làm nhiều hơn, bạn cần đặt ra nhiều phần thưởng hơn.

Khi bạn đạt được 2 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, hãy tự thưởng cho bản thân một điều gì thật đơn giản – ví dụ như 1 thỏi kẹo sô cô la. Bạn thậm chí có thể lên trước thời gian để tận hưởng phần thưởng của mình. Sau một lần làm việc với cường độ cao hơn, bạn có thể thưởng cho mình một bộ phim.

Mặc dù nghe thật khó tin, nhưng hãy tin rằng dành thời gian làm những điều trên là rất quan trọng. Nếu bạn không thực hành theo, bạn sẽ nhanh chóng chán nản và mệt mỏi. Treo trước phần thưởng không chỉ giúp bạn hoàn thành công việc nhanh chóng mà còn giúp bạn tập trung tối đa vào nhiệm vụ cần làm. Bạn biết rằng bạn đã cống hiến cho công việc, và sẽ sớm tận hưởng phần thưởng xứng đáng. Hãy tận hưởng điều đó.

Theo Entrepreneur

Minh Anh 

Xem thêm:

Exit mobile version