Bạn có tin rằng thế giới động vật ẩn chứa những điều rất thú vị mà nếu bạn được nghe thấy sẽ vô cùng ngạc nhiên thích thú?
Dưới đây là 5 nghiên cứu chỉ ra rằng đời sống của động vật hoang dã có những điều tương đồng với loài người. Thế giới của chúng cũng vô cùng nhiều màu sắc.
1. Giọng nói của dê cũng có ngữ điệu theo… vùng miền
Dê là một loài động vật khá thông minh, được xếp vào lớp động vật thượng đẳng, chúng được thuần hóa khá sớm, từ cách đây khoảng 10.000 năm.
Các nhà khoa học tại Trường ĐH Queen Mary, London (Anh Quốc) đã phát hiện ra rằng, giọng của dê phân chia theo vùng miền, thay đổi khi chúng lớn và mỗi nhóm có một đặc điểm ngôn ngữ khác nhau.
Chính phát hiện này đã phủ nhận tuyên bố trước đó: các ngôn ngữ, giọng nói của hầu hết động vật có vú đều là di truyền. Và chỉ con người, voi, cá heo và một vài động vật có vú khác là có giọng nói.
Bạn có thể hình dung như thế này, nghe qua thì những tiếng kêu be be của dê dường như rất giống nhau. Nhưng trên thực tế, các chú dê miền Bắc có lẽ sẽ phải mất một thời gian để hiểu được các chú dê đến từ miền khác.
Một điều thú vị là, khi sinh ra, dê con chỉ tiếp xúc với bố mẹ, anh chị em trong đàn. Nhưng khi lớn lên, khi giao lưu nhiều hơn với đàn lớn, ngữ điệu của dê con sẽ dần thay đổi.
2. Sói có đời sống “hôn nhân” khá chung thủy
Chó sói – thường được mô tả một kẻ lừa đảo trong các câu chuyện dân gian nhưng trên thực tế, chúng lại có một đời sống hôn nhân chung thủy nhất trong các loài động vật rừng sâu. Tuy sống theo đàn, nhưng sói sẽ chỉ kết đôi với đối tượng mà nó đã lựa chọn và sống trọn vẹn cho tới cuối đời.
Thậm chí, theo một số nghiên cứu cho thấy, loài sói rất trung thành và chân thực với nhau. Sói là loài động vật sống theo bầy đàn khoảng từ 3 – 20 con. Số lượng thành viên của đàn sẽ tùy thuộc vào lượng thức ăn nhiều hay ít ở nơi chúng sinh sống.
Thông thường, một gia đình sói bao gồm sói đực và sói cái cùng các con của chúng, rất giống một gia đình hạt nhân tiêu chuẩn. Thậm chí, những đứa con lớn còn giúp chăm sóc đứa em nhỏ của mình, đỡ đần bố mẹ, một số sói già trong đàn cũng thường đảm nhận việc trông coi lũ sói con.
3. Chim cánh cụt vô cùng lãng mạn khi “cầu hôn” bạn tình
Những cặp vợ chồng chim cánh cụt không chỉ chung thủy mà chúng còn là loài động vật yêu đương vô cùng lãng mạn, khiến con người nhiều khi cũng phải ngả mũ kính phục.
Khi tìm thấy người bạn đời phù hợp, chú chim cánh cụt đực sẽ tặng cho chim cái một viên sỏi để bày tỏ tình yêu và ngỏ ý muốn trở thành một gia đình.
Sau khi thành một cặp, thường chim đực và chim cái sẽ cùng cố gắng nuôi con khôn lớn.
Chim cánh cụt bố còn là một người cha tuyệt vời, chúng sẵn sàng nhịn đói ấp trứng suốt hai tháng để chim mẹ ra biển kiếm thức ăn về nuôi con. Và để có thể chuyên chú vào công việc quan trọng này, chim cánh cụt bố sẽ chỉ sử dụng lượng mỡ tích trữ trong cơ thể để duy trì sự sống.
Một điều thú vị rất ấm áp về sự quan tâm chăm sóc của các cặp vợ chồng cánh cụt nữa, đó là thời gian xa cách không khiến cho tình cảm của “vợ chồng” nhà chim cánh cụt sụt giảm, khi chim mẹ trở về với rất nhiều cá, chim bố sẽ nhận ra vợ ngay và đối xử rất tình cảm.
4. Loài voi và văn hóa bầy đàn rất riêng biệt
Voi là một loài động vật có trật tự xã hội được phân chia rất rõ ràng. Đời sống xã hội của con đực và con cái rất khác nhau.
Trong một bầy đàn, những con voi cái sẽ dành cả đời để gắn bó khăng khít trong một cộng đồng lớn với nhiều thế hệ. Chúng sẽ cùng sinh sống, tìm kiếm thức ăn, bảo vệ những chú voi nhỏ dưới sự dẫn dắt của một voi cái cao niên và có nhiều kinh nghiệm.
Trái lại, những con voi đực khi trưởng thành thường sống một cuộc sống riêng biệt, tách rời khỏi bầy đàn.
Ngoài ra, với khối lượng gần 5 kg, não của voi cũng lớn hơn bất kỳ loài nào khác. Chính vì thế, chúng là một loài vật rất thông minh như biết biểu lộ nỗi buồn, lòng trắc ẩn, có thể chơi nhạc cụ, có năng khiếu hội họa và sử dụng khéo léo các công cụ khác nhau.
5. Sóc sẽ nhận nuôi những “sóc con” bị bỏ rơi
Loài sóc đỏ châu Mỹ đặc biệt yêu thích cuộc sống đơn độc. Chúng chỉ chấp nhận cho những cá thể khác xuất hiện trong lãnh thổ của mình vào mùa sinh sản.
Nhưng, các nhà khoa học Canada sau 19 năm quan sát đã phát hiện ra, loài động vật này có một tập quán đặc biệt – chúng sẽ nhận nuôi những “bé sóc” bị bỏ rơi, hoặc mất mẹ. Đặc biệt, mẹ của những “đứa trẻ” này thường là họ hàng của chú sóc “mẹ nuôi”.
Hải Lam (tổng hợp)
Xem thêm: