Đại Kỷ Nguyên

Tại sao người Pháp khiến trẻ em vô cùng yêu thích môn lịch sử?

Không chỉ ở Việt Nam, học sinh thờ ơ, ngáp ngủ trong các giờ lịch sử, ở các nước mà bảo tàng đã trở thành một phần văn hóa như Pháp, học sinh cũng dần không còn mấy mặn mà với môn học được ghép từ hàng ngàn câu chuyện này.

Trong tình hình chung đó, người Pháp đã nhanh chóng đưa ra những lý do để thuyết phục trẻ em của mình tiếp tục dành sự quan tâm cho môn học. Mời bạn cùng khám phá cách người Pháp nhìn nhận môn lịch sử như thế nào trong bài viết dưới đây nhé!

1. Lịch sử là trường thiên kể về một cuộc phiêu lưu lớn của cả nhân loại

Bạn sinh ra trong thời đại này, khi nhìn về quá khứ, có thể bạn sẽ nhìn thấy đó chỉ là những sự kiện đã qua và chúng rất xa lạ. Tuy nhiên, những chương hồi của quá khứ, từ khi bắt đầu cho đến hôm nay thực sự là một cuộc phiêu lưu rất hấp dẫn. Biết bao nhiêu câu chuyện và những kinh nghiệm của nhân loại đã được lưu giữ cho đến ngày nay.


Một bé gái ngắm nhìn bức tượng La Mã,  một phụ nữ Amazon cụt tay tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, ngày 29 tháng 12 năm 2016. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Dạy cho trẻ em những câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới, kể từ thời khai thiên lập địa đến nay có thể là nguồn cảm hứng bất tận cho sự ham hiểu biết của trẻ.

2. Lịch sử giúp chúng ta hiểu rõ sự thật

Thế hệ ngày nay của chúng ta tự hào vì có Google, kho thông tin vô tận nằm trong một chiếc máy tính mà gia đình nào cũng sở hữu ít nhất một chiếc. Nhưng giữa một thư viện khổng lồ của sự kiện, con số và những nhân vật nổi tiếng ấy, bạn có tin mình có đủ kĩ năng để xử lý chúng một cách có hệ thống nhằm hiểu được vấn đề mà bạn đang nghiên cứu. Những giờ học lịch sử chính là nơi giúp bạn rèn luyện kĩ năng ấy.

Những bài tập phân tích, những cuộc thảo luận, những bài thuyết trình theo chủ điểm nghe có vẻ khô khan nhưng chúng đang giúp bạn nâng cao khả năng nhìn nhận vấn đề và phân tích các nguồn thông tin khác nhau. Đặc biệt, khi xử lý các tư liệu lịch sử đến từ những nguồn khác nhau, khả năng hiểu quan điểm của người kể chuyện hoặc của tác giả sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc phân biệt tài liệu chính sử hay dã sử. Vì thế, học lịch sử trong trường học luôn đồng nghĩa với việc vun bồi khả năng tiếp cận với sự thật của trẻ.

3. Lịch sử dạy chúng ta về cuộc sống

Tìm hiểu các sự kiện lịch sử là để khám phá các vấn đề về bản sắc, đạo đức, sự khéo léo tài tình, sự sáng tạo, khoa học và tâm linh, mà tất cả các dân tộc trên thế giới đã trải qua ở mọi thời điểm. Quan sát cuộc sống từ những hoàn cảnh khác nhau và đặt mình vào vị trí của những con người khác nhau thông qua những niềm tin tín ngưỡng khác nhau trong quá khứ, điều đó sẽ làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về cuộc sống.

4. Lịch sử mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết về chính mình

Biết được ký ức của tổ tiên, nắm bắt những nền văn hóa đã được định hình, chính là cơ sở để chúng ta hiểu rõ bản thân. Những tập quán, tín ngưỡng, thói quen và nhiều vấn đề khác đều đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đi tới tận cội nguồn chính là để tìm lại các giá trị đạo đức và văn hóa cho chúng ta hôm nay.

5. Lịch sử cho phép chúng ta hiểu được hiện tại

Khi các sự kiện trên thế giới đang trở nên càng ngày càng phức tạp hơn, một sự hiểu biết tốt về lịch sử sẽ tạo ra những công dân hiểu biết và khôn ngoan hơn. Chúng ta có thể học được những bài học kinh nghiệm bổ ích về những sự kiện thương tâm đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, tất cả điều này sẽ là vô ích và không có tác dụng gì nếu chúng ta chối bỏ những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Theo Epochtimes

Xuân Hà

Xem thêm:

Exit mobile version