Hành trình trekking Tà Năng – Phan Dũng đòi hỏi dân phượt không chỉ có thể lực mà còn kỹ năng sinh tồn, ứng phó với thời tiết. Nếu bạn không trang bị những kỹ năng và kinh nghiệm thì khó tránh được rủi ro.
Cung phượt Tà Năng – Phan Dũng dài 55 km, xuyên qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, cũng là hành trình cực hình bởi địa hình rừng núi rất phức tạp và thay đổi, biến dạng theo mùa, đặc biệt vào mùa mưa bão.
Cung đường trek này được dân phượt ưa thích bởi phần lớn địa hình phủ kín đồi cỏ, rừng thông xanh. Từ trên cao nhìn xuống, cảnh quan kỳ vỹ, đồi núi chập chùng, suối nước mát rượi.
Tuy nhiên, ngày 12/5, phượt thủ Thi An Kiện (24 tuổi) bị mất tích khi cùng nhóm bạn chinh phục cung đường Tà Năng – Phan Dũng.
Sự việc trên một lần nữa cảnh báo các phượt thủ cẩn trọng trong hành trình du lịch bụi. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và đoàn phượt, trước khi đi bạn cần cân nhắc, tìm hiểu kinh nghiệm trekking cho hành trình Tài Năng – Phan Dũng.
Thuê người hướng dẫn am hiểu cung đường
Những phượt thủ có nhiều kinh nghiệm cũng không nên chủ quan với hành trình Tà Năng – Phan Dũng, bởi cung đường có nhiều địa hình cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn đoàn bạn có thể thuê người chở đồ và người dẫn đường là dân địa phương.
Nắm vững cung đường bằng GPS, offline maps, tracklog
Trưởng nhóm và tất cả các thành viên trong nhóm cần nắm rõ lịch trình, vùng đất cần đi đến đề phòng đi lạc hoặc ai đó bất ngờ tách đoàn.
Có phương án ứng phó với các tình huống rủi ro
Cung đường phượt Tà Năng- Phan Dũng đa dạng về địa hình, bạn sẽ phải leo núi, lội suối trong thời tiết và khí hậu thay đổi liên tục. Ngoài chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho chuyến hành trình, bạn cần lên phương án ứng phó với rủi ro khi khám phá cung đường. Các phương án đề phòng bao gồm: thành viên trong đoàn đi lạc, vượt suối trong thời tiết mưa lũ hay thay đổi địa điểm dựng lều trại trong thời tiết bất lợi…
Trang bị kỹ năng vượt suối, băng rừng
Vào mùa mưa, nước ở thác và các dòng suối dâng lên rất nhanh, chỉ trong chớp mắt nước đã ngập từ mắt cá chân lên cổ. Do đó, không thông thuộc địa hình hoặc chưa có kinh nghiệm vượt suối khi mưa lũ, tuyệt đối không băng suối hay đến gần thác.
Nếu phải vượt suối thì lấy dây thừng buộc vào từng thành viên để bám nhau khi qua suối. Không đu dây leo thác hay trượt thác ở nơi hoang dã. Tốt nhất, bạn nên chọn đường khác hoặc không đi trek mùa mưa.
Ngoài ra, các phượt thủ cần trang bị kỹ năng sinh tồn như: dựng lều, tìm kiếm đồ ăn, cấp cứu, nhóm lửa… Nếu chưa có các kỹ năng này thì bạn không nên chọn cung đường phượt Tài Năng- Phan Dũng để đảm bảo sự an toàn cho bản thân.
Luôn bám sát đồng đội, không tách đoàn
Các thành viên trong đoàn cần phải bám sát, theo dõi nhau, tránh việc tự tách đoàn chụp ảnh, khám phá, bởi trên đường đi có nhiều ngã rẽ và lối nhỏ nên rất dễ lạc đoàn.
Các vật dụng cần thiết khi đi phượt:
- Lều trại.
- Ngoài quần áo, bạn nhớ phải mang theo áo mưa và áo khoác, vì có lúc thời tiết ở đây rất lạnh.
- Mang đủ nước uống.
- Về đồ ăn: Chuẩn bị cơm nắm với muối vừng, một ít ruốc. Tuy nhiên, nếu bạn muốn mang ăn đồ nóng thì chuẩn bị sẵn bật lửa, bếp cồn, nồi nấu, đồ ăn nhanh.
- Mang theo cục sạc dự phòng.
- Chọn loại đèn sử dụng pin hoặc loại đèn cắm được với sạc dự phòng.
Hoài Phương