Đại Kỷ Nguyên

3 câu chuyện nhỏ có thể giúp bạn xua tan mọi bực tức

3 câu chuyện nhỏ có thể giúp bạn xua tan mọi bực tức

“Đừng nên tức giận làm gì!”. Ừ thì, ai chẳng biết là không nên, nhưng khi mâu thuẫn xảy đến, thật là khó để xua cái nỗi bực dọc ấy đi. Nó làm ta mệt mỏi lắm, nhưng mà vẫn cứ… tức, chịu không nổi. Vậy hãy bớt chút thời gian để đọc 3 câu chuyện nhỏ dưới đây, bạn sẽ hiểu nguyên nhân, tác hại và cách để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực này.

Câu chuyện thứ nhất: Mảnh gỗ đóng đinh

Một chàng thanh niên rất hay nổi nóng đã đến hỏi ông lão làm thế nào để thoát khỏi vấn đề này. 

Ông lão nghe xong liền đưa cho chàng thanh niên một mảnh gỗ và rất nhiều đinh rồi nói: “Sau mỗi lần tức giận, cậu hãy đóng một chiếc đinh lên mảnh gỗ này”.

Vài tháng sau, chàng trai cầm mảnh gỗ đóng đinh đến tìm ông lão và thưa: “Cháu vẫn rất hay tức giận ạ”.

Ông lão mỉm cười bảo: “Vậy cậu hãy rút hết đinh ra khỏi mảnh gỗ rồi nhìn xem”.

Chàng trai nhìn mảnh gỗ dày đặc những lỗ đinh liền giật mình. Ông lão nói tiếp: “Mảnh gỗ giống như trái tim của cậu vậy. Mỗi lần tức giận và khó chịu vì người khác, người bị tổn thương nhiều nhất chính là cậu”.

Lời bàn: Mỗi khi nổi trận lôi đình, chúng ta cảm thấy cơ thể có những phản ứng rất khó chịu, thậm chí phải thốt lên “Không thể thở nổi!” hay “Giận run cả người!”. Từ góc độ y học, những lời này không phải nói quá, mà rất có căn cứ. Sự tức giận tác động mạnh mẽ đến hoạt động của hệ tim mạch, không chỉ vậy nó còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và khả năng chữa lành vết thương. Vậy nên, hình ảnh miếng gỗ đầy những lỗ đinh, cũng tựa như trái tim ta bị thương tổn do nỗi uất hận mà thành.

Kỳ thực, sự việc khiến chúng ta tức giận có lẽ không quá nghiêm trọng như chúng ta thường tự phóng đại. Y học Trung Quốc nhìn nhận trăm bệnh đều bởi tức khí mà sinh ra, do đó cơn nóng giận bộc phát khiến chúng ta phải nhận cái giá rất đắt. Tức khí ấy không chỉ khiến thân thể chúng ta mệt mỏi mà còn hao tâm tổn trí, đồng thời phá hủy những mối quan hệ xung quanh ta nữa.

Có câu nói rất hay rằng: “Nếu bạn đúng, bạn không cần phải tức giận. Nếu bạn sai, bạn càng không có lí do để nổi nóng”. Do đó, hãy khoan dung, buông bỏ sự cố chấp, yêu thương người khác nhiều hơn, nội tâm sẽ thấy an hòa, thân thể khỏe mạnh, ung dung tự tại.

Câu chuyện thứ hai: Chăm sóc chậu hoa lan

Vị sư già trồng một chậu lan. Ông chăm sóc chậu hoa đẹp rất cẩn thận, ngày ngày nhổ cỏ và tưới nước cho cây. 

Một lần có việc phải ra ngoài, ông giao chậu lan cho một tiểu hòa thượng nhờ chăm sóc. Nghe lời dặn của sư phụ, tiểu hòa thượng rất chăm chút cho cây lan. Cây hoa cũng rất phát triển.

Không may thay, một hôm trời mưa to, gió thổi mạnh khiến chậu lan đổ ụp xuống đất. Tiểu hòa thượng nhìn thấy những chiếc lá dập nát thì vô cùng đau lòng, trong tâm cũng sợ bị khiển trách. 

Vài ngày sau, vị sư già trở về, tiểu hòa thượng đã kể lại sự việc, lòng thấp thỏm lo âu vì nghĩ lần này, sư phụ sẽ rất giận. Thế nhưng, vị sư già chỉ im lặng. Tiểu hòa thượng vô cùng kinh ngạc, bèn tò mò hỏi: “Sư phụ, đây là chậu lan mà sư phụ rất quý và hết lòng chăm sóc mà?…”.

Vị sư già khẽ mỉm cười, nói với tiểu hòa thượng: “Ta trồng cây lan không phải để nuôi sự tức giận”. 

Lời bàn: Câu trả lời đơn giản của vị sư đã cho thấy thái độ cởi mở đón nhận những điều khắc nghiệt của cuộc sống. Cái gì đã mất, thì cũng mất rồi. Lúc ấy, hỏa khí bừng bừng bốc lên, liệu có lấy lại được chăng? Vậy cớ gì phải nổi giận để nhọc thân, mệt trí? Nếu quả thật là lỗi lầm của tiểu hòa thượng, thì tiểu hòa thượng nhận lỗi và lưu tâm sửa sai là được rồi. Huống hồ, chậu lan vỡ là do ngoại tác.

Vị sư già trồng lan, chăm sóc lan, có lẽ là để tận hưởng những phút giây thanh nhàn khi tưới nước, nhổ cỏ, khi ngắm cây lớn lên, ngắm hoa lan nở. Đó là những giây phút tĩnh tại, nuôi dưỡng tâm hồn và sự thuần thiện khi dồn tâm huyết để nâng niu một sinh mệnh. Đó mới là mục đích, chứ không phải vị hòa thượng có chấp trước vào việc muốn sở hữu chậu cây đẹp. Nếu quả có tâm sở hữu ấy, hẳn khi chậu lan vỡ, ông đã không hành xử điềm tĩnh như vậy. Qua đây, tiểu hòa thượng và chúng ta đều nhận được một bài học thấm thía, cầm lên được thì buông xuống được, không cần tiếc nuối, cũng không cần giận dữ khi chuyện xấu xảy đến.

Câu chuyện thứ ba: Ba mùa trong năm

Một lần, học trò của Khổng Tử tiếp khách. Vị khách hỏi: “Mỗi năm có bao nhiêu mùa?”.

Người học trò nghĩ thầm: “Câu này mà cũng phải hỏi!”, nhưng vẫn trả lời: “Dạ, một năm có 4 mùa là xuân, hạ, thu, đông”.

Vị khách lắc đầu và nói: “Chỉ có ba mùa”.

“Một năm có 4 mùa, sao ông lại không biết điều này chứ?”, người học trò tỏ ra thiếu kiên nhẫn.

“Một năm có 3 mùa, cậu vốn là học trò của Khổng Tử mà cũng không biết điều này sao?”, vị khách vừa nói, vừa cười nhạo. 

Hai người tranh luận qua lại đến đỏ mặt tía tai, trong tâm vô cùng khó chịu. Cuối cùng họ quyết định đặt cược.

Nếu là 4 mùa thì vị khách sẽ lạy cậu học trò của Khổng Tử 3 cái. Nếu là 3 mùa thì cậu học trò sẽ phải lạy vị khách 3 cái.

Người học trò đắc ý nghĩ: “Ông ta là một kẻ ngốc, mình sẽ chiến thắng lần này”.

Lúc này Khổng Tử từ trong nhà đi ra, cậu học trò liền tiến đến hỏi: “Thưa thầy, người này nói một năm có 3 mùa, xin thầy phân xử. Vậy một năm có mấy mùa ạ?”.

Khổng Tử liếc nhìn vị khách và nói: “Một năm có 3 mùa”.

Vị khách tỏ ra vô cùng đắc ý nói: “Dập đầu, mau dập đầu đi! Mau lạy ta 3 cái đi”.

Không còn cách nào khác, vì giữ thể diện cho thầy, cậu buộc phải lạy vị khách 3 cái.

Sau khi vị khách rời đi, cậu học trò không thể chờ đợi thêm nữa, ấm ức hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, một năm rõ ràng có 4 mùa, sao thầy lại nói là có 3 mùa ạ?”.

Khổng Tử nói: “Trò không nhìn thấy người lúc nãy toàn thân đều màu xanh sao? Đó là một con châu chấu. Châu chấu sinh vào mùa xuân sống đến mùa thu thì chết. Người này chưa bao giờ nhìn thấy mùa đông. Do vậy, trong nhận thức của anh ta chỉ có 3 mùa”.

“Trò nói 3 mùa thì anh ta rất hài lòng. Nếu trò nói 4 mùa thì sẽ phải tranh luận đến tối, trò muốn như vậy không?”.

Cậu học trò nghe xong liền bừng tỉnh. Trước đây cậu gặp người không nói lý thì rất tức giận, nhưng từ đó về sau, cậu không hành động như vậy nữa. Cậu đã nhận được bài học rằng, ai cũng có lý lẽ của riêng mình, đôi khi tranh luận cũng chẳng đi đến đâu, bởi góc độ nhìn nhận vốn khác nhau. Giận dữ khi ấy, thật là vô lý và vô nghĩa.

Lời bàn: Cũng như cậu học trò trong câu chuyện, có lẽ nhiều khi chúng ta cho rằng chuyện thật hiển nhiên, sao người kia lại không chịu hiểu và cảm thấy thật bực mình. Tuy nhiên, cuộc sống không chỉ có hai màu đen và trắng, đúng sai cũng không phải điều tuyệt đối. Hãy luôn giữ trái tim và tâm trí rộng mở để chấp nhận những điều khác biệt, bởi chúng ta không nhất định là phải giống nhau. Cãi nhau đến cùng thì ai cũng làm được, nhưng có mấy ai có thể nhẫn được, có thể buông bỏ cái tôi, buông bỏ tự ngã, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà cảm thông cho người ta?

Khổng Tử thấu tỏ sự đời, kiến thức uyên thâm, vừa nhìn đã biết người kia vốn là châu chấu, lại biết châu chấu chỉ sống 3 mùa. Ông cũng có thể nhún mình, cho “người đúng, ta sai”, chuyện cam go chẳng mấy chốc mà được giải quyết ổn thỏa. Bởi vậy, càng là bậc cao nhân, lại càng không nổi nóng, cũng chẳng ham tranh luận đúng sai. Họ đã hiểu ra cái lý rằng mỗi người có thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan khác nhau, không thể gượng ép phải đồng quan điểm. Một khi đã hiểu ra cái lẽ này rồi, bỗng thấy những lý do để bực mình, cáu giận bỗng chốc tan biến, tâm trí thản đãng, chẳng mảy may giận hờn. 

Lời kết

Khi để cơn tức giận điều khiển, cuộc sống của bạn sẽ trở nên ngột ngạt, căng thẳng. Bệnh tật cũng từ đó mà ra. Cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ không liên quan đến địa vị hay sự giàu có, mà chính là từ tâm bạn mà thôi. Sống trong biệt thự mà tâm trí bị sự tức giận bao phủ thì không khác gì sống trong địa ngục. Ngược lại, mặc dù phải ở dưới mái nhà tranh nhưng trái tim luôn ấm áp thì nơi đó chính là thiên đường. 

Hãy để bản thân làm chủ cảm xúc và trái tim mình. Với những điều tiêu cực tác động đến bạn, mắt có nhìn mà như không thấy, tai có nghe mà như không hay. Giữ cho mình một tâm thái bình thản, bao dung, yêu thương, bạn sẽ dễ dàng thiện giải được những mâu thuẫn với người khác. Kiểm soát được bản thân sẽ giúp bạn ứng phó được tốt với các tình huống bất ngờ phát sinh trong cuộc sống. Ngược lại, sẽ khiến tâm trạng dao động theo sự việc, động mãi không yên. “Hòa khí sinh tài vận”, con người chỉ cần có tính khí an hòa thì mọi việc đều thông suốt. 

Ảnh minh họa: Shutterstock

San San

Theo Soundofhope

Video xem thêm: Nhẫn dưỡng phúc, từ bi dưỡng tâm, khoan dung dưỡng khí

Exit mobile version