Ở thủ đô của xứ anh đào rực rỡ, có một tiệm bánh mì mang tên “Chú bồ nông” (Pelican). Ở thủ đô của dải đất hình chữ S, có một quán bánh cuốn nằm khép mình trong một con phố nhỏ. Hai quán ăn tưởng chừng chẳng hề liên quan tới nhau, nhưng chúng đang cùng kể cho bạn một câu chuyện cảm động về trái tim của những người chủ quán.
Sẽ không khó để bạn tìm ra tiệm bánh Bồ nông khi đến thủ đô Tokyo nhộn nhịp, bởi hiệu bánh nổi tiếng này đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của không chỉ người dân thành phố. Rất nhiều khách du lịch nước ngoài đã hào phóng dành 4 đến 5 sao cho cửa hàng trên những trang web giới thiệu du lịch nổi tiếng.
Cửa hiệu bánh mì này có một sức hấp dẫn rất khó giải thích. Được thành lập từ năm 1943, tính đến nay đã là năm hoạt động thứ 74 của cửa hàng. Anh Riku Watanabe, 29 tuổi là chủ nhân thứ 4 của tiệm bánh Chú Bồ nông.
Nếu muốn mua bánh ở tiệm bánh Chú Bồ nông, bạn hãy đảm bảo rằng mình có mặt trước cửa hàng vào buổi sáng. Bởi sau 3 giờ chiều khả năng rất cao là bạn sẽ phải nghe lời xin lỗi chân thành: “Chúng tôi xin lỗi vì đã hết hàng”. Đặc biệt khi tới đây vào mùa thu và mùa đông, khoảng thời gian mà một chiếc bánh mì giản dị nhưng nóng hổi và thơm phức cũng đủ làm cho bạn hạnh phúc thì chỉ cần tới giờ trưa, cửa hàng đã không còn bánh để phục vụ khách.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ, tiệm Bồ nông không phải là một tiệm bánh nhỏ. Anh Riku Watanabe đang quản lý đến 30 nhân viên làm bánh. Hơn thế nữa, menu bánh trong cửa hàng của anh chỉ vỏn vẹn có hai món: Bánh mì gối vuông và bánh mì cuộn tròn. Không nhân, không phải chế biến quá phức tạp, vậy tại sao chiếc bánh của tiệm “Chú bồ nông” lại nổi tiếng đến như vậy?
“Bánh mì không có gì quá đặc biệt, nhưng nó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi”, đây là tâm sự của một khách hàng trong bộ phim tài liệu về tiệm bánh đặc biệt này. Vậy là bên cạnh những món ăn tinh tế, người Nhật cũng rất yêu và thường xuyên sử dụng bánh mì. Nhưng đó chưa phải là tất cả bí quyết làm nên sự thành công của tiệm.
“Đây chỉ là những thứ bột mì thông thường, nhưng chúng được làm để trở nên phù hợp với khẩu vị người Nhật”. Anh Riku Watanabe đã chia sẻ về những chiếc bánh gối giản dị của mình. Công việc kinh doanh duy nhất hai loại bánh tưởng chừng đơn giản, nhưng anh Riku tâm sự, anh cảm thấy mình có một trách nhiệm rất lớn khi đảm đương cửa tiệm đã tồn tại trên 70 năm này.
Lý giải cho cảm giác “có trách nhiệm”, anh Riku cho biết, anh thường không để tâm vào việc quán bánh nổi tiếng đến mức độ nào. Điều làm anh đau đáu nhất chính là làm sao để duy trì chất lượng của bánh mì trong quán mỗi ngày, làm sao để những hương vị này trải qua bao nhiêu năm tháng sẽ không thay đổi, không mất đi sự “vì khẩu vị Nhật” mà những người chủ trước đã tạo dựng nên.
Phải chăng vì tấm lòng đau đáu ấy, dù đã 70 năm trôi qua, vẫn còn rất nhiều người đã coi tiệm bánh Chú bồ nông như một điểm đến quen thuộc không thể thiếu trong chặng hành trình của một ngày.
Rời Tokyo xa xôi để thả bộ trên con phố nhỏ ven Hồ Tây, đi sâu vào ngõ 29 Thụy Khuê, chúng ta sẽ tìm thấy một quán ăn “già” như tiệm bánh Chú bồ nông. Đó là quán bánh cuốn nổi tiếng của chú Chính, quán cũng đã hoạt động được 70 năm rồi.
Tiệm bánh của chú Chính nằm trong ngõ sâu, tiệm cũng chính là một phần ngôi nhà chú ở, nhưng rất đông khách. Cái đông đúc trong không gian nhỏ mang lại những cảm giác khác biệt. Quán của chú Chính nổi tiếng vì món bánh được tráng mỏng, nhẹ mà lại thơm bùi. Chưa kể đến các loại nhân bánh còn rất đa dạng, có thể chiều theo khẩu vị của mỗi từng người. Bánh chay, bánh mặn, không thể thiếu là chả quế, chả nạc, chưa kể đến món bánh đúc nóng của tiệm những ngày đông.
Nhưng điểm đặc biệt nhất của quán chú Chính khiến ai đến cũng ngỡ ngàng: Mỗi đĩa bánh chú đều làm đầy ắp nhưng giá chỉ có 10 ngàn, bao nhiêu năm vẫn không thay đổi. Cái giá ấy vừa đủ cho ai cũng có được một bữa sáng hay bữa trưa ngon miệng mà không phải tốn quá nhiều. Trong khi ở bên ngoài kia, giá cả của mọi thứ tăng theo từng ngày, thì ở trong hẻm nhỏ này, thời gian dường như ngưng lại ở thời điểm năm 1945.
Đó là thời điểm mà mẹ chú Chính bắt đầu nghiệp bán bánh cuốn của mình. Bà là người gốc làng Thanh Lương, Hà Đông, nổi tiếng với nghề làm bún. Sau khi lấy chồng, tráng bánh cuốn bắt đầu thành cái nghiệp của bà. Ấn tượng về nạn đói năm 1945 có lẽ đã in sâu vào tiềm thức của người chủ quán. Để rồi, cho đến tận bây giờ, khi con trai bà nối nghiệp, tinh thần biết ơn cuộc sống vẫn thấm đẫm trong mỗi từng đĩa bánh, mỗi từng cử chỉ, thái độ phục vụ của chú Chính.
“Chú chỉ lấy công làm lãi thôi, chứ bán bao năm rồi, thấy yêu cái nghề gia truyền tổ tông, kể cả khách đông đến mấy cũng không muốn thương mại hóa quá, mất đi quan điểm sống của mình”, chú Chính chủ quán tâm sự.
Trong không gian nhỏ nằm trọn trong lòng phố này, thời gian dường như đã quên mất nhiệm vụ của mình. Không chỉ giá của đĩa bánh không đổi, thời gian còn tha thẩn chơi trên chiếc cối xay bột đã ở đó quá nửa đời người, trên đôi bàn tay khéo của người chủ quán và trên hương vị mộc mạc của thứ quà thân quen với người dân của thành phố.
Tới quán của chú Chính, bạn không chỉ được thưởng thức một đĩa bánh cuốn nóng hổi trong không gian yên bình của con ngõ nhỏ. Mà ở đó, bạn sẽ còn được tận hưởng vị ngọt dìu dịu của tấm lòng những người chủ quán. Đó là chú Chính và mẹ, một người đã gắn bó với nghề đến tận khi 70 tuổi mới nghỉ hưu, cố gắng gìn giữ những nét tài hoa, tinh tế của những ngày xưa.
Đến đây, khi bước ra khỏi tiệm bánh ấm cúng, hít hà lấy cái hanh hao của ngày đông và trong lòng cảm thấy thật no ấm, bạn đã nhận ra câu chuyện nhỏ của hai quán ăn đã có 70 năm tuổi đời đang muốn kể? Hai quán ăn “già” có những nét “bảo thủ” đáng yêu – không đổi menu, không đổi giá này đang tâm sự với bạn nỗi niềm của những người chủ quán. Những con người lấy việc phục vụ những món ăn ngon, chất lượng cho người khác làm nguồn hạnh phúc cho mình, lấy việc tiếp nối những giá trị của những người đi trước đã tạo nên làm lẽ sống.
(Nguồn ảnh: Dẫn theo Afamily)
Bạn đang đọc bài viết: “2 quán ăn suốt 70 năm không đổi menu, giá chỉ 10.000 đồng sẽ ‘kể’ cho chúng ta điều gì?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |