Đại Kỷ Nguyên

10 năm bỏ Tết cực khổ bán chợ hoa, ngày tốt nghiệp, ba nói một câu khiến con trai quặn lòng

Cách đây 5 năm nhà tôi bán chợ hoa Tết lần cuối. Nhớ lại ngày nào cả nhà cũng thay nhau túc trực 24/7 tại chợ hoa, cứ đêm tầm 6h là nhà lại vắng tanh, ba mẹ đi hết ra chợ để bán, để lại mình ở nhà trông nhà, học bài.

Ba mẹ vốn làm công chức ăn lương ba cọc ba đồng chỉ đủ bữa ăn cho gia đình 2 đứa con. Ba có thú vui chơi kiểng xương rồng, với bàn tay khéo léo, ông tạo được những mẫu mã đa dạng, đầy màu sắc, tư thế. Rồi một mùa xuân năm tôi vào lớp 10, gia đình quyết định đem những chậu xương rồng nhỏ ra bày bán, và đã thu được lợi nhuận đáng kể, góp phần chi tiêu cho gia đình cả năm.

Thế là dạo đó cứ độ rằm tháng Chạp, cả nhà tôi lại lục đục đi ra quảng trường tỉnh gần nhà, bày binh bố trận. Cả nhà chia ra canh hàng, cực nhất là ban đêm, khách tới đông nườm nượp, mẹ tôi đi tới hơn 12h đêm mới về, còn ba phải nằm phơi sương ngoài quầy canh hàng.


Đêm khuya 2 tuần liền ba tôi phải phơi sương canh hàng. Ảnh minh họa (Internet)

Tôi cũng vài lần ra bán nhưng xem ra không hợp với nghề, tiếc công sức gia đình phơi sương phơi gió nên nghe mấy bà trả giá tức điên người, chẳng muốn bán. Hồi đó cứ trưa tôi lại ra canh đến chiều cho ba mẹ nghỉ ngơi, và niềm vui nho nhỏ khi ấy là ăn hàng với nào là kem, cá viên chiên. Đợt đó có thằng bạn con đồng nghiệp của mẹ ra phụ, mà hắn ta khôn lanh lắm, mua bán trả giá rành rọt, hơn hẳn 1 đứa khờ khạo như mình. Có chị hàng xóm cũng ra phụ, nhờ vậy mình đỡ buồn. 

Đợt đó huy động nhân lực chủ yếu là người quen ra giúp, tiền công không là bao, vài đồng lì xì lấy hên. Sau đợt Tết lại có một khoản thu nhập nên ba mẹ cần mẫn làm tròn 10 năm đến khi mình đi làm thì ngưng. Gia đình tôi vốn dân tri thức, nên lấy công làm lãi, không thách giá hay ép giá mấy ngày đầu, đến ngày cuối càng không hạ giá. Giàn hàng có nhiều nơi đầu mùa hét giá, cuối mùa thì bán như cho, đủ mọi loại tình huống, người chơi hoa thì cũng ra sức mặc cả, thương trường như chiến trường. Chưa kể có những người xấu, dùng nhiều tiểu xảo lừa mất tiền của gia đình tôi.

Lúc buôn bán thì mọi bi ai cũng lãnh đủ, khổ nhất là dịp ngày giao thừa. Đến tầm 10 giờ trưa vườn hoa thật hỗn loạn, dân tình đi vét hụi chót, trả giá kịch đáy. Có người gom xe ba gác đi mua lại. Nghĩ sao 1 chậu bông vạn thọ, hoa cúc mà mua của người ta có 3 nghìn, 5 nghìn 1 chậu. Nhưng không bán thì quản lý người ta lại dẹp bỏ hết.

Nên có nhiều gian hàng người ta ngắt bỏ, đập bể hết hàng còn sót lại. Nhiều mối lái mua lại hoa với giá rẻ, xong đi bán dịp giao thừa với giá cắt cổ để lấy lời (vì dịp đêm có nhiều người không kịp mua phải mua của họ). May sao vườn nhà tôi rộng, xương rồng không bán được năm nay để giống qua năm sau bán, nên ba mẹ tôi chất xe đem về, quyết không bán mất giá cho những người đục nước béo cò.


Chợ hoa đông nườm nượp, nhộn nhịp những vui và buồn. Ảnh minh họa (Internet)

Thế là nhà tôi từ trưa bán vội đến tầm 12h thì bắt đầu dọn dẹp. Dưới cái nắng thiêu đốt, hỗn loạn, mọi người thi nhau bưng bê các chậu xương rồng, kiểng lên xe. Rồi cả dàn giáo, kệ nặng cả trăm ký. Dọn xong cũng 2-3h chiều. Lúc này lại về nhà dọn nhà cửa đón tết. Những giờ phút đó phải canh hàng rất kỹ, vì nhiều người thừa lúc hỗn loạn, chạy vào hôi của lúc nào không hay, khi bắt được quả tang họ chỉ cười trừ. Đâu đó vang lên những tiếng trả giá vô tình

“Bán đại đi bà ơi, không tui đi là lát nữa tụi quản lý nó lại nó dẹp cũng như không”

“Anh nghĩ sao anh đi xe hơi mà anh trả giá rẻ mạt vậy sao tụi tui sống nỗi”


Ánh mắt đượm buồn vì hoa ế. Ảnh minh họa (Internet)

Chưa kể những tiếng chửi rủa thốt lên ra rả vào những giây phút bát nháo đó. Những bông hóa cuối hội chợ thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và sự vô tình…

Năm nào nhà tôi bán được lời nhiều thì năm ấy vui, mà năm nào bán huề vốn hay lời ít thì buồn. Dù vậy ba mẹ cũng ko bao giờ kể tôi nghe. Mà dù lời nhiều hay ít, ăn cơm tất niên xong, là cả ba cả mẹ đều nằm một đống, chẳng ai dậy nỗi đón giao thừa.

Mấy năm nay tôi cũng ko hứng đi chợ hoa, vì tôi biết hoa kia rồi sẽ tàn, 10 năm buôn bán cho tôi thấy đủ mọi thủ đoạn, mánh lới của từ người bán đến người mua trong khung cảnh hỗn loạn. Mà nhà tôi có mua hoa cũng ra chợ mua hoa cành về chưng lọ trên bàn thờ, chứ ít khi mua chậu về chưng trong nhà, mẹ nói qua tết dọn mệt.

Năm tôi ra trường, mùa xuân ấy cả nhà được thảnh thơi đón Tết, ba nói:”Ai cũng biết bán hội chợ cực nhưng nếu nhà thiếu thốn, không đủ ăn thì vẫn phải cố thôi.” Tôi nghẹn ngào không nói được lời nào. Chỉ biết mỗi lần đi qua chợ hoa, chỉ đứng xa ngắm, chứ không dám vào, sợ nhớ lại những hồi ức không vui. Chỉ mong người nông dân mình bớt khổ, năm nào cũng được mùa, người chơi hoa bỏ đúng giá trị đồng tiền chơi hoa thì sẽ càng ý nghĩa hơn, để dịp Tết đến ai cũng vui vẻ, hạnh phúc.

Thanh Long