Đại Kỷ Nguyên

10 kỹ năng sống cần thiết cha mẹ nên dạy cho trẻ

Mỗi bậc làm cha làm mẹ đều muốn những điều tốt nhất dành cho con mình, nên luôn mong ở bên cạnh chúng để dạy dỗ và khuyên bảo, sao cho khi lớn lên chúng sẽ trở thành một con người tốt và có ích cho xã hội. Tuy nhiên, có không ít bậc cha mẹ không biết định hướng cho con mình như thế nào.

Việc dạy con không đơn thuần chỉ là hướng dẫn cách đạp xe, lái xe hay chơi đàn, mà còn là dạy những kỹ năng sống thật sự để giúp trẻ trưởng thành trong cách nghĩ, có tinh thần trách nhiệm, tuân theo lễ nghĩa, khuôn phép, biết tôn trọng mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

1. Dạy trẻ không ngừng học hỏi và đọc sách

Càng học và đọc sách nhiều, trí tuệ của trẻ sẽ càng phát triển. Chúng sẽ lĩnh hội được nhiều điều, tiếp thu thêm kiến thức.

Có nhiều cách để học và đọc, không chỉ mỗi đọc sách giáo khoa, bạn hãy đưa cho trẻ đọc những cuốn sách liên quan đến tình huống trong đời sống, truyện cổ tích… trẻ sẽ biết được thế nào là những hành vi tích cực và tiêu cực, đúng và sai. Và dĩ nhiên, cha mẹ trước tiên phải là tấm gương để con cái noi theo.

(Ảnh: getty images)

2. Dạy trẻ chơi với bạn bè

Bạn hãy khuyến khích những đứa trẻ của bạn làm việc theo nhóm, đồng đội. Với cách này, trẻ sẽ tập quan sát và cảm nhận những suy nghĩ và cảm xúc của người khác; đồng thời chúng dễ dàng chấp nhận những bất đồng quan điểm.

Có những điều cơ bản mà trẻ sẽ học được, như là nói “cảm ơn”, “xin lỗi” và phát triển kĩ năng vận động.

(Ảnh: nbbagroup)

3. Dạy trẻ giải quyết bất đồng quan điểm một cách thân thiện

Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi những bất đồng quan điểm, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh như hiện nay. Trẻ nên tập đối mặt với những ý tưởng, lối tư duy khác nhau, và học cách đối diện với những điều đó.

Ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm, nhưng bày tỏ nó như thế nào để không xúc phạm hay lấn lướt người khác. Hãy dạy trẻ cách nói ra những gì chúng nghĩ một cách ôn hòa.

Hãy động viên và bảo ban trẻ cân nhắc đến suy nghĩ và cảm nhận của người khác, và tự đặt ra những câu hỏi như “Tại sao” và “Giả như”. Chúng nên dựa trên cơ sở của vấn đề để giải quyết, không nên đứng trên lập luận cá nhân. Điều này sẽ giúp chúng kiểm soát được tính khí và cảm xúc của mình khi giải quyết vấn đề.

(Ảnh: flickr)

4. Dạy trẻ đối mặt với mọi trở ngại trong cuộc sống

Bạn hãy giúp con trẻ nhận ra cách để chúng tự đứng trên đôi chân của mình mà không phụ thuộc vào cha mẹ. Không nên để chúng nghĩ rằng chúng luôn có cha mẹ chăm sóc và bảo vệ.

Một số cha mẹ Việt Nam thường có xu hướng bảo bọc con quá nhiều, và đem đến ngay câu trả lời hoặc giải pháp khi con cần. Đôi khi hãy để trẻ cố gắng một chút, chúng sẽ biết kiên trì hơn.

Trẻ nhỏ khi vấp ngã hay nhìn cha mẹ để xem họ có xuýt xoa vỗ về hay không, và có thể mè nheo làm nũng đôi chút. Nếu cha mẹ “tỉnh bơ” trong trường hợp này, chúng cũng sẽ coi chuyện đó chẳng có gì to tát, và sẽ tự biết đứng lên sau khi ngã.

(Ảnh: songmoi)

5. Dạy trẻ xin lỗi và tha thứ khi chúng mắc lỗi lầm

Trẻ nên biết rằng, ai cũng đều mắc phải sai lầm. Vì vậy, chúng nên học cách nhận lỗi và biết tha thứ cho người khác. Không có gì phải xấu hổ khi yêu cầu được tha thứ hay tha thứ cho người khác, mà ngược lại, điều đó thể hiện sự can đảm khi đối mặt với một vấn đề.

Nhiều bậc cha mẹ đánh chửi con khi chúng phạm lỗi. Điều này tàn phá lòng tự trọng và tự tin của trẻ. Vì thế, phụ huynh chỉ nên phê bình việc làm sai, và khẳng định rằng “Bố/mẹ vẫn yêu con, bố/mẹ chỉ không thích hành động/việc làm chưa tốt này thôi.”

(Ảnh: getty images)

6. Dạy trẻ học cách biểu hiện lòng tốt và giúp đỡ những người kém may mắn

Lòng tốt là điều vô cùng quý giá trong cuộc sống này, nó thể hiện ở sự chân thành, quan tâm và giúp đỡ người khác. Lòng tốt sẽ khiến con người xích lại nhau hơn, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. 

Bạn hãy dạy trẻ thể hiện lòng tốt và giúp đỡ người khác, bắt đầu từ những điều nhỏ như giúp cha mẹ việc nhà, trông em, giúp người lớn tuổi những việc nhỏ, tham gia các hoạt động cộng đồng và từ thiện phù hợp với trẻ em.

(Ảnh: bykbikes.com)

7. Dạy trẻ suy nghĩ tích cực và tập trung nhiều hơn vào mặt sáng của cuộc sống

Cuộc sống không phải lúc nào cũng là nắng mặt trời hay bảy sắc cầu vồng, nhưng cũng không hoàn toàn là một màu đen tối, ảm đạm. Cuộc sống là sự kết hợp giữa xấu và tốt, do đó quan trọng là nhìn nhận vấn đề như thế nào.

Nên dạy cho trẻ cách suy nghĩ tích cực khi hòa mình vào trong thế giới này. Luôn suy nghĩ tích cực và mỉm cười có thể giúp con bạn trở nên vui vẻ và sống có ý nghĩa hơn.

(Ảnh: vov.vn)

8. Dạy trẻ bảo vệ môi trường và chăm sóc thú vật

Trẻ con cần biết rằng, con người chỉ có duy nhất một Trái Đất này để sống. Do đó, chúng ta cần bảo vệ và giữ gìn nó. Điều đó có nghĩa là chăm sóc cây xanh, vật nuôi và môi trường thiên nhiên xung quanh là việc cần làm của mỗi người.

Hãy để trẻ tự cho chim ăn, dẫn chó đi dạo hoặc tưới cây; dạy trẻ tiết kiệm nước và tắt điện sau khi dùng xong. Chúng sẽ biết được cách để bảo vệ Trái Đất và môi trường sống nơi chúng ta đang ở.

(Ảnh: getty images)

9. Dạy trẻ tự chăm sóc và giữ bản thân gọn gàng

Bạn hãy dạy cho trẻ ngay từ bé cách tự chăm sóc bản thân như đánh răng, mặc áo quần, sắp xếp đồ chơi sau khi chơi xong, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. v.v… Điều đó sẽ giúp chúng kiên nhẫn hơn và có một lối sống lành mạnh, ngăn nắp.

(Ảnh: internet)

10. Dạy trẻ yêu thương chân thành

Yêu thương là một chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của con người. Bạn hãy dạy trẻ biết yêu thương bản thân và những người khác, cách trao và nhận yêu thương.

Hãy cùng trẻ chuẩn bị quà sinh nhật cho bạn bè, người thân, hay những tấm thiệp Giáng sinh. Hãy trò chuyện để hướng trẻ tới những suy nghĩ tốt đẹp “Con cảm thấy thế nào khi chuẩn bị quà cho bạn?”, “Nếu bạn không thích nó thì con có buồn không?”…

Các bậc cha mẹ cũng có thể dạy trẻ cách bày tỏ sự quan tâm không qua giá trị vật chất, có thể là lời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với bạn bè… Chúng sẽ học được điều này qua cách cha mẹ thường xuyên trò chuyện và động viên chúng.

(Ảnh: internet)

Hahna Nguyễn

Exit mobile version