Đại Kỷ Nguyên

Hạt giống vàng (P.17): Các giáo sư hàng đầu của Đài Loan bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

[Hạt giống vàng] P17: Đại học Quốc gia tiên phong thành lập CLB Pháp Luân Công, mở ra cơ duyên cho thanh niên Đài Loan tu luyện Đại Pháp 

Bìa cuốn sách "Hạt giống vàng" của Nhà xuất bản Bác Đại.

Trương Thanh Khê nhớ lại: “Tôi nghe bài giảng của Lý Đại sư và cảm thấy thật thú vị! Phải nói rằng, nếu bạn không tin những gì Ông ấy giảng, bạn vẫn cảm thấy những điều Ông ấy giảng thật lớn lao, khẩu khí thật lớn lao. Nhưng nếu bạn nghĩ những điều Ông ấy giảng là đúng, bạn sẽ cảm thấy Ông ấy thật khiêm nhường, rất nhiều sự tình Đông – Tây, Ông ấy đều giải thích rất rõ ràng”…

Cơ sở giáo dục đào tạo đầu tiên tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) là Đại học Quốc gia Đài Loan – ngôi trường quốc lập hàng đầu của Đài Loan. Đây không chỉ là trường đại học có nhiều giáo sư học Pháp Luân Công sớm nhất ở Đài Loan, mà còn là trường đại học đầu tiên thành lập câu lạc bộ học viên Pháp Luân Công. Sau khi Pháp Luân Đại Pháp Học Hội Đài Loan được thành lập, hai vị chủ tịch của Học Hội này cho đến nay đều do các giáo sư tại Đại học Quốc gia Đài Loan đảm nhiệm, có tác dụng trọng yếu đối với việc hồng truyền Pháp Luân Công tại Đài Loan.

Vị giáo sư đầu tiên tại Đại học Quốc gia Đài Loan tu luyện Đại Pháp

Pháp Luân Công xuất hiện trong khuôn viên Đại học Quốc gia Đài Loan, bắt đầu với sự nhập môn của Giáo sư kinh tế Diệp Thục Trinh.

Năm 1996 là năm Diệp Thục Trinh được phong hàm Phó giáo sư kinh tế, nhưng cũng là năm tình trạng sức khỏe của cô rơi xuống đáy.

Diệp Thục Trinh, người có nhiệt tâm nhưng hay nóng ruột, luôn hết lòng vì công việc; ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, cô cũng cảm thấy khó thư giãn. Khi nói chuyện điện thoại, cô thường vô thức siết chặt micrô, đến nỗi khi cúp điện thoại, mới phát hiện tai và tay của mình rất đau.

Năm 1991, khi cô và chồng trở về Đài Loan sau chuyến du học Mỹ, sức khỏe không còn tốt như trước. Cô bị đau đầu từng cơn, cộng với bệnh tiểu đường, dính ruột, đau dạ dày, đau lưng sau khi sinh con và vì ngồi nhiều, nửa đêm muốn trở mình, đều phải nhờ chồng đẩy từ phía sau: “Thực sự rất đau”.

Sau khi trở về Đài Loan, Diệp Thục Trinh đến bệnh viện điều trị, nhưng bác sĩ liên tục cảnh cáo cô phải nghỉ làm, “Cơ thể của cô không thể lao động được nữa, không thể làm công tác được nữa, cô phải xin nghỉ thôi”. Nhưng đây là một yêu cầu không thể thực hiện được đối với Diệp Thục Trinh. “Tôi đã xin nghỉ năm năm để đi Mỹ du học. Tôi vừa mới trở lại làm việc, lại xin nghỉ nữa ư? Không thể nào!” Tâm trạng của cô rơi xuống đáy vực.

Diệp Thục Trinh hỏi bác sĩ một cách bi quan: “Tôi có thể sống đến khi con gái tôi 20 tuổi không?” Cô hy vọng rằng ít nhất mình có thể nuôi dạy con gái mình đến tuổi trưởng thành. Bác sĩ đã không trả lời câu hỏi của cô một cách rõ ràng. Khi đó, con gái cô mới tám tuổi.

Diệp Thục Trinh có biết một người, Lý Vĩ, là vợ của giáo sư cố vấn của chồng cô, cũng là một người yêu thích khí công. Lý Vĩ học khí công rất tâm đắc, cô ấy có thể cảm thấy “khí động”, thường chia sẻ tâm đắc luyện công của mình với Diệp Thục Trinh, và đặc biệt khuyên cô nên luyện khí công để cải thiện sức khỏe.

Môn khí công do cô giới thiệu được phân thành “lớp sơ cấp, lớp trung cấp và lớp cao cấp”, học phí cho một gia đình ba người lên tới 15 vạn Đài tệ. Thịnh tình khó chối từ, cả gia đình Diệp Thục Trinh thuận lòng tập thử. Lúc đầu cũng có hiệu quả một chút, nhưng lâu dần không thấy hiệu quả nữa.

Một ngày nọ, chồng của Diệp Thục Trinh, người đang làm việc tại Hội đồng các vấn đề Đại lục, nhìn thấy trên tạp chí Trung Quốc có một bài báo nơi một học giả Hoa lục giới thiệu Pháp Luân Công. “Vị học giả đại lục đó nói rằng: các môn khí công khác đều luyện ‘khí’, còn Pháp Luân Công là luyện ‘công’ “. Chồng cô nghĩ: vậy thì Pháp Luân Công hẳn là rất đặc biệt. Sau khi sao chép lại thông tin, ông đã mang nó về nhà và đưa cho Diệp Thục Trinh xem, và cô ấy đã chuyển nó cho Lý Vĩ để xin ý kiến.

Lý Vĩ sau khi nhận được thông tin về Pháp Luân Công cảm thấy pháp môn này thật phi thường, cô bắt đầu cố gắng liên lạc với vị học giả Hoa lục qua nhiều kênh khác nhau, không ngừng hỏi thăm về chi phí dạy công ở Đài Loan.

Vào giữa tháng 11 năm 1996, Diệp Thục Trinh nhận được cuộc gọi từ Lý Vĩ. Khi bệnh tiểu đường của cô trở nên tồi tệ hơn, cô phải tự tiêm insulin hai lần một ngày; sự căng thẳng về thể chất và tinh thần của cô dường như đã đến cực hạn. Diệp Thục Trinh, người đang khóc khi nói chuyện với bạn của mình, nghe thấy Lý Vĩ nói: “Bạn được cứu rồi, tôi đã tìm thấy Pháp Luân Công”. Hóa ra cuối cùng Lý Vĩ đã tìm thấy Pháp Luân Công ở Đài Loan, và cô ấy cũng đã luyện được vài tháng, xác nhận đó là một công pháp tốt, rồi mới đề xuất nó cho Diệp Thục Trinh. Cô nói với Diệp Thục Trinh rằng: có một buổi giao lưu tâm đắc Pháp Luân Công tại Nhà thi đấu Đại học Sư phạm Quốc gia vào ngày 17 tháng 11, và Diệp Thục Trinh cần tham gia.

Đây là buổi gặp mặt giao lưu được tổ chức bởi các học viên Đài Loan sau khi họ trở về từ chuyến đi giao lưu đầu tiên đến Hoa lục. Tại buổi gặp gỡ trao đổi, Diệp Thục Trinh đã cẩn thận lắng nghe tâm đắc tu luyện của các học viên Pháp Luân Công: “Pháp môn này yêu cầu tu tâm tính trước, luyện công sau” – điều này khiến cô cảm nhận Pháp Luân Công dường như không tương đồng với các môn khí công bình thường. Sau khi trở về nhà, Diệp Thục Trinh đọc “Tinh tấn yếu chỉ”, và sau đó liền đọc “Chuyển Pháp Luân”.

Cô trước tiên phát hiện, Pháp Luân Công có thể “độc tu”, có thể tự mình luyện công ở nhà, điều này hoàn toàn phù hợp với cô ấy, người rất bận rộn với công việc giảng dạy và nghiên cứu học thuật. Ngoài ra, qua sách cô học được rằng, Sư phụ Lý Hồng Chí không yêu cầu bái Sư, cũng không thu học phí, “Không cần bái Sư, do đó Sư phụ không cầu danh; không cần học phí, do đó bất cầu lợi. Tôi cảm thấy phàm là lừa người, nhất định không là vì danh thì cũng là vì lợi. Ở đây [Sư phụ] không cầu danh, không cầu lợi, nhất định không thể là lừa người”. Diệp Thục Trinh nghĩ như vậy.

Diệp Thục Trinh, người nghiên cứu khoa học xã hội, rất chú trọng tính logic của lý luận. Khi đọc Chuyển Pháp Luân, cô chắc chắn mang tâm thái nghiêm cẩn của một học giả. Cô phát hiện rằng: “Cuốn sách rất logic và nhất quán”.

Ngoài ra, đây là cuốn sách mà hầu hết mọi người đều có thể hiểu được. Cô nói: “Trước đây sức khỏe tôi không tốt nên có người đã tặng tôi ‘Kinh Kim Cương’. Tôi đã đọc nửa ngày nhưng không hiểu được gì. Lần đầu tiên tiếp xúc với ‘Chuyển Pháp Luân’, tôi liền cảm thấy đó là một cuốn sách mà mọi người đều có thể đọc và hiểu được”.

Sau khi luyện công, đọc sách, Diệp Thục Trinh không biết không cảm thấy mà các bệnh tật khác nhau của cô đã biến mất nội trong một thời gian ngắn; cô không còn lăn lộn trên mặt đất vì đau quặn ruột, thậm chí không cần phải lo lắng về thực phẩm cấm kị – Diệp Thục Trinh như đã được tái sinh. Cô ngày đêm lao vào làm bản thảo, sau này xuất bản hai cuốn sách học thuật, đều là những việc mà cô không dám hy vọng trong quá khứ khi bệnh tật ốm yếu dày vò.

Diệp Thục Trinh, người vốn có thể chất yếu nhược, đã được thoát thai hoán cốt sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bức ảnh chụp lại cảnh quay trở lại trường cũ của cô, Đại học Pittsburgh vào năm 2012, trước tòa nhà lâu đời nhất, Cathedral of Learning. (Ảnh do NXB Bác Đại cung cấp)

Vào mùa xuân năm 1999, sau khi xảy ra cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của 4,25 vạn học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh, câu chuyện của Diệp Thục Trinh đã xuất hiện trên các báo đài Đài Loan, và nhiều người đã biết đến Pháp Luân Công.

Các giáo sư truyền tay nhau sách quý

Sau khi luyện công, Diệp Thục Trinh chỉ cần có cơ hội là nhất định sẽ giới thiệu Pháp Luân Công cho những người khác. Một hôm cô đang nghe băng bài giảng của Sư phụ Lý Hồng Chí bằng tai nghe, thì Phàn Gia Trung, một học trò thạc sĩ dưới sự hướng dẫn của cô, tò mò hỏi: “Giáo sư, cô đang nghe gì vậy?”

“Tôi đang nghe một điều tuyệt vời!”, tháo tai nghe ra, Diệp Thục Trinh giới thiệu Pháp Luân Công cho Phàn Gia Trung. Sau này cậu ấy cũng trở thành một người tu luyện.

Vài tháng sau, Diệp Thục Trinh viết một lá thư và gửi nó vào hộp thư điện tử của giáo sư Khoa Kinh tế của Đại học Quốc gia Đài Loan, trong thư viết, sau khi cô tự mình luyện công, cả thân thể và tinh thần đều biến hóa.

Sau khi đọc xong tâm đắc của cô, Giáo sư Lưu Oanh Xuyến thuộc Khoa Kinh tế đã háo hức tìm gặp Diệp Thục Trinh và hỏi: “Đây là gì?”, vì vậy, Diệp Thục Trinh đã đưa cho cô ấy một cuốn Chuyển Pháp Luân. Lưu Oanh Xuyến chỉ mất mười giờ để đọc xong cuốn sách: “Tôi nghĩ nó hay hơn tiểu thuyết võ hiệp”. Đọc xong, cô đã đến nhà Diệp Thục Trinh để học công. Sau đó, chồng của Lưu Oanh Xuyến, Ngô Huệ Lâm, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa, và con trai của họ cũng lần lượt tu luyện Pháp Luân Công.

Bắt đầu từ tháng 2 năm 1998, Diệp Thục Trinh và Lưu Oanh Xuyến đã tích cực mở các lớp chín ngày học Pháp và luyện công trong khuôn viên Đại học Quốc gia Đài Loan.

Trước khi lớp học chín ngày đầu tiên bắt đầu, với thái độ nghiêm cẩn thường thấy của các học giả, họ đã thận trọng tổ chức một cuộc họp thuyết minh về lớp học chín ngày khi chủ nhiệm khoa Kinh tế Trương Thanh Khê và vợ Tào Huệ Linh đến trường. Nhưng Trương Thanh Khê đã không tham gia lớp học chín ngày sau đó, còn Tào Huệ Linh đã đọc xong cuốn “Chuyển Pháp Luân” trước khi bắt đầu lớp học, cô ngay lập tức biết rằng đây chính là thứ mà mình đang tìm kiếm.

Là Phó giáo sư Khoa Kinh tế của Đại học Đông Ngô, Tào Huệ Linh nhất tâm tìm cầu nghe Đạo, niệm kinh, đả thiền và luyện khí công. “Cô ấy đã ngồi thiền mỗi ngày!” Trương Thanh Khê kể về vợ mình. “Tôi chỉ nghĩ, có lẽ lúc nào đó cô ấy sẽ thành Tiên”. Ông không phản đối, nhưng cho rằng nó không liên quan gì đến ông. “Tôi không phải là không tin, chỉ là cảm thấy không có nhu cầu, tôi không có nhu cầu tu luyện; thành Tiên ư? Tôi không có ý tưởng này”.

Là một học giả danh tiếng, Trương Thanh Khê là đồng tác giả cuốn “Kinh tế học: Lý thuyết và Thực hành” cùng với ba giáo sư của Khoa Kinh tế Đại học Quốc gia Đài Loan. Đây là cuốn sách giáo khoa kinh tế học địa phương đầu tiên của Đài Loan dành cho các trường đại học và cao đẳng, xứng đáng là cuốn sách giáo khoa kinh điển và quyền uy nhất được học sinh vô cùng hoan nghênh.

Khi đó, ông rất hăng hái trong việc bình luận các vấn đề chính trị thời sự, khuyên nhủ quốc sự. Từ năm 1989, Trương Thanh Khê đã tham gia thành lập nhóm “Trừng Xã” (thanh lọc xã hội) do một nhóm các giáo sư đại học tương đồng ý niệm ở Đài Loan thành lập, thảo luận về chính trị nhưng không tham gia vào chính trị. Trong những năm đó, ông tin rằng ưu tiên hàng đầu là xóa bỏ bất bình đẳng và giương cao chính nghĩa xã hội.

Cùng lúc đó, Tào Huệ Linh, người đã tìm hiểu và tu hành nhiều năm, đã gặp phải một trở ngại: “Nếu tu đến một trình độ nào đó mà bị mắc kẹt ở đó, bạn căn bản không còn chút hy vọng, liền cảm thấy mình bứt phá lên không nổi”. Cô nghĩ rằng nếu từ bỏ danh lợi, cô có thể tìm thấy chân ngã. Vì vậy, cô từ bỏ giáo chức đại học của mình, và mang con trai đang học trung học cơ sở đến núi Nam Đầu, nơi cô và chị gái của chồng trồng chè trên núi.

Sau khi trồng chè được ba năm, Tào Huệ Linh cũng học thủ pháp trị bệnh. Mặc dù cô chữa trị được bệnh cho người khác, nhưng thân thể cô ngày một yếu đi. Ba năm sau, khi Tào Huệ Linh trở lại Đài Bắc, cô không ngừng đi ngoài ra máu, tựa hồ như cô có thể chết bất cứ lúc nào. Trương Thanh Khê mô tả tình trạng của Tào Huệ Linh lúc đó và nói: “Vì sức khỏe, cô ấy điều gì cũng làm, chỉnh đốt sống, nằm giường dưỡng sinh, ăn thực phẩm dưỡng sinh… mỗi ngày còn uống thuốc bắc”. Ngoài việc nỗ lực hỗ trợ vợ, Trương Thanh Khê không có phương cách nào khác.

Khi Tào Huệ Linh đọc xong cuốn “Chuyển Pháp Luân” mà Diệp Thục Trinh đưa cho cô, liền xác định rằng đó là pháp môn có thể chỉ đạo cô tu luyện và có được sự thăng hoa trong sinh mệnh. Cô nói: “Cuốn sách này đã cho tôi hiểu một cách phi thường minh xác về những hoài nghi chưa có lời giải của tôi trước đây, nhờ đó tôi mới có thể an ổn cái thân tâm này, cảm thấy rất yên tâm”.

Sau khi Tào Huệ Linh luyện công và đọc Chuyển Pháp Luân, biểu hiện của cô rất vui vẻ, Trương Thanh Khê vẫn tôn trọng vợ như mọi khi, nhưng như ông đã nói, ông không có nhu cầu và mong muốn tu luyện.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, tình trạng bị kẹt xe kéo dài hai tiếng đồng hồ đã khiến cách nghĩ về tu luyện của Trương Thanh Khê phát sinh đại nghịch chuyển.

Vào tháng 2 năm 1998, Lễ hội Đèn lồng được tổ chức vào ngày 15 Tết. Lần đầu tiên con đường Nhân Ái ở thành phố Đài Bắc được trang trí bằng hàng triệu bóng đèn như một biển đèn, Trương Thanh Khê lái xe đưa Tào Huệ Linh và con trai đi xem ngắm những chiếc đèn lồng. Chiếc xe bị kẹt cứng xếp hàng dài không thể di chuyển. Tào Huệ Linh phát đoạn ghi âm bài giảng của Sư phụ Lý trên xe hơi. Bằng cách này, sau khi xe đi đi dừng dừng trong hai giờ và đến được Lễ hội Đèn lồng, thì Trương Thanh Khê cũng đã nghe xong bài giảng của Sư phụ Lý trong hai giờ.

Trương Thanh Khê nhớ lại: “Tôi nghe bài giảng của Lý Đại sư và cảm thấy thật thú vị! Phải nói rằng, nếu bạn không tin những gì Ông ấy giảng, bạn vẫn cảm thấy những điều Ông ấy giảng thật lớn lao, khẩu khí thật lớn lao. Nhưng nếu bạn nghĩ những điều Ông ấy giảng là đúng, bạn sẽ cảm thấy Ông ấy thật khiêm nhường, rất nhiều sự tình Đông – Tây, Ông ấy đều giải thích rất rõ ràng”.

Trương Thanh Khê tâm phục khẩu phục, quyết định cùng vợ tu luyện. Nhưng kế hoạch tu luyện được ấn định vào bốn tháng sau, bởi vì ông ấy sẽ từ chức xã trưởng “Trừng Xã” vào tháng 4, và cũng sẽ thôi giữ chức Trưởng khoa Kinh tế của Đại học Quốc gia Đài Loan vào cuối tháng 7.

Giáo sư Đại học Quốc gia Đài Loan Trương Thanh Khê đã lái xe đưa vợ Tào Huệ Linh và con trai đi thưởng ngoạn Lễ hội Đèn lồng, nhưng do tắc đường, sau khi nghe đoạn ghi âm bài giảng của Sư phụ Lý kéo dài hai giờ trên xe, ông quyết định cùng vợ tu luyện. (Ảnh do NXB Bác Đại cung cấp)

Bảy tháng sau, ông và vợ ông dậy lúc sáu giờ mỗi ngày và đi bộ đến khu vực Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở gần nhà để luyện công (nay đã được đổi tên thành Quảng trường Tự do). Cơ thể yếu ớt của Tào Huệ Linh đã được cải thiện một cách thần kỳ sau ba tháng luyện công. Còn Trương Thanh Khê thì sao? Tào Huệ Linh cho biết: “Sau khi luyện công, các đường nét trên khuôn mặt ông ấy trở nên nhu hòa hơn, và sắc mặt của ông ấy cũng trở nên hồng nhuận”.

Mặc dù những năm gần đây không thấy xuất hiện hình ảnh của Trương Thanh Khê trong các cuộc vận động đường phố về các vấn đề quốc sự lớn, và cũng không có bài bình luận sắc sảo nào xuất hiện trên báo, nhưng ông nhìn nhận rằng sự quan tâm của mình đối với xã hội vẫn không hề giảm sút. Ông nói: “Thực ra, chúng tôi quan tâm đến xã hội này nhiều hơn trước; chúng tôi quan tâm một cách chân chính, bởi vì để làm cho xã hội thực sự được cải biến tốt đẹp hơn, chúng ta cần phải cải biến nhân tâm. Nếu nhân tâm không thay đổi, thì thực tế không có nhiều tác dụng”.

Việc ba vị giáo sư kinh tế Đại học Quốc gia Đài Loan: Diệp Thục Trinh, Lưu Oanh Xuyến và Trương Thanh Khê lần lượt tu luyện Pháp Luân Công, đã khiến ngoại giới tín nhiệm Pháp Luân Công hơn. Diệp Thục Trinh nói: “Giúp cho xã hội biết rằng các phần tử trí thức cấp cao cũng đang học công – đây không phải là mê tín”. Sau đó, Giáo sư Trương Cẩm Hoa thuộc Viện Nghiên cứu Báo chí Đại học Quốc gia Đài Loan, Giáo sư Minh Cư Chính của Khoa Chính trị, và Giáo sư Tạ Minh Dương của Khoa Luật cũng lần lượt bước vào tu luyện Pháp Luân Công.

Học hội Nghiên cứu Pháp Luân Công Đài Loan được thành lập tại Đài Loan vào ngày 5 tháng 9 năm 1999. Tháng 8 năm 2002, nó được đổi tên thành Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan Học Hội. Giáo sư Trương Thanh Khê giữ chức vụ chủ tịch cho đến năm 2014, và sau đó được kế nhiệm bởi Giáo sư Trương Cẩm Hoa.

Tại Hoa Kỳ, Giáo sư Trương Cẩm Hoa đã rất tò mò khi xem tin tức về việc Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại vào tháng 7 năm 1999. Trước đó, cô không biết gì về công pháp mà hàng trăm triệu người đã học và luyện này, cô cảm thấy rất hiếu kỳ. Sau khi trở về Đài Loan, một người bạn ở Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa đã đưa cho cô một cuốn “Chuyển Pháp Luân”, cô tức khắc đọc một lèo xong cuốn sách, thế là bước vào hàng ngũ người tu luyện. Và với chuyên ngành báo chí của mình, cô đảm nhận công tác đưa tin tức về Pháp Luân Công ở Đài Loan.

Hiện tại, có hai tổ chức Pháp Luân Công trong khuôn viên Đại học Quốc gia Đài Loan; một thuộc về các giảng viên, được gọi là Phân hội Pháp Luân Công và Ban Hoạt động Văn hóa và Sức khỏe Đại học Quốc gia Đài Loan; tổ chức còn lại thuộc về sinh viên, được gọi là Câu lạc bộ Pháp Luân Công Đại học Quốc gia Đài Loan, thành lập vào năm 2000.

Dần dần, các câu lạc bộ Pháp Luân Công cũng đã được thành lập ở các trường đại học khác, chẳng hạn như Đại học Thế Tân, Đại học Chính trị Quốc gia, Đại học Quốc lập Thành Công, Đại học Cao Hùng, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoàn cầu, Đại học Hải Dương, Đại học Đông Hải, Đại học Đông Hoa, Đại học Trung Sơn, Đại học Trung Chính, Đại học Gia Nghĩa, Đại học Văn hóa , Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan, Đại học Trung Hưng, Đại học Trung Ương, v.v. Cơ duyên cho các thanh niên trẻ tu luyện Pháp Luân Công đã được gieo trồng tại các trường đại học và cao đẳng của Đài Loan.

(Còn nữa…)

Quý vị muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, hãy bấm vào link: https://vi.falundafa.org (tiếng Việt); và: www.falundafa.org (tiếng Anh).

Cuốn sách “Hạt giống vàng – Câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan” như một trang sử sống động, ghi chép lại mạch lạc phát triển của Pháp Luân Công ở Đài Loan với những câu chuyện cảm động và những lịch trình trân quý.
Năm 1994, từ cơ duyên kỳ diệu của một cặp vợ chồng Đài Bắc, tới chuyến đi của một bác sĩ Thượng Hải đến Đài Loan, và một lão ông từ Quý Châu đến thăm họ hàng ở Hoa Liên, họ đã mang theo ‘hạt giống’ Đại Pháp đến Đài Loan, và tạo ra một cơ duyên tu luyện hiếm có cho người dân của quốc gia này.
Vào tháng 2 năm 2016, nhóm biên tập đã triển khai các cuộc phỏng vấn độc quyền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Đài Loan. Sau ba năm nghe các tệp ghi âm, so sánh đối chiếu và tương tác, cuối cùng đã có thể biên tập thành một cuốn sách, dù khó khăn hơn so với dự kiến ​​ban đầu.
Hôm nay, chúng tôi xin đăng toàn văn cuốn sách “Hạt giống vàng”, hy vọng lưu lại cho độc giả một kiến chứng lịch sử hoàn chỉnh hơn về Pháp Luân Đại Pháp từ góc nhìn của người Đài Loan.

Theo “Hạt giống vàng” – trích đoạn 17
Phóng viên và biên tập: Tăng Tường Phú – Hoàng Cẩm
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version