Đại Kỷ Nguyên

Hạt giống vàng (P.15): Thiên thư ‘Chuyển Pháp Luân’ được phát hành lần đầu tiên tại Đài Loan năm 1998

Hạt giống vàng (P.15): Thiên thư ‘Chuyển Pháp Luân’ được phát hành lần đầu tiên tại Đài Loan năm 1998

Bìa cuốn "Hạt giống vàng" (Các ảnh trong bài do NXB Bác Đại cung cấp).

Lúc này, một học viên bất ngờ nói: “Chúng tôi đã tìm rất nhiều nhà xuất bản và họ không cho chúng tôi biết lý do từ chối. Tôi nghĩ ông rất thẳng thắn và là một người rất chân thành. Tôi nghĩ ông có thể giúp đỡ? Nếu làm tốt việc này, thì sẽ có công đức vô lượng!”…

Một học viên Pháp Luân Công sống ở Bắc Kinh, sau này định cư ở Nhật Bản nhớ lại: “Các hiệu sách ở Trung Quốc đại lục thường xuyên thiếu sách Chuyển Pháp Luân, phải đợi để mua sách!” Một học viên Pháp Luân Công sống ở Hoa Kỳ nhớ lại: “Vào thời điểm đó, người ta thường mua rất nhiều sách, mỗi người một xe chở về quê để hồng dương Phật Pháp”.

Tháng 12 năm 1994, cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” được Nhà xuất bản Đài Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc xuất bản tại Trung Quốc đại lục. Cuốn sách này do Đại sư Lý Hồng Chí biên soạn dựa trên nội dung ghi chép từ các bài giảng Pháp tại đại lục, tổng cộng có chín bài giảng và nội dung theo thể văn bạch thoại thông dụng. “Chuyển Pháp Luân” là cuốn sách Sư phụ Lý Hồng Chí viết để hướng dẫn các học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công), giải thích các nguyên lý tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp và hướng dẫn các học viên đề cao trong tu luyện Đại Pháp căn bản. Tháng 1 năm 1996, “Chuyển Pháp Luânlọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất ở Bắc Kinh, đến năm 1997, cuốn sách một lần nữa lọt vào danh sách mười cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc.

Đối với các học viên Đài Loan, ban đầu họ chỉ tập trung luyện công, sau ba lần đến Bắc Kinh tham gia các cuộc gặp gỡ giao lưu và sau khi Sư phụ Lý đến Đài Loan giảng Pháp, lúc này họ mới nhận ra mấu chốt của tu luyện lâu dài là tu tâm tính, mọi người khi này mới bắt đầu coi trọng việc đọc cuốn sách chỉ đạo tu luyện Chuyển Pháp Luân.

Liệu Hiểu Lam cũng mất nửa năm để học thuộc toàn bộ cuốn sách Chuyển Pháp Luân sau khi tham gia buổi giao lưu ở đại lục. Cô nhớ lại khoảnh khắc khi học thuộc hết toàn bộ cuốn sách, “Trong lòng tôi rất cảm động. Tôi biết rằng Đại Pháp đã thay đổi tôi và giúp tôi không còn rơi xuống theo loạn thế …”

Huỳnh Tiểu Minh cho biết: “Ban đầu chúng tôi không chú ý đến việc học Pháp lắm, nhưng khi tôi tham gia buổi giao lưu ở đại lục, tôi thấy hầu hết các học viên đại lục đều đọc thuộc lòng cuốn Chuyển Pháp Luân. Tôi nghĩ, tại sao lại có khoảng cách lớn như vậy!” Vì vậy, sau khi trở về Đài Loan, anh ấy cũng bắt đầu không rời “cuốn sách”.

Các học viên ngày càng chú trọng việc học Pháp hơn, cùng với việc ngày càng nhiều người ở Đài Loan theo học, cuốn Chuyển Pháp Luân ở Đài Loan cũng xuất hiện tình huống cung không đủ cầu.

Đầu năm 1996, Trịnh Văn Hoàng nhờ Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công Trung Quốc tại Bắc Kinh giúp đỡ vì thiếu sách, sau đó, Bắc Kinh đã gửi một trăm bản Chuyển Pháp Luân cho Đài Loan. Vào cuối năm đó, được sự đồng ý của Bắc Kinh, bản giản thể của cuốn “Chuyển Pháp Luân” mang về từ đại lục đã được các học viên Đài Loan gõ từng chữ, từng câu trong máy tính rồi gửi đến xưởng in để in. Tuy nhiên, lô sách này không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng đông của học viên. Sau đó, Đài Loan đã nhập khẩu cuốn “Chuyển Pháp Luân” từ đại lục hoặc Hồng Kông, tuy nhiên, không chỉ chi phí vận chuyển đắt đỏ, bản tiếng Trung giản thể in ở đại lục cũng khiến học viên Đài Loan khó đọc. Đồng thời, dù nhập khẩu vẫn không đủ. Vì vậy, vào cuối năm 1997, khi được Lý Sư phụ chấp thuận cho chính thức xuất bản cuốn “Chuyển Pháp Luân” bản phồn thể tại Đài Loan, các học viên đã rất vui mừng, họ bắt đầu tích cực tìm nhà xuất bản để hợp tác.

Tìm một nhà xuất bản…

Vào khoảng thời gian đó, năm hoặc sáu người bao gồm Huỳnh Tiểu Minh và Hồng Cát Hoằng đã đến nhà sách Ích Quần phía bắc Trùng Khánh, thành phố Đài Bắc. Nhà sách được thành lập từ năm 1970 này nhìn bề ngoài không có gì ấn tượng, nhưng đây không chỉ là một nhà sách, mà còn là nhà xuất bản và nhà phân phối.

Đây không phải là nhà xuất bản đầu tiên mà Huỳnh Tiểu Minh và những người khác đã đến thăm trong vài ngày. Để đàm phán về việc xuất bản cuốn “Chuyển Pháp Luân” ở Đài Loan, họ đã gặp phải một vài “cây đinh mềm” (phép ẩn dụ thể hiện sự từ chối khéo). Trước khi kết thúc chuyến thăm này, họ đã đưa cho ông Lưu Anh Phú, chủ nhà sách, một cuốn Chuyển Pháp Luân, hy vọng rằng ông ấy sẽ dành thời gian đọc nó, và họ sẽ quay lại thảo luận về việc hợp tác xuất bản trong vài ngày tới.

Trong chuyến thăm thứ hai, tại văn phòng của ông Lưu Anh Phú, người đã đọc cuốn Chuyển Pháp Luân từng nói: “Cuốn sách này rất hay, nếu có thể làm theo “Chân-Thiện-Nhẫn” trong cuốn sách, thì đó thực sự là một người tốt. Nhưng đối với ngành xuất bản của Đài Loan, hầu hết các sách về tín ngưỡng tôn giáo đều được tặng miễn phí. Nếu chúng được xuất bản và niêm yết trên kệ, thị trường có thể sẽ không lớn”. Là một nhà kinh doanh, ông thật thà nói với mọi người: “Sách rất hay, nhưng tôi không biết thị trường ở đâu và doanh thu sẽ là bao nhiêu sau khi xuất bản”.

Ngoài ra, nhà xuất bản thường nhận được uỷ quyền xuất bản từ tác giả trong 5 năm hoặc thậm chí 7 năm, nhưng Ngài Lý Hồng Chí chỉ uỷ quyền trong một năm. Ông Lưu Anh Phú giải thích: “Quy trình xuất bản sách nói chung chỉ riêng việc sắp chữ, hiệu đính, và in ấn đòi hỏi từ hai đến ba tháng, cộng với việc phân phối, thường kéo dài nửa năm. Chỉ được ủy quyền trong một năm, thời gian này quá ngắn, đây là một việc chưa từng có trong ngành, và rất khó để thực hiện trên thực tế”.

Tuy nhiên, Ngài Lý Hồng Chí không có yêu cầu gì về tiền bản quyền, nói rằng ông chỉ cần làm theo giá thị trường thấp nhất, thậm chí không phải trả tiền bản quyền. Ông Lưu Anh Phú đánh giá: “Mục đích của tác giả không phải kiếm tiền!” Ông phân tích: “Vì ông ấy ký với chúng tôi, nếu chúng tôi làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cuốn sách, và ông ấy có thể chấm dứt việc ủy ​​quyền sau một năm”. Sau khi ông phân tích, các học viên có mặt cũng nhận ra rằng “cây đinh mềm” họ gặp phải trước đây, “thời gian ủy quyền quá ngắn” là một trong những nguyên nhân chính.

Sau khi ông Lưu Anh Phú nói xong, tất cả đều im lặng. Lúc này, một học viên bất ngờ nói: “Chúng tôi đã tìm rất nhiều nhà xuất bản và họ không cho chúng tôi biết lý do từ chối. Tôi nghĩ ông rất thẳng thắn và là một người rất chân thành. Tôi nghĩ ông có thể giúp đỡ? Nếu làm tốt việc này, thì sẽ có công đức vô lượng!”

“Công đức vô lượng”, ông Lưu Anh Phú nhớ lại, bốn chữ này đã khiến ông chấn động, chuyện ‘bàn về xuất bản và làm kinh doanh’ lúc ban đầu đã thay đổi. Lúc này ông nói: “Vì việc xuất bản cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” có công đức vô lượng, nên tôi sẽ không đi vào chi tiết nữa. Hãy nói cho tôi biết các bạn muốn tôi làm gì, tôi sẽ làm nó thật tốt”.

Vào ngày 5 tháng 5 năm 1998, Nhà sách Ích Quần chính thức được ủy quyền. Trong lần xuất bản đầu tiên vào tháng 6 năm 1998, hai nghìn bản Chuyển Pháp Luân đã được phát hành.

Huỳnh Tiểu Minh nhớ lại: “Lúc đó, ông chủ Lưu nghĩ đó là làm việc thiện, là cổ vũ. Ông ấy nghĩ rằng dù doanh số bán hàng có chậm đi chăng nữa thì cũng chỉ mất vài chục nghìn tệ”. Tuy nhiên, thật tuyệt vời là hai nghìn bản in cuốn “Chuyển Pháp Luân” đã được bán hết trong vòng một tháng ngay sau khi được phát hành. Điều này đã làm cho ông Lưu Anh Phú, người đã làm trong ngành xuất bản hàng chục năm cảm thấy bất ngờ. “Bình thường một cuốn sách in 2000 bản, bán một năm đều lo không bán hết. Nhưng cuốn “Chuyển Pháp Luân” đã được in năm lần trong một năm”. Sau lần in thứ năm, ông Lưu Anh Phú đã thay đổi số lượng in lên 3.000 bản mỗi lần, thậm chí 6.000 bản mỗi lần. Trong bối cảnh ngành xuất bản hiện đang thu hẹp lại, xu hướng bán chạy trong thời gian dài của Chuyển Pháp Luân có thể nói là đã thành công và doanh số bán ra cũng không ngừng tăng lên và ngày càng nhiều hơn.

Ông Lưu Anh Phú cho biết, hầu hết tất cả các chuỗi cửa hàng sách lớn hoặc cửa hàng sách tổng hợp ở Đài Loan đều có bán sách Chuyển Pháp Luân và các sách liên quan đến Pháp Luân Công, ngay cả những nhà sách nhỏ ở nông thôn cũng có thể tìm thấy chúng.

Xuất bản những cuốn sách mang lại lợi ích cho mọi người

Kể từ khi cuốn Chuyển Pháp Luân được xuất bản, rất nhiều người đã đến hiệu sách mỗi ngày để mua sách. Vì lý do này, ông Lưu Anh Phú cũng thường được hỏi: “Bạn đã xem Chuyển Pháp Luân chưa?” “Bạn đã luyện công chưa?” Một ngày nọ, một người phụ nữ sau khi thanh toán đã đứng ở quầy và nhìn ông Lưu Anh Phú, ông biết mình sẽ lại bị hỏi, “Ông chủ, ông có đọc sách không?”

“Tôi đã xem nó một lần rồi”.

“Ông có luyện công không?” Người phụ nữ lại hỏi.

“Không”.

“Tôi hiểu rồi!” Người phụ nữ đột ngột nói: “Ông là ‘người tốt’ trong số ‘những kẻ ngốc’ ”. Ông Lưu Anh Phú sững sờ trong giây lát, sau đó không khỏi mỉm cười, “Thỉnh giáo cô nhìn thế nào lại thấy tôi giống kẻ ngốc?”

“Sách quý tốt như vậy đều giao cho ông in, ông còn không biết tu luyện, vậy ông không phải kẻ ngốc, thì là gì?” Người phụ nữ tiếp tục nói: “Ông phải là một ‘người tốt’, mọi người mới tìm tới ông chứ!”

Sau khi nghe xong, trong lòng ông Lưu Anh Phú vô cùng chấn động, “Tôi thực sự đã bỏ lỡ một cuốn sách hay sao? Có cơ hội, tôi nhất định phải xem lại Chuyển Pháp Luân một lần nữa”.

Một ngày khác, ông Lưu Anh Phú gặp một người đàn ông đã mua hơn một chục cuốn Chuyển Pháp Luân cùng một lúc. Ông hỏi người đàn ông này: “Xin hỏi, anh mua nhiều sách cùng một lúc như vậy để làm gì?”

“Tôi đã học hơn mười loại khí công và tiêu tốn rất nhiều tiền. Cho đến khi đọc cuốn sách này, tôi mới biết cuốn sách này là tốt nhất. Vì vậy, tôi đã mua rất nhiều để tặng cho những người bạn đã tập khí công trước đó, để họ cũng đến học”. Người đàn ông trả lời.

Ngay sau khi rời đi, người đàn ông quay lại với một túi đồ, “Ông chủ, đây là băng ghi âm bài giảng Pháp của Sư phụ Lý ở Tế Nam. Nó rất quý giá. Tôi nghĩ rằng ông rất bận, ông có thể nghe nó trong lúc lái xe”. Ông Lưu Anh Phú cảm ơn người đàn ông. Sau này, những cuốn băng này thực sự đã giúp Lưu Anh Phú bước vào tu luyện.

Xuất bản sách mang lại lợi ích cho mọi người là ý định xuất bản ban đầu của Lưu Anh Phú, và hiệu sách được đặt tên là “Ích Quần” vì lý do này. Ông Lưu Anh Phú, người đã xuất bản hơn một nghìn cuốn sách trong phần lớn cuộc đời của mình, nói: “Cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” này thực sự quý giá!”; “Tôi luôn muốn xuất bản một cuốn sách có lợi cho mọi người và tôi thực sự đang làm điều đó bây giờ”.

Hiện tại, nhà sách Ích Quần đã được trao quyền xuất bản tất cả các sách, video và audio liên quan đến Pháp Luân Công. Có 45 cuốn sách bao gồm Chuyển Pháp Luân và các cuốn sách liên quan khác, đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và lưu hành tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

(Còn tiếp…)

Quý vị muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, hãy bấm vào link: https://vi.falundafa.org (tiếng Việt); và: www.falundafa.org (tiếng Anh).

Cuốn sách “Hạt giống vàng – Câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan” như một trang sử sống động, ghi chép lại mạch lạc phát triển của Pháp Luân Công ở Đài Loan với những câu chuyện cảm động và những lịch trình trân quý.
Năm 1994, từ cơ duyên kỳ diệu của một cặp vợ chồng Đài Bắc, tới chuyến đi của một bác sĩ Thượng Hải đến Đài Loan, và một lão ông từ Quý Châu đến thăm họ hàng ở Hoa Liên, họ đã mang theo ‘hạt giống’ Đại Pháp đến Đài Loan, và tạo ra một cơ duyên tu luyện hiếm có cho người dân của quốc gia này.
Vào tháng 2 năm 2016, nhóm biên tập đã triển khai các cuộc phỏng vấn độc quyền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Đài Loan. Sau ba năm nghe các tệp ghi âm, so sánh đối chiếu và tương tác, cuối cùng đã có thể biên tập thành một cuốn sách, dù khó khăn hơn so với dự kiến ​​ban đầu.
Hôm nay, chúng tôi xin đăng toàn văn cuốn sách “Hạt giống vàng”, hy vọng lưu lại cho độc giả một kiến chứng lịch sử hoàn chỉnh hơn về Pháp Luân Đại Pháp từ góc nhìn của người Đài Loan.

Theo Epoch Times
Phóng viên và biên tập: Tăng Tường Phú – Hoàng Cẩm
An Liên biên dịch

Exit mobile version