Đại Kỷ Nguyên

Giám đốc nhân sự – Cố vấn cấp cao “Gốc của quản trị là đạo đức”

giam-doc-nhan-su-co-van-cap-cao-goc-cua-quan-tri-la-dao-duc
Chị Dương Vân Anh, chuyên gia quản trị nhân sự, từng giữ các vị trí giám đốc nhân sự tại các công ty/tập đoàn đa quốc gia như Caltex (ChevronTexaco), Unilever, ngân hàng ANZ…; Từ năm 2009, chị đã làm việc cho các ngân hàng, tập đoàn lớn của Việt Nam như Ngân hàng SeABank, tập đoàn BRG, Vingroup…trên cương vị trợ lý cấp cao của Chủ tịch Tập đoàn, giám đốc nhân sự.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý con người, nhưng đó lại không phải là một công việc dễ dàng, thậm chí khiến chị luôn căng thẳng. Chị chia sẻ:

“Trong công việc là một giám đốc nhân sự, tôi chịu áp lực rất lớn. Lịch họp và làm việc liên tục nhiều giờ khiến tôi stress (căng thẳng liên tục), bởi vậy tôi rất nóng tính. Với bản tính là người cầu toàn lại thêm nóng nảy, tôi đã gây không ít áp lực cho những người sống quanh, đặc biệt là gia đình, người thân. Ở nhà, tôi có một câu ca thán kinh điển mà các con tôi thuộc lòng: “Làm ăn như thế này mà là nhân viên của mẹ thì mất việc từ lâu rồi!”.

Ảnh chị Vân Anh đang làm việc (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong công việc, tôi có hướng dẫn nhân viên nhưng cũng phản ứng gay gắt khi không vừa ý. Khi nóng tính thì một lỗi chính tả cũng có thể bác cả một văn bản. Với cấp trên, tôi đã từng tranh luận gạt đi ý kiến chỉ đạo của quản lý người nước ngoài để cương quyết bảo lưu quan điểm, và quyết định của mình trong xử lý tình huống nhân sự.”

Áp lực trong công việc và từ chính bản thân, khiến sự nghiệp với chuyên môn quản trị nhân sự đối với chị mặc dù có thể nói là đã thành danh, tuy nhiên, mặt trái của công danh là sa sút về sức khỏe.

“Tôi thường xuyên bị những cơn đau đầu tưởng như không thể chịu đựng được. Tôi đã tìm tới những giáo sư, bác sĩ giỏi cả đông y lẫn Tây, kiên trì theo liệu trình bác sĩ đã đặt ra nhưng không đỡ được mấy.

Khi những cơn đau đầu hành hạ đến mức khủng hoảng, đôi khi tôi nghĩ, tiền bạc, công danh cũng không phải luôn đem lại cho mình những thứ mình cần. Và nếu sức khoẻ quan trọng hơn công danh sự nghiệp thì tôi phải làm thế nào đây. Liệu đã quá muộn chưa?”

Thế rồi, bằng một cách tình cờ, có lẽ vũ trụ đã giúp chị tìm ra câu trả lời.

Ảnh chị Vân Anh nhận giải thưởng tại Lễ trao giải doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động. (Ảnh nhân vật cung cấp)

CÔ GIÁO DẠY NHẠC
VÀ MỐI DUYÊN BẤT NGỜ

Hè 2017 gia đình chị về sống tại Ecopark. Chị tìm và đã được giới thiệu một giáo viên dạy đàn piano cho con. Khi biết cô giáo là người được đào tạo bài bản trong Nhạc viện nhưng không may gặp tai nạn khiến cô bị tật nguyền phải ngồi xe lăn thì chị cũng có ý muốn ủng hộ một người có nỗ lực và ý chí như cô.

Ảnh chị Vân Anh và con gái đang chơi đàn piano. (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Ngoài trao đổi về việc học tập của con, tôi được nghe cô kể nhờ tu luyện mà cô đã có quá trình phục hồi kỳ diệu sau tai nạn kinh hoàng xảy ra với cô. Người phụ nữ không may mắn về thân thể đó dường như có một sức khỏe tinh thần lẫn thể chất hơn cả một người bình thường như tôi.”

Chị kể tiếp:

“Khi đưa con đến nhà cô học thì chúng tôi nhìn thấy bức tranh rất đẹp mà chồng tôi nhận ra có liên quan đến môn tu luyện Pháp Luân Công. Tôi thì từ xưa vốn là người kính ngưỡng Phật Pháp nên nghe giới thiệu Pháp Luân Công là một môn tu luyện Phật gia theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn thì tôi muốn tìm hiểu ngay.”

Vậy là cô giáo dạy đàn cùng một cô học viên nữa hướng dẫn vợ chồng chị tập các bài công pháp. Sau đó, vợ chồng chị tìm đọc cuốn Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công); đồng thời tự xem trên Youtube để luyện động tác.

“Chuyện giản dị như vậy, nhưng sau khi tập 5 bài công pháp và đọc sách hằng ngày, kỳ lạ thay, các cơn đau đầu thưa thớt dần, mức độ đau nhẹ đi và tôi đã hết đau từ lúc nào không hay.”

Không chỉ những cơn đau đầu khủng khiếp vốn hành hạ chị đã biến mất, mà tâm tính của chị cũng thay đổi không ngờ.

Ảnh chị Vân Anh đang ngồi luyện công bài số 5 của Pháp Luân Công. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ảnh chị Vân Anh đang ngồi luyện công bài số 5 của Pháp Luân Công. (Ảnh nhân vật cung cấp)

‘THIỆN Ý MỘT CÂU ẤM BA ĐÔNG’

Những pháp lý chỉ đạo cách làm người tốt, hướng thiện đã giúp chị dần dần nhận ra chính lý để tu luyện, thay đổi tâm tính. Kể từ đó, trước những sự việc vốn trước đây khiến chị nổi nóng, thì bây giờ, chị nhắc mình bình tĩnh, áp dụng một khoảng hòa hoãn để suy xét vấn đề.

Nhờ đó chị cũng kiểm soát được cảm xúc tốt hơn trong các cuộc trao đổi với chồng, biết dừng lại trong tình huống gây tranh luận hoặc thiện ý chia sẻ ý kiến.

Ảnh sinh nhật chồng chị Vân Anh. (Ảnh nhân vật cung cấp)

“Chồng tôi là Tổng giám đốc một công ty trong lĩnh vực hàng không. Trước khi tu luyện thì vợ chồng tôi hay “khẩu chiến” bởi không ai chịu nhường ai một câu nói. Chúng tôi hay trao đổi với nhau về công việc nhưng cũng nhanh chóng rơi vào tranh luận không phân thắng bại vì mỗi người có quan điểm nhìn nhận vấn đề và phương pháp giải quyết khác nhau, hơn tất cả là do cái tôi của mỗi người quá lớn.

Chúng tôi có lẽ sẽ mãi mãi không nhận ra sự bất ổn trong cách cư xử của mình, nếu như không tu luyện. Chồng tôi vốn là người khoác lên mình đầy niềm tự hào cá nhân. Trước đây thì thật khó mà góp ý kiến cho anh ấy nhưng sau khi vợ chồng tôi đắc Pháp thì một mặt anh ấy cũng đang tu luyện sửa đổi tâm tính, một mặt anh ấy cũng nhận thấy thiện ý từ tôi nên đã lắng nghe hơn.”

“Trong công việc, thay vì chỉ khư khư giữ nguyên tắc cứng rắn, đôi khi bảo thủ cố chấp, độc đoán thì tôi đã thay đổi dần dần trở nên lắng nghe hơn, biết cảm thông hơn, thường đặt mình vào vị trí của đối tác để suy xét vấn đề quan trọng, nhạy cảm.”

GỐC CỦA QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

Ảnh chị Vân Anh và nhân viên công ty. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Học cách nghĩ và nói lời Thiện từ khi tu luyện đã khiến chị trải nghiệm không ít chuyện bất ngờ. Một câu chuyện làm chị nhớ mãi:

“Đó là trường hợp một bạn cán bộ quản lý, nghiệp vụ chuyên môn tốt, có khả năng làm việc bằng tiếng Anh, công ty rất cần giữ chân nhân sự này. Trong quá trình điều chuyển cán bộ giữa các doanh nghiệp trong hệ thống thì bộ phận làm chính sách đã tính, trả sai lương (cao hơn) cho bạn này trong một thời gian dài. Khi phát hiện ra thì Bộ phận làm lương phải truy thu nếu không thì chính các nhân viên trong bộ phận làm lương phải đền bằng tiền cá nhân và phải chịu hình thức kỷ luật.

Bộ phận làm lương đã giải thích cho bạn nhưng bạn này cũng đưa ra những lý lẽ riêng và không chấp nhận cho công ty truy thu. Bạn này tỏ thái độ quyết liệt và cũng chặn mọi liên hệ với bộ phận Nhân sự của công ty. Là Giám đốc Nhân sự, tôi phải xử lý vấn đề này. Tôi đã nhắn tin cho bạn ấy. Trong nội dung tin nhắn tôi có nói đến việc tôi là người học Phật Pháp. Giáo lý nhà Phật có nói cái gì không phải của mình mà mình cố ý giành giữ lấy nó thì nó cũng không ở với mình lâu, thậm chí mình sẽ bị tiêu tán nó theo những cách thức mà mình chẳng thích gì ví dụ như mình hoặc người thân ốm đau, tiêu tán tài vật. Sau tin nhắn đó thì bạn đã chủ động liên hệ lại và muốn nói chuyện với tôi. Khi trao đổi trực tiếp tôi có dịp chia sẻ kỹ hơn với bạn. Bạn cũng hẹn, mời tôi đi ăn cơm chay. Thời gian đó tôi cũng sắp rời công ty nên cũng bàn giao lại việc này cho bộ phận nhân sự tiếp tục thực hiện, tuy nhiên bạn đã rất thiện ý hợp tác cùng xử lý vấn đề.

Hơn 30 năm trong ngành quản trị nhân sự cho các tập đoàn lớn trong nước và đa quốc gia, đến bây giờ, sau khi tu luyện, tôi mới nhận ra rằng, nhân sự là con người, cái gốc của quản trị con người chính là ở việc từng cá nhân có tiêu chuẩn đạo đức cao.

Tôi thiết nghĩ rằng, nếu mỗi người đều có thể chiểu theo tiêu chuẩn Chân Thiện Nhẫn, thì việc quản trị trong một công ty sẽ vô cùng đơn giản và chắc chắn công ty đó sẽ có hiệu quả làm việc thật sự tốt.”

Ảnh chị Vân Anh chụp cùng các nhân viên công ty. (Ảnh nhân vật cung cấp)

DÀNH THỜI GIAN
CHO NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG

Cuối năm 2021, chị đã rời khỏi vị trí quản lý nhân sự cấp cao của các tập đoàn để làm tư vấn tự do. Khi được hỏi vì sao chị dễ dàng từ bỏ các vị trí cấp cao như vậy để bắt đầu một cuộc sống mới “cân bằng hơn”, chị chia sẻ:

“Tôi muốn cân đối lại thời gian để vừa có thể làm chuyên môn nhưng cũng có thêm thời gian cho việc tu luyện Đại Pháp. Bởi vì hơn hết, chúng tôi hiểu ra rằng, có những điều còn quan trọng hơn tiền bạc, công danh, đó là một thứ tài sản quý chúng ta thường quên không vun đắp cho nó. Chính là Đức có được nhờ tu luyện.”

Vì vậy, chị không mang gánh nặng công danh trên vai để rời bỏ công việc áp lực quá lớn, nhất là về thời gian và nhiều khi phải thực thi các nhiệm vụ mà chị nhận ra rằng nó đi ngược lại giá trị phổ quát “Chân”.

“Trong sự thay đổi này tôi muốn hướng tới những giá trị cuộc sống mới, mình muốn mang kinh nghiệm của mình để chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng làm nghề nhân sự và sinh viên.”

Ảnh chị Vân Anh đọc sách Chuyển Pháp Luân. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hiện tại, chị là một trong các thành viên sáng lập công ty Artemis – Công ty chuyên tư vấn xây dựng hệ thống quản trị nhân sự cho các công ty nhỏ và vừa; tư vấn tái cấu trúc hệ thống: chuyển đổi mô hình quản trị, tăng trưởng mở rộng hoặc thu gọn quy mô nhân sự; tư vấn xây dựng các chính sách nhân sự để thực hiện chiến lược kinh doanh của công ty…

Sau nhiều năm trong nghề quản trị nhân sự, chị có mạng lưới cộng tác viên lớn, mối quan hệ rộng với các nhân sự cấp cao nhất, giỏi các chuyên môn khác nhau trên thị trường, nên chị cũng khá “mát tay” khi làm headhunter đối với các vị trí nhân sự cấp cao, ban điều hành của các doanh nghiệp. Chị cũng làm cố vấn, tư vấn riêng cho một số chủ tịch và ban điều hành về các vấn đề nhân sự của doanh nghiệp của họ. Thỉnh thoảng, chị cũng tham gia giảng dạy “nghề nhân sự” và nói chuyện với sinh viên, như định hướng nghề nghiệp, làm giám khảo các cuộc thi…

ĐIỂM KHÁC BIỆT SO VỚI TRƯỚC
LÀ BIẾT SỐNG ‘VỪA ĐỦ’

ĐIỂM KHÁC BIỆT SO VỚI TRƯỚC LÀ BIẾT SỐNG ‘VỪA ĐỦ’

Chị chia sẻ: “Nhờ tu luyện Đại Pháp, tôi biết sống “vừa đủ” hơn, tích lũy nhiều quá cũng không cần thiết. Trước đây tôi cũng nghĩ làm nhiều để lo cho tương lai của các con. Nhưng tôi đã hiểu ra các con cũng có phúc phận của nó, được hưởng nhiều ít do phúc phận của mỗi người.”

Chị sinh con khá muộn và nuôi dạy con rất vất vả. Lại thêm tính cầu toàn nên tôi vô tình đã tự áp lực chính mình trong việc chăm sóc ăn uống, dạy dỗ và lo khi con ốm đau, sau này là chuyện học hành, trường lớp, thành tích…

“Khi học Pháp tôi đã hiểu sinh mệnh của mỗi con người cơ bản đã được đặt định do phúc phận, duyên nghiệp qua nhiều đời nhiều kiếp của mỗi con người, vì vậy tôi không áp lực con về kết quả học tập nữa.”

Ảnh Chị Vân Anh và con gái đi xem Shen Yun tại Đài Loan. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhưng nhiều khi trong môi trường học tập các con lại tự áp lực chính mình vì muốn so sánh, ganh đua thành tích với bạn bè. Tôi đã hướng dẫn con, giúp con giải tỏa áp lực, bảo với các con rằng: Dù điểm số như thế nào thì mình cũng đã cố gắng tốt nhất. Chỉ cần biết rút kinh nghiệm để làm tốt hơn lần sau. Cứ thực hành như vậy cá nhân sẽ tiến bộ mỗi ngày và đó mới là điều quan trọng.”

Ảnh chị Vân Anh và gia đình. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hiểu được ý nghĩa của việc tu luyện, chị chú trọng hơn vào việc dạy con đạo đức: chính trực, hiếu nghĩa, sống có trách nhiệm… “Việc mà tôi thường làm là chiểu theo giá trị phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn để luận giải cho con nghe những tình huống con gặp trong cuộc sống, môi trường học tập. Vì vậy tôi dần dần có được sự bình yên trong công cuộc nuôi dạy con, vốn là một nửa áp lực trong cuộc sống gia đình.”

“Pháp Luân Đại Pháp là môn tu luyện Phật gia giúp con người hướng thiện, cải biến cả sức khoẻ và thân tâm, tâm tính đề cao thì mọi sự càng hanh thông thuận lợi. Bao nhiêu công danh, tiền bạc, cũng không thể so sánh với niềm vui, sự bình yên, viên mãn từ trong nội tâm, điều mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm.”

Nếu hữu duyên, các bạn có thể tìm hiểu thêm tại trang thông tin chính thức của Pháp Luân Công tại đây: https://vi.falundafa.org/

Nội dung: Lam Thư
Thiết kế: Mona
Exit mobile version