Đại Kỷ Nguyên

Chuyên gia IT kể về bước ngoặt lớn nhất đời mình

Phóng viên Đại Kỷ Nguyên gặp gỡ anh Hưng – chuyên gia IT vào một ngày mưa rả rích. Hôm đó chúng tôi cùng đến thăm trang trại của một người bạn ở Quốc Oai – Hà Nội. Ngồi dưới hiên nhà cùng ấm trà mạn đặc “cắm tăm”, anh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về bước ngoặt lớn nhất đời mình…

Mình là Hưng, 40 tuổi, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin (CNTT) của Công ty Bridgestone LLC Vietnam. Thời sinh viên mình học CNTT ở Đại học Bách Khoa. Với hoài bão lớn, mong kiếm thật nhiều tiền, mình luôn gắng sức khi làm việc và học hành, nhưng bị hạn chế bởi sức khỏe bẩm sinh đã không tốt. Còn nhớ hồi học cấp III, do áp lực ôn thi đại học với tham vọng giành vị trí Thủ Khoa, mình tự ép bản thân học rất căng thẳng. Nhưng do thể chất yếu mà nhà thì nghèo nên ăn uống thiếu thốn, mình bị suy kiệt đến mức phải nhập viện. Năm đó kết quả thi vẫn khá tốt, nhưng không như mình mong muốn.

Anh Hưng chia sẻ với Đại Kỷ Nguyên về bước ngoặt lớn nhất cuộc đời anh.

Thời ấy mình cảm thấy khá bế tắc, muốn học và làm nhiều việc, nhưng lại nhanh bị mệt. Đặc biệt là khi kéo dài thêm thời gian thì đuối sức, đầu óc không tập trung được. Tình cảnh ấy khiến mình thường xuyên tự dằn vặt bản thân, nhìn bạn bè hay những người thành đạt nổi tiếng thì cảm thấy xấu hổ, buồn bã và ghen tị với họ.

Với mong ước thay đổi thể trạng, mình đã tìm hiểu và theo học khá nhiều môn khí công, võ thuật cổ truyền, ví dụ như Vịnh Xuân, Thiếu Lâm, Yoga, khí công… Thậm chí mua sách về tự học bấm huyệt, massage. Nhưng các môn này tác dụng không đáng kể mà luyện tập lại phức tạp, nên không theo được.

Lời giới thiệu của người bạn chân tình

Mình có một anh bạn thân, thời đó đang làm cơ trưởng của Vietnam Airlines. Mình luôn ngưỡng mộ và kính trọng anh ấy vì tài năng, phẩm chất đạo đức và sự hiếu thuận với cha mẹ. Một hôm, anh gọi cho mình và nói “Em ơi, có môn này hay lắm. Anh đã tập một năm rồi. Đảm bảo rất tốt, mà không phải là kiểu khí công chữa bệnh khỏe người bình thường đâu em ạ”.

Nghe anh nói sơ lược về tu luyện Pháp Luân Công và nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, mình cũng chưa hiểu lắm. Nhưng vì vốn luôn tin tưởng anh, nên mình đã tìm đọc thêm trên mạng, tải về và in 9 bài giảng của Sư Phụ Lý Hồng Chí ra thành sách để đọc hàng ngày, rồi tự tập luyện theo video hướng dẫn.

Anh Hưng ngồi thiền theo bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công (ảnh: ĐKN).

Mới đầu, đọc cuốn Chuyển Pháp Luân hơi khó, nhưng càng đọc mình càng thấy thấm, khai mở được những nút thắt trong nhận thức về nhân sinh và khoa học. Những chân lí của cuộc sống, nguồn gốc của sinh mệnh và vũ trụ được Sư Phụ Lý Hồng Chí triết giải theo cách dễ hiểu và lô-gic.

Thế rồi một hôm, khoảng 2-3 tuần sau khi bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân, khi đang đọc sách trên xe buýt, đột nhiên mình thấy toàn thân nhẹ bẫng. Cảm giác này rất rõ ràng, giống như vừa được gỡ bỏ một tảng đá trầm uất bấy lâu đè nặng trên ngực, khiến thân và tâm sảng khoái lâng lâng… Đó là ấn tượng tốt đẹp kỳ lạ, khó tả và không thể quên được. Gần như đồng thời, nhận thức về một niềm tin kiên định cũng tự nhiên tràn ngập và lan tỏa trong lòng mình, cảm giác từng tế bào trên thân thể đều thức dậy trong thiện niệm.

Từ đó, càng chuyên tâm học Pháp – luyện Công thì mình càng thấy sức khỏe, trí tuệ, tinh thần… tốt lên.

Tu luyện Pháp Luân Công thì được gì, mất gì?

Trước đây, trong công ty, mình rất dễ bị rơi vào xung đột với đồng nghiệp hay mâu thuẫn với các phòng ban khác. Nhưng bây giờ, vẫn với những đối tác đó, khi bớt kiêu ngạo – ích kỷ và thử đặt mình vào địa vị của người khác, nghĩ đến lợi ích chung… mình thấy rõ các yếu tố tiêu cực tan đi, các vấn đề trở nên nhẹ nhàng. Những mâu thuẫn trước kia cũng dần dần được thiện giải. Mình luôn ghi nhớ lời Sư Phụ Lý Hồng Chí dạy rằng tu luyện chân chính là tu thẳng cái tâm của mình, hay còn gọi là trực chỉ nhân tâm. Do vậy, trước mọi việc, dù có điều gì xảy đến với mình, ta đều phải hướng sự soi xét vào nội tâm xem suy nghĩ, nhận thức và cách hành xử trong tình huống đó có phù hợp với các tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn hay không.

Chắc các bạn cũng biết rồi, nghề của mình đòi hỏi sự tập trung và sáng tạo, nếu phải làm việc cùng áp lực, mâu thuẫn, bất an… thì sẽ không hiệu quả. Suốt từ khi ra trường và đi làm, mình ít khi thoát khỏi mớ bòng bong đó. Nhưng từ khi tu luyện Pháp Luân Công, các nút thắt kia được khai mở, đầu óc mình trở nên hanh thông, sáng rõ và linh mẫn hơn. Ví dụ, mình thường đọc và tìm hiểu các công nghệ mới, kĩ thuật mới để áp dụng vào công việc. Có những vấn đề trước kia không tìm được lời giải, cố tìm hiểu mãi mà vẫn mù mờ xa xôi. Giờ đây xem lại thì thấy đơn giản lắm, cảm thấy vấn đề được xử lý tự nhiên như không ấy.

Anh Hưng tìm thấy lời giải cho những điều mình trăn trở thông qua cuốn “Chuyển Pháp Luân” (ảnh: ĐKN).

Kể từ khi bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân hằng ngày, cuốn sách trở thành điểm tựa về tinh thần, sức khỏe, tri thức và niềm tin của mình trong cuộc sống. Mình cảm nhận rất rõ điều này, thân thể luôn nhẹ nhàng, tâm trí thanh tĩnh. Nhớ lại ngày xưa, vì lúc nào cũng cảm thấy uất ức, mệt mỏi và khó chịu, nên hễ có gì không vừa ý là mình có thể lập tức bùng nổ, căng thẳng đấu tranh tới cùng. Nay không thế nữa, trong cách ứng xử và hành động mình luôn chú ý giữ một khoảng cách – thời gian hòa hoãn. Ví dụ, lái ôtô cũng giữ khoảng cách xa với xe phía trước, trò chuyện – đối đáp với người khác cũng chậm lại để lựa lời ôn nhu phù hợp. Thấy việc trái ý, thiệt hại về danh lợi thì không lập tức phản ứng hay kết luận nguyên nhân, mà tự ngẫm một chút xem mình có chấp nhận được không, căn nguyên ở đâu, mình có lỗi gì trong đó?

Dần dần, mình hình thành được ý thức tránh bận lòng bon chen, tranh đấu với đời, bớt dằn vặt bản thân. Quan hệ với vợ con, gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp… đều được cải thiện rõ ràng. Hầu hết mọi người trong các mối quan hệ công việc và đời sống đều biết mình là học viên Pháp Luân Công và họ cũng tỏ ra thiện cảm, ủng hộ việc tu luyện. Đặc biệt là khi mình giảm bớt tư lợi, kiềm chế “cái tôi ích kỷ” lại, thì việc nhìn nhận, đánh giá vấn đề trở nên đơn giản, nhanh và chính xác hơn, dễ nhận ra bản chất của sự vật hơn.

Hãy trân quý cơ duyên đến với Pháp Luân Công

Mình chia sẻ điều này, trước hết mong muốn mọi người cũng tu luyện để nhận được những lợi ích như mình. Hãy nhận rõ chính tà, phân biệt thiện ác trong thời mạt pháp này. Mình tin rằng làm việc thiện thì gặp thiện báo, gieo điều ác thì gặp ác báo. Hãy làm người lương thiện, trời xanh ắt tự có an bài.

Quả là không ngẫu nhiên khi Pháp Luân Công, với nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, đã trở thành một môn tu luyện nổi tiếng khắp thế giới, được người dân và chính phủ của tất cả các quốc gia tôn trọng nhân quyền ủng hộ và khen ngợi.

Anh Hưng luyện bài công pháp số 2 – Pháp Luân Trang Pháp của Pháp Luân Công (ảnh: ĐKN).

Được Sư Phụ Lý Hồng Chí truyền ra công chúng từ năm 1992, mới qua vài năm đã có đến gần 100 triệu người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đến nay, Pháp môn này đã phổ biến ở 114 quốc gia, sách tu luyện được dịch sang 38 ngôn ngữ. Nhưng đáng buồn nhất là, ngay tại quê nhà, các đệ tử của Sư Phụ Lý Hồng Chí lại bị chính phủ Trung Quốc đàn áp, bôi nhọ và bức hại một cách tàn ác, vô nhân tính. Luận thuyết của giới lãnh đạo đất nước này coi con người như loài khỉ biết nói. Vì thế mà chúng có thể làm những việc tàn ác như mổ cướp nội tạng của người còn sống để đem bán.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe chia sẻ của tôi. Hãy giúp chúng tôi vạch trần tội ác của chính phủ Trung Quốc trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Hãy lên tiếng ngăn chặn những hành vi tàn ác vô nhân tính nhắm vào những học viên chân chính tu luyện theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Exit mobile version