Đại Kỷ Nguyên

Tục truyền: ‘Trời phải mưa, con gái phải lấy chồng’ rốt cuộc là có ý tứ gì?

Trước đây, rất nhiều người không hiểu ý nghĩa câu nói “Trời phải mưa, con gái phải lấy chồng”. Có người còn hiểu lầm câu nói đó nói về một cảm giác bất lực. Kỳ thực đó là một câu tục ngữ về sự kính trọng trời đất, thuận theo tự nhiên tức là: Thiên ý đã như vậy, con người không có cách nào thay đổi được.

Câu nói ấy xuất phát từ một câu truyện ý nghĩa truyền đến tận ngày nay.

Truyện kể rằng có một vị thư sinh tên là Chu Diệu Tông. Khi mới được một tuổi, phụ thân anh bệnh nặng qua đời. Mẫu thân vì không muốn con trai phải chịu ấm ức, nên đã một thân một mình, ngậm đắng nuốt cay nuôi con khôn lớn. Về sau, bà đưa con trai đi học ở nhà một người thầy tên là Trương Trung Cử.

Nhờ có thầy Trương nghiêm khắc dạy bảo, Chu Diệu Tông học hành ngày một thành đạt. Chàng 15 tuổi đã đỗ tú tài, 18 tuổi đỗ trạng nguyên. Lúc Hoàng thượng triệu kiến chàng, khí chất cùng học thức của chàng khiến hoàng thượng vô cùng ưng ý, Người còn chọn chàng làm phò mã.

Chu Diệu Tông đỗ trạng nguyên, hoàng thượng rất hài lòng nên đã chọn làm phò mã. Ảnh minh họa dẫn theo merry108.com

Lúc này, chàng chợt nhớ tới người mẹ già ở quê nhà, vì vậy đã nói với hoàng thượng rằng mẫu thân vì nuôi dưỡng mình mà một mực không nghĩ tới chuyện tình cảm riêng của bản thân. Hoàng thượng nghe xong, hết sức cảm động, liền hạ chỉ cho lập một tòa “đền thờ trinh tiết” tại quê nhà Chu Diệu Tông để ngợi khen bà.

Theo tục lệ, tân khoa trạng nguyên cần phải trở về thăm viếng quê hương, Chu Diệu Tông cũng không ngoại lệ. Lúc mẫu thân nhìn thấy con trai đỗ trạng nguyên hân hoan trở về, trong lòng bà vô cùng hạnh phúc. Về thăm mẫu thân lần này, Chu Diệu Tông cũng đem theo hạ chiếu của hoàng đế muốn lập cho mẹ “đền thờ trinh tiết”. Thế nhưng mẫu thân chàng nghe vậy lại tỏ vẻ bất an.

Chu Diệu Tông gặng hỏi mẫu thân thì bà bèn nói rõ sự tình. Chuyện là, vợ thầy Trương qua đời đã lâu, mẫu thân chàng cùng Trương lão sư thường hay nói chuyện tâm giao và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Dần dần họ nảy sinh tình cảm. Bà định bụng đợi chàng trở về lần này sẽ bàn chuyện hôn nhân của hai người.

Chu Diệu Tông vừa nghe xong, liền ngã quỵ, chàng vội quỳ trên mặt đất, khóc mà nói rằng:

Mẹ ơi! Nếu người thật sự làm vậy, con sẽ phạm ‘tội khi quân’, họ hàng cũng không thoát tội chu di cửu tộc.

Lúc này, mẫu thân chàng không ngừng rơi lệ. Bởi thân gái một mình gánh vác gia đình thật không dễ dàng chút nào. Con trai đi học, trong nhà không có ai hàn huyên tâm sự, trong tâm bà vừa khổ não vừa cô đơn, ai có thể hiểu được đây? Nghĩ tới nghĩ lui, bà thở dài một tiếng: “Hết thảy đều do mệnh trời đã định.” 

Nói xong, bà cởi bỏ tấm áo choàng đang mặc trên người ra, giao cho Chu Diệu Tông, nói: “Con trai à, con vì mẹ mà một lần hiếu đạo. Ngày mai, hãy giúp ta đem cái áo này giặt sạch. Nếu như đến buổi tối, áo này khô, ta đây sẽ không lấy chồng; còn nếu như vẫn ẩm ướt, vậy thì con cũng đừng quản chuyện này nữa.” Chu Diệu Tông chẳng biết phải làm sao, đành phải đồng ý làm theo.

Sáng hôm sau, thời tiết nắng ráo sáng sủa. Chàng giặt chiếc áo choàng của mẫu thân, trong lòng rất hào hứng, thầm nghĩ, đừng nói một cái áo, mười cái áo cũng có thể phơi khô.

Tuy nhiên, thật là ngoài ý muốn. Khi chàng đem chiếc áo giặt xong ra sân phơi, trời vừa mới nắng, bỗng mây đen ùn ùn kéo tới, chỉ một lúc sau, trời mưa to. Hơn nữa mưa đến nửa đêm cũng không ngớt. Bởi vậy, cái áo không những chẳng khô, mà đến cuối cùng so với lúc vừa mới giặt còn ẩm ướt hơn!

(Ảnh minh họa theo LinkedIn)

Lúc này, mẫu thân của Chu Diệu Tông nói: “Con trai à, ‘trời phải mưa, gái phải lấy chồng’, đó là Thiên ý không thể làm trái!”. Chu Diệu Tông trong lòng nặng trĩu, rối như tơ vò, nhưng việc đã tới nước này chàng cũng không thể làm gì khác.

Trở lại kinh thành, Chu Diệu Tông kể chi tiết chuyện hôn sự của mẫu thân cùng thầy giáo Trương Trung Cử, chuyện mẫu thân để cho chàng giặt áo đem phơi, rồi chuyện trời mưa… Chàng đem kể hết cho Hoàng thượng nghe, thỉnh Người trị tội. Hoàng thượng nghe xong, cũng rất lấy làm kỳ lạ rồi nói: “Trời phải mưa, gái phải lấy chồng, đây là Ông trời tác hợp, vậy thì phải thuận tình cho mẹ ngươi đi thôi”.

Từ đó về sau, mọi người liền đem câu nói: “Trời phải mưa, gái phải lấy chồng”, để thể hiện sự kính Trời phụng mệnh, và muốn nhắc nhở rằng: Là Thiên ý, con người không cách nào thay đổi.

Theo Tinhhoa.net

Xem thêm:

Exit mobile version