Đại Kỷ Nguyên

Quà tặng tâm hồn kì 1: Lửa thử vàng

Quà tặng tâm hồn là những món quà do ban biên tập chuyên mục Văn hóa Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt biên soạn tặng độc giả – những món quà ấm áp mong giúp các bạn luôn vững bước trong cuộc sống và tìm thấy con đường thực sự của mình.

Món quà thứ nhất – Lửa thử vàng


Đó là những ngày mà bạn cảm thấy mình kiệt sức và tuyệt vọng. Mọi thứ dường như đang vượt quá sức chịu đựng của bạn. Bạn chỉ thấy mưa xối xả, sương mù và mất phương hướng. Những ngày dường như những cố gắng của bản thân là vô ích. Cuộc sống dường đầy ắp đớn đau… bạn hãy nhớ rằng “điều gì không thể giết chết chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn” – Friedrich Nietzsche.

Friedrich Nietzsche là nhà văn, nhà triết học người Phổ – người được xem là có ảnh hưởng lớn trong triết học hiện đại nửa sau thế kỷ XX. Friedrich đã trải qua những bất hạnh lớn suốt thời thơ ấu với cái chết của cha và em trai, căn bệnh nan y đã hành hạ suốt thời thơ ấu cho đến khi ông qua đời. Ông cũng trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc và trong suốt cuộc đời mình, nhà triết học bất hạnh đã nhiều lần định tự vẫn.

Bạn biết không, câu chuyện về cuộc sống là câu chuyện về chiếc cốc sứ tuyệt đẹp – câu chuyện nổi tiếng về thử thách và lòng dũng cảm. Hãy nghe câu chuyện của Friedrich Nietzsche:

“Tôi không là một cốc sứ mà chỉ là một cục đất sét nhỏ. Người thợ làm ra tôi đã nhào nặn, lăn, đập vào tôi. Lần đầu tiên cảm thấy những đau đớn trong đời, tôi hét lên “Đừng, đừng đập tôi nữa, hãy nhẹ nhàng hơn với tôi”. Nhưng ông chỉ cười và nhẹ nhàng nói: “Chưa đủ đâu!”.

Sau đấy, tôi được đặt trên một bánh xe quay và tôi quay cuồng trong đó, tôi cảm thấy mình hoàn toàn mất phương hướng. “Dừng lại! Làm ơn dừng lại”, tôi gào lên. Nhưng ông chỉ lặng lẽ làm và bảo: “Chưa đâu!”.

Rồi ông đưa tôi vào lò nướng. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị đốt cháy trong nỗi đau đớn đến như vậy. Tôi tuyệt vọng và gào thét: “Giúp tôi với, làm ơn giúp tôi ra khỏi đây”. Nhưng người thợ nhìn tôi và vẫn… lắc đầu.

Khi tôi nghĩ mình không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa, cánh cửa bỗng mở ra. Ông cẩn thận đưa tôi ra và đặt trên kệ, bắt đầu làm mát cho tôi. Tôi cảm thấy mọi thứ dường như đã tốt lên và tôi nghĩ rằng mình đã qua những đớn đau. Nhưng người thợ lại nhìn tôi, lắc đầu và nói: “Chưa!”.

Sau đó, đột nhiên ông đưa tôi trở lại vào lò nướng. Không giống như lần đầu tiên. Vì đã trải qua những phút trong chiếc lò nướng đó và tôi biết mình sẽ chết ngạt. Tôi sợ hãi. Tôi cầu xin. Tôi khóc. Tôi đã sẵn sàng từ bỏ, muốn buông xuôi và bỏ cuộc. Nhưng người thợ vẫn lạnh lùng thả tôi vào lò. Tôi muốn chết ngay để thoát khỏi tất cả những đớn đau đang thiêu đốt từng tế bào của mình. Nhưng ngay khi tôi tuyệt vọng nhất thì cánh cửa lại mở ra.

Một lần nữa tôi, được đặt trên kệ, được làm lạnh, chờ đợi và… chờ đợi, tự hỏi “Cuộc sống sẽ thế nào với mình tiếp theo?”. Một giờ sau, người thợ đưa cho tôi một tấm gương và nói: “Bây giờ hãy nhìn vào chính mình”. Tôi ngỡ ngàng đến lặng câm “Đó không phải tôi, không thể là tôi và không còn là tôi nữa – cục đất sét. Một hình ảnh hoàn toàn khác, một hình ảnh đẹp, hoàn hảo và nhiều màu sắc.

(Nguồn: Flickr)

Người thợ điềm tĩnh nói: “Khi tôi nhào nặn bạn, tôi biết điều đó làm tổn thương nhưng tôi phải để bạn lại một mình, bạn phải khô cạn. Khi tôi đặt bạn lên guồng quay, tôi biết nó làm bạn hoàn toàn mất phương hướng, nhưng nếu tôi dừng lại quá sớm, bạn sẽ sụp đổ. Tôi biết ở trong lò, bạn thấy đau đớn đến từng tế bào nhưng nếu không có những đau đớn đó, bạn sẽ không bao giờ cứng cỏi và không có bất kỳ sắc màu nào của cuộc sống. Vì thế, hãy dũng cảm đón nhận tất cả những thử thách đến với bạn, bởi điều gì không thể giết chết chúng ta, sẽ làm chúng ta mạnh mẽ và hoàn hảo hơn.

 Theo Life Lessons

Exit mobile version