Đại Kỷ Nguyên

Ý nghĩa vĩnh cửu của những tác phẩm hội họa theo chủ nghĩa hiện thực

Một trong những hành vi đầu tiên của con người khi bắt đầu làm nghệ thuật là bắt chước. Ví dụ, hội họa là sự bắt chước hình dạng tự nhiên, kịch là sự bắt chước hành vi và cảm xúc của nhân vật. Bắt chước được càng giống thì độ khó càng cao, nếu có thể bắt chước giống hệt, đó không chỉ là một sự thú vị, mà làm cho người xem cảm thấy rằng chắc chắn có tồn tại “công phu” trong đó.

Đặc điểm lớn nhất của nghệ thuật phương Tây là khả năng tái tạo một cách chân thực hình thức tự nhiên vốn có của sự vật hiện tượng, đây chính là chủ nghĩa hiện thực và có lịch sử lâu đời. Số lượng các tác phẩm trong các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Tây Á và Hy Lạp được tìm thấy không phải là nhỏ, đặc biệt các pho tượng về nhân vật và động vật thường có tỷ lệ chính xác với tạo hình cực kì sống động. Về mặt hội họa, từ những bức bích họa cổ xưa, tranh gỗ và tranh gốm, các kỹ thuật chủ yếu là mô tả tuyến tính, sắc thái của đồ vật, vẫn còn một khoảng cách so với thực tế trực quan. Tuy nhiên, một số câu chuyện được lưu truyền từ Hy Lạp cổ đại dường như chứng minh rằng các họa sĩ thời đó vẫn có năng lực tả thực “vẽ mà như thật”.

Hai họa sĩ nổi tiếng của Hy Lạp, Zeuxis và Parrhasios, một lần đã công khai tranh giải, mỗi người đều mang kiệt tác của riêng mình ra đọ sức. Trái cây được mô tả trong tranh của Zeuxis sống động đến nỗi những con chim đang đậu trên tường đã bay đến những trái nho trong bức tranh để kiếm thức ăn. Trong tiếng khen ngợi không ngừng của mọi người, Zeuxis tự hào nói với đối thủ: ‘Bây giờ, xin yêu cầu Parrhasios mở tấm vải che bức tranh của bạn cho mọi người thấy tác phẩm đi!” Vừa nói dứt lời, Zeuxis thấy rằng mình đã phạm sai lầm. Ngay từ đầu Parrhasios đã không che bức tranh, tấm vải che phủ mà Zeuxis nhìn thấy chính là tác phẩm đã được Parrhasios vẽ. Vào lúc này, Zeuxis phải cúi đầu nể phục đối phương, bởi vì những bức tranh của ông chỉ đánh lừa được đôi mắt của loài chim, trong khi bức tranh của Parrhasios đã đánh lừa được đôi mắt của một họa sĩ.

Tượng Nữ hoàng Nefert, Vương quốc Ai Cập mới, khoảng 1340 trước Công nguyên, cao 50 cm (Ảnh: big5.zhengjian)

Một truyền thuyết khác nói rằng họa sĩ Alexander, người đã dạt vào Ai Cập vì rơi khỏi thuyền từ cơn bão biển, mới là họa sĩ đáng ngưỡng mộ nhất. Đối thủ của ông đã mua chuộc đại thần của vua Ai Cập Ptolemy I và lừa dối họa sĩ để nói rằng nhà vua mời ông đến tham dự dạ tiệc. Alexander tin theo nên liền đi đến hoàng cung; kết quả ông bị chính Ptolemy I bắt vì tội tùy tiện xông vào cung điện. Alexander lớn tiếng kêu oan, vì thế nhà vua yêu cầu ông chứng minh mình vô tội. Họa sĩ lập tức nhặt một viên than củi, và nhanh chóng vẽ lên tường chân dung gã đã lừa anh ta. Khi nhà vua trong nháy mắt nhận ra người cận thần của mình, ông đã tha cho Alexander. Câu chuyện này cũng cho thấy Alexander có khả năng quan sát và ghi nhớ rất nhạy bén, có thể nhanh chóng nắm bắt được đặc điểm của các nhân vật, vì vậy đã cứu được tính mạng của mình.

Truyền thuyết “Trận chiến của Alexander và Darius” sao chép dựa trên tác phẩm của Alexander (Ảnh: chenyujr.pixnet)

Bức bích họa khảm gạch men nổi tiếng “Trận chiến của Alexander và Darius” được khai quật tại Pompeii được cho là sao chép từ tác phẩm của Alexander. Các bức bích họa thường rất lớn, với các nhân vật đông đảo và không có thứ tự. Trong trận chiến đó, các nhân vật và ngựa được xác định động tĩnh phong phú rõ ràng, các hiệu ứng ánh sáng và ba chiều tự nhiên cho thấy sự căng thẳng của trận chiến. Alexander từ bên trái đang bình tĩnh tấn công, trong khi Darius nhìn lên và giơ cánh tay lên cỗ xe, kỵ binh phía trước cũng đang cố gắng khống chế những con ngựa sợ hãi. Rõ ràng là quân đội Ba Tư đã bại trận. Hai đội quân và ngựa trong sự đan xen dường như có thể nghe thấy âm thanh giết chóc, mang lại cho mọi người xem cảm giác chân thực. Nếu sự bắt chước của tấm khảm gạch men này đã là tinh tế như vậỵ, thì hẳn là sự phấn khích của Alexander trong bản gốc có thể tưởng tượng được sẽ thế nào.

Kiến trúc tráng lệ thể hiện qua những bức bích họa cự đại

Tuy nhiên, sự trỗi dậy và sụp đổ của nghệ thuật của nhân loại không thể tách rời khỏi quy luật “thành, trụ, hoại, diệt”. Vinh quang của nghệ thuật cổ đại đã kết thúc cùng với sự suy tàn của Đế chế La Mã, và đã im lặng trong nhiều thế kỷ. Các quốc gia châu Âu, khi khám phá lại trong các tàn tích văn hóa, thấy rằng cho đến thời Phục Hưng một lần nữa nghệ thuật mới bước vào thời kỳ đỉnh cao. Vào thời điểm đó, các nghệ sĩ đã tìm thấy tài liệu tham khảo nghệ thuật hoàn hảo từ các cổ vật được khai quật, vì thế họ có thể trưởng thành nhanh chóng.

Các nghệ sĩ thời Phục Hưng có mong muốn khôi phục lại mỹ học Hy Lạp cổ đại. Trên thực tế, những thành tựu của họ trong việc sử dụng các kỹ thuật vẽ hiện thực đã vượt qua cả người xưa. Không chỉ bề ngoài ưu mỹ, chính xác, sắc thái vận dụng thành thục mà có cả cảm giác lập thể, cảm giác khối lượng; sự trưởng thành đạt đến mức độ chưa từng thấy, vô cùng thân thuộc với cuộc sống và thiên nhiên. Đặc biệt, việc sử dụng phương pháp phối cảnh không chỉ nắm bắt chính xác hình dạng của các vật thể ở các góc khác nhau, mà còn tạo ra cảm giác về chiều sâu trong không gian ba chiều từ một mặt phẳng.

Bức bích họa của Masaccio trong Trinity of Santa Maria Novella (Florence) năm 1427 (Ảnh: Wikiwand)

Bức tranh tường “Trinity” của Masaccio tại Santa Maria Novella (Florence) năm 1427 thường được xem là ví dụ thành công sớm nhất về phối cảnh cho hội họa. Họa sĩ lấy điểm quan sát của người xem làm chuẩn rồi kéo dài các đường nét để vẽ không gian tưởng tượng, thể hiện các khoảng cách xa gần với độ sâu khác nhau. Bức “Bữa tối cuối cùng” của Da Vinci cũng sử dụng sự kết hợp với kiến trúc, với ý định tạo ra ảo giác bằng việc vẽ các vách tường, bao quanh bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giê-su và các đệ tử của mình.

“Bữa ăn tối cuối cùng” của Da Vinci, 1495, Tu viện Madonna của Milan (Ảnh: epochtimes)

Kỹ thuật vẽ thời Phục Hưng thường kết hợp với kiến trúc và điêu khắc để tạo ra nhiều hiệu ứng hình ảnh khác nhau và nhiều điểm tương đồng thú vị. Ở đó có sự tuyệt đẹp, trang trí, hài hước, kỳ diệu hơn nữa để truyền cảm hứng cho các tín đồ. Người Pháp gọi kỹ thuật phức tạp này là “trompe- l’ oeil”, có nghĩa là “đánh lừa con mắt”.

Hội trường ánh sáng và bóng tối trong Bảo tàng Vatican (Ảnh: big5.zhengjian)
Hội trường ánh sáng và bóng tối trong Bảo tàng Vatican (Ảnh: big5.zhengjian)
Hội trường ánh sáng và bóng tối trong Bảo tàng Vatican (Ảnh: big5.zhengjian)

Ví dụ, trong bức “Hội trường ánh sáng và bóng tối” tại Bảo tàng Vatican, các bức tường kiểu Hy Lạp, các pho tượng cùng đồ trang trí được vẽ lên trên toàn bộ bức tường; các cửa ra vào, cửa sổ thực sự được kết hợp liền mạch, như thể trong hội trường thực sự chứa đầy những bức tượng. Trong sảnh của Nhà nguyện Sistine, bức tranh tường thiên đỉnh “Genesis” của Michelangelo cũng được phân chia thành các hình ảnh khác nhau, để các chi tiết về kiến trúc, điêu khắc và hội họa được kết hợp hài hòa với nhau. Thật và giả được hòa trộn tự nhiên trong cùng một thể.

Bức tranh tường thiên đỉnh “Genesis” của Michelangelo (Ảnh: epochweekly)
Bức bích họa trần trong lễ đường 1473 (Ảnh: big5.zhengjian)

Bởi hương vị “vẽ mà như thật” của những bức tranh hiện thực, các nghệ thuật gia thời đó có khi còn sử dụng nó để tạo ra những trò đùa nhỏ. Andrea Mantegna (1431-1506) đã vẽ toàn bộ bức tranh tường cho sảnh cưới của gia đình Gonzag của Công tước Manduwa, với bốn bức tường dưới dạng hành lang hình vòng cung, còn vẽ tất cả các thành viên gia đình trong khung cảnh thiên nhiên. Một khung cảnh đặc biệt thú vị là trên khoảng trần nhà mở ra một chiếc giếng trời hình tròn. Xung quanh giếng trời có tạc một lan can đá, chỉ thấy trời xanh mây trắng và rất nhiều những thiên sứ nhỏ đang mỉm cười hướng về phía dưới mà chỉ trỏ, trong đó còn có một thiên thần nhỏ đang bị mắc kẹt trong cái lỗ của hàng rào, tỏ vẻ khó chịu trông hết sức đáng yêu và hài hước. Sự hài hước này của họa sĩ trong bức tranh tường thiên đỉnh hoàn toàn trái ngược với biểu hiện nghiêm túc của những bức tranh tường xung quanh của gia đình Gonzag.

Bức tranh tường đỉnh cao của Andrea Pozzo tại Église Saint-Ignace de Loyola de Rome (Ảnh: z7621941.pixnet)

Trong kỷ nguyên của nghệ thuật Baroque và Rococo, trần nhà của nhiều cung điện và nhà thờ thường lấy chủ đề thần thoại và thế giới thiên quốc. Do phong cách hoa lệ về hình ảnh vào thời điểm đó, kỹ thuật “đánh lừa đôi mắt” phức tạp và cường điệu hơn. Một số bức tranh tường của nhà thờ rất rực rỡ, gần như không thể phân biệt ranh giới giữa thật và giả. Tại thời điểm này, yêu cầu đối với họa sĩ không chỉ là khả năng vẽ, mà còn là khả năng tính toán chính xác, sự khéo léo và trí tưởng tượng về không gian. Mặt khác, nếu không có niềm tin và lòng kính ngưỡng Thiên Chúa, thì thật khó để nghĩ ra những cảnh tượng tráng lệ huy hoàng như vậy.

Bức bích họa trên trần tại Bảo tàng Lourve (Ảnh: big5.zhengjian)

Chủ nghĩa hiện thưc trong thế kỷ 20

Sau khi bước vào chủ nghĩa hiện đại của thế kỷ 20, các kỹ thuật hiện thực của hội họa thường bị coi là lỗi thời và cũ kỹ. Chỉ một số họa sĩ siêu thực sử dụng lại các kỹ thuật hiện thực, nhưng để thể hiện sự kỳ quái trong tác phẩm của họ, ưa thích sự mới mẻ, quái đản và hoang đường; trong khi phái ‘siêu thực’ (phaticealistic) sau những năm 1960 đã sử dụng khoa học và công nghệ để tái tạo nó gần giống hệt như bản gốc, nhưng nó hoàn toàn khác với sự bắt chước tự nhiên truyền thống. Chủ nghĩa hiện thực kiểu này trần trụi hơn, vì khai thác các khía cạnh bệnh hoạn của xã hội hiện đại: như sự tha hóa giữa các cá nhân, sự trống rỗng của cuộc sống… nên đôi khi không thể tránh khỏi sự suy đồi hoặc thô tục. Khi người xưa theo đuổi mô tả sự thật, bên trong đó là điều tốt đẹp, thể hiện phẩm giá và bản chất con người, sự tương phản giữa thiện và ác, vinh quang của Thiên Chúa và vương quốc thiên đàng… Người xem có thể bị mê hoặc và cảm động, và được thăng hoa. Phái hiện thực hiện đại phơi bày thực trạng cũng có thể sẽ khiến người ta khắc sâu ấn tượng, nhưng cảm xúc thường là thương cảm và tiêu cực.

Tuy nhiên, có nhiều nghệ thuật gia công cộng hay đường phố sử dụng kỹ thuật “đánh lừa thị giác” truyền thống để tạo hiệu ứng chân thực với hình ảnh chân thực kết hợp với phong cảnh và địa hình xung quanh. Một khi người xem thấy rằng đôi mắt của mình bị “lừa gạt”, phản ứng không phải là sự tức giận, mà là sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ và vui vẻ. Loại niềm vui này là không thể thay thế bằng nhiếp ảnh; các kỹ thuật vẽ thực tế không bao giờ có thể bị loại bỏ bởi các công nghệ khác. Chúng ta đã nói về quy luật của vũ trụ là “thành, trụ, hoại diệt”, và “vật cực tất phản”. Ngày nay, khi nghệ thuật hiện đại đã đi đến cực đoan, sự trở lại của hội họa tả thực là điều có thể tiên đoán đươc.

Bức tranh tường nghệ thuật công cộng ở Agde, một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Pháp (Ảnh: Wikipedia; tác giả: Harrieta171, chụp ngày 31 tháng 7 năm 2006)

“Vẽ mà như thật” mà chúng ta vừa nói đến vẫn chỉ là hiệu ứng cơ bản nhất của nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện thực. Nếu nghệ sĩ sử dụng nó để thể hiện ý nghĩa sâu sắc và cao siêu hơn, thì giá trị của nó thậm chí còn vượt hơn thế. Nói cách khác, kỹ năng của cá nhân không phải là mục đích của nghệ thuật, mà chỉ là một công cụ để làm nghệ thuật. Đối với một nghệ sĩ đã có kỹ năng, câu hỏi khó nhất là: Bạn sử dụng kỹ năng đó để thể hiện điều gì? Và cái nhìn và suy nghĩ sâu sắc của người nghệ sĩ về mọi thứ, thái độ và xúc cảm của anh ấy đối với cuộc sống sẽ quyết định những gì anh ấy muốn thể hiện. Khái niệm sáng tạo và biểu hiện của tác phẩm mới là hiện thân của người nghệ sĩ. Do đó, chủ nghĩa hiện thực sẽ không đi đến hồi kết như nhiều nhà sáng tạo hiện nay suy nghĩ, thay vào đó là một con đường sáng vô tận, chờ đợi để được các nghệ sĩ có tầm cỡ phục hồi và tiếp tục phát huy.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version