Đại Kỷ Nguyên

Phong tục hát quan họ của người Kinh Bắc – Mối giao hòa giữa Trời và Đất

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người Kinh Bắc lại bắt đầu mở hội hát Quan họ. Làng Đào mở hội sớm nhất, bắt đầu từ mùng 4 Tết, tiếp sau đó là hội làng Đoài, rồi đến hội Đống Cao, Xuân Ổ. Cứ thế, các làng lần lượt mở hội, kéo dài đến tận tháng 4 dương lịch.

Hội làng là ngày mở cửa đình, cửa chùa, làm lễ cầu may cho một năm sung túc. Hội làng cũng là nơi người Kinh Bắc làm cỗ đón khách thập phương về thăm làng, tri ân, tri kỷ và cùng hướng về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Hội làng ở Kinh Bắc luôn gắn liền với phong tục hát Quan họ. Ngày nay, ta chỉ còn thấy các liền anh liền chị hẹn nhau ngày hội làng gặp mặt, rồi hát với nhau trên bến dưới thuyền, cửa đình, cửa chùa, hát mừng năm mới, duyên mới.

(Ảnh: discoveryindochina.com)

Hôm nay tứ hải giao tình
Tuy rằng bốn biển nhưng sinh một nhà
Hôm nay gặp mặt giao hòa
Nguyện xin nguyệt lão giăng già xe duyên

Giai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền loan phượng đẹp duyên Châu Trần

Trong đình trong chùa thì các cụ già hát chúc, hát cầu. Tiếng hát cầu duyên cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu may và có thể là chiếc cầu nối với đất trời, thần phật để thỉnh cầu mưa, nắng, giải hạn, tiêu trùng. Người Quan họ tin rằng mưa nắng thuận hoà, mùa màng tươi tốt, dân an, vật thịnh là kết quả của hoà hợp âm dương, hoà hợp giữa đất trời và con người. Nếu âm thịnh dương suy thì gây bão lụt. Nếu dương thịnh âm suy sẽ gây hạn hán, sâu keo.

Hôm nay dân mở tiệc mừng
Lễ mừng tiên khánh lễ nghinh xướng tùy
Đôi tôi thực đấng nam nhi
Bây giờ tôi chúc một khi thọ trường

Mừng người thọ khảo vô cương
Bình an dân sự bình an cửa nhà

Nhưng cội nguồn của phong tục hát Quan họ này lại được ít người biết đến. Hát Quan họ giao duyên chỉ là một phần còn lại của nền văn hóa Quan họ. Phần gốc tích của nó dường như đã bị chìm mất trong xã hội hiện đại. Người ta đã không thể nhớ được rằng phong tục hát Quan họ có từ bao giờ. Tôi cũng đã có lần đi hỏi những người già trong làng nhưng chỉ được trả lời rằng nó đã có tự cổ xưa, đời này truyền cho đời khác. Nhưng câu ca cổ với những lời ca cổ đã dần dần bị mất đi, không còn ai hát được nữa. Thay vào đó, người hát Quan họ tân thời lại đặt thêm lời mới cho dễ nghe, dễ thuộc, và đấy chính là những gì còn lại của một nền văn hóa cổ xưa gọi là văn hóa Quan họ.

(Ảnh: Discoveryindochina.com)

Có người cho rằng văn hóa Quan họ ngày nay là phần còn sót lại của nền văn minh niên đại trước. Bởi vì căn cứ vào chất liệu âm nhạc, và trình độ thưởng thức âm nhạc người ta thấy dường như âm nhạc Quan họ không có liên quan gì mấy đến bất kể thể loại âm nhạc nào trên thế giới. Trải qua bao nhiêu thế kỷ, nhưng Quan họ vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo và khiêm nhường. Những nốt nhạc luyến láy, biến tấu rất tài tình làm cho nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc phải bối rối khi cố gắng tìm ra đâu là cội nguồn của thể loại âm nhạc độc đáo này.

Họ không lý giải được làm sao mà hàng mấy trăm năm trước đây loài người đã có trình độ thưởng thức âm nhạc cao đến thế, làm sao mà Quan họ lại có thể lưu truyền qua nhiều thế hệ mà chỉ qua hình thức truyền khẩu? Nếu như những truyền thuyết về Quan họ là đúng, thì thể loại âm nhạc này do những người thần tiên từ xa xưa để lại, nên mới có sức sống mãnh liệt phi thường như vậy.

Những phương pháp ghi chép hiện đại đã lưu giữ được những nghi lễ cổ của người Quan họ như cầu mùa, cầu mưa, cầu duyên, cầu Phật. Người Quan họ tin rằng tiếng hát của họ có thể thấu đến trời cao và thế giới thần linh, có thể hoà hợp âm dương và đem lại minh hạnh cho cuộc sống.

Đặc biệt, hình thức hát nghi lễ này hoàn toàn do Quan họ nữ hát và chỉ dùng một làn điệu gọi là giọng La Rằng. Ngày nay, La Rằng vẫn là giọng hát mở đầu của tất cả các canh hát. La Rằng là giọng hát đòi hỏi tổng hợp hầu hết các kỹ thuật hát cổ mà người hát phải có. Người hát phải có kinh nghiệm, gọi là độ chín trong giọng hát, trong kỹ thuật xử lý âm thanh và giai điệu. La Rằng được sử dụng trong Quan họ hiện đại như một câu hát chuẩn để lấy và giữ cao độ cũng như phong cách của một canh hát. Khi canh hát đi lệch khỏi chuẩn, người cầm canh thường yêu cầu người hát hát lại La Rằng.

Ngày xuân ôn lại cội nguồn của phong tục hát Quan họ của người Kinh Bắc, cũng là để giúp ta hiểu thêm về Quan họ, văn hóa Quan họ, lối sống Quan họ, và nhắc nhở nhau thêm trân quý những gì mà tổ tiên ông cha để lại. Biết đâu, trong số những độc giả của chúng ta ngày hôm nay lại mắc duyên Quan họ, để rồi lại góp sức với bao nhiêu thế hệ người Quan họ Kinh Bắc cùng gìn giữ nền văn hóa cổ truyền này.

Quan họ Tứ Hải Giao Tình:

Tuấn Khanh tổng hợp

Exit mobile version