Đại Kỷ Nguyên

Trung Hoa tứ đại tài nữ (kỳ cuối): Thái Văn Cơ, người phụ nữ đa tài tuyệt thế

Thái Văn Cơ được biết tới là một nữ nhạc gia, nữ học giả và nữ thi nhân nổi tiếng bậc nhất thời kì Kiến An, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp. Bà là một trong những nữ văn nhân đầu tiên của Trung Hoa. Tài hoa nhưng bạc phận, bà là tác giả của Bi phẫn thi, một thi phẩm được coi là một kiệt tác thể loại thơ tự sự của văn học Kiến An và của thơ ca cổ điển Trung Quốc.

Thái Văn Cơ tự Chiêu Cơ hay Thái Diễm, bà là một thi sĩ tài hoa dưới thời nhà Hán.Thái Diễm là người Trần Lưu (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Cha bà là Thái Ung, một nhà văn, nhà thơ và nhà thư pháp lừng danh cuối thời Đông Hán.

Trung Quốc cổ xưa phận nữ thường không được đi học, trừ phi xuất thân từ gia đình vương quan quyền quý, và Chiêu Cơ may mắn được sinh ra trong một gia đình nhà nho, cha nàng lại là một nhà thông thái nổi tiếng, am thông nhiều lĩnh vực, một quan lại triều đình.

Được thừa hưởng từ những tinh hoa trong nghệ thuật từ cha mình, lên 8 tuổi Thái Diễm đã giỏi đàn, trưởng thành trong đam mê dưỡng dục về nghệ thuật, nên tài năng sớm được bộc lộ.

Thái Văn Cơ- người phụ nữ đa tài tuyệt thế.

Nhắc tới Thái Diễm người ta không thể không nhớ tới tác phẩm được ví là đại danh tác: Bi phẫn thi là một trong những bài thơ tự sự nổi tiếng nhất của văn học Kiến An cũng như thơ ca cổ điển Trung Quốc.

Bi phẫn thi gồm hai bài. Bài thứ nhất, dài tổng cộng 108 câu ngũ ngôn, gồm ba đoạn, là tác phẩm hay nhất của Thái Diễm. Bài thứ hai dài 38 câu, cũng thuật về việc nàng bị bắt đi đến cảnh chia tay với con trở về, nhưng viết theo thể “tao”,một dạng đặc biệt của sở từ.

Thái Văn Cơ tự Chiêu Cơ hay Thái Diễm, bà là một thi sĩ tài hoa dưới thời nhà Hán. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Trong Bi phẫn thi bút pháp tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với trữ tình, nỗi đau khổ dằn vặt của tác giả từ lúc bị bắt rồi lưu lạc sang đất Hung Nô. Mỗi một chữ là một giọt lệ, làm xúc động lòng người.

Ngòi bút vô cùng sắc bén với cách dùng từ ngắn gọn xúc tích, chỉ qua mấy câu thơ bà đã khắc họa được âm mưu của Đổng Trác:

Hán quý thất quyền bính,
Đổng Trác loạn thiên thường.
Chí dục đồ thoán thí,
Tiên hại chư hiền lương.


Bức bách thiên cựu bang,
Ủng chúa dĩ tự cương.

Dịch thơ:

Hán mạt mất quyền bính,
Đổng Trác loạn dưới trên.
Chí hòng cướp ngôi báu,
Trước tiên giết kẻ hiền.

Bức bách về kinh cũ,
Ép vua phải theo mình.

Hán mạt mất quyền bính. Đổng Trác loạn dưới trên. (Ảnh: Pinterest.com)

Hay để miêu tả tội ác của quân Đổng Trác, cũng chỉ cần ngắn gọn qua mấy câu thơ:

Bình thổ nhân thuý nhược,
Lai binh giai Hồ, Khương.
Liệp dã, vi thành ấp,
Sở hướng tất phá vong.

Trảm tiệt vô quyết di,
Thi hài tương sanh cự.
Mã biên huyền nam đầu,
Mã hậu tải phụ nữ.

Dịch thơ:

Trung Nguyên người sức yếu,
Lính tới rặt Hồ, Khương.
Bắt thôn, vây thành ấp,
Mỗi chốn đều tan hoang.

Giết sạch không để sót,
Khắp nơi xác vãi vương.
Treo đầu quanh mình ngựa,
Phụ nữ chở sau xe.

Thời ấy để khuyến khích tinh thần quân binh, người ta cho phép quân binh được phép vơ vét tài sản, cướp bóc và bắt những cô gái về làm tì thiếp.

Thái Văn Cơ cũng nằm trong số những nữ nhân đó, bị bắt và mang đi, với những nỗi đau ê chề khi chẳng danh phận thân thích. Cha thì mất, vua thì chẳng còn, bơ vơ mà chịu nỗi nhục này.

Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhất khả.
Bỉ thương giả hà cô,
Nãi tao thử ách hoạ ?

Muốn chết mà không được. Muốn sống chẳng đường thôi. (Ảnh: pinterest.com)

Dịch thơ:

Muốn chết mà không được,
Muốn sống chẳng đường thôi.
Ta nào gây tội lỗi,
Sao đày đoạ hỡi trời?

Chỉ vẹn vẹn mấy câu thơ, Văn Cơ đã lột tả trọn vẹn những cảm xúc, nỗi đau hay diễn tả bối cảnh rối ren thời binh đao loạn lạc. Thể hiện tài năng văn chương trong cách dụng từ của mình.

Những đoạn sau của Bi phẫn thi mà ghi lại cảnh nơi chốn biên thùy xa lạ một cách chân thự, trong thi có họa, một bức tranh thê lương hiện ra trước mắt người đọc là cuộc sống của Thái Diễm ở đất Hung Nô, hay làm người ta rơi lệ trước cảnh chia li cốt nhục.

Tới cuối bài Bi phẫn thi chính là cảm xúc hoang mang lo sợ, trở về cố hương nhưng lại mang theo nỗi sợ hãi bị ruồng bỏ khi buộc phải lấy người chồng thứ 3.

Điều nữa thể hiện tài năng của bà chính là từ những vần thơ đã chuyển thể sang nhạc, chính là bản nhạc Hồ già thập bát phách , dưới tài nghệ và am hiểu về âm luật, cũng như nhạc lí, bản nhạc của bà là tiếng bi ai nhất của cuộc đời, người ta nói, tiếng đàn bà chơi khiến chim kia ngừng bay mà nhỏ lệ.

Trong Hậu hán thư có ghi chép sau khi chuộc bà về nước Tào Tháo chỉ định bà kết hôn với Đổng Tự. Sự việc này được Tào Phi nhắc đến trong tác phẩm Thái ba dê nữ phú, ngay trong lời nói đầu ông viết: ‘‘Cha tôi và Thái Ung giao tình như giữa Quản Trọng và Bảo Thúc Nha, do đó sau khi cha tôi chuộc Thái Văn Cơ về, đem nàng tặng hôn cho đồn điền đô úy Đổng Tự’’.

Nhưng rồi đột nhiên sóng gió tới, chồng bà bị phán tội tử hình. Thái Văn Cơ vội vã cầu khẩn Tào Tháo, lúc đó Tào Tháo đang mở đại yến đãi khách, trong phòng khách toàn những vị đại quan, cao minh uyên thâm tài giỏi. Thái Văn Cơ bước vào dùng lời lẽ vô cùng ai oán xin được miễn tội chết cho chồng, dùng lí lẽ mà thuyết phục Tào Tháo. Cuối cùng ông đồng ý với Văn Cơ miễn tội chết cho chồng, nhưng Tào Tháo cũng đưa ra yêu cầu của mình. Tào Tháo nói:

‘‘Phu nhân, tôi nghe nói tới tài năng kiệt xuất của cha bà, hẳn lúc sinh thời có rất nhiều sách vở, những sách này bà còn nhớ không? chúng được để ở đâu?’’

Thái Văn Cơ đáp: ‘‘Sách vở của cha khá nhiều, đại khái có hơn 4000 cuốn, nhưng vì chiến loạn tôi lại là con gái vì vậy những sách này đã bị phiêu tán rồi, đã không thể tìm thấy được nữa rồi, nhưng hiện nay tôi có thể đọc thuộc lòng khoảng chừng hơn 400 quyển thôi’’

Tào Tháo nghe thấy thế vô cùng vui mừng, liền nói sẽ cho người đến tận nhà bà mà xin được chép lại. Văn Cơ nói:

‘‘ Không cần làm như vậy, những sách vở này tôi sẽ tự viết ra cho ngài. Ngài muốn tôi viết theo kiểu chữ Khải hay kiểu chữ Thảo, chỉ cần nói , tôi có thể đáp ứng’’.

Quả nhiên là như vậy Tào Tháo vô cùng thán phục và ngưỡng mộ tài năng thi pháp của Văn Cơ, bà không chỉ là học rộng tài cao, mà còn là một thư pháp gia tuyệt đỉnh.

Ghi nhớ 400 cuốn sách mà chép lại không có một chút sai sót, minh chứng cho trí tuệ và bộ nhớ của bà, tương truyền sau này bà đã dần khôi phục và tiếp tục những công trình còn dang dở của cha.

Thói đời ghen tị với người có tài, ban cho Văn Cơ những nỗi khổ đau tột đỉnh.

Cuộc đời của Văn Cơ là chuỗi tháng ngày đau khổ, đa tài mà truân chuyên, bốn lần xuất giá thì 3 lần là khổ đau bất hạnh.

Văn Cơ bị ép gả cưới, cuộc đời đầy những đau khổ bất hạnh.. (Ảnh: pinterest.com)

Lần đầu thì đoạn đường chẳng đặng, đứt gánh giữa đường, rồi bị bắt và ép sang Hung Nô, trên đất Hung Nô xa lạ với những nỗi nhục dày xéo, bà chẳng nhân danh thân phận, như một dân nữ bình thường mà ép phải thành thân.

Trong một số sách có ghi chép rằng, bà bị ép cho Tả Hiền Vương, rất nhiều vở kịch diễn tả mối tình hạnh phúc của bà và Tả Hiền Vương. Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn khác, theo nhiều nguồn ghi chép và theo logic thì có thể nhận thấy, nếu như bà được làm vợ Tả Hiền Vương thật thì bà phải có danh phận, con bà cũng phải có danh phận, nhưng sử sách lại không hề có ghi chép nào về danh phận của 2 đứa trẻ con bà, hơn nữa nếu là vợ của Tả Hiền Vương mà lại có thể được chuộc về bằng vàng ngọc sao? Điều này thật không đúng với thể diện ngoại giao thời đó, nó có thể được coi là quốc nhục.

Vậy một câu hỏi đặt ra ở đây là gì, Văn Cơ thực sự bị ép thành thân với ai? Qua thơ của Văn Cơ, thì có nhiều ý kiến cho rằng, bà là một nô tì, ép gả cho một binh sĩ bình thường, có thân phận như một nô lệ, bởi vậy mà Tào Tháo có thể chuộc bà về.

Như vậy có thể nói, những nỗi đau khổ ê chề, nỗi nhục nhã của bà trong thơ và nhạc của bà là hoàn toàn thực tại.

Có người nói Thái Văn Cơ và Vương Chiêu Quân có cùng cảnh đời đau khổ. Nhưng quả thực, Vương Chiêu Quân còn có nhiều may mắn hơn cuộc đời bà, xuất giá dù sao cũng có danh phận của một công chúa, được danh phận rõ ràng, được sứ giả hộ tống sang tới đất Hung Nô. Nhưng với Thái Diễm Văn Cơ, thì hoàn toàn là cành hồng bị dẫm đạp, danh phận chẳng có, thân thế thì không, bơ vơ khổ cực nơi xứ người, đây mới chính là nỗi cùng cực của một nữ đại kì tài.

Rồi nỗi đau phải vĩnh lìa cốt nhục, bà như một người mẹ khổ đau nhất thế gian.

Có thể nói rằng, với Thái Văn Cơ, người đời càng cảm phục bởi tài năng của bà bao nhiêu, thì càng xót xa cho số phận của bà bấy nhiêu, tác phẩm văn chương thi phú của bà nhiều vô kể, nhưng trong đó cũng đều ẩn chứa những nỗi buồn, giọt lệ đài trang thấm đấm từng chữ trong hồn thơ của bà.

Có lẽ ông trời cũng cảm thương cho số phận Văn Cơ, mà đến cuộc hôn nhân thứ tư bà mới được nếm được mùi vị của hạnh phúc đoàn tụ. Gian truân thủa sinh tiền và hậu vận có phần được bồi đắp, cũng là niềm an ủi phần nào tới một nữ đại tài.

Trải qua những đau khổ thăng trầm trong cuộc đời Văn Cơ mới có được hạnh phúc. (Ảnh: pinterest.com)

Khép lại truyền kì về tứ đại tài nữ Trung Hoa cổ đại, chúng ta dễ dàng nhận thấy được thân phận của họ trong xã hội thời đó, khi tài năng đi liền với bất hạnh khổ đau. Dường như cả bốn người phụ nữ được lịch sử vinh danh họ về tài năng xuất chúng thì đều không ai êm ả trên con đường lập thất. Một lần nữa người đời thêm chiêm nghiệm, kiếp con người là những đau khổ vùi lấp. Tài năng cũng chỉ tạo được danh tiếng mà chẳng mang lại được cho họ hạnh phúc thực sự. Một lần nữa mà xót thương cho những phận nữ nhi trong thời thế xã hội với những định kiến ngăn chở tài năng.

Tịnh Tâm

Exit mobile version