Đại Kỷ Nguyên

Trung Hoa tứ đại hí kịch (P.4): Tứ đại mỹ nhân Dương Quý Phi và bài học về sự sụp đổ của một vương triều thịnh trị

Trường Sinh Điện là một vở kịch viết về chuyện tình của Đường Minh Hoàng và quý phi Dương Ngọc Hoàn hay Dương Quý Phi. Những thú vui xa hoa, phung phí tột cùng và sự đắm chìm trong sắc dục là nguyên do cho sự sụp đổ của một vương triều đang trên đường thịnh trị. Vở kịch mang theo thông điệp và bài học giáo huấn để đời được đánh giá là kiệt tác trong tứ đại hí kịch Trung Hoa.

Trường Sinh Điện là một vở kịch được sáng tác bởi nhà văn, nhà thơ nhà viết kịch nổi tiếng dưới triều nhà Thanh -Hồng Thăng . Vở kịch được lấy cảm hứng từ bài thơ: Trường Hận Ca của đại thi hào Bạch Cư Dị, là một áng thơ lưu truyền hàng nghìn năm nay ở Trung Quốc, có thể nói là không ai không biết.

Những điều được khắc họa trong cả thi và kịch là câu chuyện về Đường Minh Hoàng mê mẩn trước tài sắc của Dương Quý Phi. Ông đã sống những ngày:

“Đêm xuân trướng ấm ủ hoa đào;
Mặt trời lên vội, đêm xuân ngắn;
Từ đó quân vương chẳng tảo triều”.

Sự đắm say cuồng loạn trong nhục dục khiến nhà vua chẳng màng triều chính. Bỏ việc nước, mặc việc dân. Từ đó mà dẫn tới sự sụp đổ của một vương triều thịnh trị.

(Ảnh: Youtube.com)

Vẻ đẹp của Dương Quý Phi và sự say đắm của Đường Huyền Tông.

Dương Quý Phi được đánh giá là một trong tứ đại mĩ nhân của văn hóa lịch sử Trung Hoa. Sắc đẹp của bà được ví là tu hoa, tức khiến hoa thu mình lại không dám khoe sắc vì hổ thẹn.

Vẻ đẹp yêu kiều với khuôn trăng đầy đặn, sắc da trắng mịn màng diễm lệ đã khiến Đường Minh Hoàng mê mẩn ngay từ lần gặp đầu tiên. Vẻ đẹp của Dương Quý Phí nhanh chóng lấp đầy đi sự trống vắng và nỗi buồn của nhà vua khi mất đi Phi tần được ông sủng ái nhất là Võ Huệ phi.

Dương Quý Phi không chỉ là một người có dung mạo xinh đẹp mĩ miều, mà bà còn sở hữu tài năng tuyệt đỉnh với kĩ nghệ chơi đàn tì bà, giỏi về âm nhạc. Nàng lại có thể chơi được nhiều khúc hát và biểu diễn những điệu múa làm cho Minh Hoàng càng thích thú say sưa hơn. Nàng nổi tiếng với điệu múa Hồ hoàn vũ, là điệu múa xuất phát từ người Hồ.

Say mê trong hương sắc mĩ nhân, nhà vua đắm chìm trong mê muội.

Câu chuyện về tình duyên giữa Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng thường được nhắc đến với khung cảnh ước lệ, xa hoa tột đỉnh của giai đoạn nhà Đường đang thịnh thế.

Sự say mê và cung phụng ân sủng Ngọc Hoàn khiến vua Đường trở lên phung phí tiền bạc. Như cuộc đi tắm suối của nàng tại Hoa Thanh Trì mỗi lần tốn hàng vạn bạc của quốc khố và làm chết hàng trăm mạng người, Đường Minh Hoàng cũng thẳng tay, không chút tiếc rẻ. Vì làm hài lòng mĩ nhân, mạng người cũng trở lên vô cùng nhỏ bé.

Cả thiên hạ như hiểu được rằng, được lòng Quý phi ắt được Huyền Tông trọng dụng. Chính vì vậy mà các quan đại thần luôn chủ động dâng lễ vật quý nhằm xu nịnh Quý phi. Và lịch sử ghi chép về những con đường thăng tiến bất chính của những vị quan bằng cách này.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Để bày tỏ tình cảm và sự ân sủng tuyệt đối của nhà vua dành cho mĩ nhân. Vua Đường thực hiện gia ân phong Dương Nguyên Diễn làm Binh bộ thượng thư, tước Tề quốc công, mẹ Dương Quý Phi được phong Lương Quốc phu nhân. Ba người chị của Ngọc Hoàn cũng được phong, người đầu tiên phong là Hàn Quốc phu nhân, người thứ là Quắc Quốc phu nhân và người cuối là Tần Quốc phu nhân .

Vua Đường lại dùng 30 vạn quan tiền trong ngân khố để cung phụng cho mỗi vị phu nhân, 10 vạn quan tiền mua sắm tư trang phấn sáp. Mỗi khi 3 vị phu nhân nhập triều, em gái của Huyền Tông là Ngọc Chân công chúa được lệnh phải lấy lễ mà nghênh tiếp, không được bất kính. Dần dần ngay cả thành viên trong hoàng tộc không ai dám đắc tội với họ Dương. Sự mù quáng của nhà vua biến triều đại nhà Đường như vương triều của nhà họ Dương.

Sau thời thịnh trị Khai Nguyên, Đường Huyền Tông cao tuổi, sa vào hưởng lạc, không còn nhiệt tình với chính sự, lại thích theo đuổi thuật trường sinh bất lão. Huyền Tông giao toàn quyền triều chính cho tể tướng Lý Lâm Phủ, hưởng lạc cùng Dương Quý Phi trong cung cấm. Lý Lâm Phủ tự mình cầm quyền trong suốt 19 năm, hãm hại nhiều người trung lương, thi hành chính sách nhân sự ngăn cản các tướng có tài vào triều đắc dụng, trở thành một tác nhân gây ra Loạn An Sử.

Sự yêu chiều một cách thái quá của Huyền Tông đối với Dương Quý Phi là nguyên nhân khiến người đời cho rằng nhà Đường đều do Quý phi mà suy vong. Dương Ngọc Hoàn cũng là nguyên nhân của tạo phản làm loạn mà sau này tư thông cùng An Lộc Sơn khiến vương triều đại bại. Chính vì vậy mà sau này quân binh nhà Đường buộc Huyền Tông phải hạ lệnh giết chết Dương Quý Phi. Và thi thể của bà cũng không được chôn cất hay thực thi theo nghi lễ mà chỉ là nấm mộ ven đường.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Đây chính là bài học để đời cho các bậc vương quân trị quốc. Mĩ nhân là một loại hoa mang theo độc dược. Có sức quyến rũ tới hủy diệt cả một vương triều. Có thể làm mê muội một hoàng đế được coi là minh quân. Dương Quý Phi với tài sắc làm khuynh đảo triều chính và khiến vương triều đại Đường đại bại. Đó cũng là bài học đạo lí cho sự say mê ngu muội, khi tửu sắc lạc thú che mờ đi lí trí của một bậc vương thì thiên hạ đại loạn.

Thuật trường sinh là có thật nhưng nó không tồn tại với mục đích là để hưởng lạc, hoang dâm vô độ. Chính sự hoan lạc dâm dục đó là con đường đi về tới tử thần ngắn nhất.

Vở kịch Trường Sinh Điện được đánh giá là một trong những vở diễn hay nhất với hàm ý thâm sâu nhất. Tác phẩm phản ánh không chỉ là các giai đoạn chính sự thời nhà Đường mà còn là một bài học về trị quốc được lưu lại để nhắc nhở cho các thế hệ quân vương sau này.

Tịnh Tâm

Exit mobile version