Đại Kỷ Nguyên

Trở về truyền thống: Khi người ta hoài nghi trước tất cả, có một đoàn nghệ thuật thiện nguyện như thế…

Ánh mắt của họ không bao giờ thôi hi vọng, khuôn mặt luôn tỏa sáng với nụ cười thường trực trên môi. Một đoàn nghệ thuật đầy thân thiện và nhiệt huyết. Tôi có dịp đứng sau cánh gà của sân khấu để quan sát họ. Có vô số điều làm tôi thực sự cảm phục ở đoàn nghệ thuật thánh thiện hoàn toàn thiện nguyện này…

(Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Phía sau hậu trường là cả một sự tận tâm, nhiệt huyết của từng thành viên trong đoàn.

Chiếc xe từ từ lăn bánh vào bãi đỗ, các diễn viên hối hả chuẩn bị trang phục, tự mình khuân vác trống, dụng cụ biểu diễn, nét mặt hớn hở vui tươi của các diễn viên khi kéo cửa kính xe xuống là lời chào vào không trung: ‘‘Hồng Ân kính chào mọi người’’.

Lời nói vào không trung không có ai trả lời, nhưng với đoàn đó chính là lời nhắc nhở bản thân hãy cố gắng để biểu diễn thật hay, để mang tới cho khán giả những màn biểu diễn hấp dẫn, đẹp mắt nhất. Trên bầu trời kia, trong không trung kia, vẫn có vô số con mắt đang dõi nhìn…

Những cô gái với thân hình mảnh khảnh, đôi tay tưởng chừng như yếu ớt, nhưng lại mạnh mẽ vô cùng khi xách những hành lý chứa những bộ trang phục biểu diễn, nụ cười của cô như mùa thu tỏa nắng, bước chân cô đi nhẹ nhàng như tâm hồn của cô vậy, một vẻ đẹp thân thiện, thuần khiết.

Nụ cười của cô như mùa thu tỏa nắng. (Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Những chàng trai với khuôn mặt hiền hòa, lộ rõ sức mạnh trai trẻ vác trên vai những chiếc trống lớn, bước đi thoăn thoắt như thể chẳng có gì nặng nhọc. Mồ hôi trên trán bắt đầu rơi khi lần lượt mang hết dụng cụ vào, nhưng khi được hỏi: Anh có mệt không? Là nụ cười với cái xua tay: Không mệt! Không mệt. Có thấm gì đâu.

Khi được hỏi: anh có mệt không? Là nụ cười với cái xua tay: không mệt! Không mệt. Có thấm gì đâu. (Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Tôi cũng bắt gặp nụ cười thong thả thư thái của các bác trong đoàn. Tôi ngạc nhiên: Tại sao bác lại tham gia khi đã ở tuổi này. Bác ôn tồn trả lời: Chúng tôi muốn mang lại cho đời những gì tốt đẹp, những gì là thiện lương, là chân thành, là sự hòa ái. Nếu cuộc sống chúng ta cứ cho đi những điều ý nghĩa, thì xã hội của chúng ta sẽ chẳng phải tốt đẹp hơn sao?

Câu trả lời của bác làm tôi thức tỉnh, chúng ta đã quá vội vã trong cuộc sống bon chen này, chúng ta cũng đã quên đi những gì là tốt đẹp trong cuộc sống. Quen hưởng thụ mà quên đi tặng. Muốn nhận nhiều mà chẳng đem cho. Phải chăng sự ích kỷ đã bao trùm cuộc sống.

Nụ cười thong thả thư thái của các bác trong đoàn (Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Người xem xúc động khi xem những tiết mục múa, bừng tỉnh khi nghe tiếng trống thiên uy.

Khi ánh đèn sân khấu bật lên, hàng trăm, hàng nghìn con mắt hướng về sân khấu. Cô gái với trang phục như những tiên nữ, nụ cười duyên dáng múa lượn mềm mại, câu chuyện về hoa sen, câu chuyện về Phật nghìn tay nghìn mắt… làm không ít khán giả ngậm ngùi lau nước mắt.

Những đứa trẻ vốn nghịch ngợm hiếu động, nhưng lại ngoan ngoãn trong vòng tay của mẹ để mở tròn đôi mắt ngây thơ chăm chú vào sân khấu, sự trong sáng trong tâm hồn của nó, như là tâm hồn của từng diễn viên biểu diễn vậy. Thuần khiết như những đóa hoa sen.

Tinh khôi như ánh nắng sớm mai tỏa sáng làm hong khô những giọt mồ hôi vất vả hay những giọt lệ đau thương trong cả chặng đường mưu sinh của con người.

Rồi chợt nhận ra lẽ sống của cuộc đời, mình là ai? Mình tới đây để làm gì? Câu hỏi như tự vấn bản thân khi chính trong tiềm thức họ như đã tìm được câu trả lời.

Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân

Tiếng trống vang lên như một sức mạnh xé trời, xua đi màn đêm u ám, đánh tan đi những tranh đấu nhỏ nhoi, những tâm niệm hẹp hòi. Người xem như thức tỉnh bởi sự hùng tráng bừng lên sau từng tiếng trống, lá cờ như ngoan ngoãn bay lượn trong tay các nam diễn viên.

Lá cờ của truyền thống, của những nét đẹp oai hùng từ ngàn xưa. Con người như được trở về nguồn cội. Tắm mát tâm hồn trong dòng máu con lạc cháu rồng đang tan chảy trong huyết quản.

Tiếng trống vang lên như một sức mạnh xé trời, xua đi màn đêm u ám. (Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Có rất nhiều tiết mục làm cho khán giả trầm trồ thán phục, không ít những giọt nước mắt, và cũng không ít lời cảm ơn từ khán giả: Chúng tôi yêu các bạn.

Đó là món quà quý báu nhất mà đoàn nhận được, nó vượt lên những vất vả của những tháng ngày tập luyện, vượt lên trên cả cái bụng đang sôi lên vì đói. Khó khăn nào họ cũng có thể vượt qua, mệt mỏi nào cũng không làm họ lùi bước. Tất cả những điều đó đáng để chúng ta trân trọng.

Khó khăn nào họ cũng có thể vượt qua, mệt mỏi nào cũng không làm họ lùi bước. (Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Những bát mì tôm nguội, hay chiếc bánh mì ăn dang dở được đặt ngay ngắn trên bàn phía sau sân khấu làm tôi thực sự khâm phục.

Vì muốn mang lại cho đời những điều tốt đẹp, họ tạm quên đi bản thân. Cái họ được là gì? Là niềm vui cho người đời, là sự thấu hiểu đạo lý nhân sinh, là thức tỉnh trong mê muội, và hơn hết là tình người nồng nàn ấm áp của lương thiện, của chân thành và của hòa ái.

(Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Vì sao lại là những chương trình thiện nguyện?

Diễn viên trong đoàn là những thành viên đến từ các nghành nghề khác nhau: kĩ sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc, hay cả những bác hưu trí nghỉ hưu, những em sinh viên, và cả những em bé còn trong tiểu học…

Họ khác nhau về tuổi tác, về nghề nghiệp, nhưng lại có chung một chân lý cuộc sống, muốn lan tỏa những điều tốt đẹp tới mọi người đó chính là giá trị đạo đức, niềm tin chân chính.

Đưa con người trở về với sự thiện lương tốt đẹp vốn có của họ. Tôn vinh giá trị truyền thống. Đây là điều mà đang bị lãng quên trong cuộc sống của chính chúng ta.

(Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Họ cũng có công việc riêng của mình, có cuộc sống gia đình riêng. Ngoài những thời gian dành cho gia đình và công việc, họ tập hợp lại với nhau tự rèn luyện, tự học hỏi để trở thành những nghệ sĩ thực sự chuyên nghiệp như hiện giờ. Với những con người đáng mến này, đó là niềm vui và hạnh phúc thực sự đáng quý của họ.

(Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Ngồi nói chuyện với anh trưởng đoàn, tôi mời anh ly trà, anh mỉm cười đôn hậu cảm tạ, tôi hỏi anh: Đoàn diễn hay như vậy tại sao không bán vé thu tiền? Anh từ tốn: Chúng tôi là những người may mắn hơn cả trong cuộc đời, chính là người được hiểu thế nào là Chân-Thiện-Nhẫn, chúng tôi lấy đó làm thước đo chuẩn mực đạo đức, Sư phụ chúng tôi có dạy, làm gì cũng phải nghĩ cho người khác. Tiền thì ai cũng cần, nhưng không phải ai cũng có tiền để mua vé, chúng tôi muốn tất cả mọi người đều được hưởng những điều tốt đẹp nhất từ những gì chúng tôi đã được hưởng.

(Ảnh đoàn nghệ thuật Hồng Ân)

Câu trả lời khẳng khái với ánh mắt nhìn xa kiên định quả quyết, khiến tôi càng thêm khâm phục. Đôi mắt ấy là niềm tin bất diệt vào điều mà anh cũng như các thành viên trong đoàn hay những ai đang sống, hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Cuộc sống ngày nay, khi con người ta hoài nghi trước tất cả….

Nhưng nếu ai đã được chân thực tiếp xúc như tôi khi gặp gỡ và nói chuyện với thành viên đoàn nghệ thuật này, tôi tin rằng quan niệm của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi.

Những tấm lòng chân thành và lương thiện được cho đi một cách vô điều kiện. Điều họ mong muốn và hạnh phúc của họ chính là nụ cười của người khác. Đây là điều cao cả hơn bao giờ hết của một đoàn nghệ thuật thiện nguyện.

Chương trình biểu diễn kết thúc, họ lại vội vã thu dọn dụng cụ, thay trang phục, từng chiếc trống lớn, từng túi đồ hành lý lại lần lượt trở về với chiếc xe để chuẩn bị cho một chuyến hành trình khác. Lau vội những giọt mồ hôi, nụ cười vẫn tỏa sáng như lúc đầu tôi bắt gặp, câu nói: Cảm ơn mọi người đã tới xem, luôn cất lên sau những cái bắt tay nồng ấm.

Đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân vẫn tiếp tục nhận biểu diễn thiện nguyện tại các doanh nghiệp, tổ chức. Để biết thêm thông tin và hẹn lịch mời biểu diễn, bạn có thể truy cập thông tin tại: www.facebook.com/nghethuathongan hoặc http://nghethuathongan.com

Chuyến lưu diễn của đoàn nghệ thuật Hồng Ân tại Nội Dinh, Cẩm Trang, Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang:

Tịnh Tâm – Hà Phương

Exit mobile version