Đại Kỷ Nguyên

Tranh thêu tay – ‘Mảnh vườn nghệ thuật’ nho nhỏ của người phụ nữ

Thêu thùa là một nét đẹp truyền thống mà tất cả những người phụ nữ truyền thống sở hữu. Với bàn tay khéo léo, họ tạo ra những chiếc khăn tay thêu, những hình thêu trên túi, gối, hay cả trên trang phục… mang vẻ đẹp và nỗi niềm tâm tư. Những mũi thêu đạt tới độ sắc nét tinh xảo, tranh thêu của người xưa sở hữu một vẻ đẹp rất sống động, có hồn và trang nhã.

Tranh thêu được ra đời cách đây hơn 2500 năm. Theo tư liệu lịch sử, vùng đất Tô Châu là chiếc nôi sản sinh ra loại hình nghệ thuật vô cùng đặc biệt này.

(Ảnh: tranhtheutnc.com)

Tô Châu được thiên nhiên ưu ái về khí hậu, nên rất phát triển về trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Đi cùng với sự phát triển đó, phụ nữ Tô Châu bắt đầu sử dụng chỉ tơ tằm và thêu trên chất liệu lụa.

Phát hiện rằng tranh thêu trên lụa có độ bền sáng, đẹp mắt mà mềm mại người ta dần mở rộng hơn và từ đó trở thành làng nghề.

Tô Châu được ví như ‘‘hòn ngọc phương Đông’’ vì những sản phẩm thêu nổi tiếng qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng tuyệt vời của những con người Tô Châu vẫn luôn được truyền lưu qua hàng ngàn năm lịch sử.

Theo quan điểm của người Trung Hoa cổ đại thì một người phụ nữ được coi là tài năng khi sở hữu đủ tứ phẩm

Đó chính là Cầm- kỳ- thi-họa. Trong đó khả năng thêu thùa khâu vá nằm trong phần họa. Bởi thêu tranh không chỉ là họa mà còn cả là nghệ thuật điêu khắc, nếu như nét vẽ được đánh giá là cái hồn của họa, thì mũi thêu và đường chỉ thêu chính là nét tinh xảo trong nghệ thuật thêu.

Phụ nữ cổ xưa từ khi còn nhỏ đã được học và thành thạo về tứ phẩm, một trong những khổ luyện nhất chính là thêu. Khăn tay của thiếu nữ chính là nơi giao lưu tình cảm trai gái, chiếc khăn tay do chính tay cô gái thêu, nó như là cửa sổ của tâm hồn họ, thể hiện đức tính và phẩm giá của họ, do đó thêu không chỉ đơn giản là khâu mà được coi là một nghệ thuật tinh túy.

Nơi vùng đất Tô Châu nổi tiếng với nghề lụa tơ tằm, nay lại là mảnh đất cho chị em phụ nữ thỏa sức được thả hồn với những kiệt tác của mình. Mang theo nét riêng ấy, mà tất cả các sản phẩm thêu Tô Châu trở lên nổi tiếng thịnh hành.

Theo ghi chép lịch sử, nghệ thuật thêu Tô Châu đã phát triển tới thời cực thịnh, mà hình ảnh thêu trên quần áo từ thời Xuân Thu (770 – 476 TCN). Đến thời nhà Minh (1368 – 1644), nuôi tằm và thêu thùa bắt đầu trở nên phổ biến, “gần như khắp các gia đình cả nước”.

Chính vì điều này, giới nghệ sĩ đã ví von những bàn tay thêu thùa của người phụ nữ Tô Châu chính là con tằm nhả những sợi tơ vàng óng vô cùng quý giá, họ là người thổi hồn cho những mũi thêu đường chỉ. Đưa các sản phẩm thêu trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đầy đủ nét đẹp của tâm hồn họ.

Tranh thêu là mảnh vườn thi sĩ của người phụ nữ tài hoa

Để thực hiện một tác phẩm thêu, người phụ nữ trước tiên phải là người kiên trì nhẫn nại, tận dụng sự khéo léo mềm mại vốn có trong bản tính trời ban, người phụ nữ sẽ gửi gắm sự tỉ mỉ qua từng mũi thêu, từng đường chỉ, trau chuốt nó như chính sự mượt mà trong tâm hồn của họ.

Tranh thêu là mảnh vườn thi sĩ của người phụ nữ tài hoa. (Ảnh: promod.com)

Phụ nữ vốn được ban tặng cho đức tính với sự tưởng tượng mộng mơ, nên khi thực hiện tranh thêu, họ như được thả sức múa lượn trên cây kim, sợi chỉ. Thả hồn mình như thi sĩ yêu thơ, kiệt tác họ tạo ra là sự phóng khoáng và khao khát ước mơ thầm kín nơi tâm hồn họ.

Người thưởng thức một bức tranh thêu dễ dàng nhận biết được sự mềm mại, uyển chuyển hay sự mạnh mẽ quyết đoán trong tính khí của người phụ qua bức tranh thêu, có thể hiểu được thế giới nội tâm của họ một cách dễ dàng. Người ta nói, bức tranh thêu như mảnh vườn cảm xúc của họ. Chính vì vậy nó cuốn hút không thôi, khi rõ ràng tịnh mịch, khi ẩn ảo huyền mộng, khi mềm mại tưởng chừng như yếu đuối, nhưng lại mang theo sự mạnh mẽ với những khát khao cháy bỏng ở đời.

Người xưa luôn coi trọng thế giới nội tâm của người phụ nữ, bởi đó mới là trí tuệ thực sự bền vững, là vẻ đẹp thực sự trường tồn của họ, nên đặc biệt có nhã hứng thưởng thức và đánh giá qua góc nghệ thuật tâm hồn họ. Cảm thụ nó, nâng niu nó và coi nó là nơi mà họ hiểu được của một nửa thế giới.

Có lẽ chính vì điều này, mà những sản phẩm thêu tranh của người Tô Châu luôn mang nét quyến rũ mê đắm, là sự vẹn toàn của tài và sắc, là sự hấp dẫn mà từ ngàn năm lịch sử nó vẫn bất biến cùng thời gian.

(Ảnh: Mytour)

Khám phá kĩ thuật thêu phía sau một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo

Tranh thêu Tô Châu được biết đến bởi sự thanh nhã và sang trọng và những đề tài phong phú vô tận. Kĩ thuật bao gồm cả thêu đơn và thêu đôi làm cho cả 2 mặt đều trông giống nhau. Hai mặt thêu có cùng một khuôn mẫu và sử dụng phương pháp thêu tương tự mà không để lộ ra các mũi thêu.

Đặc điểm nổi bật của tranh thêu Tô Châu là chủ đề rõ ràng, hình ảnh sinh động và màu sắc thanh nhã. Đường chỉ thêu mềm mại, mũi thêu kín đáo, người thêu tranh có kĩ thuật phối màu chọn lụa, chọn chỉ để mang lại cho bức thêu một sắc màu rực rỡ mà không chói lòa, lòe loẹt.

Kĩ thuật sử dụng khoảng trống trong tranh thêu giống như khoảng trống trong tranh thủy mặc đòi hỏi người nghệ sĩ rất khéo léo để bức tranh thêu có chiều sâu, không gian của tranh không bị hạn hẹp mà mang sự phóng khoáng tự nhiên.

Thời gian gần đây, Tranh Thêu Tô Châu đã áp dụng thêm một vài kỹ thuật vẽ phương Tây. (Ảnh: tasteoflifemag.com)

Thời gian gần đây, Tranh Thêu Tô Châu đã áp dụng thêm một vài kỹ thuật vẽ phương Tây.

Trước kia, kim chuyên dùng cho ngành thêu chỉ có 18 loại, nhưng ngày nay, chúng đã phát triển vô cùng đa dạng và có đế hơn 40 loại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và mục đích sử dụng trên bàn thêu. Những tác phẩm tranh thêu không chỉ đẹp bởi bàn tay tài hoa của người thợ thêu mà còn nhờ vào những nét vẽ đặc sắc của các họa gia. Vì thế, tranh thêu được xem là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật thêu và hội họa, được ví là di sản của họa và thêu.

Thiết kế thường rất đơn giản, làm bật lên chủ đề chính. Những đường thêu chỉ rất mịn, gọn mắt, tinh tế và hài hòa.

Chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa truyền thống, tranh thêu Tô Châu có những đặc điểm tinh tế mà chúng ta khó tìm thấy ở các loại tranh thêu khác. Kỹ thuật thêu Tô Châu đã được áp dụng phổ biến trong cung điện triều đình thời xa xưa, trên những vật dụng thông thường như ga trải giường, túi, gối…

Tịnh Tâm

Exit mobile version