Đại Kỷ Nguyên

Trai anh hùng gái thuyền quyên: Yến Thanh – Lý Sư Sư, câu chuyện tình cổ trang đẹp nhất Trung Hoa

Trong tác phẩm Thủy Hử, có một câu chuyện tình khiến bao người ngưỡng mộ nhưng có phần nuối tiếc. Đó chính là tình yêu của một anh hùng hảo hán Yến Thanh với một bóng hồng tài sắc vẹn toàn Lý Sư Sư. Truyện tình cổ trang đẹp nhất Trung Quốc của hai con người được đánh giá là trai anh hùng gái thuyền quyên.

Có phải tình yêu dang dở luôn là cuộc tình đẹp nhất? Yêu mến nhau nhưng không đến được với nhau. Phải chăng có một sợi dây ràng buộc của định mệnh, đó là chữ Duyên. Phật gia giảng con người thế gian vì duyên nợ mà đến. Có lẽ chính vì điều đó mà những chuyện tình đẹp và dang dở kia như một mảng mầu riêng làm cho bức tranh vẽ về tình yêu của họ thêm lung linh và cao đẹp hơn nữa.

Yến Thanh – hảo hán Lương Sơn đa tài đa nghệ.

Yến Thanh được người ta đặt cho biệt danh “Lãng Tử” với vẻ ngoài dung mạo của một đấng nam nhi, trí lực song toàn,uyên bác hiếm có. “Lãng Tử” nghĩa ở đây không chỉ đơn giản là anh chàng hào hoa phong nhã với vẻ bề ngoài cao lớn khôi ngô tuấn tú, mà còn có kĩ năng vượt trội như: đao thương cung ngựa, đàn, hát, tửu, sắc…không gì không thông, chàng sở hữu những tài năng hiếm có. Yến Thanh còn nổi tiếng bởi trên lưng có hình xăm hoa đẹp động lòng người, đến như mỹ nhân Lý Sư Sư nhìn thấy còn không cầm nổi lòng.

(Ảnh: Youtube.com)

Yến Thanh sinh ra tại Đại Danh Phủ (Bắc Kinh), sớm mồ côi cha mẹ, được viên ngoại Lư Tuấn Nghĩa nhận làm gia nhân và hết mực thương yêu. Yến Thanh được học võ công, bao gồm thập bát ban võ nghệ, đặc biệt là chàng luyện được ngón vật xứng danh vô địch thiên hạ. Lý Quỳ trời không sợ, đất chẳng kinh nhưng nhắc đến ngón vật của Yến Thanh cũng phải kính mấy phần. Cũng chính nhờ tài đấu vật mà Yến Thanh ít nhất hai lần lấy lại thể diện cho huynh đệ Lương Sơn: một lần thượng đài đánh bại Kình Thiên Trụ Nhâm Nguyên, một lần đánh ngã Cao Cầu đang huyên hoang “đấu vật chưa gặp đối thủ’’ .

Yến Thanh được yêu thích nhất không chỉ bởi tài nghệ mà chính ở tấm lòng trung nghĩa, sắt son không đổi của chàng lãng tử khinh đời. Điều này được thể hiện khi Lư Tuấn Nghĩa bị Lý Cố bầy mưu với vợ của Lư Tuấn Nghĩa hãm hại chủ nhân hòng chiếm đoạt gia sản. Tác giả đưa ra hoàn cảnh rất khéo: ban đầu thì Yến Thanh bị vu oan khiến Lư Tuấn Nghĩa đuổi khỏi Lư phủ. Nhưng Yến Thanh vẫn nhẫn nại âm thầm bảo vệ chủ nhân, đến khi Lư Tuấn Nghĩa gặp nạn. Yến Thanh không quản ngại gian khổ cướp pháp trường, lang bạt giang hồ tìm đường lên Lương Sơn cầu cứu. Đặt bên cạnh kẻ phản phúc bất trung Lý Cố, hình tượng của lãng tử Yến Thanh càng trở nên lung linh hơn bao giờ hết.

Không quá lời khi nói Yến Thanh chính là một trong những nhân vật hoàn mỹ nhất trong các anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạc.

Bóng hồng Lý Sư Sư, người con gái tài sắc vẹn toàn

Theo ghi chép của sách thì Lý Sư Sư là con gái của một người thợ nhuộm tên là Vương Dần, là người Biện Kinh, tức Khai Phong, thuộc Hà Nam, Trung Quốc. Mẹ Lý Sư Sư qua đời ngay từ khi mới sinh cô, vì vậy, cha cô chỉ dùng sữa đậu nành để nuôi cô lớn.

Theo phong tục thời bấy giờ, những gia đình quý tộc hoặc giàu có thường cho con cái gửi “thân” lên chùa. Gia đình vô cùng yêu quý cô con gái của mình vì vậy cũng đem cô con gái gửi lên chùa Bảo Quang. Khi mới đến chùa, Lý Sư Sư khóc ầm lên, dỗ dành thế nào cũng không chịu thôi.

Lý Sư Sư khi được lão hòa thượng xoa đầu đã nín khóc. (Ảnh: Pinterest.com)

Lúc đó một lão hòa thường dùng tay xoa xoa vào đầu Lý Sư Sư, lập tức cô bé nín khóc ngay. Vương Dần thấy vậy mừng lắm, trong lòng nghĩ rằng con gái mình thực sự là một Phật tử chân chính. Thời bấy giờ, các đệ tử nhà Phật đều được gọi là “sư” (thầy) vì vậy từ đó về sau, Vương Dần mới gọi con gái mình là Sư Sư.

Khi Lý Sư Sư mới 4 tuổi thì tai họa ập đến nhà họ Vương. Vương Dần phạm tội, bị bắt rồi chết trong nhà lao. Lý Sư Sư mới 4 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, trở thành đứa trẻ lang thang. Một bà chủ kĩ viện trong vùng thấy Lý Sư Sư xinh đẹp, tương lai có thể trở thành một bông hoa làm ra tiền cho bà, nên đã nhận nuôi cô.

Bà chủ kĩ viện này họ Lý vì vậy, Lý Sư Sư mới mang họ Lý. Để đào tạo Lý Sư Sư trở thành một kỹ nữ theo đúng các chuẩn mực, tú bà họ Lý đã mời thầy dạy Lý Sư Sư từ đàn hát cho tới cầm, kỳ, thi, họa. Vốn là một đứa trẻ thông minh, Lý Sư Sư chỉ cần học một lần là thành thạo ngay. Và sau này trở thành người con gái tài sắc vẹn toàn mà đến vị Hoàng Đế đa tình Tống Huy Tông Triệu Cát còn say mê.

Người ta nói vẻ đẹp của nàng khiến hoa hổ thẹn mà chẳng dám nở bông, tiếng đàn của nàng khiến chim muông ngừng vỗ cánh. Khiến bao người say mê tới lạc lối.

Lý Sư Sư là cô gái không chỉ đẹp như tiên, mà còn là một người sở hữu tài năng tuyệt vời của cầm, kì, thi, họa. Một người đẹp với sự tinh tế và trí tuệ hanh thông với nghệ thuật pha trà và thưởng trà khiến nhiều người bái phục.

Sự an bài của định mệnh cho cặp trai tài gái sắc với cuộc tình chôn dấu trong tim.
Một chi tiết rất thú vị đó là Yến Thanh kém tuổi Lý Sư Sư. Nhưng với họ đó chẳng phải rào cản gì to lớn. Bởi tiếng đàn tri kỉ khắc tên nhau, giao tình tri âm chẳng cần nói.

Họ gặp nhau trong hoàn cảnh là Yến Thanh được Tống Giang giao phó nhiệm vụ. Nhờ cơ duyên đó mà họ gặp nhau. Tống Giang muốn quân Lương Sơn được Tống Đế chiêu an, bèn theo kế Ngô Dụng tìm đến kinh thành tiếp xúc với kĩ nữ Lý Sư Sư được hoàng thượng sủng ái nhất.

Sau lần đầu tiên là ở đêm Trung Thu thất bại, “Lãng Tử Yến Thanh cáo ngự trạng” được chỉ định tiếp tục đến gặp Lý Sư Sư lần thứ hai. Nào ngờ đâu, Lý Sư Sư gặp Yến Thanh tuấn tú khôi ngô, đàn giỏi hát hay, kể chuyện anh hùng hiệp nghĩa như mật ngọt rót vào tai, lập tức say mê chàng lãng tử. Tâm tình của cả hai tâm hồn, hai số phận dường như được tiếng đàn kết chặt. Họ trở nên hiểu nhau sâu sắc. Sợi tình kia dường như bện càng chặt.

Yến Thanh một anh hùng hảo hán thực sự. Người xưa nói, anh hùng khó qua nổi ải mĩ nhân, ấy vậy mà với Yến Thanh, một bên là nghĩa một bên tình. Chàng trai trẻ dễ dàng chọn nghĩa. Vì đại sự mà gạt tình riêng. Điều Yến Thanh cảm mến say mê ở Sư Sư không phải là dung mạo như hoa, mà bởi tâm hồn và tài năng mà nàng có. Vẻ đẹp ẩn chứa bên trong thầm kín chính là men rượu nồng khiến chàng lãng tử như đắm say.

Vẻ đẹp ẩn chứa bên trong của Lý Sư Sư mới khiến Yến Thanh say đắm. (Ảnh: Youtube.com)

Nhưng chàng biết thân mang trọng trách, “nam tử hán mà để nữ sắc mê hoặc khác gì loài cầm thú”. Nên mối tình kia xin được gọi là mối tình câm, nén chặt trong lòng mà kết bái cùng nàng, xin được làm tiểu đệ kết nghĩa. Cũng từ đây đoạn tuyệt nhớ mong. Một lòng hoàn thành sứ mệnh được huynh đệ giao phó.

Về phía Lý Sư Sư với cô đây là lựa chọn đau đớn. Bởi nếu cô vì tình yêu của riêng mình, thì sẽ đẩy những anh hùng Lương Sơn vào binh đao chết chóc. Bởi vị hoàng đế kia sẽ chẳng buông tha. Nàng nuốt lệ sầu mà bái lạy trời đất cùng Yến Thanh, nhưng thủa xưa bái lạy đất trời chỉ dành cho lễ kết bái phu thê, trong tim cô đã nguyện một mối tình này.

Chính vì vậy mà sau này mặc dù được vào cung sống cùng hoàng đế, hết mực sủng ái nhưng cô chẳng thể quên được Yến Thanh. Vì người khác mà hi sinh mối tình trong mộng. Sư sư cũng chẳng kém gì một người trượng nghĩa. Chôn chặt mối tình riêng để tránh họa binh đao.

Tình yêu thủa xưa sao trong sáng và mộc mạc, một tiếng yêu thương chẳng thốt lên lời, nhưng tiếng đàn thay cho lời muốn nói. Một ánh mắt có thể hiểu tâm tư dấu kín dẫu bàn tay chưa được nắm bàn tay. Tình yêu xưa trong sáng đến độ người ta cảm nhau bằng sự tinh tế. Thương nhau bởi vẻ đẹp tâm hồn chẳng vì chút quyến rũ chốc lát của bề ngoài. Có lẽ vậy mà những mối tình trong truyền thống, luôn giữ cho nhau những vẻ đẹp chẳng phai mờ. Và đã gắn kết là trọn đời toàn vẹn.

Duyên chưa đủ xin một lần gọi nhau là tri kỉ, nợ đủ nhiều xin được bái phu thê. Cuộc sống của con người thế gian chẳng bao giờ thoát khỏi sự ràng buộc của duyên và nợ. Có duyên thì đến với nhau, có nợ thì kết chặt nhau cho tới khi nợ hết.

Có những mối tình tưởng rằng đó một trang thiên tình sử, ấy vậy mà cuối cùng chẳng thể đến được với nhau. Bởi chữ duyên chỉ có thể đến đó. Đâu có nợ mà bước tiếp cùng nhau. Giống như Yến Thanh và Lý Sư Sư khiến nhiều người nuối tiếc cho một mối tình đẹp. Nhưng sợi dây duyên nghiệp còn lớn hơn thảy, nó âm thầm chi phối con người.

Người chưa hiểu thì đem tâm oán hận trách hờn, người chưa minh bạch thậm chí lao vào vòng tranh đấu mà dành giật cho được. Nhưng có được chăng hay chỉ cố lao vào vòng xoáy, chuốc thêm đau khổ lẫn muộn phiền.

Có những cuộc tình dang dở mà kéo theo sự buông thả mọi thứ, coi đó như là lẽ sống duy nhất ở đời, họ đâu biết rằng khi cánh cửa này đóng lại, có nghĩa là sẽ có cánh cửa khác mở ra. Không kết thúc thì đâu có thể bắt đầu cho một điều mới mẻ.

(Ảnh: Beforeout.com)

Con người ta cứ mê muội mà đắm chìm theo cái tình yêu một thủa nồng nàn. Khi chưa thấu hiểu đâu là duyên nợ, dễ mang theo những ân oán ở đời. Nhưng đối với chàng trai lãng tử Yến Thanh, chàng hiểu rằng đâu là đại nghiệp, đâu là sứ mệnh của đời mình, nên cuộc tình đẹp xin được gác lại, để thực hiện con đường của chí nam nhi. Hay với Lý Sư Sư cũng vậy, xin được mang theo mối tình câm đẹp đẽ, nâng niu cất giữ tận sâu thẳm một ngăn của con tim.

Phải chăng đó ta cũng tìm thấy mình ở đâu đó trong mối tình này. Cũng đã từng có một mối tình đẹp nhưng vì duyên phận mà không thể đến được với nhau.

Và sau này chúng ta nhớ về điều đó như một kỷ niệm đẹp khiến ta nâng niu cất giữ và hồi tưởng về những ký ức đẹp đó vào một ngăn riêng của trái tim. Một ngăn dành cho ký ức đó mà chỉ chính ta mới hiểu.

Câu chuyện tình của một trang hảo hán, khiến ta thêm một lần trăn trở ngẫm suy. Thấy bản lĩnh và tấm lòng chân thật của chàng lãng tử. Yến Thanh và Lý Sư Sư sẽ chẳng đến với nhau như kiểu tình thoảng qua như ong bướm với hương hoa. Mà tận sâu trong tâm họ, là ranh giới ý thức thế nào là một tình yêu đẹp, là tri âm tri kỉ muôn đời.

Không giống như thứ tình yêu thời hiện đại, đến với nhau vồn vã rồi lại chẳng kịp nhận ra nhau. Người ta biến tình yêu thành thứ có thể mua được, biến tấm chân thành như một trò chơi. Hay đến với nhau bởi cuốn hút bên ngoài, để rồi khi hương sắc tàn phai, người ta lại mải mê đi tìm đam mê mới. Cái vòng xoáy khiến cho đạo đức đồi bại, chẳng nhớ tới ân nghĩa đạo lí ở đời.

Câu chuyện tình yêu của Yến Thanh và Sư Sư như một minh chứng cho thấy người xưa rất trọng tình cảm và tình cảm rất nhẹ nhàng nhưng lại thật sâu sắc. Chuyện tình đẹp giữa họ được tạo thành bởi hai con người cũng đẹp như vậy từ dung mạo cho đến tâm hồn.

Chúng ta có thể thấy điều gì đẹp đẽ và chân thành thì luôn tồn tại mãi mãi như sử thi về họ. Mặc dù sau này hai người họ mỗi người một nơi, một ngã rẽ riêng của cuộc sống nhưng chuyện tình đẹp của Lãng Tử và Danh Kỹ đậm chất truyền kỳ này luôn để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng độc giả. Những ai đã xem tác phẩm Thủy Hử, thì chuẩn mực về tình yêu lãng mạn và phong trần của họ đã đi sâu vào tiềm thức của rất nhiều người. Tạo nên một ấn tượng đẹp về tình yêu và cách yêu cho rất nhiều thế hệ bạn trẻ đến tận ngày hôm nay.

Quý Hải -Tịnh Tâm

Exit mobile version