Đại Kỷ Nguyên

Tới thăm quần đảo Mã Tổ qua những bức tranh màu nước đặc sắc

Trên bãi cát Cần Bích, người họa sĩ vô tình nhìn thấy một chú chim đang đứng đó, như làm người họa sĩ bị mê hoặc trong sương chiều yên tĩnh, nước chảy quanh co, những dấu vết còn in trên bãi, tất cả đều mượt mà, nhẵn nhụi….Bất kể quy tắc vẽ màu nước thế nào, người họa sĩ vẫn sử dụng bút pháp màu tối, điểm nhuộm, chỉ để nắm bắt đúng giai điệu lúc đó, giữ lại vẻ đẹp thầm lặng này trên trang giấy…

Giới thiệu đôi nét về quần đảo Mã Tổ

Đây là một quần đảo nhỏ gồm 19 hòn đảo nằm gần vùng duyên hải tỉnh Phúc Kiến, và thuộc phía bắc của eo biển Đài Loan. Quần đảo Mã Tổ thuộc đới khí hậu cận nhiệt đới hải dương, bốn mùa rõ rệt, mùa đông lạnh và ẩm ướt, mùa thu có khí hậu khá ổn định. Thời tiết cùng phong cảnh ở đây là một đề tài rộng lớn để những họa sĩ thể hiện tài năng cùng những xúc cảm đặc biệt mà họ muốn gửi đến người xem.

“Bắc Cương nhớ thuở xưa” – Họa sĩ Tạ Minh Xương

Đây là hình ảnh kinh điển nhất về quần thể nhà xây bằng đá tại quần đảo Mã Tổ, nằm ở phía Bắc của thôn Cần Bích. Thôn Cần Bích sau khi được cải tạo lại, khách du lịch cũng không được thăm quan, vì thế mà vẫn giữ được nếp xưa truyền thống. Những ngôi nhà dân và quán ăn ẩn sâu trong những ngôi nhà bằng đá, nơi có tất cả những sự tiện lợi của cuộc sống hiện đại ẩn dưới bề ngoài mộc mạc. Bức họa này của họa sĩ mang một sắc thái thanh đạm, đem một kiến trúc ưu nhã thể hiện ra ngoài, tường đá cùng thềm đá mang cảm giác không có sự mài giũa và vẫn còn rất thô sơ, dường như ít người qua lại.

Bức “Bắc Cương nhớ thuở xưa”. (Ảnh: blog.xuite)

“Nhìn sóng” – Họa sĩ Trần Đông Nguyên

Cảnh quan đặc biệt có tên gọi “Nhất tuyến thiên” (một đường lên trời) này nằm ở phía đông đảo Mã Tổ. Đây là khu vực đá hoa cương khiến cho họa sĩ có rung cảm mạnh mẽ, đọng lại ấn tượng sâu sắc. Họa sĩ vẽ một khe núi cao chót vót, phía dưới là những người lao động, tạo nên điểm nhấn cho sự hùng vĩ của bức tranh, thêm vào đó toát lên được khí chất của những người lao động làm việc hăng say.

Bức “Nhìn sóng”(Ảnh: blog.xuite)

“Tân Sa đêm trăng” – Họa sĩ Hồng Đông Tiêu

Cảnh tượng ánh trăng sau chuyến thăm phía sau thôn Tân Sa của tác giả được thể hiện qua bức vẽ này. Thôn Tân Sa điển nhã thanh bình, nước rút sau đợt thủy triều còn đọng lại, bãi biển trở nên mềm mại và hoài cổ dưới ánh trăng. Những phiến đá lấp lánh đủ hình thù còn đẫm nước cũng đủ lưu lại một hình ảnh xinh đẹp, tất cả tạo nên một ngân quang rực rỡ đầy màu sắc vào buổi đêm.

Bức “Tân Sa đêm trăng”. (Ảnh: blog.xuite)

“Dừng chân” – Họa sĩ Lý Chiêu Trị

Trên bãi cát Cần Bích, họa sĩ vô tình nhìn thấy một chú chim đang đứng đó, như làm người họa sĩ bị mê hoặc trong sương chiều yên tĩnh, nước chảy quanh co, những dấu vết còn in trên bãi, tất cả đều mượt mà, nhẵn nhụi….Bất kể quy tắc vẽ màu nước thế nào, họa sĩ vẫn sử dụng bút pháp màu tối, điểm nhuộm, chỉ để nắm bắt đúng giai điệu lúc đó, giữ lại vẻ đẹp thầm lặng này trên trang giấy.

Bức “Dừng chân”. (Ảnh: blog.xuite)

“Sau khi nước rút” – Họa sĩ Trần Phẩm Hoa

Bãi biển Phúc Chính ở Mã Tổ là một khu vực bãi triều nổi tiếng. Bãi biển này sau khi thủy triều xuống sẽ tạo thành một lớp màu tầng tầng phong phú, vô cùng hấp dẫn những họa sĩ màu nước. Phụ nữ và trẻ em trong làng lấy giỏ trúc, cầm xô và đi đào những sinh vật trong vùng bãi biển, hình ảnh này được tôn tạo để làm bức tranh sống động hơn. Sự giàu có của Mã Tổ cũng giống như kho báu của vùng bãi triều, không thể đem đào hết lên, luôn luôn cần phải trân trọng và chăm sóc, bảo tồn phong cảnh tự nhiên vốn có của nó, để chúng ta có thể chứng kiến hình ảnh của nó qua những bức vẽ một cách chân thực nhất.

Bức “Sau khi nước rút” (Ảnh: blog.xuite)

“Tịch tĩnh yên hỏa” – Họa sĩ Lý Hiểu Ninh

Những vò rượu của hãng rượu Mã Tổ được chăm chút cẩn thận và đặt xuống những chiếc hố, chôn vùi dưới đất, quanh năm không thấy ánh mặt trời. Người dân ở thôn Ngưu Giác trang trí trên những chiếc hố chôn rượu bằng cây xanh, ánh mặt trời chiếu sáng, gió biển man mác, những chiếc lá khẽ rung rung như chào đón vị khách thăm nơi này.

Bức “Tịch tĩnh yên hỏa”. (Ảnh: blog.xuite)

“Cửa hàng của bà lão” – Họa sĩ Trần Hiển Chương

Lấy bối cảnh ở làng Nam Can thôn Ngưu Giác, những tấm vải đỏ bịt kín vò rượu lâu năm những vẫn không thể che giấu được mùi thơm nồng của nó. Cửa hàng của bà lão không chỉ nổi tiếng với loại rượu ngon, mà còn là ký ức chung của tất cả những người dân Mã Tổ.

Bức “Cửa hàng của bà lão”. (Ảnh: blog.xuite)

“Đông khuyển đăng tháp” – Họa sĩ Hứa Đức Lệ

Họa sĩ lấy cảm hứng từ vùng đất quanh ngọn hải đăng lâu năm khu vực Đông Cư. Mỗi lần thăm nơi này người họa sĩ luôn đưa những học sinh của mình đi theo ngắm cảnh. Họ cùng nhau vui đùa, cùng nhau vẽ lên một bức tranh buổi chiều nơi đây.

Bức “Đông khuyển đăng tháp”. (Ảnh: blog.xuite)

“Tóc trắng” – Họa sĩ Trình Chấn Văn

Mô tả của họa sĩ trong một chuyến viếng thăm ngôi làng Nhạc Hoa tại thị trấn Đông Dẫn phía sườn tây của đảo, ngồi nhà dân cùng các cửa hàng được xây dựng dọc theo con dốc; đứng trên con đường làng, có thể nhìn thấy biển và cảm nhận được gió thổi đến. Sau 12 giờ trưa, mặt trời vẫn chói chang, nóng bỏng, người họa sĩ lang thang trong con hẻm và gặp một bà lão tóc bạc trắng, dưới ánh mặt trời rạng tỏa. Trên người bà là bộ đồ chất phác thân thuộc, tỏa ra khí chất của vùng đất nơi đây. Họa sĩ suy nghĩ một chút và ngỏ lời muốn vẽ chân dung bà lão, bà lão hết sức vui mừng gật đầu đồng ý. Tâm trí người họa sĩ bấy giờ trở về sự im lặng chuyên tâm, để diễn tả lòng mình qua ngòi vẽ. Đan xen với âm thanh của sóng, âm thanh của chim nhạn, gần với nhịp thở và nhịp đập con tim, là một khoảnh khắc quyến rũ không thể nào quên trong cuộc sống.

Bức “Tóc trắng”. (Ảnh: blog.xuite)

“Ống khói căn nhà cũ” – Họa sĩ Đặng Quốc Mạnh

Miêu tả những bức tường xưa cũ tại Cần Bích đảo Mã Tổ, nằm ở trung tâm khu dân cư, là một trong nhóm lớn các tòa nhà cổ, với điểm hấp dẫn là những bức tường cổ và ống khói cao chót vót, nhất thời đưa người xem chìm vào thời gian của lịch sử. Họa sĩ thu hút mọi người vào nỗi tư tình hoài niệm đó cùng mình.

Bức “Ống khói căn nhà cũ”. (Ảnh: blog.suite)

“Quay đầu Phúc Chính thôn” – Họa sĩ Diêu Thực Kiệt

Nắng chiều, quay đầu nhìn về phía khu dân cư Phúc Chính, với kiến trúc đặc sắc của những ngôi nhà tựa vào sườn đồi. Đi tới nơi này, trong lòng tràn đầy nỗi nhớ tình xưa, nhưng đây lại là một lần viếng thăm Mã Tổ ngoài dự liệu của tác giả.

Bức “Quay đầu Phúc Chính thôn”. (Ảnh: blog.xuite)

“Mã Tổ cổ điệu” – Họa sĩ Chu Gia Thành

Họa sĩ sử dụng thủ pháp độc đáo của mình để bày sắp những sắc thái đang dần phai đi trên vùng đảo Mã Tổ. Những người trẻ trên Mã Tổ đều rời khỏi vùng đất này đến thành thị để kiếm sống, tất bật với những mối lo bên ngoài. Sự xuất hiện của Mã Tổ, trong ánh chiều, lặng lẽ già yếu và phai mờ. Những người già nơi đây đã chịu những năm tháng thăng trầm của lịch sử, họ luôn lắng nghe âm thanh của thủy triều, vẫn luôn giữ hy vọng và ước mơ thông qua giai điệu cổ xưa của Mã Tổ. Họa sĩ đã xây dựng và sắp xếp các yếu tố về môi trường xung quanh cùng giá trị nhân văn tại đây, tạo ra một bố cục hội họa trong tác phẩm của mình. Căn cứ quân sự Tây Cử, bầy mèo của một cửa hàng Đông Cử, chiếc đàn nguyệt cầm, xen lẫn hòa hợp, tạo thành quang phổ cho giai điệu nơi đây.

Bức “Mã Tổ cổ điệu”. (Ảnh: blog.xuite)

“Giấc mơ màu xanh” – Họa sĩ Đặng Thi Triển

Bức họa thể hiện người họa sĩ đã đặt chân đến cảng Bắc Cương của đảo, nơi những chiếc thuyền đánh cá lập tức thu hút ánh nhìn của họa sĩ. Dưới bầu trời mây trong sáng cùng nền xanh của nước biển và những chiếc thuyền, sự phản chiếu từ mặt nước giống như trong mộng, giống như ảo ảnh.

Bức “Giấc mơ màu xanh”. (Ảnh: blog.xuite)

“Ngũ thái sơn thành” – Họa sĩ Ngô Quan Đức

Người họa sĩ vẽ bức tranh có vị trí đứng trên cao, nhìn được toàn cảnh vào lúc hoàng hôn và mây ngũ sắc trùm lên dải núi; ông nhanh chóng leo lên mái nhà, vẽ đến khi sắc thái đó của bầu trời dần biến mất, và những ngọn đèn trong thôn bắt đầu bật sáng. Họa sĩ đã căn cứ theo những biến hóa hiện ra trong mắt mà sáng tác ra tác phẩm tuyệt đẹp này.

Bức “Ngũ thái sơn thành” (Ảnh: blog.xuite)

“Chim phỉ thúy” – Họa sĩ Dương Sanh Minh

Những hình ảnh thường hay gặp chính là chú chim phỉ thúy (chim trả) đậu trên các đập chứa nước, khối đá, rạn san hô. Những chú chim an tĩnh đậu trên bờ nước, nhánh cây hay mỏm đá để chờ bắt cá, tôm. Chim mái có màu đỏ bên dưới bụng, chim đực có màu đen, là loài chim có phổ biến trên đảo Mã Tổ.

Bức “Chim phỉ thúy” (Ảnh: blog.xuite)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version