Một trong những ca khúc được sử dụng trong phim Hồng Lâu Mộng là ca khúc Tình Văn ca. Đây là ca khúc dành riêng cho nàng a hoàn sắc sảo, thông minh, sống trong bùn lầy, bị người đời hãm hại mà vẫn sáng mãi một tấm tình thanh bạch – nàng Tình Văn.
Tình văn ca là ca khúc với giai điệu trẻ trung, vui tươi hơn so với những bài hát khác trong phim Hồng Lâu Mộng. Trong bài thơ mà tác giả viết riêng cho nàng Tình Văn mà được phổ thành nhạc đã nói lên đầy đủ thân phận và cuộc đời nàng Tình Văn: “Trăng trong khó gặp, mây đẹp dễ tan; Lòng sao cao quý, phận lại hèn’’
Tình Văn, nàng a hoàn xinh đẹp lộng lẫy, thông minh, sắc sảo
Trong Hồng Lâu Mộng nàng Tình Văn là nàng hầu của Bảo Ngọc ở Di Hồng viện. Nàng là người có nhan sắc xinh đẹp nhất phủ, vẻ đẹp của nàng hơn hẳn những kẻ khác, dáng người giống Đại Ngọc nhưng nhan sắc lại được ví như Tây Thi.
Trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách, Lâm Đại Ngọc đứng đầu, nàng là tiểu thư đẹp và tài năng nhất trong Giả phủ. Trong Kim Lăng thập nhị thoa hựu phó sách, Tình Văn cũng là số một, nàng là người hầu có nhan sắc diễm lệ nhất, khí chất cao đẹp và trong sáng nhất. Tào Tuyết Cần nhắc đi nhắc lại rằng Tình Văn có hình dáng giống Lâm Đại Ngọc, và cùng gắn vẻ đẹp của họ với mĩ nhân số một Trung Hoa: Tây Thi.
Nếu như Tây Thi càng đẹp và duyên dáng hơn khi nhăn mặt thì vẻ đẹp và tiếng cười trong veo, ngây thơ trong sáng của nàng Tịnh Văn lại được khắc họa ở chi tiết Tình Văn xé quạt.
Đây là một trong những hình ảnh lãng mạn nhất của Hồng Lâu Mộng, hồi 31: Xé tan cái quạt, nghìn vàng mua lấy một trận cười; Điềm ứng kỳ lân, hai sao gặp nhau khi đầu bạc.
Nàng đẹp không chỉ đẹp ở dung mạo, mà nàng Tình Văn còn có một tâm hồn rất đẹp. Tâm tư trong sáng, có tố chất của vẻ đẹp kim ngọc, cao quý. Vẻ đẹp của nàng khiến cho kẻ phong trần phải say mê, làm nghiêng ngả con tim đa tình của Bảo Ngọc, ấy vậy mà nàng vẫn giữ thân không vẩn đục, chẳng mong tưởng tới ảo mộng bước ra khỏi thân phận a hoàn của mình.
Nếu như Tập Nhân và Xạ Nguyệt dùng thân xác của mình để có được tình cảm của Bảo Ngọc mà được chiều chuộng thì Tình Văn lại không hề làm việc đó. Nàng vẫn giữ thân tâm trong trắng, thuần khiết mặc dù đã có dịp cùng Bảo Ngọc nằm chung giường.
Giống như nàng Đại Ngọc, nhan sắc tuyệt thế nhưng chẳng ai mong cầu tham lam về địa vị của mình trong phủ Giả. Hai cô gái mồ côi gửi gắm thân mình vào nhà họ Giả, tuy được chiều chuộng từ tấm bé, nhưng họ đều ý thức rõ rằng sự thân thiện của nhà họ Giả cũng chỉ là “giả” mà thôi, có thể tan biến bất cứ lúc nào như làn khói mỏng.
Có lẽ vì điều đó mà Tình Văn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết vì cá tính bất cần, chẳng màng danh lợi của nàng.
Có lẽ đây là sự thông minh mà Tình Văn được người đời khen ngợi. Cô thông minh bởi cô biết mình mang thân phận gì, cô thông minh cũng bởi cô hiểu đâu là thật đâu là giả, cô đã tự tránh né mọi sự đấu đá, tranh giành quyền lực ở cái phủ này. Nơi đầy rẫy nhưng toan tính, mưu mô, thì Tình Văn đứng ngoài những sự tình đó. Bởi cô chẳng ôm ảo tưởng hữu cầu vào điều gì.
Tình Văn là biểu tượng hoa phù dung. Một loài hoa sở hữu vẻ đẹp yêu kiều, đài các nhưng mong manh, sớm nở tối tàn.
Người đời ganh ghét kẻ thông minh, nhan sắc trời sinh cũng so bì
Tình Văn hay Đại Ngọc đều là những cô gái có dung mạo hơn người, tài năng và thông minh sắc sảo. Ngở tưởng rằng đó là điều sẽ làm cho hai nàng được thay đổi thân phận của mình mà hưởng sang giàu hạnh phúc. Nhưng không, đó lại là cái họa ganh ghét của người đời.
Vợ Vương Thiện Bảo khi ton hót với Vương phu nhân có nói rằng Tình Văn “Nó cậy sắc đẹp hơn người, miệng lại khéo léo, ngày nào cũng trang điểm như nàng Tây Thi.” Lời gièm pha này đã bắt đầu quá trình Tình Văn bị ngược đãi.
Khi Vương phu nhân tới tra hỏi Tình Văn, con mắt giận dữ của bà thấy nàng “đầu tóc bơ phờ, áo quần lõng thõng, có vẻ lẳng lơ như Tây Thi đêm xuân nằm ôm bụng.” Vốn là người mừng giận bất thường, bà ta liền mắng chửi Tình Văn: “Đẹp thật! Thật là giống hệt ‘Tây Thi đương ốm!’ Ngày nào mày cũng giở cái lối trai lơ ấy ra để cho ai xem đấy? Mày cứ tưởng là ta không biết việc mày làm à?”
Tình Văn nhạy cảm, thông minh vốn sẵn tính trời, cô cũng là một cô gái đều dễ xúc động, hay buông lời trách móc, đùa cợt, trêu chọc người khác. Đúng như lời sấm báo, Tình Văn “tinh khôn, đài các tổ người ghen’’.
Những năm tháng sống cùng với những lời thì thầm to nhỏ, những gièm pha khiến Tình Văn như cơ cực. Bản thân cô có phải là kẻ lẳng lở quyến rũ Bảo Ngọc hay không, giữa họ có phải là mối quan hệ trong sáng hay không? đó dường như là nỗi lòng khó tỏ của Tình Văn. Chính vì thế mà cô như người câm lặng uất ức. Nàng phải chịu biết bao khổ đau, oan uổng tới nhục nhã cho tới khi chết.
Hồng nhan bạc mệnh với cái chết buồn tủi chẳng thể rửa được ô danh
Trong Hồng Lâu Mộng, cả Tình Văn và Đại Ngọc đã cùng nằm chung một giường với Bảo Ngọc (Đại Ngọc khi nằm ngủ trưa, Tình Văn khi cảm lạnh) nhưng họ vẫn là xử nữ băng thanh ngọc khiết. Ngược lại, Tập Nhân và Bảo Thoa là hai người có quan hệ chăn gối với Bảo Ngọc, nhưng mãi là “đồng sàng dị mộng”, nên nực cười thay khi nhà họ Giả nghi ngờ Tình Văn đã quyến rũ Bảo Ngọc vào con đường xằng bậy, khiến nàng khi sắp chết vẫn ôm hận mang tiếng xấu mà chẳng được sống hết mình, quả là:
“Chịu tiếng ong ve thành tổn thọ
Đa tình công tử luống than phiền.”
Tình Văn gạt nước mắt, với lấy con dao cắt đứt hai móng tay tháp bút, sau lại cho tay vào trong chăn, cởi chiếc yếm đào bằng lụa hồng cũ cùng với móng tay đưa cho Bảo Ngọc và nói:
– Cậu hãy cầm lấy. Sau này trông thấy vật này cũng như thấy tôi vậy. Cậu cởi ngay áo của cậu ra cho tôi mặc. Tôi dù có nằm trong quan tài thì cũng như ở viện Di Hồng. Lẽ ra không nên như thế, nhưng trót mang tiếng hão, tôi không còn cách nào.
Nỗi ô nhục của mang tiếng hão đã khiến Tình Văn phải bước ra khỏi phủ Giả với nỗi uất nhục. Tới khi ốm bệnh, Bảo Ngọc tới thăm nàng, người ta đứng ngoài nghe lén rình rập, lúc đó mới vỡ lẽ rằng giữa họ là mối quan hệ trong sáng, thuần khiết chẳng hoen ố nhục dục.
Hựu phó sách đề vịnh chi nhất
Tễ nguyệt nan phùng, thái vân dị tán.
Tâm tỷ thiên cao, thân vi hạ tiện.
Phong lưu linh xảo chiêu nhân oán.
Thọ yêu đa nhân phỉ báng sinh,
Đa tình công tử không khiên niệm
Dịch thơ
Trăng trong khó gặp, mây đẹp dễ tan,
Lòng sao cao quý, phận lại đê hèn.
Tinh khôn, đài các tổ người ghen,
Chịu tiếng ong ve thành tổn thọ,
Đa tình công tử luống than phiền
( nhóm dịch Vũ Bội Hoàng)
Bản nhạc viết cho nàng Tình Văn với sự tươi vui như tính cách của nàng, ngây thơ trong sáng chẳng ham danh lợi. Nhưng thoang thoảng là nỗi buồn tới xé ruột với sự uất ức oan uổng bởi thị phi của thế nhân ganh ghét với người tài- sắc.
Cái chết của Tình Văn và Đại Ngọc là sự ra đi của hai mĩ nhân tuyệt thế trong Hồng Lâu Mồng. Cả hai ra đi trong sự phẫn uất đớn đau. Phải chăng đây như cái kết của giấc mộng màu hồng, nỗi khổ đau của hồng nhang bạc mệnh. Và như thông điệp về sợi dây duyên – nghiệp ở trốn hồng trần.
Tịnh Tâm