Đại Kỷ Nguyên

Tinh túy truyền thống: Nhạc vũ cung đình thời Trần

Đoạt ngai vàng một cách êm thấm từ tay nhà Lý, nhà Trần lên ngôi kế thừa nguyên vẹn thành tựu văn hóa triều trước. Vì vậy, nhìn chung, xu thế phát triển và chỉnh thể nền nhạc vũ cho đến thời Trần là sự kế thừa và phát triển nền nhạc vũ trước đó.

Bài nghiên cứu chuyên sâu của tác giả Ngọc Yến – Viện Hán Nôm

Nhìn chung, nhạc vũ cung đình thời Trần cũng rất phong phú, Thái thường tự vẫn là cơ quan chuyên trách nhạc vũ cung đình, Thái thường nhạc chuyên được dùng trong các lễ nghi quan trọng của triều đình[1]. Không chỉ phục vụ triều nghi, tiếp đón tân khách, nhạc vũ còn thường xuyên được trình diễn mua vui cho vua quan quý tộc nhà Trần.

(Ảnh: pinterest.com)

Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” 見文小錄 có trích một đoạn miêu tả buổi tiếp sứ giả của vua Trần ở điện Tập Hiền được chép trong “Sứ Giao Châu tập” 使交洲集 của Trần Phu (Trần Cương Trung) sứ thần nhà Nguyên sang nước ta vào niên hiệu Trùng Hưng năm thứ 9 (1293) như sau:

“Từng dự yến ở điện Tập Hiền, thấy con trai diễn trò, con gái hát (Nam ưu nữ xướng), tất cả mười người, đều ngồi dưới đất. Có các loại đàn tỳ bà, đàn tranh, Độc huyền (đàn bầu). Tiếng hát và tiếng đàn phụ họa nhau, lúc hát thì nỉ non rồi sau mới hát thành lời. Dưới điện có các trò leo dây, múa rối trên đầu gậy, lại có người cởi trần đóng khố vải nhảy nhót hò reo. Đàn bà để chân trần uốn éo mười ngón tay đứng múa, hơn mười người con trai đều cởi trần khoác vai dậm chân vòng quanh mà hát theo. Các hàng, một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, bỏ tay xuống cũng vậy. Hát thì có các khúc Trang Chu mộng điệp, Mẫu biệt tử của Bạch cư Dị, Vĩ sinh ngọc tiêu, Đạp ca, Thanh ca v.v…, chỉ than vãn thời thế, rất là buồn thương ai oán, nhưng tản mạn khó hiểu. Đại yến ở trên điện, dàn đại nhạc bày ở phía sau bên dưới giải vũ[2], nhạc khí và người đều không nhìn thấy, mỗi lần rót rượu thì hô lớn: “Nhạc tấu khúc …’, dưới nhà giải vũ liền tấu khúc đó.

Ca khúc có Giáng chân long, Nhập hoàng đô, Yến Dao trì, Nhất thanh phong, âm điệu cũng gần với thời cổ, nhưng ngắn ngủi mà thôi“[3]. Và ông nhận định: “Tôi [Lê Quý Đôn] cho đó là nhạc của triều Trần, nay cũng không còn nữa“.

“An Nam chí lược” 安南誌略 cũng chép lại lời kể trong một ghi chép của Trương Lập Đạo nhà Nguyên sang sứ nước ta thời Trần (năm 1291), trong đó có đoạn: “…Sau đó xuống điện Tập Hiền thết tiệc. Đại nhạc tấu ở dưới điện, còn Tiểu nhạc tấu trên điện“.

Bài thơ “Tặng bánh xuân” cho Trương Hiển Khanh – sứ thần nhà Nguyên – của vua Trần Nhân tông cũng cho biết triều đình cho múa Giá chi vũ để tiếp sứ giả.

Lê Trắc là một nhân vật đương thời từng được tham gia vào các sinh hoạt cung đình kể lại trong “An Nam chí lược” rằng: “Hàng năm, vào 30 tết, vua ngồi ở cửa Đoan Củng, các quan làm lễ xong xem con hát biểu diễn bách hý (quan linh nhân trình bách hý).

Ngày mồng một tết, Sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, phi tần xếp hàng ngồi quanh, quan trong cung đứng trước điện, nhạc tấu ở đại đình (nhạc tấu vu đại đình).

(Ảnh: pinterest.com)

Tháng hai khởi dựng Xuân Đài, con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài (Linh nhân trang thập nhị thần ca vũ kỳ thượng) Về nhạc, có trống cơm (phạn cổ ba), vốn là của Chiêm Thành, thân dài, nghiền cơm miết lên giữa mặt trống mà vỗ thì tiếng kêu trong trẻo, hợp với kèn (tất lật), sáo ngắn (tiểu quản), chũm chọe (tiểu bạt), trống lớn (đại cổ), gọi là Đại nhạc, chỉ vua mới được dùng.

Hàng tôn thất quí quan, nếu không phải là tế tự thì không được dùng. Còn đàn cầm, đàn tranh, tỳ bà, đàn thất huyền (có thể là đàn không hầu nằm, xin xem chú dẫn ở phần tư liệu), đàn song huyền (có thể là nhị hồ, đàn nguyệt), sáo, tiêu, thì gọi là Tiểu nhạc, sang hèn đều dùng.

Nhạc khúc thì có Nam thiên nhạc, Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên, Canh lậu trường,… không thể chép hết. Có khi dùng thổ ngữ làm thơ phú phổ vào nhạc để tiện ca ngâm, ngụ đủ tình cảm hoan lạc sầu oán. Ấy là tục của nước ta vậy“.

Những tư liệu trên đã cho biết ở thời kỳ này nhạc vũ cung đình rất phong phú, nhạc vũ bản địa và nhạc vũ Trung Quốc được pha trộn trong các chương trình diễn xướng. Một số tên gọi các nhạc khúc là tên gọi quen thuộc của các nhạc khúc từ điệu thời Đường – Tống, và đã được chính Trần Phu xác nhận là “âm điệu cũng gần giống nhạc cổ nhưng chỉ gấp rút hơn mà thôi”.

Trần Phu là người thời Nguyên do đó nhạc cổ mà ông ta nói ở đây có thể là âm nhạc thời Đường, song đã được phổ lời Việt vào và có lẽ đã có đôi chút sai lệch do quá trình lưu truyền cộng với sự cải biên pha trộn của các nghệ nhân cho phù hợp với trình độ thẩm mỹ và thị hiếu của người Việt. Như vậy ở thời kỳ này đã có sử dụng nhiều nhạc khúc thời Đường – Tống được điền ca từ bằng thơ phú tiếng Việt.

Đặc biệt trình độ biểu diễn khá điêu luyện, “gợi được tình cảm hoan lạc hoặc sầu oán”. Ngoài ra tư liệu còn cho biết tên của một số bản nhạc cung đình thời Trần như Giáng chân long降真龍, Nhập hoàng đô入黃都, Yến Dao trì宴瑤池, Nhất thanh phong壹清風, Nam thiên nhạc南天樂, Ngọc lâu xuân玉樓春, Đạp thanh du踏青遊, Mộng du tiên夢遊仙, Canh lậu trường更漏長 , và một số khúc hát như Trang Chu mộng điệp莊朱夢蝶, Mẫu biệt tử母別子, Vĩ sinh ngọc tiêu葦生玉簫, Đạp ca踏歌, Thanh ca青歌[4]. Lê Trắc còn cho biết nhạc khúc rất nhiều, không thể chép hết.

Kiến văn tiểu lục cũng cho biết một số điệu hát thời Trần được lưu truyền đến thời Lê sơ như đàn hát Nghênh tiên 迎仙 , Xướng tầng 唱層 (Tiểu kiều dương câu ba câu bảy), Hát trai (Dương luật 陽律 ), Hát gái ( m luật 陰律 ). Rồi hát Phượng tài 鳳裁 , Bát đoạn cẩm 八斷錦 , Hà tây chiết liễu 河西折柳 , Vãn vỉa 輓為 , Hà nam 河南 , Quất dương trường 橘楊長 v.v …Chỉ nam ngọc âm指南玉音 cũng nói đến Hát gái (Tiểu kiều dương 小橋陽 ) Hát trai (Dương luật xướng 陽律唱 ) Ngũ vận 五韻 (Nữ thanh giang 女青江 ) Hát thày (Hà nam 河南 ) Hát rối (Thượng hạ xá 上下舍 ).

Tổ chức dàn nhạc

Về tổ chức dàn nhạc thì “An Nam chí lược” cho biết ở thời Trần, dàn nhạc cung đình có Đại nhạc 大樂 và Tiểu nhạc 小樂 . Đại nhạc gồm Trống cơm (Phạn cổ ba 飯古波), kèn (tất lật 毖篥), sáo ngắn (tiểu quản 小管), chũm chọe (tiểu bạt 小鈸), trống lớn (đại cổ 大鼓). Còn Tiểu nhạc gồm đàn cầm 琴, đàn tranh箏, đàn tỳ bà 琵琶 , đàn thất huyền 七絃琴 , đàn song huyền 雙絃琴 , sáo 笛 , tiêu 簫 .

Tham khảo thêm trong “Chỉ Nam ngọc âm” – tác phẩm cuối thời Trần – có thể biết nhạc khí trong cung đình đến thời Trần đã hết sức phong phú, bao gồm các nhạc khí của người Việt sáng tạo và nhạc khí ngoại lai như: Trống cơm (Phạn cổ ba / Yết cổ), Kèn (Thiết địch), Sáo ngắn (Tiểu quản, thổi dọc), Chũm chọe (Tiểu bạt), Trống lớn (Đại cổ), Đàn cầm, Đàn tranh (Chu huyền), Tỳ bà (Long thủ), Đàn thất huyền (có thể là Không hầu nằm), Đàn song huyền (Có thể là Nguyệt), Đàn bầu (Nhất huyền / Độc huyền / Huyền lô), Trống cù (Lôi môn, trống treo lớn), Bông la (Trượng cổ), Tiêu (Trúc Tiêu), Sáo (Trúc địch), Thuần vu ( nhạc khí bằng đồng, giống quả chuông nhưng trên to dưới nhỏ, có núm treo, gõ để phối hợp với trống), Cồng la, Phách (Phách bản), Sênh (Ngọc chấn), Tu hú đất (Nhã huân), Sáo đôi ( Nhã trì), Nhị hồ (Hồ cầm), Tu hú trúc dài (Sa tụng huân)

(Ảnh: pinterest.com)

Về cây đàn bầu, Trần Phu trong “Sứ Giao châu tập” gọi là Độc huyền, Trần Văn Khê ở mục viết về đàn bầu trong sách Du ngoạn trong truyền thống âm nhạc Việt Nam ngờ rằng chưa chắc đó là tiền thân của cây đàn bầu sau này. Tuy nhiên sách Chỉ nam ngọc âmgiải nghĩa đã dùng chữ Hán là弦蘆 (Huyền lô) để chỉ cây đàn này[5] và chú âm Nôm là 彈保 (Đàn bầu), mà theo chữ Hán, “蘆 Lô“ là hồ lô tức quả bầu, “弦 Huyền“ là dây đàn. Vậy, việc cây đàn này có mặt từ thời Trần là không còn nghi ngờ gì nữa[6].

Vũ múa thời Trần

Về múa, đặc biệt ở thời Trần vẫn bảo lưu lối múa Hồ vũ thịnh hành ở thời Đường. Toàn thư chép: “Niên hiệu Thiệu Long năm thứ 11 (1268), đời vuaThánh tông, mùa đông tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc đại vương Quốc Khang đùa vui trước mặt Thượng hoàng. Thượng hoàng đang mặc chiếc áo bằng bông gạo màu trắng, Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ (Hồ nhân vũ胡人舞 ), Thượng hoàng cởi áo ban cho. Vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin“.

Tư liệu này nhắc đến Hồ vũ, đồng thời còn cho biết vua quan hoàng tộc nhà Trần thích và thạo múa Hồ vũ. Hồ vũ – theo các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Trung Quốc – là lối múa của dân tộc vùng Tây Vực, được truyền nhập vào Trung Quốc rồi truyền sang nước ta vào thời Đường. Hồ vũ là vũ đạo dân gian Tây Vực bao gồm vũ đạo của các dân tộc thiểu số Tân Cương, vũ đạo dân gian Udơbec và Ấn Độ.

Phong cách của Hồ vũ phóng khoáng sảng khoái vui vẻ, rất thích hợp với phong thái ung dung đại lượng và tinh thần văn hóa thời Đường, do đó Hồ nhạc Hồ vũ truyền vào Trung Quốc rất nhanh. Ở thời Đường nơi nơi đều múa Hồ vũ. Hồ toàn vũ胡旋舞 xoay chuyển nhanh, vừa làm cho người biểu diễn thích thú, cũng làm cho người đứng xem thích thú, Hồ đằng vũ胡騰舞 sở trường về nhảy cao nhảy dài, làm mọi người kinh ngạc.

Ngoài ra bài thơ “Tặng bánh xuân” cho sứ thần Trương Hiển Khanh của vua Nhân tông cũng nhắc đến một điệu Hồ vũ nữa là Giá chi vũ. Giá chi vũ柘枝舞cũng là một điệu Hồ vũ được triều đình cho biểu diễn trong dịp tiếp đãi sứ thần.Điệu múa này – theo các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Trung Quốc – vào thời Đường được lưu truyền rộng rãi trong giáo phường, quân doanh và trong nhà các sĩ đại phu.

Người biểu diễn mặc áo lụa dài tay chẽn, lưng thắt giải lụa điều, chân đi hài thêu, đầu đội mũ uốn vành, đeo lục lạc, tư thế vừa mềm mại vừa mạnh mẽ, giàu sắc thái Trung Á. Hồ đằng, Hồ toàn và Giá chi đều do nữ kỹ ca múa, chúng được đưa vào cung đình, trở thành những tiết mục quan trọng trong những dịp yến hội lớn[7].

(Ảnh: Pinterest.com)

Không chỉ vậy, tư liệu về thời kỳ này còn cho biết có một số lối múa khác. Kiến văn tiểu lục và Khảo giáo phường thức考教坊式 nói đến múa Dương án ma陽按磨 (tục gọi là Múa trai), m án ma陰按磨 (tục gọi là Múa gái), Bát đoạn cẩm, Tam túc vũ三足舞 , Bào lão胞老 , Đạp vũ ca (tục gọi là Sông thao bồ đề), Giao vũ交舞 , Bắc vũ北舞 , Múa bát. Chỉ nam ngọc âm cũng nhắc đến Múa tiên某仙 (Thiên tiên cách 天仙格 ) Múa chàng某撞 (Tam túc cách 三足格 ), Múa lưỡng某兩 (Khánh thọ bảo thần 慶壽保神 ), Múa nhởn某眼 (Nghênh tiên vũ迎仙舞 ) và Bắc vũ北舞. Đặc biệt trong những lối múa này có nhiều điệu mang màu sắc đạo giáo.

Chẳng hạn về Dương án ma, Âm án ma, sách Khảo giáo phường thức miêu tả như sau:

Cách Nam án ma vũ, Trước tiên bày bùa ngũ phương, thắt lưng thắt về bên trái, cầm ấn tam tài. Nhất bái thiên, nhị bái địa, tam bái thần. Ngón cái của tay trái áp vào tay phải ấn thập nhị thì thần (12 giờ) gồm Tý Sửu Dần Mão v.v. Giờ Tý, hai tay vỗ cùng hai bên; giờ Sửu, hai tay co lại; giờ Dần, tay phải nắm lấy cổ tay trái; giờ Mão xoa tóc; giờ Thìn, tay phải chắp vào bụng; giờ Tỵ, chắp vào sườn bên phải, hướng tay phải theo sở nguyện; giờ Ngọ, ngón trỏ chỉ lên trời; giờ Mùi, hai tay hướng ra trước mà nâng; giờ Thân, xoa từ đỉnh đầu đến thắt lưng; giờ Dậu, hai tay xoa rốn; giờ Tuất, tay phải xòe ra, hai chân nhảy một cách thảnh thơi; giờ Hợi, ngồi xuống nhảy lên.

Cách Nữ án ma vũ: Đào mặc áo đỏ áo tía, uốn ngón tay mà múa, tay tả vẫy bách phúc nhập tả, tay hữu tống chư tai xuất hữu. Có thể thấy ngay ở đây dấu ấn thuật dưỡng sinh của Đạo giáo. Án ma vũ nguyên là thuật dưỡng sinh kiện thân của Đạo gia, có hai loại văn và võ.

Loại văn thuộc về công phu tĩnh tọa án ma (xoa bóp) để dẫn khí lưu thông. Hai điệu múa Án ma vừa trình bày ở trên có lẽ là Án ma vũ của Đạo giáo được đạo sĩ Trung Quốc truyền sang nước ta rồi diễn biến thành múa âm dương dành cho cả nữ và nam.

Hoặc như Bào lão cũng nguyên là tiết mục của hý kịch thời Tống, tiết mục này ở Trung Quốc diễn viên mặc quần áo hoa nhũ, vẽ mặt xõa tóc, miệng nhe răng sói, phun khói lửa như hình dạng quỷ thần, đeo thanh la nhảy múa tiến lui, mang tính chất diệt quỷ trừ tà.

Chú giải:

[1] Trần Hưng Đạo trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn từng đau xót vì nhạc Thái thường bị đem ra để phục vụ yến tiệc thết đãi sứ Nguyên: “Nghe nhạc Thái thường để đãi yến sứ giả mà không biết căm”

[2] Dãy nhà ngang ở hai bên điện

[3].Đoạn văn này có chép ở bài thơ An Nam tức sự  trong Giao châu cảo của Trần Phu. Bài thơ An Nam tức sự trong Giao châu cảo từng được Trần Nghĩa dịch và công bố trong bài viết Một bức ký họa về xã hội nước ta thời Trần. Bài thơ “An Nam tức sự” của Trần Phu, đăng Tạp chí văn học số 1 năm 1972.Tuy nhiên bản dịch có một  số câu chữ sai lệch với trích dẫn của Lê Quý Đôn. Ở nước ta bài thơ này cũng được sách Bắc thưtái Nam sự  (Sách phương Bắc chép về sự việc phương Nam) hiện lưu trữ tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu A.177 sao chép lại, nhưng lại thiếu mất đoạn văn trên. Do không được tiếp xúc với nguyên bản chữ Hán Trần Nghĩa dùng để dịch và công bố nên chúng tôi không dẫn tư liệu này ở phần tư liệu. Bạn đọc nếu cần tìm hiểu có thể tham khảo thêm theo thông tin của chúng tôi. 

[4] Theo Âm Pháp Lỗ . Sđd, Tr234: các ca từ Trang Chu mộng điệp, Mẫu biệt tử của Bạch Cư Dị v.v…và các nhạc khúc Giáng hoàng long, Yến Dao Trì v.v…ở đây đều là từ Trung Quốc truyền đến. 

Đạp ca là nhạc khúc thời Đường, Ngọc lâu xuân, Thanh giang dẫn, Vọng Giang Nam là từ điệu đời Tống.

[5] Ở thế kỷ XV, Lê Thánh tông trong bài thơ Tiểu yến quan kỹ gọi cây đàn này là Bào huyền (匏絃), chữ bào ở đây cũng để chỉ quả bầu.

[6]Có tài liệu cho biết, Nam Man truyện trong Đường thư của Trung Quốc có một đoạn viết về cây đàn bầu như sau : “Dĩ bạch mộc vi chi, bất gia sức, tào hình trường như nhật tự dạng, dụng trúc tác tào bính, xuyên dĩ không hồ, trương huyền vô chẩn, hữu thủ dĩ trúc phiến bát huyền dĩ phát thanh, tả thủ nhân trúc can nhi thành điệu.” Nghĩa là: “Lấy gỗ nhẹ mà làm, không chạm vẽ gì, thùng đàn dài hình chữ nhật, dùng tre làm cần đàn, xâu vào một trái bầu rỗng, căng dây không phím, tay phải lấy mảnh tre gẩy lên dây để phát ra tiếng, tay trái nắn cần tre mà thành điệu.” Như vậy theo tư liệu này thì vào thế kỷ thứ  VI thứ VII đàn bầu đã xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên do chưa kiểm chứng được tư liệu nên chúng tôi chỉ ghi chú để tham khảo thêm

[7] Sách Khảo giáo phường thức còn ghi lại cách phục sức bằng mũ lông kiểu Hồ trong điệu Bát đoạn hành chinh và Nghênh tiên phượng cùng lối “nhịp nhàng tiến lui như kiểu múa phương Bắc”  trong điệu múa Thanh giang dẫn 

Ngọc Yến

Exit mobile version