Đại Kỷ Nguyên

Tinh túy truyền thống: Nhạc vũ cung đình thời Lê, lễ nhạc của Nho gia là luân lý…

Gần nửa thế kỷ, từ nhà Trần suy thoái, đến nhà Hồ soán ngôi cùng ngót 20 năm dưới sự đô hộ của nhà Minh, sau đó khi nhà Lê lên nắm quyền cai trị đất nước, nhà Lê dường như phải thiết lập lại toàn bộ tổ chức nhà nước cũng như trật tự xã hội. Do chủ trương xây dựng một nhà nước hướng Nho nên tổ chức nhà nước và thiết chế triều đình theo xu hướng coi trọng lễ nhạc triều nghi của Nho gia đã được nhà Lê áp dụng như một tất yếu.

Bài viết nghiên cứu chuyên sâu của tác giả Ngọc Yến, Viện Hán Nôm

Lễ nhạc của Nho gia là luân lý, có tác dụng quản lý quốc gia, ổn định xã tắc, giữ gìn trật tự xã hội, mang ý nghĩa trị quốc an bang.

Thiên Nhạc ký sách Lễ ký viết: Lễ để hướng dẫn chí hướng, nhạc để hòa hợp âm thanh (“Lễ dĩ đạo kỳ chí, nhạc dĩ hòa kỳ thanh”). Lễ là để quy định hành vi của con người, nhạc là để hòa đồng.

Nhạc là một trong lục nghệ[1] được Nho gia giảng tập để đào tạo nhân cách. Nho gia quan niệm đại nhạc hòa đồng cùng trời đất, là công cụ quan trọng để giáo hóa, nhạc có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển xã hội, với tư tưởng tình cảm của con người, nhạc chính là Đức.

Những điều đó cho thấy địa vị quan trọng của Nhạc trong xã hội của Nho gia. Nhạc, đặc biệt là nhạc vũ cung đình, thể hiện tầm tư tưởng, thể hiện cái đức của mỗi vương triều, nghe nhạc có thể biết được chính trị của vương triều. Sau mỗi lần thay đổi triều đại, làm nhạc là việc lớn của nhà cầm quyền.

(Ảnh: Pinterest.com)

Chính vì vậy ngay khi mới nắm quyền cai trị, nhà Lê đã chú ý sửa định lễ nhạc. Thái tổ Lê Lợi ngay từ đầu đã sai Nguyễn Trãi định lễ nhạc nhưng chưa kịp làm thì đức vua qua đời. Thái tông Lê Nguyên Long sau khi lên ngôi (1433), vào tháng giêng niên hiệu Thiệu Bình năm thứ tư (1437) đã ban lệnh sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí và dạy tập nhạc múa.

Câu chuyện cuộc tranh cãi giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng về quy chế lễ nhạc vào năm Thiệu Bình thứ 3 (1436) là minh chứng về sự quan tâm của triều đình đối với lĩnh vực này. Có lẽ đây là một sự kiện quan trọng nên sử quan đã chép rất rõ và khá khách quan. 

Nguyễn Trãi tâu: Thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn

Theo Toàn thư, ngay sau khi được sai sửa định lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng:

“Phàm, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay hưng khởi lễ nhạc là rất đúng lúc. Song không có gốc thì không thể gây dựng, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc không dám không gắng hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong lĩnh vực thanh luật khó làm cho được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, khiến cho xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không làm mất cái gốc của nhạc vậy“.

Vua đã khen ngợi và cho thợ làm khánh đá theo mẫu của ông. Bốn tháng sau, do quy chế của Lương Đăng và Nguyễn Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chỗ bàn về số lượng và trọng lượng các nhạc khí có nhiều điều trái nhau cho nên Nguyễn Trãi xin thôi.

Ngay sau đó Lương Đăng dâng thư trình bày dự định của mình, vua nghe theo, sai Lương Đăng định ra quy chế, trong đó về nhạc thì có nhạc tế giao, nhạc tế miếu, nhạc tế ngũ tự, nhạc cứu hộ nhật thực nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung…Vua chấp nhận và làm theo.

Khi yết Thái miếu bãi trò diễn tuồng, không tấu nhạc bình dân nữa. Đến tháng 9, Lương Đăng – lúc này đã kiêm thêm chức Tri điển nhạc sự – dâng nhạc mới mà theo sử gia là do ông và Nguyễn Trãi cùng soạn thảo.

Theo quy chế này, nhạc cung đình được chia thành hai ban là nhạc Đường thượng tấu trên nhà và nhạc Đường hạ tấu dưới sân. Nhạc Đường thượng có 8 loại thanh âm như trống treo lớn, khánh dàn, chuông dàn, cùng các loại đàn cầm, đàn sắt, sinh, tiêu, quản thược, chúc, ngữ, huân, trì. Nhạc Đường hạ thì có phương hưởng treo, không hầu, tỳ bà, quản cổ, quản địch.

(Ảnh: Pinterest.com)

Là một trí thức Nho học lại sâu sắc về tư tưởng Lão – Trang, vì vậy đối với Nguyễn Trãi, âm nhạc tuyệt vời nhất là âm nhạc hòa nhân luân của Nho gia và thiên lại (sáo trời) của Đạo gia, đó chính là thanh âm yên bình nơi thôn xóm, là âm hưởng của thiên nhiên, của đất trời cùng thổi nên, là một cảnh giới đại hài hòa.

Lễ đâu chỉ là ngọc lụa, nhạc đâu chỉ là chuông khánh

Với mong muốn tạo dựng một chế độ lễ nhạc lý tưởng trên cơ sở một xã hội trật tự trong lễ giáo Nho gia, bằng một thái độ kiên quyết, Nguyễn Trãi đã nhắc nhở vua: Lễ đâu chỉ là ngọc lụa, nhạc đâu chỉ là chuông khánh[2], chớ làm nhạc một cách hình thức, mà nên thực sự phát huy ý nghĩa sâu xa của lễ nhạc trong chính trị.

Do ý thức rõ vai trò của lễ nhạc trong chính trị nên Nguyễn Trãi muốn chờ có được những người thực sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này tham gia mới soạn thảo quy chế. Song đáng tiếc là ông đã không thực hiện được hoài bão của mình, bởi những mâu thuẫn quyết liệt giữa những thế lực trong triều đình, mà có lẽ sự đối đầu trong việc soạn định quy chế về lễ nhạc này đã là giọt nước làm tràn ly khiến cho số phận của Nguyễn Trãi – chính trị gia hàng đầu trong lịch sử Việt Nam – có một kết cục bi thảm!

Tuy nhiên, qua việc thực hiện yêu cầu thiết lập quy chế nhạc cung đình của triều đình thời kỳ này, có thể thấy, đây là thời kỳ nhạc vũ cung đình được tổ chức quy mô rõ ràng, các loại nhạc được trình tấu đúng theo từng nghi lễ, “không dùng nhất loạt”.

Dàn nhạc lớn với nhiều nhạc khí sang trọng chưa thấy xuất hiện trước đó như biên chung, biên khánh, cầm, sắt, chúc, ngữ, phương hưởng, không hầu. Có lẽ nhờ vậy mà ở thời kỳ này nhạc vũ cung đình đã có những hoạt động xứng tầm, với hai điệu văn vũ và võ vũ có quy mô lớn là Bình Ngô phá trậnChư hầu lai triều được sử sách ghi nhận.

Toàn thư chép, thời vua Nhân tông Lê Bang Cơ, vào niên hiệu Thái Hòa năm thứ 7 (1449), “mùa xuân tháng giêng, ban yến cho các quan, múa nhạc Bình Ngô phá trận“. Lại vào niên hiệu Diên Ninh năm thứ 3 (1456), ngày 15 tháng 2, “vua thân dẫn bá quan bái yết sơn lăng, đánh trống đồng, quân lính hò reo hưởng ứng. Về nhạc, võ thì múa điệu Bình Ngô phá trận, văn thì múa điệu Chư hầu lai triều“

(Ảnh: Pinterest.com)

Mặc dầu vậy quy chế nhạc vũ cung đình ở thời vua Thái tông cũng chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn bởi sang đến thời vua Thánh tông, tổ chức nhạc vũ cung đình đã khác nhiều. Theo điển chế thời Lê được chép trong Thiên Nam dư hạ tập天南餘暇集 thì từ thời Lê Thánh tông, các cơ quan biểu diễn nhạc vũ thuộc triều đình gồm có Thự Đồng văn同文署, Thự Nhã nhạc雅樂署, Ty Giáo phường教坊司, Sở ca vũ歌舞所, Sở hý thuật戲術所.

Các cơ quan này đều là nha môn sở thuộc Thái thường tự太嘗寺. Ty giáo phường có các chức Ty chính司正 hàm Chánh bát phẩm 正八品, ty phó司副hàm Tòng bát phẩm從八品. Các thự các sở đều có các chức Thự chính, Thự phó, Sở chính, Sở phó. Ngoài ra trong cung đình còn đặt Cục nhạc khí樂器局, chuyên sản xuất nhạc cụ cho cung đình, trực thuộc Giám Ngự dụng 御用監của Sở Bảo nguyên doanh tạo ở bộ Công.

Chính sách lương lộc đối với những người trực tiếp làm việc tại các cơ quan này cũng được quy định hết sức rành mạch. Chế độ Điền lộc thời Lê quy định các ban hát xướng diễn trò của Thự Đồng văn Nhã nhạc được ruộng năm phần rưỡi, người hát xướng diễn trò được ruộng bốn phần rưỡi.

Phạm Đình Hổ cho biết kỹ hơn rằng, thời Lê sơ, dưới sự chỉ đạo của vua Lê Thánh tông, các đại thần đương triều là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh đã viết:

“tìm tòi thanh luật đất Trung châu (TQ) để hoàn bị âm nhạc nước nhà, chia đặt hai thự Đồng văn, Nhã nhạc. Đồng văn chủ về âm luật mà Nhã nhạc thì lấy tiếng hát làm trọng, đều lệ thuộc vào Thái thường.

Còn âm nhạc ở chốn dân gian thì đặt ty Giáo phường để nắm giữ. Nhã nhạc và tục nhạc có phân biệt thứ bậc, không hỗn tạp với nhau”. Ngoài ra ông còn cho biết thêm, thời Lê sơ âm nhạc dùng trong quân đội có kỵ sĩ thổi kèn đánh trống, chia ra lệ thuộc vào các vệ và quan Bả lệnh ngũ quân.

Như vậy bắt đầu từ thời Hồng Đức, tổ chức nhạc vũ cung đình gồm có Đồng văn Nhã nhạc chuyên trách nhạc lễ; có ty Giáo phường chuyên trách tục nhạc, đều lệ thuộc Thái thường tự – cơ quan chuyên trách lễ nhạc cung đình; có đội Bả lệnh chuyên trách quân nhạc, do quan Bả lệnh ngũ quân nắm giữ.

(Ảnh: Pinterest.com)

Về nội dung diễn xướng, Hai Thự Đồng vănNhã nhạc chuyên trách nhạc vũ triều nghi, là loại âm nhạc điển nhã thuần chính, chỉ trình diễn vào những dịp long trọng như tế giao, tế miếu, thánh tiết, triều hạ, yến hưởng.

Thự Đồng văn chủ về âm nhạc còn thự Nhã nhạc chủ về tiếng hát. Nhạc chương cho loại nhạc này thường là những câu thơ Hán ngữ bốn, năm, bảy chữ.

Chính Lê Thánh tông từng làm ra Quỳnh uyển cửu ca, gồm 9 nhạc chương trình diễn trong cung là: Phong niên, Quan đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiền, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân, Mai hoa, đều là những bài thất ngôn luật.

Riêng Ty Giáo phường là cơ quan chuyên nắm giữ tục nhạc, là nơi thu thập, chỉnh lý biểu diễn và truyền bá nhạc vũ dân gian. Kiến văn tiểu lục và Khảo giáo phường thức cùng ghi lại quy định của bộ Lễ về chương trình khảo thí và diễn xướng của giáo phường thời Lê sơ mà Lê Quý Đôn cho là nhạc vũ thời Trần. 

Điều đó cho thấy nội dung diễn xướng trong cung đình thời Lê sơ do ty Giáo phường thu thập vẫn bảo lưu một số hoạt động nhạc vũ thời Trần. 

Chú thích: 

[1] Lục nghệ gồm Lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (đánh xe), thư (viết chữ), số (tính toán)

[2] “Lễ đâu chỉ là ngọc lụa, nhạc đâu chỉ là chuông khánh”: Lời Khổng tử

Ngọc Yến

Exit mobile version