Người Trung Quốc cổ đại cho rằng: con người chết đi là việc tái sinh cho một kiếp sống mới ở một thế giới khác. Những gì khai quật được ở lăng mộ vua chúa đời Thương ở An Dương và lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng Đế ở Lâm Đồng (Tây An) khiến người ta phải kinh ngạc. Ngày nay giới chuyên môn không khỏi thán phục trước công trình kiến trúc Thập tam lăng về quy mô, phong thủy và giá trị lịch sử của công trình này.
Trung Quốc nổi tiếng là nơi có bề dày lịch sử, được biết tới với nhiều công trình đa dạng, lối kiến trúc cổ kính. Một trong những công trình kiến trúc đó chính là Thập Tam Lăng. Đó là quần thể lăng mộ của nhà Minh với màu vàng chói lọi, tọa lạc giữa núi non hòa với phong cảnh tạo nên nét đặc biệt với ý nghĩa tâm linh khiến chúng ta không thể không thán phục.
Họ quan niệm sau khi chết linh hồn sẽ «sống» ở cõi âm. Quan niệm này khiến họ phải tuỳ táng những đồ vật cho người quá cố hưởng thụ như thể người đó còn sống ở cõi dương. Những vật tùy táng này gọi là minh khí.
Sứ mệnh của bậc đế vương: Sống bảo vệ giang sơn, chết được núi sông bao bọc
Khu di tích Thập Tam Lăng có diện tích rộng hơn 40km2, tọa lạc nằm ở chân núi Thiên Thọ thuộc huyện Xương Bình, cách Thủ đô Bắc Kinh 50 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của 13 vị hoàng đế, 23 vị hoàng hậu và một số phi tần khác triều nhà Minh.
Vùng đất được lựa chọn làm nơi chôn cất thi thể của các vị hoàng đế phải có sự tính toán xem xét rất kĩ lưỡng về phong thủy. Người xưa cho rằng, vị trí hợp phong thủy phải là nơi hóa giải được ma quỷ và phong tà từ phương Bắc xuống.
Mà núi Thiên Thọ lại có hình vòng cung, biểu tượng cho quyền uy của triều đại là vững mạnh trường tồn, nhìn từ trên cao xuống, về phía nam như hình tay ngai vàng với 2 hòn núi nhỏ: (Mãng sơn và Hổ Dụ sơn). Với dụng ý sức mạnh chúa tể, giang sơn uốn lượn đều nằm trong tay triều đại nhà Minh. Mặt khác 2 ngọn núi nhỏ có vai trò như vị trướng trấn giữ lối vào chính từ phía nam.
Khu mộ được chọn nằm ở thung lũng yên tĩnh, bốn bề núi bao bọc. Chính là biểu tượng của ngụ ý, sống bảo vệ non sơn, chết được núi sông bao bọc, là lời di ngôn cho đời sau về trách nhiệm và sứ mệnh của bậc đế vương.
Lăng mộ nằm giữa phong cảnh hữu tình, tại thung lũng nên nó có hình dạng của một chiếc phễu. Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, họ cho rằng đây là nơi bảo trì và cân bằng khí âm dương, hút tinh khí của núi rừng đất trời. Một vùng đất vượng khí sẽ bảo lưu và phát huy sức mạnh tâm linh.
Người xưa có quan điểm, chết đi như là giấc ngủ ngàn thu, nên cần sự yên tĩnh và không khí thanh sạch. Mặt khác chính là dụng ý cái chết là sự trở về với cát bụi nên phải dựa vào núi sông mà trở nên thuần tịnh, bền vững.
Thập tam lăng không chỉ đắc địa bởi sự lựa chọn của các nhà phong thủy thời đó, mà còn là một ví trí có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự, 4 ngọn núi bao bọc khu lăng mộ như 4 bức bình phong bảo vệ cho giấc ngủ của các vị hoàng đế triều đại nhà Minh.
Kiệt tác kiến trúc để đời
Thập Tam Lăng được xây dựng qua nhiều triều đại, ròng rã trong suốt 235 năm, từ thời nhà Minh Thành Tổ Chu Đệ cho tới khi nhà Minh sụp đổ. Thập Tam Lăng được Chu Đệ bắt đầu cho xây dựng nhằm dụng ý để vinh danh triều đại của mình.
Lăng của mỗi hoàng đế được tọa lạc trên một vị thế gò núi, bốn bề là cây cối sum suê, tươi mát, các lăng mộ nằm theo hướng Bắc Nam, được nối với nhau bằng một con đường mang tên Thần Lộ dài chừng một dặm (1,7 cây số), nằm giữa hai rặng núi Hổ Sơn và Long Sơn.
Lối đi dẫn đến các lăng dài 7 km và có tên gọi là Thần Đạo. Nó tượng trưng cho phẩm giá và uy quyền của hoàng đế nhà Minh ngay cả sau khi mất. Lối vào Thần Đạo là một cổng vòm được xây bằng đá vào năm 1540.
Dọc hai bên Thần Đạo có đặt 36 bức tượng bằng đá, bao gồm 24 tượng sư tử, voi, lạc đà và 12 tượng quan văn, võ trong triều. Người ta nói rằng những bức tượng này tham gia vào các nghi lễ của triều đình và cung nghinh các vị thần thuộc thế giới bên kia.
Trên đường Thần đạo cách Đại Hồng môn khoảng 500m là đình bia trong đó có tấm bia lớn ghi “Đại Minh Trường Lăng Thần công thánh Đức”. Bia con khắc 3500 chữ ghi chép quá trình dựng lăng, xung quanh đình bia có 4 cột Hoa biểu. Hai bên đường Thần đạo có 12 cặp thú đá (gồm Sư tử, Trĩ, Lạc đà, Voi, Kỳ lân, Ngựa) và 12 tượng người đá gồm 4 quan văn, 4 quan võ, 4 công thần, tất cả đều đứng thành từng cặp đối diện nhau.
Người đá và thú đá đều là những công trình điêu khắc vĩ đại làm bằng những phiến đá nặng hàng chục tấn với những đường nét điêu khắc khoẻ khoắn, uyển chuyển. Toàn bộ khu lãng chiếm một địa bàn có chu vi tới 40 km.
Cổng đá ngoài cùng như một dạng tam quan có chiều cao 14 m và rộng 30 m, có 6 trụ đá tạo thành 5 cửa, phía trên có cấu trúc mái nằm trên các xà rất lớn. Tiếp sau cổng đá là Đại Hồng môn được tạo với 3 vòm cuốn lớn tường màu hồng trên có mái ngói lưu ly mang dáng dấp một tòa nhà cổ truyền nhưng được cấu trúc bề thế và vững chãi.
Trường Lăng: Lớn nhất trong quần thể Thập Tam lăng, nơi để mộ Minh thành tổ Chu Đệ cùng với Hoàng hậu Từ Thị, công trình được khởi công vào năm 1409 và sau 10 nãm hoàn thành. Mỗi lăng đều có điện thờ bên trong đặt bia gọi là Minh Lâu.
Một công trình rất quan trọng ở Trường lăng là cung điện Lãng An có quy mô đồ sộ và dáng dấp gần giống như điện Thái Hòa ở Cố cung Bắc Kinh. Công trình có mặt bằng rất lớn: 66,75m X 29,3 lm, bộ khung nhà được cấu tạo gồm 9 gian và được làm bằng loại gỗ rất quý (gỗ Nam Mộc), có tất cả 32 cột, các cột chính có chiều cao 14,3 m và đường kính 1,17 m.
Định lăng là nơi đặt mộ của vua Thần tông cùng với hai bà hoàng hậu, ông là vị vua thứ 13 của triều Minh. Công trình được xây dựng trong thời gian 1584-1590 và chi phí hết 8 triệu lạng bạc.
Nhiều công trình trong quần thể Định lăng đã bị hủy hoại chỉ còn lại Minh Lâu và Bảo Định cùng với các cổng phía sân sau. Điều đặc biệt ở đây là địa cung nằm sâu trong lòng đất (ở độ sâu 27 m) và thấy được tường tận cách bố trí và trần thiết vô cùng tinh vi phức tạp của nơi chôn cất một vị hoàng đế.
Phía Tây của Trường Định lăng, dưới chân núi Đại Cốc, nhìn bề ngoài cũng giống như các lăng khác, nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra vào năm 1956. Đó là từ mặt tường phía Đông Nam, người ta phát hiện thấy hình chiếc cửa vòm lộ ra sau lớp gạch tường lâu ngày bị vỡ. Các nhà khảo cổ học mở một con đường hầm vào chính giữa cửa vòm ấy, thì phát hiện thấy một đường ngầm xây gạch.
Nhân đó người ta đào một tường hầm thứ 2 từ sau điện thờ vào sâu trong núi. Đào sâu xuống 7,5m thì phát hiện thấy một tấm bia đá nhỏ ghi: “Từ bia đến lớp tường kim cương 16 trượng sâu 3 trượng 5 thước”. Thời bấy giờ người ta xây lăng khi hoàng đế còn sống, để giữ bí mật nơi để quan tài, lăng thường bị bịt kín.
Để sau này khi dùng lăng khỏi bị nhầm lẫn, thì “người phụ trách xây lăng phải lưu lại ký hiệu. Bia đá làm ký hiệu này không ngờ là hoa tiêu chỉ đường cho những người khai quật mộ 300 năm sau.
Địa cung: Là một cung điện ngầm nằm sâu trong lòng đất cách mặt đất 27m bao gồm 5 mộ thất với diện tích tổng cộng là 1195m2 có các đường thông nhau, toàn bộ đều là cấu trúc vòm cuốn bằng đá. Mộ thất lớn nhất có mặt bằng 9,lmx36,lm, cao 9,5 m là nơi đật linh cữu hoàng đế, các hoàng hậu cùng với nhiều hòm rương chứa đựng các đồ vàng bạc châu báu chôn theo.
Lối vào các mộ thất đều có cửa lớn bằng đá và cánh cửa cũng bằng đá nguyên khối, cánh cửa chính rộng 1,7 m, cao 3,3 m nặng tới 4 tấn.
Cung điện ngầm có kiến trúc hình chữ T gồm có điện trước, điện giữa, điện sau, điện bên trái, điện bên phải. Tường điện xây bằng đá trắng, trên đỉnh cuốn bằng đá, kiến trúc cuốn vòm. Điện trước và điện giữa cao 7,2m, rộng 6m, dài 58m.
Nền lát bằng loại gạch đặc biệt do một xưởng gạch ở Giang Nam chuyên sản xuất để cung cấp cho nhà vua. Một mẻ gạch loại này được đốt bằng mấy thứ gỗ trong 138 ngày, khi gạch ra lò lại dùng dầu trẩu rưới lên mặt, do đó mặt gạch nhẵn bóng, càng lau càng bóng.
Điện giữa có 3 bàn thờ tạc bằng đá trắng, trước mỗi bàn thờ có đặt một thống lớn bằng sứ, trong thống dựng dầu để đốt đèn gọi là đèn Trường Minh. Ngoài ra, còn có lư hương, lọ hoa… Thống sứ lớn được tráng men trắng, vẽ rồng mây màu xanh tuyệt đẹp.
Hai gian điện hai bên cũng xây theo kiểu tường đá mái cuốn hẹp hơn điện giữa một chút. Điện trong cùng lớn nhất là bộ phận chủ yếu cúa cung điện dưới đất, nền lát đá hoa ban. Trên bệ đặt ba quan tài. Quan tài chính giữa lớn nhất là quan tài hoàng đế Vạn Lịch. Hai bên là hai quan tài của hai hoàng hậu. Xung quanh có 26 hòm đồ đạc chôn theo.
Các điện thờ bên trong đều thông với nhau. Lối cửa chính điện chính và hai điện bên đầu có hai cánh cửa bằng đá. Bên trong cửa có chốt bàng đá. Sau khi đưa quan tài vào và đóng cửa thì chốt đá tự động chốt lại, bên ngoài không mở được. Hơn 2000 đồ vật quý giá chôn theo, như các đồ dùng hàng ngày của nhà vua : mâm thau, bình đựng rượu, chén bát bằng vàng bạc được chạm trổ tinh xảo.
Thập tam lăng là một kiệt tác kiến trúc, bởi nó thâm nghiêm hùng vĩ. Nó thể hiện trí tuệ của những nhà nghiên cứu thời đó đặc biệt là ứng dụng phong thủy. Tầm nhìn chiến lược trong kĩ thuật quân sự, sự tinh xảo của nghệ thuật điêu khắc bài trí không gian, tạo nên một khung cảnh “rồng bay phượng múa, khí thế hùng vĩ”, có đỉnh núi Thiên Thọ làm đối cảnh cùng các núi Mãng sơn và Hổ Dụ sơn làm tay ngai… Đây là một kho chứa đựng nhiều tư liệu quý về lịch sử cũng như về khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật. Một kiệt tác kiến trúc đáng được tôn vinh và Unesco đã công nhận đây là một di tích lịch sử nhân loại năm 2004.
Tịnh Tâm