Đại Kỷ Nguyên

Tinh túy truyền thống: Câu chuyện cá chép vượt Vũ Môn và bài học thấm thía ẩn sâu

Khi nhắc tới cá chép vượt Vũ Môn, trong chúng ta có lẽ ai cũng biết dù ít dù nhiều về sự tích đó. Nhưng bên trong câu chuyện là một bài học ẩn sâu cho người đời lý giải.

Với việc chia sẻ với quý độc giả một số lý giải từ tích cổ này, Ban biên tập hi vọng rằng, trong cuộc sống bộn bề, khi tưởng chừng như kiệt sức, đôi dòng này sẽ giúp bạn mạnh mẽ bước đi tiếp với sự kiên trì và bền bỉ như chú cá chép vượt Vũ Môn quan.

Ảnh: Divashop.vn

Ước mơ cá chép hóa rồng có phải là sự viển vông, hay là sự nỗ lực hết sức để vươn tới thành công? 

Trong số những chú cá chép bỏ cuộc khi vượt Vũ Môn, có những chú nghĩ rằng: thành rồng thì có gì hơn cá chép? Cũng chỉ là bay trên trời thay vì bơi dưới nước. Phải chăng đó chỉ là đổi tên gọi mà thôi. Nên chú chẳng buồn cố gắng, thậm chí còn cười nhạo những chú cá chép đang ngày đêm nỗ lực, ngày đêm luyện tập cực khổ kia.

Điều này phải chăng chính là muốn nói tới một trạng thái của con người, không bao giờ muốn bứt phá ra khỏi cái khung trong tư tưởng, bứt phá ra khỏi hoàn cảnh của mình mà vươn tới những khao khát, những ước mơ tốt đẹp đến phi thường.

Hay cũng là ẩn ý nói về những con người chẳng tin vào kì tích, họ chấp nhận cái thân người và hạn cuộc tâm thân vào xác thịt con người, mà chẳng một lần mở mang tầm mắt, bồi đắp trí huệ để cảm thụ được năng lực hay sức mạnh của tự thân mình.

Theo thuyết nhà Phật, thì sinh mệnh con người vốn không phải chỉ đơn giản là một con người đơn thuần. Họ cũng có đầy đủ năng lực siêu phàm. Nhưng làm thế nào để có thể phát huy được năng lực ấy? Chỉ có vượt ra khỏi cái khung tư tưởng vốn dĩ quá chừng hạn hẹp.

Ảnh: pinterest.com

Vậy là có lẽ chỉ có một cách duy nhất đó là họ phải bứt phá, phải vứt bỏ những suy nghĩ tầm thường của con người, phải phản bổn quy chân, quay trở về bản tính tiên thiên, quay trở về cái nguyên sơ nguồn cội của sinh mệnh con người. Từ đó mới siêu xuất khỏi người thường về cảnh giới và tư tưởng.

Điều đó cũng giống như những chú cá chép kia đang ngày đêm nỗ lực rèn thân luyện tâm.

Buông bỏ đi nỗi sợ hãi, dám đương đầu với thử thách, dám xả bỏ cả những dục vọng của mình để đạt tới cảnh giới cuối cùng là được hóa rồng, trở thành một con vật linh thiêng của đất trời, có thể hô mưa gọi gió, sức mạnh, uy lực vô song. Tự do bay lượn giữa bầu trời bao la rộng lớn.

Con rồng ấy là niềm hi vọng và tôn sùng của loài người, nó mang tới hy vọng cho các sinh mệnh ở thế gian được trở về thiên giới. Đó chính là mang lại điều tốt đẹp nhất cho cả quá trình sinh mệnh. 

Trở lại với huyền thoại cá chép đã hóa rồng như thế nào?

Tương truyền tại vùng đất Thần Châu, có một con sông linh thiêng được đặt tên là sông Hoàng Hà. Từ trên cao nhìn xuống, sông Hoàng Hà chảy từ tây sang đông, uốn lượn, khúc khuỷu tựa như con rồng đang bay lượn giữa ngàn mây.

Ở vùng trung du Hoàng Hà có một ngọn núi tên là Long Môn, nghĩa là ‘‘Cửa rồng’’. Vì sao lại có tên gọi này, tục truyền rằng khi Đại Vũ trị thủy ông đã xẻ núi cho nước chảy xuyên qua khe đá, tạo lên cảnh tượng vô cùng hùng vĩ, vì chỉ có Thần Long mới có thể vượt qua, nên có tên gọi là Long Môn.

Người ta nói, cá chép trên sông Hoàng Hà mà có thể nhảy ra Long môn được thì sẽ hóa rồng. Nhưng Long Môn lại là một vách đá cao sừng sững, sông Hoàng Hà đổ đến đây tuôn trào như thác. Dòng nước ồ ạt đổ xuống mãnh liệt như thiên binh vạn mã.

Sông Hoàng Hà (Ảnh: dkn.tv)

Cá chép mà bơi ngược được thác nước ấy mà vượt qua được Long Môn thì khó hơn cả lên trời.

Bởi vậy đó phải là một con cá chép có nội lực siêu phàm, sự bền bỉ và kiên trì, có cả trí và dũng.

Tích xưa kể rằng, con cá chép ấy có ngậm một viên thần châu, và phải mất hàng vạn năm, hàng nghìn, ức năm mới có thể xuất sinh một con cá chép như vậy. Và chú đã vượt Vũ Môn quan thành công, đã hóa rồng. 

Câu chuyện về chú cá chép vượt Vũ Môn quan và được hóa rồng, khiến cho tất cả những con cá chép khác trên sông Hoàng Hà ngày đêm cố gắng nỗ lực để vượt được Vũ Môn. Có những chú bị trầy vi, chóc vẩy, có những chú bị chết, và có cả những chú cá nhìn thấy bèn bỏ cuộc.

Những con cá chép khác trong Hoàng Hà ngày đêm nỗ lực (Ảnh: Lich ngay tot)

Hình ảnh hình tượng hóa của Ải Long Môn và con cá chép có thể vượt quan để hóa rồng.

Ải Long Môn biểu tượng cho bản thân của chính con người. Khó khăn nhất, trở ngại nhất cũng chính là cái thân của họ.

Kẻ thù lớn nhất của con người chính là bản thân mình (Ảnh: pinterest.com)

Nhà Phật có giảng rằng: kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình. Ở đây hoàn toàn không có ngụ ý con người phải căm ghét bản thân mình. Mà là chướng ngại lớn nhất của con người chính là nhân tâm. 

Quả nhiên là như vậy, con người có dám xả bỏ những dục vọng, chấp ngã không? Họ có cam tâm chịu khổ không? Có thể nhận phần thiệt về mình không? Có thể sống mà nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới bản thân mình không?

Hẳn là rất khó khăn để làm được điều đó, nhưng khó không có nghĩa là con người không thể, đó là một quá trình buông xả từ từ, thường đặt đôi mắt vào tâm mình, mà quan sát, nhìn nhận, mà xả bỏ bớt ham muốn và dục vọng.

Để rồi từng phút, từng giây phát hiện ra những thứ không tốt đẹp ngay chính bản thân mình mà buông xả nó, để cái thân kia nhẹ hơn, tâm kia tròn đầy hơn.

Con cá chép có ngậm hạt thần châu kia phải chăng đó chính là sự xuất hiện của các bậc Giác giả, họ chính là biểu tượng của quá trình tu luyện mà đạt viên mãn cả hàng ngàn, hàng vạn ức năm. Đời đời, kiếp kiếp trong tu luyện khổ cực mà có được hạt thần châu. Nhưng họ đến không phải vì phô diễn uy lực hay kì diệu của hạt thần châu, hay bản lĩnh của tự thân họ.

Họ tới vì niềm hi vọng, vì muốn chứng minh sự thật cho loài người thấy rằng, con người có thể bứt phá và thoát khỏi khổ đau của luân hồi, con người cũng có thể thành Phật, Đạo, Thần một cách chân chính.

Cá chép ngậm hạt châu kia phải chăng là nói về cá bậc Giác Giả hạ thế độ nhân (Ảnh: pinterest.com)

Hình ảnh ẩn dụ của ải Long Môn thật và giả trong câu trả lời của vua Thủy Tề.

Khi bầy cá thấy ải Long Môn cao quá mà chúng không thể vượt qua được, chúng liền kéo nhau tới để kiến nghị với vua Thủy tề với mục đích là hạ thấp ải Long Môn.

Phải chăng đây là hình ảnh ẩn dụ của việc chúng ta nên tự thân mà suy xét bản thân thay vì truy cầu sự thuận buồm xuôi gió do người khác mang lại. 

Long Môn thật và Long Môn giả chính là hình ảnh của 2 cánh cửa lựa chọn ở đời, một là chính, hai là tà.

2 cánh cửa 1 chính 1 tà (Ảnh: pinterest.com)

Long Môn giả cho người ta ảo giác về sự thành công của họ, Long Môn thật là cảnh giới thực sự không phải mơ hồ hay giả tạo, nó đôi khi được đánh đổi bằng cả mạng sống để có được.

Vậy phân biệt thật giả ra sao trong mớ hỗn độn vàng thau lẫn lộn? Chắc chắn rằng đó cần tới một trí tuệ minh bạch, một con mắt đặt nơi trái tim, một cái nhìn lý trí và một cái đầu thanh tỉnh.

Đúc rút lại, người muốn vươn lên cảnh giới cao hơn cần phải nỗ lực hết mình, cố gắng hết sức, buông xả tận cùng những trở ngại của tự thân để có thể vươn tới thành công hay ước nguyện của một đời mình.

Sẽ không có thành công nào được trải thảm đỏ và hoa hồng, mà thành công luôn gắn liền với hình ảnh thân nhọc, tâm khổ… Bước qua được trở ngại, chính là quá trình vượt Vũ Môn, để tiến tới một cảnh giới hoàn toàn siêu việt, đắc được những điều vô giá cho sinh mệnh vĩnh hằng.

Ảnh: pinterest.com

Tịnh Tâm – Hà Phương

Exit mobile version