“Sự ra đời của Thần Vệ nữ” vẽ bởi Botticelli là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại. Bức tranh này không ngừng làm người xem phải tưởng tượng. Một cái nhìn kỹ hơn về kiệt tác này và một số câu chuyện hấp dẫn xung quanh nó.
Botticelli vẽ “Sự ra đời của Thần Vệ nữ” trong khoảng thời gian 1484-1485. Bức tranh này được ủy nhiệm bởi một thành viên của gia đình Florentine Medici, được cho là Lorenzo di Pierfrancesco. Bức tranh được treo trong phòng ngủ của ông trong Biệt thự Villa in Castello, gần Florence. Đây là một trong những kiệt tác của thời Phục hưng Ý và là một trong những điểm nổi bật của Phòng trưng bày Uffizi ở Florence.
Ý nghĩa của bức tranh
Bức tranh cho thấy Nữ thần Tình yêu và Sắc đẹp là người chiến thắng. Người La Mã gọi cô là Venus (Vệ nữ), trong khi người Hy Lạp gọi cô là Aphrodite. Nữ thần đứng vươn cao trong trạng thái khỏa thân ở trung tâm của bức tranh, trông thanh tao và rực rỡ. Cô ấy dường như thu hút tất cả sự chú ý đến bản thân mình – một biểu tượng của cái đẹp, cả thể chất và tinh thần. Đối với các nhà triết học tân cổ điển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cô ấy là một cách để nâng cao tinh thần của con người và đến gần hơn với thần thánh.
Đại diện của các chủ đề thần thoại là xu hướng trong nghệ thuật thời Phục hưng. Các câu chuyện ngụ ngôn lấy từ văn hóa cổ điển, các vị thần Olympic và truyện thần thoại của họ đã được sử dụng để thể hiện các giá trị nhân văn. Và thành phố của Botticelli, Florence, là một trung tâm quan trọng về nghiên cứu nhân văn. Tổ chức “Cosimo de’ Medici the Elder” đã tài trợ cho một Học viện Plato ở đây, với triết học gia Marsilio Ficino dẫn đầu. Với “Sự ra đời của Venus”, Botticelli đã đi theo một xu hướng, nói lên ngôn ngữ của những người có văn hóa và làm hài lòng những người bảo trợ của ông.
Tại sao Thần vệ nữ đứng trên một vỏ sò? Huyền thoại đằng sau bức tranh
Theo nhà thơ Hy Lạp Hesiod, Venus được sinh ra từ bọt biển. Thần thoại cổ đại thường chứa đầy máu và bạo lực, và câu chuyện này cũng không phải là ngoại lệ. Câu chuyện kể rằng, Thần Uranus có một người con trai tên là Cronus dám lật đổ cha mình, đã thiến ông và ném bộ phận sinh dục của ông xuống biển. Điều này khiến nước biển được thụ tinh và vì vậy Thần Vệ nữ được ra đời.
Sau khi sinh ra, cô đã lên bờ trên một chiếc vỏ sò, được đẩy đi nhờ hơi thở của Zephyrus, vị thần của gió tây. Trong bức tranh, chúng ta thấy thần Zephyrus đang ôm nữ thần Chloris. Còn cô gái chuẩn bị che cho Thần Vệ nữ bằng một chiếc áo choàng hoa được cho là một trong những vị Thần thời gian. Họ đồng thời cũng là những nữ hầu gái của Thần Vệ nữ trong thần thoại, những người có quyền lực kiểm soát chu kỳ tự nhiên của các mùa. Hòn đảo cô cập bờ là đảo Síp, còn gọi là Citharea.
Người mẫu Simonetta Vespucci
Rất có khả năng rằng, nàng thơ đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trong tranh của Botticelli, bao gồm cả bức Thần Vệ nữ này, là một phụ nữ trẻ tóc vàng nổi tiếng sống ở Florence vào thời điểm đó, tên là Simonetta Vespucci.
Simonetta là một người đẹp huyền thoại và có nhiều người đàn ông nổi tiếng vây quanh, nhưng chết rất trẻ, ở tuổi 23. Do tôn thờ cô, Botticelli còn yêu cầu khi mình chết thì được chôn cất dưới chân cô, tại Nhà thờ Ognissanti ở Florence, và đã được gia đình cô đồng ý. Mộ phần của hai người này trong nhà thờ ngày nay vẫn được viếng thăm.
Vẻ đẹp khỏa thân – Một chủ đề Phục hưng táo bạo
Trong nghệ thuật cổ điển, phô diễn cơ thể đàn ông khỏa thân là một đặc điểm chung và quen thuộc. Vẻ đẹp hình thể được xem như một tấm gương về phẩm chất tinh thần và đạo đức. Các người mẫu nữ ít phổ biến hơn, và trong số tất cả bọn họ, Venus là một trong những đại diện phổ biến nhất. Tác phẩm cổ điển “Pudicans Venus” thể hiện sự khiêm tốn bằng cách che ngực mình bằng tay. Botticelli chắc chắn đã lưu ví dụ này trong tâm trí khi ông vẽ bức tranh Nữ thần của riêng mình.
Sau nhiều thế kỷ khép kín thời Trung cổ, hình ảnh đàn ông và phụ nữ khỏa thân bắt đầu xuất hiện trở lại trong thời Phục hưng. Bức tranh này của Botticelli và tượng David khổng lồ của Michelangelo là những ví dụ nổi bật nhất.
“Sự ra đời của Thần Vệ nữ” có phải luôn nổi tiếng qua thời gian?
Chắc chắn không phải như vậy. Sau nhiều thế kỷ bị lãng quên, bức tranh này chỉ được tái phát hiện vào thế kỷ 19. Ngay trong những năm cuối đời của nghệ sĩ, các tác phẩm của Botticelli đã bị bỏ qua. Các nghệ sĩ thời đó cũng có những đối thủ tầm cỡ trong thế giới nghệ thuật. Botticelli đã bị lu mờ bởi những bậc thầy được đương thời kính trọng như Michelangelo và Leonardo.
Botticelli còn phải trải qua một cuộc khủng hoảng về đạo đức và nghệ thuật trong thời kỳ hỗn loạn chính trị của Florence. Người ta tin rằng ông cũng đã tham gia vào các phong trào năm 1497, đốt một số bức tranh của riêng mình mà không có chủ đề liên hệ với tôn giáo. May mắn thay, bức tranh “Sự ra đời của Venus” này đã không nằm trong số đó.
Theo lovefromtuscany (bài và ảnh)
Clip hay: Tôi đã từng là 1 “Anh Đại” trong đời!”