Đại Kỷ Nguyên

Tìm hiểu về nghệ thuật hoa đạo vô cùng tinh tế của người Nhật

Ở Nhật Bản, cắm hoa được coi là một loại hình nghệ thuật thanh tao gắn liền với văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Nhật. Nhưng không đơn giản chỉ là cắm, mà bông hoa và cách thức cắm phải tạo lên cái hồn, tạo lên sức sống, hay ẩn chứa đạo lí hoặc tâm trạng của người cắm, khi ấy nghệ thuật cắm hoa được gọi là Kadō – Hoa đạo.

Với người Nhật Bản, cuộc sống con người và thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng là một chỉnh thể hài hòa. Thiên nhiên cũng được coi là một sinh mệnh, coi trọng thiên nhiên chính là được thiên nhiên bao bọc. Do đó tư tưởng này thấm sâu vào trong các trường phái nghệ thuật của người Nhật.

Theo ghi chép của lịch sử, Kadou được ra đời cách đây 1500 năm, Kado hay Ikebana , xuất phát từ nghi lễ dâng hoa cho Đức Phật và dần trở thành một hình thức nghệ thuật truyền thống từ thế kỷ thứ 15 và tiếp tục được giữ gìn và phát triển tới ngày nay. Sự hấp dẫn trong loại hình nghệ thuật này khiến cho hàng triệu người Nhật say mê mà theo học.

Sự ra đời của loại Kado gắn liền với dấu ấn lịch sử và tư tưởng của Phật giáo trên đất Nhật.

Kadō (華道)— “hoa đạo” còn được gọi là  Ikebana. (Ảnh: japan.go)

Kadō (華道)— “hoa đạo” còn được gọi là  Ikebana (tiếng Nhật: 生け花 hay いけばな, có nghĩa “hoa sống”). Theo nghệ thuật Ikebana, cắm hoa không chỉ hiểu đơn giản là hoa được cắm vào bình, mà người cắm hoa phải nắm được ý nghĩa của các loài hoa cũng như các vật dụng cắm kèm, bình hoa phải có màu sắc hài hòa với cách bài trí của phòng, bình cắm và không gian đặc thù. Cắm hoa phải làm nổi bật được ý nghĩa  hài hòa tượng trưng cho thiên, địa, nhân (trời, đất và con người).

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản xuất hiện  cùng với sự truyền bá của Phật giáo từ Trung Quốc vào Nhật Bản (thế kỷ VI). Vào thời đó người ta rất coi trọng nghi lễ dâng hoa lên những người đã khuất với mục đích an ủi và làm cho linh hồn của họ được siêu thoát.  Việc làm này gắn liền với nghi lễ của Phật giáo Nhật Bản. Nó có tên gọi là Kuge.

Vào cuối thế kỷ VII, phong tục kuge trở nên phổ biến ở các đền thờ. người ta cho rằng dâng lên những bông hoa với vẻ đẹp tuyệt vời là sự tôn kính và thể hiện lòng khao khát được tiếp dẫn tới thế giới tây phương cực lạc, miền đất tịnh độ mà Phật giáo giảng thuyết.

Khi con người ta hướng về nguồn cội, tức hướng về nơi khởi nguyên của bản tính tự nhiên con người, thì đồng thời triết lý của tôn giáo này là hướng người Nhật cổ tới thiên nhiên, đưa vẻ đẹp của thiên nhiên (ở đây là hoa) vào trong không gian sống của mình và ý thức gìn giữ thiên nhiên.

Đến thế kỷ X, khi phái Jodo của Phật giáo trở nên phổ biến thì kuge bắt đầu đóng vai trò trang trí. Theo phái Jodo, thì cắm hoa là nghệ thuật mô tả trí tưởng tượng của con người. Lúc này cắm hoa đã mất đi ý nghĩa tôn giáo mà trở thành nghệ thuật trong sự bài trí.

Vào thế kỷ XV, thời Muromachi, khi tướng quân Ashikaga Yoshimasa trị vì đất nước. Tất cả những ngôi nhà lớn nhỏ đều có Tokonoma hay những hốc tường để đặt các đồ mỹ nghệ, để cắm hoa. Ở thời kì này, các nhà sư là người mô phỏng trí tuệ và cảnh giới của mình về tríthức và nghệ thuật cắm hoa. Phá vỡ khoảng cách về tầng lớp trong nghệ thuật, khiến người dân thường cũng có thể thưởng thức và thực hiện loại hình nghệ thuật này.

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, khi các yếu tố của Tatebana trở nên thống nhất và được hệ thống hoá, Tatebana được phát triển thành dạng thức Rikka, một kiểu cắm hoa đứng. Phong cách cắm hoa Rikka, thể hiện vẻ tráng lệ của thiên nhiên, quy ước là hoa được cắm theo hình núi Sumeru, ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà Phật mang ý nghĩa tượng trưng cho toàn vũ trụ.

Phong cách này được biết đến từ một thầy tu ở đền Rokkakudo (Kyoto) – người chủ trì trường Ikenobo – ngôi trường dạy về việc cắm hoa đầu tiên tại Nhật Bản, ngôi đền Rokkakudo cũng như trường Ikenobo từ đấy trở thành trung tâm của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản.

Tiếp tục phát triển cho tới ngày nay, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản đã mang theo một sức sống mãnh liệt và xuất sinh nhiều trường phái hay cách cắm khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng về phong cách  và ý tưởng nghệ thuật. Đồng thời mang theo sự đặc trưng cho nền văn hóa đậm sự tinh tế và thanh tao, có giá trị thưởng thức tuyệt vời này.

Nghệ thuật cắm hoa của người Nhật Bản, chính là tình yêu với thiên nhiên, tư tưởng thiên nhân hợp nhất là sự hòa đồng tuyệt hảo.

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản đã mang theo một sức sống mãnh liệt và xuất sinh nhiều trường phái hay cách cắm khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng về phong cách  và ý tưởng nghệ thuật. (Ảnh: blogspot.com)

Khi nhắc tới thiên nhiên, người ta thường nghĩ Nhật Bản là đất nước có nhiều sự khắc nghiệt từ thiên nhiên, thế nhưng trong tư tưởng của họ, thiên nhiên là yếu tố không thể tách dời. Nó ảnh hưởng tới phong cách nghệ thuật cùng với suy nghĩ rằng, không có sự hoàn hảo trong tạo hóa, nhưng sẽ có sự hoàn hảo trong nghệ thuật.

Chính vì vậy mà người Nhật đã mang nghệ thuật cắm hoa trở thành một loại hình đỉnh cao mà cốt lõi của nó chính là tình yêu thiên nhiên của họ. Họ nâng niu và hiểu rõ giá trị của thiên nhiên, càng về sau nó lại càng được coi trọng, đến nỗi gần như trở thành một tôn giáo.

Người Nhật luôn cảm thấy có một mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên xung quanh, Có lẽ vì vậy mà ngay trong cuộc sống hiện đại  phồn hoa đô thị, người Nhật vẫn dành riêng một khoảng không gian riêng cho thiên nhiên ở đó, những con đường bê tông trải dài luôn có những khóm hoa hay những nơi để đặt những bình hoa hoặc những giỏ hoa được treo lên. Bất kì nơi nào còn hở đất, thì người Nhật luôn tận dụng để trồng hoa, khiến cho chính cuộc sống của họ được cân bằng bởi con người và thiên nhiên không thể tách dời.

Trong nghệ thuật bài trí của ngôi nhà, người ta luôn chú trọng đến yếu tố khoảng không của không gian thiên nhiên thanh tịnh, trong lành, họ cho rằng đó là nơi lưu thông không khí cho cả gia đình, cuộc sống mới thật sự được coi là sự sống khi thiên nhiên bao trùm và khi mối liên kết giữa con người với thiên nhiên là bền chặt.

Trong phong cách cắm hoa của người Nhật, họ không chỉ sử dụng đơn giản là một bông hoa, họ coi trọng cách xếp đặt, bố cục từ đó sử dụng cả cánh, cuống, lá. Người Nhật coi trọng hình thể của lá và hoa, cắm hoa nhưng không giết chết nó, cho nó một cái hồn và sự tăng trưởng tự nhiên của hoa lá nơi thiên nhiên.

Một cái khéo của nghệ nhân cắm hoa Nhật bản là  ngay cả khi chỉ  có một loại hoa được sử dụng thì người cắm hoa cũng cố gắng để biến bình hoa đó thành một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên.

Cắm hoa chính là thể hiện sự tinh tế và nghệ thuật tạo hình hoàn hảo.

Nghệ thuật cắm hoa của người Nhật Bản, chính là tình yêu với thiên nhiên, tư tưởng thiên nhân hợp nhất là sự hòa đồng tuyệt hảo. (Ảnh: japanhoppers.com)

Trong nghệ thuật cắm hoa của người Nhật, họ coi trọng vật liệu cắm và cách thức trang trí hay ý nghĩa trên vật dụng cắm. Nguyên tắc là ít khi dùng loại lá hay loại hoa đã nở hết tầm cỡ, bởi vì các hoa lá được cắm vào lúc nở rộ nhất sẽ mau héo tàn, rủ xuống, diễn tả sự suy tàn hay chấm dứt. Các cành cây có lá lớn hay các bụi cây nhiều lá cũng không được dùng đến, mà nụ lá, nụ hoa được ưa thích hơn. Lý do của điều này là vì trong khi ở trạng thái nụ, vẻ đẹp của cành hoa không bị che khuất và trong khi dùng các nụ, người ngắm hoa có được niềm vui là ngắm nhìn chúng nở ra từ từ, chậm chạp, cành hoa nhiều nụ biểu tượng cho niềm hi vọng hay sức sống. Như vậy Nghệ Thuật Cắm Hoa phải mang theo ý nghĩa phát triển liên tục trong đời sống và phải diễn tả sinh lực của cuộc sống.

Người Nhật cắm hoa thường chú ý tới ý nghĩa và sắc thái cũng như hình thể của loài hoa đó. Nên việc cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, có ý nghĩa biểu tượng như:

Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.

Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.

Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.

Cách trang trí bình hoa phải theo trình tự hay quy ước như:

Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực.

Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.

Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.

Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.

Mỗi một kiểu cắm hoa đều mang tính cách tượng trưng, mô tả, để phù hợp với hoàn cảnh hay nghi lễ tương ứng, ví như các ngày quốc lễ, lại có một số cách cắm hoa được ấn định trước và vào các dịp lễ hội, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa thích hợp và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết búp bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa Đào, và hoa Diên Vĩ (iris) là thứ hoa của ngày Tết con trai (mồng 5 tháng 5).

Khám phá những phong cách cắm hoa mang những nét đặc sắc vô cùng lí thú.

Cắm hoa theo phong cách rikka. (Ảnh: Divashop.vn)

Trên nguyên lí thiên- địa- nhân hợp nhất, mà người ta phân chia ra 5 loại phong cách cách cắm hoa tiêu biểu:

Rikka: Đây là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và vẫn được phổ biến cho đến ngày nay. Rikka có nghĩa là cắm hoa thẳng đứng, yêu cầu của kiểu cắm hoa này là bình dùng để cắm hoa phải cao và to, hoa cắm trong bình ở tư thế thẳng. Rikka thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên. Một bình hoa Rikka luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên.

Thiết kế của kiểu Rikka là rộng lớn, thanh tú và nổi bật. Sự sắp xếp cơ bản của 3 cành tạo thành khung cho những cánh hoa. Những cành hoa này thường cân đối và to lớn về tỉ lệ. Một bình hoa Rikka trung bình có kích thước từ 3 đến 5 lần chiều cao hoặc chiều rộng của bình cắm. Một khi chiều dài của cành hoa chính đã được định, những cành hoa còn lại được cân đối theo tỉ lệ với cành chính đó. Một bình hoa Rikka cắm xong sẽ có dạng hình cầu với không gian rất lớn.

Shoka: Đây là phong cách cắm hoa thông dụng nhất trong nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản. Xét về hình thức thì kiểu cắm hoa Shoka khá đơn giản nhưng để lột tả hết ý nghĩa của nó thì không phải ai cũng làm được. Một bình hoa shoka đạt yêu cầu là sự hội tụ đủ 3 thành phần: Thiên-Địa-Nhân.

Khi cắm, chiều cao và độ dài của các cành hoa phải thể hiện rõ vị trí của 3 yếu tố trên. Người ta dùng chiều cao của bình hoa làm chuẩn, nhành hoa cao nhất trong bình đại diện cho Thiên, chiều cao của nó bằng 3 lần chiều cao của bình hoa. Nhành hoa thứ 2 đại diện cho Nhân, cao chỉ bằng 2/3 nhành hoa Thiên và cành Địa thấp nhất, chỉ bằng 1/3. Một bình hoa được cắm theo đúng phong cách Shoka phải đáp ứng các quy tắc cân bằng nêu trên.

Shoka là phong cách cắm hoa được đơn giản hóa từ phong cách cắm theo kiểu thẳng đứng Rikka để phù hợp với nhiều tầng lớp dân chúng. Shoka thể hiện vẻ đẹp giản dị của tự nhiên bằng việc sử dụng ít cành lá nhưng thể hiện sự vươn lên hướng về mặt trời. Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu Năm Mới.

Phong cách Shoka nhấn mạnh đến sức sống, nguồn năng lượng đang phát triển. Những bình hoa được cắm theo phong cách Shoka thường được người Nhật bày trí ở hốc tường Tokonoma, nơi trang nghiêm nhất trong căn phòng.

Bên cạnh bình hoa, tại Tokonoma còn có một bức tranh phong thủy hay một bức thư pháp. Cách trưng bày tối giản này thể hiện sự khéo léo và tinh tế cao độ. Theo quan niệm của người Nhật, vật trang trí không cần nhiều nhưng phải đảm bảo thứ tự sắp xếp hài hoà, đúng vị trí.

Moribara:  Là phong cách cắm hoa trên những cái đĩa bẹt, cây, lá, quả và cả nước để sáng tạo nên những hình ảnh độc đáo, vừa cổ điển vừa hiện đại. Là sự sáng tạo và kết hợp giữa phong cách cắm hoa truyền thống và phong cách phương Tây. Thường được dùng để trang trí trong những phòng theo phong cách phương Tây chứ không nhất thiết chỉ được đặt trong những hốc tường của những căn phòng xây theo phong cách Nhật Bản truyền thống.

Chabana: Một kiểu (cắm hoa) gần gũi với triết lý Thiền nhất, rất đơn giản và không gò bó. Đối lập sâu sắc với tính nghi thức của phong cách Rikka, Chabana xuất hiện như một phong cách tự do. Đây là một phong cách đơn giản chỉ với hoa và lọ. Toàn bộ ý tưởng là nhằm để nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của hoa. Gồm một hoặc hai bông hoa hoặc cành cây trong một bình hoặc một chậu nhỏ.

Phong cách Chabana sử dụng một bình hoa cao với rất ít vật liệu. Những loại hoa đơn giản, có màu sáng được coi là thích hợp. Phong cách này sử dụng những kỹ thuật tinh tế để tạo ra vẻ đẹp tự nhiên đơn giản mà nên thơ. Đặc điểm của phong cách Chabana là hoa không được cắm thẳng đứng mà được đặt vào lọ một cách rất tự nhiên. Vì vậy, lọ hoa phải cao, có miệng nhỏ, phong cách Chabana có thể sử dụng trong các phòng như một phần phụ thêm cần thiết không thể thiếu.

Jiyuka: Đây là một sự thể hiện theo phong cách riêng, phong cách tự do phù hợp với những thị hiếu và môi trường hiện đại. Phong cách tự do đôi khi được chia rộng ra thành phong cách theo chủ nghĩa tự nhiên và phong cách trừu tượng. Những vật liệu sử dụng trong phong cách này chủ yếu phù hợp với tự nhiên và môi trường xung quanh, chủ yếu sử dụng các chất liệu thảo mộc theo một cách mới nhưng vẫn tôn trọng vẻ đẹp và những đặc tính cơ bản của từng vật liệu. Những giỏ tre được sử dụng vào mùa xuân và mùa hạ với những bông hoa màu sáng thể hiện niềm vui, sự đâm chồi nảy lộc. Phong cách tự do thể hiện ý tưởng cá nhân, không quy tắc và giới hạn, phong cách này dùng để trang trí phòng ở, phòng làm việc và các bữa tiệc hay các lễ hội.

Theo trào lưu thế giới, ngày nay nghệ thuật cắm hoa Nhật bản đang được phổ biến trở thành một loại hình nghệ thuật với phong cách đa dạng và sở hữu một vẻ đẹp tinh tế, thuần khiết. Sự thanh cao tao nhã của loại hình này khiến người thưởng thức và cả người thực hiện đều đạt được một cảm xúc thăng hoa về tư tưởng.

Khi nghệ thuật mang theo giá trị tư tưởng, đạo lí và triết lí thì nó được nâng lên một tầng mới đó chính là hoa đạo.

Cắm hoa phong cách Jiyuka. (Ảnh: tourchaua.net)

Cũng giống như trà đạo, hay thư đạo thì hoa đạo là một loại hình nghệ thuật mà sự thăng hoa về tư tưởng đạo đức và giá trị triết lí ẩn sâu trong từng tác phẩm nghệ thuật. Nó đã mang đầy đủ những nét ‘‘Đạo’’ trong thưởng thức, cảnh giới tâm tính được đề cao, nhân sinh quan được mở rộng.

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản là một cách tu dưỡng tâm tính đạo đức con người, qua cách cắm mà người cảm nhận được thế giới nội tâm của người cắm hoa. Chính vì lẽ đó mà người ta luôn coi trọng việc cắm hoa giống như việc thiền định, không gian cắm hoa và tinh thần thư thái, trí tuệ mở rộng sẽ cho ra một tác phẩm hoàn toàn là bức tranh mô phỏng tâm tính của người thực hiện nó.

Nguyên lí Thiên-địa-nhân là nguyên tắc bất biến trong nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, nó là cốt lõi và là cách thể hiện sự hòa hợp của con người với thiên nhiên, con người sống giữa đất trời phải tuân theo nguyên lí của trời và đất. Đó chính là đạo lí, thuận thiên thuận địa, nhân trường khí vượng.

Cách cắm hoa Nhật Bản gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là thứ tượng trưng cho Trời – Đất – Người (Thiên, Địa, Nhân). Chính trong cấu trúc này mà cách cắm hoa được tạo nên.

Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời” (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta đã chọn cành hoa nào mạnh nhất làm công việc này. Tiếp theo cành chính là cành thứ (soe), đại diện cho con người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính.

Cành thứ ba (hikae) tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần lại được cột chặt vào một bộ phận giữ và lại phải diễn tả cho thấy sự xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.

Có thể thấy rằng, nghệ thuật là vươn tới cái đẹp hoàn mĩ, khi nó được nâng lên là đỉnh cao của nghệ thuật, thì chính là cái đẹp từ nội tâm của con người lại là một sự tinh tế thanh tao có giá trị thưởng thức vô cùng cao đẹp. (Ảnh: Divashop.vn)

Tịnh Tâm

Exit mobile version