Đại Kỷ Nguyên

Tiểu thuyết ‘Nước mắt của những vì sao’ (chương 18): Mụ già ăn mày và câu chuyện về thời mạt kiếp

ăn mày

Chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả tiểu thuyết “Nước mắt của những vì sao”, tiểu thuyết giả tưởng mang khuynh hướng thần thoại của tác giả Nam Minh, được đăng đều đặn vào thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần. Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.

Tiểu thuyết ‘Nước mắt của những vì sao’ (chương 17): Đây cảnh cũ, đâu người xưa?

Chương 18: Mụ già ăn mày và câu chuyện về thời mạt kiếp

Đàn ngựa của Võ Trung Đường khá đông, nhưng thời gian ở trên núi Thái Vân đã cho Thanh Trúc nhiều kinh nghiệm phong phú trong việc tiếp xúc với thú rừng, nên quản lý chúng không có gì khó. Chàng lúc này nằm trên một cành cây xà cừ nghìn năm, bắc chân chữ ngũ, vẻ ung dung tự tại. Chàng ngắm nhìn bầu trời trong xanh và nhớ về núi Thái Vân xưa.

“Sư phụ, bây giờ người nơi đâu?”, Thanh Trúc nhìn những áng mây trắng trôi trên bầu trời và tự hỏi lòng mình. Từ khi dời núi Thái Vân cho đến bây giờ cũng đã gần nửa năm, chàng vẫn chưa nguôi ngoai về sự dời đi đột ngột của sư phụ. “Tất cả là lỗi tại ta”, chàng thở dài lắc đầu, vẻ mặt có chút buồn bã.

(Ảnh: pinterest.com)

Trời dần ngả về chiều, trên đồng cỏ, lũ trẻ chơi trò đuổi bắt, tiếng cười nói ầm ĩ cả một vùng.

Trong ánh nắng chiều vàng úa, một mụ già ăn mày xuất hiện. Đó là một người ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, khuôn mặt vô số nếp nhăn, mái tóc thì bù xù và khô quắt lại. Trông mụ là giống như hiện thân của những số phận bất hạnh nhất trong cõi hồng trần tang thương này.

Mụ chống chiếc gậy khô héo già nua chẳng kém gì mụ, đầu gậy bóng nhẫy bởi mồ hôi của đôi bàn tay xương xẩu hàng ngày vẫn ghì lên. Một tay chống gậy, tay kia cầm chiếc bát bằng sắt, mụ mò mẫm bước đi, thỉnh thoảng mụ lại gõ chiếc gậy vào cái bát để thu hút sự chú ý của mọi người thay cho lời nói, có lẽ mụ không còn hơi sức đâu mà nói nữa.

Điều kỳ lạ là mụ già ăn mày vừa đi vừa cười vẻ thân thiện với những nấm mồ nằm sin sít bên nhau ở cuối đồng cỏ. Nơi đó bọn trẻ không bao giờ dám bén mảng tới gần, ngay cả đàn gia súc cũng không con nào lại đó gặm cỏ, mặc dù cỏ nơi đó tươi tốt hơn chỗ khác nhiều.

– Ở đây đông vui quá! Được như các vị thì còn gì hạnh phúc hơn! Nhưng cái thân mụ vẫn chưa hết nợ với cõi dương trần, chưa thể tìm một nơi khô ráo và mát mẻ để nằm nghỉ được.

Thậm chí đi đến một nấm mồ nằm cô độc, mụ cười và lấy chiếc gậy của mình đập nhẹ lên.

– Có điều gì muộn phiền mà cô bé khóc thút thít thế? Hoa đồng nội, đó là loài hoa ta thích nhất đấy!

Nụ cười để lộ cả hàm răng đen ngòm chỉ còn vài cái lung lay. Thông thường nụ cười đem đến niềm vui sống nhưng nụ cười của mụ chỉ gợi ra ấn tượng ma mị, chết chóc. Dáng vẻ cùng với những hành động kì quái khiến mụ chẳng khác nào những phù thủy xấu xí thường xuất hiện trong các câu chuyện bọn trẻ thường nghe kể.

– Bà ấy nói chuyện với nấm mồ đấy! Chỉ có phù thủy mới nói chuyện với nấm mồ thôi!

Bọn trẻ ngừng chơi, thì thầm nói chuyện với nhau, ánh mắt đứa nào cũng lộ vẻ lo lắng.

– Bà ấy đang đi về phía mình!

Một đứa trẻ kêu lên. Những đứa trẻ khác nhìn theo, lập tức rúm ró lại với nhau, thậm chí có đứa non gan còn bắt đầu khóc. Thấy vậy, mụ già ăn mày bỗng trở lên linh hoạt, lật đật đi tới, vẻ mặt cố tỏ ra thân thiện, nhưng có vẻ như hoàn toàn phản tác dụng.

– Nào! Lại đây! Lại đây già cho kẹo và kể cho nghe những câu chuyện cổ tích chưa từng được biết tới! Hôm nay già đặc biệt ưu ái các cháu đấy!

Mụ già run rẩy lôi từ trong túi áo của mình ra mấy chiếc kẹo đã chảy nước và đưa cho đứa trẻ gần nhất. Sau một lúc lưỡng lự, nó chìa tay ra cầm lấy và thận trọng cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Sau khi quan sát thấy không có chuyện gì xảy ra, những đứa trẻ khác trở nên mạnh bạo hơn, cũng chìa tay ra nhận kẹo. Chẳng mấy chốc không gian đã vang lên những tiếng tóp tép nhai kẹp. Mụ già ăn mày tỏ vẻ hài lòng ngồi xuống thảm cỏ, đặt chiếc bát đã hoen rỉ xuống trước mặt và vẫy tay:

– Nào! Các cháu yêu quý! Hãy ngồi xuống đây, ta sẽ kể cho những câu chuyện mà trên đời này ngoài ta ra không ai biết được.

Một đứa trẻ vừa nhai kẹo vừa hỏi với vẻ ngô ngê:

– Bà ơi, bà kể chuyện về quả bí hay quả dưa?

Mụ già chợt dừng lại và giương đôi mắt mờ đục lên với ngơ ngác rồi đưa bàn tay khô héo của mình dò dẫm khuôn mặt thằng bé như để cảm nhận một điều gì đó.

– Đoản mệnh… Thật tội nghiệp!

Mụ rì rầm trong miệng rồi đột ngột chuyển giọng:

– Không phải chuyện quả bí hay quả dưa, mà là một câu chuyện đang sống dậy trong thế giới của người chết!

Lời giới thiệu của mụ già khiến bọn trẻ tò mò, bọn chúng im lặng chờ đợi, không gian nghe rõ tiếng gió vi vu từ rừng thông gần đó vọng lại. Mụ già ăn mày giương to đôi mắt mờ đục nhìn ra mênh mang, khuôn mặt không tuổi của mụ trở nên thẫn thờ rồi nói với giọng run rẩy, vẻ điêu linh lạ kì:

– “Từ xa xưa, rất xưa, vũ trụ đã phân thành hai thế giới đối lập nhau: ánh sáng và bóng tối. Thế giới ánh sáng là thiên đường ngập nắng vàng, nơi các vị thần tiên sống trong hạnh phúc và ước mơ. Còn thế giới của bóng tối chính là địa ngục, nơi ma quỷ và những bóng ma tội lỗi rào rú những thanh âm giá lạnh, chết chóc.

Sự giao thoa của ánh sáng và bóng tối đã sinh ra thế giới thứ ba: trần gian, nơi ánh sáng và bóng tối đan xen, thiên đường và địa ngục hoà lẫn. Nơi đây là chiến trường của ánh sáng và bóng tối, thiên thần và ác quỷ giao tranh, nước mắt chảy thành sông, máu chảy thành suối, là nơi sinh ra sự sống và cái chết, ý nghĩa và sự hư vô,…

Ngự trị trần gian là một giống loài có cả đặc tính của thiên thần lẫn ma quỷ: con người – với trái tim được sinh ra bởi ánh sáng và bóng tối. Một con người khi chết đi sẽ hóa thân thành linh hồn nếu trái tim được chiếu sáng bởi điều thiện, nhưng sẽ biến thành âm hồn tội lỗi nếu trái tim chất chứa những điều xấu xa. Trong tất cả những điều xấu xa trên đời này, chiến tranh là tập hợp của những điều xấu xa nhất. Bởi nó là cái lò khổng lồ sinh ra chết chóc, đớn đau, hận thù và vô số những âm hồn ma quỷ.

Khi con người tàn sát lẫn nhau, những người chết trong hận thù sẽ trở thành âm hồn tội lỗi, vất vưởng tại những nơi âm u, tăm tối trên cõi trần. Dưới sự bảo vệ của bóng đêm, những âm hồn này sẽ được các âm binh đưa về địa ngục hấp thụ âm khí để trở thành ma quỷ. Vì thế, càng nhiều hận thù, sức mạnh của ma quỷ càng không ngừng tăng lên, cho đến một ngày, sẽ đủ sức phá vỡ trận pháp Ánh Sáng của thần Mặt Trời tại cánh cửa Sự Sống và Cái Chết để tràn lên cõi trần, gieo rắc bóng tối ra khắp nơi. Khi đó, mặt đất không còn màu xanh của cỏ cây hoa lá, bầu trời không còn tiếng chim ca. Những tia nắng ấm áp của vầng thái dương và những tia sáng dịu hiền của vầng trăng sẽ biến mất, các dòng sông trở lên giá lạnh và tối tăm, những linh hồn sẽ bị tiêu diệt và cõi trần trở thành thành địa ngục.

Đó là ngày mạt kiếp của loài người và ngày đó đang tới gần… ”

Nghe những điều mụ già ăn mày kể, khuôn mặt những đứa trẻ đều ánh lên vẻ sợ hãi. Không gian trở lên tĩnh lặng đến ớn lạnh, có thể nghe thấy tiếng gió vi vu phát ra từ rừng thông ở gần đó như tiếng gào thét của những âm hồn. Mụ ăn mày dường như nhận thấy sự sợ hãi của lũ trẻ, liền trấn an:

– Các cháu đừng sợ! Những người yên nghỉ ở đây đều là những người tốt cả. Hàng ngày họ vẫn ngồi xem các cháu nô đùa, còn nâng đỡ cho các cháu khi bị ngã nữa kia! Các cháu ngã mà không thấy đau chút nào đúng không? Chính họ đấy! Họ đỡ các cháu đấy!

Rồi mụ đưa tay ra dò dẫm lấy chiếc bát đồng trước mặt.

– Chà! Nói nhiều tốn nước bọt quá! Có cháu nào mang nước thì cho già xin ngụm, già khát quá rồi!

Một đứa bé mở nắp chiếc hồ lô của mình ra và đổ đầy vào bát. Mụ già ăn mày đưa bát lên miệng, nhấm nháp từng ngụm nhỏ, chẳng khác nào người ta uống rượu.

– Nước mưa phải không? Nước mắt của các vị thần thì luôn ngọt, chẳng như mấy con suối mà già đã gặp, cứ như chúng chảy từ âm phủ về vậy!

Mụ già ăn mày chợt yên lặng, lắng nghe điều gì đó có vẻ như từ nơi nào rất xa xôi vọng lại. Sau giây lát bần thần, mụ nói với một ai đó:

– Sao các vị không để ta nói tiếp? Chẳng lẽ cứ để câu chuyện này chết trong người sống hay sao? Sao, lời nguyền ư? Cái chết chẳng thể nào khiến ta sợ hãi, ta sống mà như đã chết từ lâu rồi!

Một vài đứa trẻ nhìn quanh quất và không thấy ai cả. Bọn chúng quay ra hỏi nhau nhưng tất cả đều lắc đầu.

Sau một phút trầm tư, mụ già ăn mày dò dẫm ghì chặt lấy đầu gậy của mình và đứng dậy, thì thầm với cây gậy thân yêu của mình:

– Người bạn thân thiết của ta, kẻ đã không bỏ rơi ta như những đứa con ta mang nặng đẻ đau, hãy dìu ta bước đi nào!

Sau đó mụ bước đi và cất lên bài ca của những người ăn mày:

Thân ta như con ba ba
Kiếm ăn trong tuổi già
Đầu tóc trắng sương pha…

Lúc này mặt trời đang ngả xuống những ngọn núi xa mờ, ánh sáng của nó nhuộm đỏ rực một góc trời, những đám mây cũng bị nhuộm một màu thắm đỏ loang lổ. Mụ già lật đật bước đi thì chợt thấy trong ánh nắng tà một bóng người đổ về phía mình, mụ ngước lên nhìn và bỗng rùng mình, mặt hiện lên những nét kinh hoàng. Mụ vội quay lại, lập cập chạy xuyên qua những ngôi mộ và biến mất vào trong rừng thông.

Thanh Trúc băn khoăn nhìn theo hình bóng mụ già ăn mày, không hiểu chuyện gì khiến người đó sợ hãi đến như vậy.

(Ảnh: vantho.net)

Lũ trẻ chăn trâu lần lượt đánh đàn gia súc của mình về. Với Thanh Trúc bọn chúng vẫn giữ khoảng cách nhất định. Dù Thanh Trúc chỉ là ngoại môn đệ tử Võ Trung Đường, nhưng khi ra ngoài sơn môn thì vẫn khiến không ít người sợ hãi.

Thanh Trúc cũng đánh đàn ngựa của mình về. Chàng cưỡi trên con ngựa đầu đàn, bộ dáng thong dong tự tại. Không ít đứa trẻ nhìn theo bóng dáng chàng, ánh mắt chứa đựng một tia hâm mộ.

Khi đến gần cổng võ môn, đôi mắt chàng ánh lên một tia dị sắc khi phát hiện ra cách đó không xa có người đang theo dõi mình. Với một người bình thường thì hoàn toàn không thể phát hiện ra nhưng qua nhiều năm tu luyện, giác quan của chàng đã cực nhạy, cơ hồ gấp nhiều lần so với người thường. Dù không biết đối phương có dụng ý gì với mình nhưng chàng vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra.

Ở một nơi bí mật, một thiếu nữ ánh lên đôi mắt tinh nghịch nhìn Thanh Trúc một hồi rồi vận dụng pháp lực, nhoáng một cái người đã bay vút lên cao phiêu dật như tiên nữ, nàng bàn tay xòe ra, một dải lụa hồng nhanh như chớp phóng vút đến chỗ Thanh Trúc.

Dù hết thảy hành động của thiếu nữ này đều không thoát khỏi tầm mắt của Thanh Trúc, nhưng chàng không đón đỡ đòn. Qua quan sát chàng không nhận thấy sát khí trong hành động của nàng nên chàng đoán nàng ta thử pháp lực hiện tại của chàng mà thôi. Hiện tại Thanh Trúc vẫn không muốn bất kỳ ai biết đến thực lực chân chính của mình nên đành chấp nhận.

Dải lụa hồng thoắt cái đã cuộn quanh người Thanh Trúc. Thiếu nữ ánh mắt lóe lên tia hào hứng, tay giật mạnh cuốn “gã chăn ngựa” lên cao rồi xoay người tung một chưởng.

– A!!!

Thanh Trúc kêu lên, ôm bụng, vờ tỏ ra đau đớn. Vẻ mặt hào hứng của thiếu nữ nhanh chóng biến mất khi nhận thấy gã thanh niên trước mặt đến một tia chống đỡ cũng không xuất ra nổi, nàng phất dải lụa hồng hất hắn xuống đất với vẻ chán nản.

– Hừm, tưởng đại ca của Tử Linh thực lực không dưới nàng, ai ngờ chỉ là gã chăn ngựa vô dụng!

Nói đoạn, nàng phất tay thu lại dải lụa hồng rồi như hóa thành một đạo hồng quang chớp mắt đã biến mất không tung tích. “Khinh công của nàng ta thực cũng không tầm thường”, Thanh Trúc đứng dậy, phủi sạch bụi trên quần áo rồi lại đánh ngựa về, vẻ mặt vẫn bình thản như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Nam Minh

Exit mobile version