Đại Kỷ Nguyên

‘Tiết phụ ngâm’ của Trương Tịch, tuyệt tác thơ Đường lưu truyền hậu thế

Tiết phụ ngâm, thơ Đường

Trương Tịch (766 – 830), tự Văn Xương; thế nhân gọi ông là Trương Tư Nghiệp hay Trương Thủy Bộ. Thơ ca của ông thường phản ánh xã hội thực tế đương thời. “Tiết phụ ngâm” là một bài thơ Đường ẩn dụ đặc sắc, nói về lòng trung thành của ông với hoàng đế đương triều.

Trương Tịch đảm nhiệm chức Thái Thường Tự Thái Chúc trong thời vua Đường Đức Tông. Vì mắc bệnh về mắt nên ông hay gọi mình là “Trương Thái Chúc nghèo mù“. Sau đó ông chuyển qua đảm nhiệm dạy học cho các con cái của quan lại trong cung, thời kỳ này mắt ông đã đỡ hơn phần nào.

Tiết phụ ngâm

Đây là một tinh phẩm thơ Đường của Trương Tịch, có hai tầng ý nghĩa nội hàm. Ở tầng diện chữ viết bề mặt, bài thơ miêu tả về một người phụ nữ trung thành với chồng mình, trải qua sự cân nhắc lý tính và đưa ra quyết định cự tuyệt một nam tử đa tình đang theo đuổi. Còn trên tầng diện ý nghĩa ẩn dụ thâm sâu, nó thể hiện lòng trung thành của tác giả với triều đình, không bị các đại thần lôi kéo, mua chuộc.

Chân dung Trương Tịch (Nguồn ảnh: sohu)

“Tiết phụ ngâm” – Trương Tịch:

Quân tri thiếp hữu phu, tặng thiếp song minh châu.
Cảm quân triền miên ý, hệ tại hồng la nhu.

Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi, lương nhân chấp kích Minh Quang lý.
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt, sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử.

Hoàn quân minh châu song lệ thùy, hận bất tương phùng vị giá thì!

Ý nghĩa của một số từ Hán – Việt trong bài

Tiết phụ: người phụ nữ đã có chồng, có thể thủ tiết, đặc biệt rất trung thành với chồng mình.
Ngâm: tên gọi của một thể thơ.
Thiếp: người phụ nữ cổ tự xưng.
Triền miên: tình ý thâm sâu.
La: một loại quần áo tơ lụa, chất mỏng, cảm giác khi mặc rất thoải mái và mát mẻ.
Nhu: chỉ áo ngắn

(Ảnh: details.todaycity)

Uyển: chỉ phong cảnh lâm viên săn thú hay du ngoạn của đế vương và quý tộc.
Phu quân: chồng.
Kích: một binh khí cổ đại.
Minh Quang: Minh Quang điện, chỉ hoàng cung

Dich nghĩa toàn bài thơ

Chàng biết em đã có chồng, còn muốn tặng em đôi hạt minh châu.
Cảm động trước tình ý nồng đậm đeo đuổi của chàng, em buộc hạt minh châu vào áo đỏ

Nhà em có lầu cao bên vườn hoa hoàng gia, chồng em cầm kích túc trực trong hoàng cung.
Mặc dù biết người thật lòng như trăng sáng không bị che bởi mây, nhưng em đã thề chung hoạn nạn sinh tử với chồng.

Trả lại chàng đôi minh châu sáng, hai hàng nước mắt lăn dài, chỉ hận không thể gặp nhau khi em chưa xuất giá.

Đôi chút bình luận

Theo một bản dịch khác, tựa đề ở dưới có ghi “Gửi Đông Bình Lý Tư Không Sư Đạo“. Nguồn gốc là, khi đó đất nước đang có giao tranh giữa hai phe, được gọi là cuộc chia cắt Phiên Trấn, Lý Sư Đạo lúc ấy là Tiết độ sứ, đem binh đối kháng triều đình, thuộc về phe nghịch đảng. Tiết độ sứ này có địa vị rất lớn, nắm giữ binh lính trong tay, khi ấy dùng các thủ đoạn lôi kéo, câu kết với quan lại để khuếch trương thế lực.

Thế lực của Lý Sư Đạo lúc ấy rất mạnh, vì thế mà Trương Tịch trước tiên bắt buộc phải nhận lễ, rồi sau đó mới tìm cách khôn khéo để khước từ. Bài thơ này được Trương Tịch viết nhằm thể hiện sự cự tuyệt lời mời theo phe của Lý Sư Đạo; chẳng qua là ông đã dùng thủ pháp ẩn dụ, lối nói tương đối, mượn thân phận người phụ nữ có chồng để thể hiện ý tứ đó một cách uyển chuyển, mềm mại.

(Nguồn ảnh: xuehua)

Việc sử dụng lối nói về mối quan hệ vợ-chồng để ẩn dụ cho quan hệ vua-tôi là một cách dùng truyền thống trong cổ thi Trung Hoa. Trong tình huống của bài thơ này chúng ta có thể nói rõ hơn một chút về nội hàm sơ lược của nó như sau: “Ngươi biết rõ ta là quan viên thân cận của Hoàng thượng trong triều đình, mà vẫn còn lấy danh lợi phú quý dẫn dụ ta. Ta cảm kích thâm tình hậu ý của ngươi đối với ta, đem ý tốt ấy cất trong lòng. Ta lại ở trong kinh thành nơi rất gần Hoàng thượng, ngài ở trong cung ngồi trên địa vị tối cao. Ta biết ngươi đối với ta là thực lòng, nhưng ta dốc sức vì triều đình, vẫn phải trung thành với Hoàng thượng. Ta bây giờ cự tuyệt thỉnh cầu này, trong lòng rất thương cảm, chỉ hận không thể gặp người trước khi ta được Hoàng thượng bổ nhiệm làm quan!“.

Song minh châu” trong bài thơ ám chỉ lễ vật mà Lý Sư Đạo dùng để lôi kéo, dẫn dụ Trương Tịch đi theo hắn. Ngọc minh châu tượng trưng cho thanh danh, vinh hoa phú quý mà người thường dù cầu cũng không thể có được. Tác giả bài thơ cũng rất thận trọng cân nhắc cách cự tuyệt đối phương, nói được lên rằng sự giàu có cũng không thể làm ông động lòng.

Bài thơ này cũng mang tình, lý rất chân thành, miêu tả tỉ mỉ cảm xúc trong lòng người viết; toàn bài chuyển khúc nhịp nhàng mà rung động lòng người. Ngoài nội hàm thản nhiên không màng danh lợi của một bậc quân tử, vẻ đẹp nghệ thuật của bài thơ cũng là một lý do quan trọng để làm cho nó trở thành một danh tác lưu truyền cho hậu thế.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version