Đại Kỷ Nguyên

Tiến trình phát triển của hội họa truyền thống Trung Hoa (P.2)

Hội họa trung hoa truyền thống

Hội họa cổ điển của Trung Hoa chính là tinh hoa của thần linh trao truyền cho con người, với những bức vẽ thuần chính làm người xem phải thán phục. Cùng với hình tượng kỳ mỹ, hình ảnh và bút pháp xinh đẹp, màu sắc điều phối hài hòa, hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc: lòng từ bi của Phật pháp và thiện ác của con người, từ đó có được sự giác ngộ trí tuệ và thanh lọc tâm hồn.

(Tiếp theo Phần 1)

Ngũ Đại và triều Tống – họa viện cung đình khởi sắc

Hội họa của Ngũ Đại và triều Tống là những bức vẽ nhiều màu sắc, vô cùng rực rỡ, kế thừa truyền thống, kế thừa nền hội họa phong phú của triều đại nhà Đường, hết sức sáng tạo và có một bước tiến lớn. Đặc biệt sự phát triển hưng thịnh đã làm cho hội họa thời Tống đã trở thành thời kỳ hoàng kim trong lịch sử hội họa Trung Quốc.

Hội họa Ngũ Đại đóng một vai trò quan trọng trong quá khứ và tương lai. Từ thời nhà Đường đến triều đại Bắc Tống, tranh hoa điểu, tranh phong cảnh, tranh nhân vật dần dần trở thành chủ đề hội họa độc lập. Trong các bức họa hoa điểu, có hai phong cách chính: đó là màu sắc rực rỡ được đại diện bởi Hoàng Thuyên và tranh thủy mặc đạm nhạt đại diện bởi Từ Hi. Người đời bình hai ông là “Hoàng gia phú quý, Từ Hi dã dật“.

Trong chủ đề nhân vật, có thể nói bức “Trọng Bình hội kỳ đồ” của Chu Văn Cự và “Hàn Hy tái dạ yến đồ” của Cố Hoành Trung là điển phạm. Ở 2 tác phẩm này, miêu tả các nhân vật không phải theo một cách qua loa, mà đặt trọng tâm vào việc biểu hiện thế giới nội tâm của nhân vật; qua đó thể hiện sự sâu sắc của tư tưởng con người.

Đối với các bức tranh phong cảnh, có các họa gia Kinh Hạo và Quan Đồng, với thủ pháp nhấn mạnh đến sự tự nhiên. Thông qua phương pháp “Xa lấy thế, gần lấy chất” mà khai sáng một đại khí bàng bạc của một không gian bao la rộng lớn, có non có nước. Thành tựu của họ có tác động lớn đến sự phát triển của những bức tranh phong cảnh sau này.

“Hàn hi tái dạ yến đồ” – Cổ Hoành Trung – Ngũ Đại (Ảnh: chinashj)
“Thanh minh thượng hà đồ” – Trương Trạch Đoan, nhà Tống (Ảnh: wikipedia)

Hai triều đại nhà Tống (Nam Tống, Bắc Tống) là thời hoàng kim trong lịch sử hội họa Trung Hoa. Các bức tranh trong họa viện và các bức tranh được vẽ bởi văn nhân nhã sĩ đa phần đều để phục vụ cho triều đình, được phát triển vô cùng mạnh mẽ. Về mặt chủ đề, tranh phong cảnh và tranh hoa điểu chiếm ưu thế hơn. Các bức tranh trong họa viện cung đình phải luôn chú ý đến thủ pháp nghiêm ngặt, nhấn mạnh hình dạng. Các bức tranh của văn nhân nhã sĩ thì nặng về viết ý, truyền thần.

Vì các họa gia cung đình đến từ tứ phương, trong họ vẫn giữ những nét vẽ riêng của vùng đất nơi họ sinh sống, trong hội họa biểu hiện được phong khí của cung đình nhưng vẫn tạo nên những đặc trưng nổi bật. của Hội họa Tống đại; xuất hiện rất nhiều những điển phạm như: “Triêu nguyên tiên trượng đồ”, “Tiễn đường quan triều đồ”, “Thủy mặc tỳ ba tiểu điểu”, “Ngũ mã đồ”, “Duy ma cật đồ”, “Thanh minh thượng hà đồ“, “Bát mặc tiên nhân”, “Tiêu tương đồ”, “Thu sơn vấn đạo đồ”, “Hạ sơn đồ”, “Giang sơn thu sắc đồ”, “Trường giang vạn lý đồ”, “Giang sơn thu sắc đồ“, “Quả thục lai cầm đồ”, “Hà hoa”, “Hàn cầm đồ” v.v.

Các họa gia nổi tiếng có rất nhiều, bao gồm Quách Hy, Lý Thành, Phạm Khoan, Đổng Nguyên, Cự Nhiên, Dịch Nguyên Cát, Trương Trạch Đoan, Vũ Tông Nguyên, Văn Đồng, Tô Thức, Lý Công Lân, Lý Đường, Lưu Tùng Niên, Mã Viễn, Hạ Khuê, Lương Giai, Triệu Bá Câu v.v.

“Giang sơn thu sắc đồ ” – Triệu Bá Câu, Nam Tống (Ảnh: epochtimes)
“Bát mặc tiên nhân” – Lương Giai (Ảnh: pic.5tu)

Sự thịnh vượng của nghệ thuật hội họa đã hâm nóng mỹ học hội họa. Có hơn 20 tác phẩm quan trọng trong thời kỳ này. Bởi vì chủ đề chính của hội họa lúc đó là phong cảnh, hoa điểu, vì thế nên chúng trở thành đề tài thảo luận chính trong mỹ học hội họa.

Chẳng hạn như những cuốn sách “Thánh triêu danh họa bình”, “Đồ họa kiến văn chí”, “Lâm tuyền cao trí”, “Sơn thủy thuần toàn tập”, “Họa mai pháp”, “Mộng khê bút đàm” v.v. Những lý thuyết này liên quan đến vấn đề vẽ hình truyền thần, phương pháp hiểu thế giới thực của họa gia, vai trò của họa gia trong việc tạo ra các bức tranh, các kỹ xảo biểu hiện, vấn đề cổ nhân đối đãi với di sản của người xưa và vai trò xã hội của nghệ thuật hội họa. Nhiều hiểu biết cụ thể và sâu sắc đã được đưa ra và nó vẫn còn có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn.

“Đạp ca đồ” – Mã Viễn, Nam Tống (Ảnh: easychinese.weebly)

Hội họa của văn nhân trong triều Nguyên, triều Minh và triều Thanh

Trong các triều đại Nguyên, Minh và Thanh, cùng với sự tuột dốc đạo đức của con người, xu hướng chung của nghệ thuật hội họa cũng theo đó mà xuống dốc. Nhưng trong giai đoạn này cũng có hai thời kỳ có tác động tích cực đến giới hội họa phương Đông, đó là sự trỗi dậy của tranh văn nhân (trí thức, người có học biết thơ văn) với những cái tên như Bát ĐạiThạch Đào.

“Phú xuân sơn cư đồ” – Hoàng Công Vong, nhà Nguyên (Ảnh: nicecasio.pixnet)

Có sự gia tăng tranh theo chủ đề văn nhân nhà Nguyên khi xảy ra cuộc xâm lược Trung Nguyên của quân Mông Cổ. Một số họa gia thời Nguyên đã mượn hội họa gửi hận thù, buồn sầu. Vì thế mà các bức họa nặng về trữ tình, nhẹ về tả thực, nặng về bút mực gợi tâm tư, mà nhẹ về kỹ năng biểu hiện. Sau đó nổi lên phong trào hội họa theo cảm xúc, phóng khoáng theo nét mực, ít đi vào chi tiết và nắn nót.

Trong phong cách mới này, tranh phong cảnh là chủ đề được tìm thấy nhiều nhất, thích hợp với việc phát huy bút mực. Những hình ảnh như lan, trúc, cúc, tùng thường xuyên được biểu hiện để mang cảm xúc mà tác giả muốn nhắn nhủ, cũng như làm hình ảnh ẩn dụ cho đối tượng nhất định. Hội họa cũng theo đó mà được văn học hóa, lời đề tự cho bức tranh cùng với ấn tín trở thành một bộ phận không thể thiếu trong tác phẩm.

“Dung tất trai đồ” – Nghê Toản, nhà Nguyên (Ảnh: Pinterest)

Thời nhà Nguyên, những họa gia vẽ tranh phong cảnh đa phần đều ẩn cư trên núi, trong rừng sâu, ngồi thiền tu đạo, hàm chứa cảm ngộ “xuất thế gian“. Tác phẩm lúc này mặc dù có núi non chân thực, nhưng bất luận là xuân hạ thu đông, núi non trùng điệp hay bãi bồi nước chảy róc rách, thì luôn mang theo cảm giác đìu hiu, thanh đạm hoặc hoang vắng.

Trong hiệu ứng nghệ thuật của bút mực phản ánh đầy đủ thái độ của họa sĩ trí thức đối với đời sống xã hội, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất thiên nhiên và sự nhạy cảm với nghệ thuật. Sự trỗi dậy của tranh văn nhân đã phá vỡ cục diện mang tính hệ thống trong họa viện cung đình nhà Tống, thúc đẩy hội họa chuyển biến, tạo luồng gió mới. Trong số những họa gia tiêu biểu có Hoàng Công Vọng, Vương Mông, Nghê Toản và Ngô Trấn.

“Sơn thủy” – Chu Đạp, nhà Thanh (Ảnh: epochtimes)

Bát Đại và Thạch Đào là hai họa gia thuộc triều đại nhà Thanh. Do nguồn gốc của họ xuất phát từ hoàng tộc nhà Minh, nên gia thế rất bi thảm, nội tâm chứa đầy những mâu thuẫn phức tạp cùng những nỗi đau ẩn giấu, cuối cùng đã đều xuất gia, quy y cửa Phật. Các bức tranh của họ bao gồm tất cả các loại suy nghĩ, hình dạng kỳ lạ, nét vẽ phóng túng, không có quy tắc và thường theo đuổi điều mới lạ. Có chút cảm giác rằng phong cách hội họa của họ so với các bậc tiền bối đã bắt đầu bị biến dị.

Tranh của Thạch Đào (Ảnh: art.ifeng)

Hội họa cổ điển của Trung Hoa chính là tinh hoa của thần linh trao truyền cho con người, với những bức vẽ thuần chính làm người xem phải thán phục. Cùng với hình tượng kỳ mỹ, hình ảnh và bút pháp xinh đẹp, màu sắc điều phối hài hòa, hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc mới tạo nên được khí chất thần vận. Lên án mọi tội lỗi, ca ngợi những ý nghĩa tốt đẹp và tươi sáng đóng một vai trò vô song trong việc duy trì đạo đức xã hội. Từ những bức tranh Trung Hoa cổ đại, chúng ta có thể nhận thấy thế giới rộng lớn rực rỡ và vô tận, đánh giá cao lòng từ bi của Phật pháp và thiện ác của con người, từ đó có được sự giác ngộ trí tuệ và thanh lọc tâm hồn.

Tính cá nhân trong hội họa cổ điển Trung Hoa khá mạnh mẽ và nổi bật. Trong suốt các thời đại, các họa gia xuất sắc và mọi tác phẩm nghệ thuật xuất sắc chưa bao giờ bị giới hạn trong một biểu hiện cụ thể. Chúng như đang cố gắng khám phá mối liên hệ sâu sắc giữa con người và thần Phật, những ý nghĩa thực sự của cuộc sống để cảm ngộ, cũng thông qua ngụ ý, tượng trưng để diễn tả suy nghĩ, tâm lý. Do đó, sự rực rỡ của nghệ thuật phương Đông không chỉ từ kỹ năng nghệ thuật hay mô tả vẻ đẹp, mà còn từ thể nghiệm thâm sâu trong cuộc sống và cảnh giới tu dưỡng cao thượng của người nghệ sĩ.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay:

Xem thêm:

Exit mobile version