Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức tinh tế Bản giao hưởng số 1 của Beethoven: Thổi bùng lên ngọn lửa đam mê!

Symphony No. 1 in C major, Op. 21 là bản giao hưởng đầu tiên của Beethoven, được viết trên giọng Đô trưởng và dành riêng cho Nam tước Gottfried van Swieten – đại sứ nước Áo ở Berlin, một người bảo trợ ban đầu của nhà soạn nhạc.

Tác phẩm được xuất bản năm 1801 bởi Hoffmeister & Kühnel ở Leipzig. Không biết chính xác khi nào Beethoven viết xong tác phẩm này, nhưng bản phác thảo cuối cùng được tìm thấy là từ năm 1795.

Nam tước Gottfried van Swieten (1733-1803)

Bản thân ngôn từ Symphony giao hưởng cũng đã nói lên phần nào tầm vóc hoành tráng và lộng lẫy của một dàn nhạc, với ít nhất cũng phải trên 25 nhạc công, trung bình thì 50, và cũng có thể lên tới hơn 100 người.

Tác phẩm Symphony No. 1 in C major, Op. 21 gồm 4 chương:
Chương 1: Adagio molto – Allegro con brio
Chương 2: Andante cantabile con moto
Chương 3: Menuetto: Allegro molto e vivace
Chương 4: Adagio – Allegro molto e vivace

Clip là trọn vẹn tác phẩm được trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng Berliner Philharmoniker, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Herbert von Karajan.

Thổi bùng lên ngọn lửa đam mê

Chương 1 mở đầu với những hòa âm giai điệu chủ đề tương phản mạnh mẽ trên nhịp chậm Adagio, tạo nên một cảm giác thánh thót tan hòa tình yêu trong lòng thính giả, sau đó là sự bùng nổ những biến tấu trên nhịp nhanh Allegro với một phong cách hào hùng khoáng đạt điển hình của Beethoven. Dĩ nhiên những tinh hoa của 2 bậc thầy tiền bối của ông là MozartHaydn không hề mất đi, đó là chất liệu tinh thần trong sáng bất tận và trang nhã thánh thiện.

Chương 2 đã chuyển sang giọng Fa trưởng với nhịp Andante thong thả thăng trầm chiếm trọn chương, tạo nên một trạng thái hòa nhã, thư thái, với những nét trầm hùng mang tính tiềm ẩn được bộc lộ qua phần phụ họa rất nhẹ nhàng của trống giao hưởng. Và Beethoven đã sáng tác nên một chương nhạc với bố cục rất cân đối cho tất cả mọi nhạc cụ của dàn nhạc mà thính giả có thể thấy không nhạc cụ nào mang tính nổi bật trong chương, hoàn toàn thư giãn.

Bản thân ngôn từ Symphony giao hưởng cũng đã nói lên phần nào tầm vóc hoành tráng và lộng lẫy của một dàn nhạc… (ảnh: 500px.com).

Chương 3 mang sắc thái khá tương phản với sự thư thái của chương 2 bằng sự nở rộ lộng lẫy trang hoàng trên nhịp nhanh của cả một dàn nhạc, vì những đặc điểm ấy, chương nhạc này sẽ gợi nhắc thính giả rất nhiều cảm tưởng về phong cách giao hưởng của Haydn.

Beethoven đã thiết kế những câu nhạc chủ đề của chương 4 trên nhịp chậm Adagio, sau đó thổi bùng lên những biến tấu trên nhịp nhanh Allegro tiến dần tới Vivace. Điều này đã tạo nên tính hấp dẫn cho toàn bộ chương. Và nếu điểm lại tính chất phát triển nhịp của toàn bộ tác phẩm thì thính giả có thể thấy đây là một tác phẩm được sáng tác trên tinh thần hết sức sôi động tích cực, trong đó chương 4 là chương cuối chứa đựng mọi tinh hoa của tác phẩm.

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont... và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Shen Yun 2020 Official Trailer:

Exit mobile version