Thính giả khắp nơi không ai lạ gì ca khúc “Hello” do ca sĩ người Mỹ Lionel Richie sáng tác và thể hiện. Thế hệ trẻ cùng thời rất thích bài hát này, ngay cả khi nhiều người còn chưa bao giờ được nhìn thấy mặt ca sĩ Lionel Richie.
Ngay khúc nhạc dạo đầu của bài hát đã cực kỳ cuốn hút; nó là lạ, da diết, gọi mời, và như một phần không thể thiếu của ca khúc. Lời tiếng Anh của bài hát không quá khó, mà cũng không quá dễ; trong phong trào của lớp trẻ đua nhau đi học tiếng Anh thời đó, thì cũng có chút gì đó thách thức về mặt Anh ngữ để khám phá trong lời bài hát này. Ngày đó chưa có Karaoke hay Internet nên bọn học sinh sinh viên chỉ nghe băng từ để chép lại lời của bài hát. Quan trọng nhất đối với bọn hát theo, hát nhại là bài hát này không có những nốt lên quá cao hay xuống quá thấp. Vậy nên ai cũng có thể nghêu ngao mà không bị đứt hơi giữa chừng. Bài hát bắt đầu với một lời tự sự không thể rõ ràng hơn:
I’ve been alone with you inside my mind
(Trong tâm tưởng anh vẫn cô đơn một mình)
Đây là lời tâm sự của một tình yêu cô đơn, yêu trong tưởng tượng, nhưng rất cháy bỏng, phù hợp với tâm trạng của nhiều thanh niên thời ấy. Anh chàng khờ khạo đã chọn cách tỏ tình bằng việc kể lại giấc mơ của mình
And in my dream I’ve kissed your lips a thousands time
(Và trong giấc mơ anh đã trao em ngàn nụ hôn)
Người yêu của anh chàng này cũng là người thực, chí có điều anh ta vẫn còn đang yêu trong tưởng tượng, cô gái kia thi thoảng mới đi qua và có lẽ không biết đến tình yêu bỏng cháy của anh:
Sometime I see you passed outside my door
(Đôi khi anh nhìn thấy em đi qua ô cửa)
Nên anh chàng phải cất lên tiếng gọi thiết tha để bày tỏ nỗi lòng, sẵn sàng đón nhận sự hồi đáp từ cô gái:
Hello, is it me you’re looking for?
I can see it in your eyes, I can see it in your smile
You’re all I’ve ever wanted
And my arms are open wide
(Xin chào, dường như em đang muốn tìm tôi?
Tôi nhận ra điều đó trong đôi mắt em, trong nụ cười của em
Tôi không mong muốn ai khác ngoài em đâu
Vòng tay anh luôn mở rộng đón chờ)
Xoay quanh bài hát này cũng có một vài thông tin thú vị. Người sáng tác đồng thời cũng là ca sĩ, của bài hát được đánh giá là thành công nhất và ấn tượng nhất của ông này, cũng từng là một tay kèn saxophone và ca sĩ chính trong một ban nhạc tâm hồn nổi tiếng nước Mỹ vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Thậm chí bản nhạc mà ông sáng tác cho người khác hát cũng đã chiếm được vị trí số 1 trên các bảng xếp hạng vào năm 1980 (ca khúc Lady). Ông cũng là tác giả của một số bài hát nổi tiếng rất quen thuộc với người Việt Nam như “Say you say me” (bài hát đoạt một giải Oscar cho nhạc phim hay nhất). Sau đó Lionel Richie chuyển sang hát solo và trở thành ca sĩ của những kỷ lục và một trong những ca sĩ R&B thành công nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại của nước Mỹ, với 5 ca khúc giữ vị trí quán quân và 13 ca khúc lọt vào danh sách Top 10.
Nhưng trên tất cả, “Hello” vẫn là một ca khúc thành công nhất trong cuộc đời ông. Ngay khi vừa ra mắt nó đã đạt quán quân 2 tuần liên tiếp của năm 1984 tại Mỹ; lập kỷ lục ở Anh khi là đĩa nhạc đầu tiên vượt mốc 1 triệu bản được bán và từng vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng đĩa đơn của quốc đảo này, và từng được vinh danh trong “Top 100 number one hits” của kênh Channel 4 của Anh quốc .
Nếu liên hệ với nhiều bài hát tiếng Anh khác mà có lặp đi lặp lại câu tỏ tình quen thuộc “I love you” trong bài hát, ta cảm thấy chúng nhàn nhạt và khó gây cảm xúc, khó đi vào lòng người. Phải chăng người nghe cũng lờ mờ cảm thấy rằng trong những câu tỏ tình như thế có thể chỉ có 50% hoặc ít hơn là sự thật. Trong bài hát này của Lionel Richie thực tế cũng có một câu “I love you”, nhưng may sao nó lại là một câu kết với nốt thấp nhẹ nhàng, vì thế nó không những không bị rơi vào sáo rỗng mà còn có giá trị như một lời khẳng định tuyệt vời của tình yêu chân thật; nói ra lời yêu mà vẫn ngập ngừng và lo lắng sẽ bất thành. Cùng một câu nói nhưng đặt đúng chỗ thì sẽ có tác dụng lớn ngần nào đối với xúc cảm của người nghe.
And I want to tell you so mụch “I love you”
(và anh muốn nói mãi với em rằng “Anh yêu em”)
và
But let me start by saying: “I love you”
(Dù sao anh cũng sẽ nói ngay rằng “Anh yêu em”)
Sau lời nói yêu là một khoảng lặng vô tận. Bài hát là một lời tự sự, một cuộc nói chuyện với tự mình và tưởng tượng đang nói chuyện với người yêu trong mộng. Người anh yêu có thể không nghe thấy, nhưng hàng triệu thính giả trên toàn thế giới đã nghe thấy, và đồng cảm với anh, mong cho tình yêu của anh được đền đáp.
Chắc nhiều người còn nhớ rõ câu đầu tiên trong điệp khúc của bài hát nổi tiếng này của Lionel Richie:
Hello, is it me you’re looking for?
(Xin chào, dường như em đang muốn tìm tôi?)
Câu gọi, câu chào của chàng trai đối với người con gái xa lạ không thể là một câu nói vô duyên. Nó cần có đôi chút vòng vo, ý nhị, thì mới có thể trở thành một lời cầu thân tự nhiên. Và trong trường hợp này, “is it me you’re looking for?” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó. Một chi tiết thú vị là câu mở đầu điệp khúc đáng giá này lại suýt bị Lionel Richie bỏ ra khỏi bài hát nếu không có sự ngăn cản kịp thời của nhà sản xuất của anh. Thậm chí ngay cả bài hát này cũng đã bị Lionel Richie bỏ ra khỏi Album đầu tay của anh vì một lý do nào đó; và nếu không có sự can thiệp của vợ anh thì có lẽ nó cũng không được đưa vào Album thứ hai, và nếu điều đó xảy ra thì lịch sử âm nhạc đã không có một “Hello” nổi tiếng toàn thế giới như thế.
Con người trong xã hội náo nhiệt xô bồ nhưng vẫn rất cần có giao tiếp, thăm hỏi từ người khác. Có câu nói rằng: “Thành phố càng đông đúc thì con người trong đó càng cô đơn”. Con người phải được sống trong xã hội, từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người, cô đơn là điều đáng sợ nhất.
Tình yêu thầm kín không được nói ra phải chăng cũng giống như một người tù với cảm giác đau khổ vô cùng ”nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Con người luôn muốn được trao đổi cảm xúc và tâm tình. Tình yêu dù thầm kín đến đâu cũng phải được chia sẻ ra trong một hoàn cảnh nào đó, nếu không nó có thể khiến người đang yêu nổ tung. Đó có lẽ là tình huống chân thực của bài hát này. Bài hát đã trực tiếp đi vào tâm khảm của thính giả từ những câu tự sự mộc mạc chân thành, với giọng ca trầm ấm mượt mà của nam ca sĩ Lionel Richie, hát như thủ thỉ vào tai người nghe vậy.
Trên con đường rộng thênh thang đôi khi cũng có những lối rẽ ngang đầy bất ngờ. Có lẽ bài hát này đã khắc họa quá sâu đậm trong lòng người nghe, nên khi nó được cover lại bằng một MV thì những hình ảnh diễn ra trên nền bài hát thậm chí đã gây ra nhiều phản đối. Thậm chí khi kich bản của MV này cũng không đến nỗi tồi (Lionel Richie vào vai một người thầy giáo yêu thầm một cô học sinh mù lòa và hát cho cô nghe bài Hello qua điện thoại, còn cô gái thì nặn tượng người thầy của mình, chứng tỏ cô cũng có cảm tình với thầy giáo) nhưng người xem vẫn cảm thấy có một số sự “vênh” nào đó so với bài hát gốc (thổ lộ với người nghe một tình yêu đơn phương, thầm kín); ngay cả Lionel Richie ban đầu cũng không đồng ý với kịch bản này vì cho rằng nó chẳng có gì liên quan đến tình huống trong bài hát của anh. Khi MV ra đời, nó đã được UK TV tiến hành khảo sát trên 8.000 người nghe, với kết quả là tất cả đều cho rằng đây là MV tệ nhất mọi thời đại.
MT “Hello” khi ra đời bị nhiều khán giả phản đối
Đến nước này, mọi người có thể đã nhận ra, rằng thính giả đúng thật rất khó tính; dù cho MV này có thể rất hoành tráng, và đạo diễn của nó rất hài lòng, nhưng đối với thính giả đã yêu bài “Hello” gốc thì nó làm họ sốc. Những cảnh họ cho là không chân thực lắm, như thầy giáo đứng hát ngay giữa lớp đông học sinh mà không ai để ý, hay thầy nhìn trộm nữ sinh mù qua khe cửa…khiến họ không hài lòng.
Nhưng với một tác phẩm nghệ thuật, tính ước lệ là quan trọng. Lời hát từ miệng nhân vật, trong thủ pháp nghệ thuật, có thể hiểu là lời hát từ trái tim anh đang vang lên, chứ không phải anh đứng hát trước cả lớp học như vậy…
Cha ông ta có câu: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, rất khớp khi so sánh tình huống trái ngược của bài hát gốc mà Lionel Richie hát bên chiếc đàn piano với MV sau này. Chính sự thật thà của anh chàng si tình thể hiện ở sự chân thực trong lời và bối cảnh của bài hát gốc đã làm cho nó chạm đến được tâm hồn người nghe. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, khi MV này mới ra đời, cũng đã được nhiều khán giả yêu thích, vì nhạc và lời cũng như câu chuyện trong MV vẫn là đỉnh cao của sự tuyệt vời. Hình ảnh cô gái mù xinh đẹp nặn tượng Lionel Richie giống như đúc,, là một hình ảnh đẹp và độc đáo khiến khán giả không thể quên sau rất nhiều chục năm trời…
Lionel Richie hát bài “Hello” bên chiếc đàn piano
Bài hát Hello đã đi theo Lionel Richie suốt cả cuộc đời, từ khi nó ra đời vào năm 1984 cho đến nay; khi lưu diễn ở các nơi trên thế giới ông đều được yêu cầu hát lại bài này. Có thể nói không ngoa rằng Hello và Lionel Richie là một “cặp bài trùng”,“tuy hai mà một”, đã hòa quyện không thể tách rời trong lòng thính giả bốn phương.
Hoài Ân