Đại Kỷ Nguyên

Hội họa ‘Bát tiên say rượu’: Người tỉnh trong mê, ta mê trong tỉnh

Bát tiên

Truyền thuyết về Bát tiên có lẽ đã bắt đầu từ thời nhà Đường. Thế nhưng nó không ngừng thay đổi qua các triều đại khác nhau. Theo truyền thuyết dân gian thời hậu Minh, Bát tiên gồm có Hán Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Thiết Quải Lý, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hòa và Hà Tiên Cô. Các vị tiên này có gì đặc biệt?

Họ là những con người tu Đạo và đắc Đạo. Có người nói rằng họ trường sinh bất lão là do được ăn đào tiên và uống rượu tiên trong tiệc bàn đào của Vương Mẫu nương nương. Bởi để đến dự được bữa tiệc này, ngồi cùng chư vị thần tiên trên thiên giới, 8 vị bát tiên nếu không siêu xuất khỏi người thường, không đắc Đạo trở thành Thần Tiên thì sao có thể mang tư tưởng dơ xấu của những con người trần tục mà ngồi cùng chư vị Thần Tiên. Điều đó chứng tỏ họ đã tu luyện đắc Đạo và đạt trường sinh bất lão từ trước đó.

Vậy họ đã làm gì để làm được như vậy? Phải chăng đó là một bí mật? 

Bát tiên (Ảnh: tinhhoa.net)

Không có phân biệt, chấp trước vào thân thế danh phận thế gian

Từ ngoại hình mà thấy thì họ rất khác nhau. Tào Quốc Cữu là thân thích của Hoàng đế; Thiết Quải Lý là một người tàn tật bị què chân và phải chống một cây gậy sắt, giống như người ăn mày; Hà Tiên Cô là một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp; Trương Quả Lão là một cụ già tóc bạc, gương mặt hồng hào, râu tóc phất phơ, thường cưỡi ngược một con lừa; Hàn Tương Tử là cháu trai của Hàn Dũ, một nhà văn triều Đường, người thích thổi sáo; Hán Chung Ly lúc nào cũng cầm phe phẩy một cây quạt ba tiêu, v.v.

Danh phận thế gian vai vế thuộc hàng quý tộc, tới những người thấp nhất trong xã hội, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ đều có sự khác nhau. Nhưng họ đều chung một điểm là họ đều là Tiên nhân của Đạo gia.

Điều đó nói lên rằng, thân phận thế gian chỉ là ảo tưởng, là cái tạm trong cõi trần tục này. Nó không phải là vĩnh viễn, càng không phải là điều kiện để con người thoát khỏi luân hồi hay đạt cảnh giới thoát tục mà trường sinh bất lão.

Trong lịch sử xưa kia biết bao nhiêu bậc Vương chúa đi tìm trăm vị tiên dược mà được trường sinh, câu chuyện về Trương Quả Lão, sau đây là một ví dụ:

Trương Quả Lão luyện được thuật trường sinh

Trương Quả Lão, còn gọi là Trương lão, là một trong bát tiên trong Đạo gia. Theo “Đường Thục” (Cuốn sách của nhà Đường), Trương Quả Lão là một người có thực sống trong Khiêu Trung Sơn của tỉnh Sơn Tây. Ông cho rằng mình đã luyện được thành thuật trường sinh bất lão.

Vua Đường Huyền Tông nhiều lần mời ông đến nhưng ông luôn luôn lịch sự từ chối. Hoàng hậu Võ Tắc Thiên cũng đã cố gắng mời ông tới. Để thoát lệnh này, Trương Quả Lão giả bộ chết ở phía trước 1 ngôi đền. Vào thời gian đấy, trời mùa hè nóng nực nên cơ thể ông sớm bắt đầu phân hủy và bốc mùi khủng khiếp. Hoàng hậu Võ Tắc Thiên nghe tin này, đã từ bỏ ý định. Nhưng ngay sau đó, có người thấy ông xuất hiện trong núi Hoàn Châu.

Vua Đường Huyền Tông mời ông tới nhiều lần để hỏi cách đạt được thuật trường sinh bất lão. Khi vua gặp Trương Quả Lão thấy ông già yếu hom hem như vậy, vua hỏi ông: “Khanh đã đạt được thuật Trường sinh bất lão nhưng sao trông khanh già yếu vậy, tóc thưa bạc, răng móm thế?” Trương Quả Lão trả lời, “Đến từng tuổi này thần không có phương pháp nào hết nên mới ra nỗi này! Thật là xấu hổ quá! Nếu thần bứt tóc và bẻ răng của mình ra sau đó có lẽ nào thần lại không có được những cái mới!’’

Trương Quả Lão biểu diễn trước vua Đường Huyền Tông / Ảnh: pinterest.com

Sau đó ông đứng ngay giữa trước cung điện bứt tóc bẻ răng văng ra. Hoàng đế thấy thế có một chút kinh sợ và gọi cận thần mang ông xuống nghỉ. Chỉ một chốc sau, Trương Quả Lão quay lại cung điện, với một diện mạo hoàn toàn mới: tóc đen dày, răng trắng. Các quan lại trong triều thấy thế rất kính phục, tới trước Trương Quả Lão hỏi xin phương pháp để cải lão hoàn đồng. Trương Quả Lão khước từ.

Một ngày, Đường Huyền Tông đi săn bắn và bắt được một hươu lớn. Con hươu này có 1 điểm khác với các con khác! Khi nhà bếp chuẩn bị giết nó, Trương Qủa Lão thấy vậy ngay lập tức ngăn lại. Ông nói: “Đây là con hươu thần đã sống trên ngàn năm rồi. Khi Hán Vũ Đế đi săn và bắt được nó thần đã theo ông ta và thấy ông ta thả con hươu ngay sau đó!”

Đường Huyền Tông hỏi, “Làm thế nào khanh có thể biết được đây là con hươu mà khanh thấy trước kia trong khi trên đời này có rất nhiều hươu và trải qua bao nhiêu năm như thế?”

Trương Quả Lão thưa: “Khi Hán Vũ Đế thả con hươu ông đã đánh dấu trên sừng bên trái của nó bằng một miếng đồng.”

Sau đó vua Đường Huyền Tông sai người đi kiểm tra lại và quả thật thấy 1 miếng đồng dài hai phân nhưng hầu như không thể nhận ra chữ viết trên đó nữa! Vua Đường Huyền Tông lại hỏi: “Vậy thế từ năm Hán Vũ Đế đi săn trải qua bao nhiêu năm rồi?” Trương Quả Lão thưa: Từ đó tới nay đã 852 năm trôi qua!”

Vua Đường Huyền Tông sai người đi kiểm tra lại. Người báo lên rằng thông tin đó là hoàn hoàn chính xác.

Như vậy có thể thấy, con người thế gian ngỡ tưởng rằng, những cao lương mĩ vị, những danh phận huy hoàng kia có thể trường tồn. Chính vì thế mà trong những năm tháng sống trên đời, họ không ngừng làm những việc xấu, hại người hại mình.

Phải chăng điều cơ bản là con người không chịu buông đi những thứ thuộc về thân xác, vốn được coi là ngôi nhà tạm theo tư tưởng của Phật gia. Bởi một chân lý được truyền tải phía sau bức họa này chính là: con người đều bình đẳng khi bước trên con đường tu luyện.

Vậy thì cái mà khiến cho con người có thể bước đầu siêu xuất khỏi người thường chính là coi nhẹ mưu cầu, dục vọng bản thân, coi nhẹ đi lợi ích bản thân. Nhìn nhận một cách minh bạch về thực và hư trong cõi trần tục này.

Trong say có tỉnh, trong tỉnh mà như say: Cảnh giới tư tưởng là phi thường

Bức “Túy Bát tiên đồ” – Bát tiên say rượu (Ảnh: nipic.com)

Tiêu đề bức tranh là “Bát tiên say rượu” (“Túy Bát tiên đồ”). Tại sao Bát tiên lại say rượu? “Vương Mẫu bàn đào thục, Khai hiên thiết thọ diên, Quần tiên luyến mỹ tửu, Túy đảo Diêu Trì biên” (tạm dịch: “Vương Mẫu mở hội bàn đào, Bày tiệc lớn để mừng thọ, Quần tiên luyến tiếc rượu ngon, Say ngã bên cung Diêu Trì”).

Nguyên họ là đi dự đại hội bàn đào của Vương Mẫu Nương Nương. Cây đào tiên này ba ngàn năm mới ra hoa, ba ngàn năm mới kết trái, đúng là thứ quả tiên vô cùng quý hiếm. Mỹ tửu của Vương Mẫu Nương Nương đương nhiên là thứ ngọc dịch quỳnh tương mấy ngàn năm mới có, quả là vô giá.

Đối với những bằng hữu mê rượu ngon này, thật tiếc là trên thế gian không có nơi nào mua được. Do đó tám vị tiên thấy rộng hiểu nhiều này đều uống say mèm bên cung Diêu Trì. Các bạn thấy đấy, chiếc vò rượu kia đã bị lật đổ chổng một bên rồi!

Có vị uống rượu xong thì lảo đảo xiêu vẹo, việc gì cũng không biết; có vị uống rượu xong thì say khướt nô đùa; lại có vị say rượu rồi thì ngủ mê không tỉnh. Thậm chí có vị đã say mà vẫn còn muốn thêm một bát nữa. Rõ ràng một vị đang chìa tay ra đòi, cho tôi xin bát cuối cùng.

Bát Tiên say rượu (Họa sĩ: Chương Thúy Anh)

Ta say chẳng màng công danh địa vị, ta say để chẳng tranh đấu, mưu mô. Ta say cũng để nhắm vờ đôi mắt, ta chẳng nhìn những thứ cám dỗ ta. Nào sắc, nào tình, nào danh, nào dục. Ta nhắm mắt để chẳng màng.

Người đời mắng ta khù khờ, ngốc nghếch, nhưng ta lại biết đâu là thực ngốc ở đời

Cảnh giới tư tưởng trong Bát tiên chính là con người cần phải tỉnh trong cõi mê. Hay như Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược vậy. Bởi ông cho rằng, con người tiến về phía trước chính là thụt lùi.

Điều này tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng nếu lý giải cặn kẽ với hiện thực ngày nay thì dường như đó là rất phù hợp. Con người tưởng chừng như đang phát triển, đang văn minh và hiện đại, nhưng thực ra lại chính là đang tự hủy hoại chính mình.

Bởi lẽ con người càng đi xa về phía trước, thì càng xa rời đặc tính của vũ trụ, càng xa rời khỏi Đạo, thì càng khó để tu trở về, càng khó để tỉnh trong chính cái mê này.

Phải nói rằng, bức họa “Bát Tiên say rượu” là một tác phẩm có nội hàm rất thâm thúy. Nó không chỉ là cảnh giới đơn thuần, mà nó còn là một hàm ý trong tu luyện cổ xưa: tu luyện phó nguyên thần.

Chính vì vậy mà câu chuyện về Bát tiên say rượu được xuất hiện trong hí kịch, hội họa và điêu khắc Trung Quốc. Họ còn xuất hiện trong câu thành ngữ “Bát tiên quá hải, các hiển thần thông” và “Túy Bát tiên quyền” trong võ thuật

Ngày nay người ta sử dụng những tác phẩm hội họa hay điêu khắc về Bát tiên bài trí trong nhà với ý nghĩa nhắc nhở giáo huấn, hay cả những mục đích phong thủy vì những ý nghĩa của pháp khí mà Bát Tiên mang theo.

Nhưng dẫu cho thời đại nào đi chăng nữa, thì những ý nghĩa ẩn sâu bên trong bức họa Bát tiên cũng đang được người đời cảm ngộ, bí ẩn đang dần được hé mở.

Clip ý nghĩa:

Exit mobile version