Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức kiệt tác hội họa: Đức Mẹ đồng trinh trong con mắt ‘người khổng lồ’ Raphael

Raphael được biết đến là một trong 3 đại danh họa nổi tiếng của nền hội họa Ý, nhưng ông cũng được tôn vinh là một họa sĩ công giáo suất sắc với những bức vẽ về Chúa, đặc biệt là bức họa về Đức Mẹ Maria. Tranh của ông ngoài sự thành công của tài năng còn là một sự tôn kính và thể hiện tâm tín ngưỡng sùng bái với Thiên Chúa.

Tranh Đức Mẹ Maria của Raphael (Ảnh: pixabay.com)

Trong kho tàng nghệ thuật Công Giáo, tranh về Đức Mẹ Maria chiếm một tỉ lệ lớn. Hầu như nghệ sĩ Công Giáo nào, từ xưa đến nay, cũng đều có vẽ tranh về Đức Mẹ.

Có rất nhiều nghệ sĩ thành công trong nghệ thuật với những bức tranh về Đức Mẹ. Nhưng dẫn đầu là những tác phẩm của đại danh họa Ý Raphael, vẻ đẹp trong tranh của ông vượt ra ngoài các không gian văn hóa dị biệt và khoảng cách thời đại.

Raphael được xem là một trong ba người “khổng lồ”, là họa sĩ quan trọng nhất của thời Phục Hưng, và là họa sĩ “số một” của nghệ thuật Công Giáo mọi thời đại. Tuy cuộc đời ngắn ngủi, mất khi mới 37 tuổi, nhưng Raphael đã để lại hơn 250 tác phẩm, mà hầu hết, đều được xếp vào hàng tuyệt tác.

Raphael (Ảnh: Howling Pixel)

Raphael mang theo tín tâm tôn kính với Thiên Chúa và để lại cho hậu thế những “khuôn vàng,thước ngọc” về nghệ thuật thể hiện hình tượng Đức Mẹ 

Raphael là một con người mộ đạo, trong ông luôn là những tín tâm tròn đầy và niềm tin tuyệt đối với Thiên Chúa, mỗi nét vẽ của ông đều biểu thị lên sự thành kính tận sâu trong tâm mình.

Người xem dễ dàng cảm nhận nhất là bức họa về Đức Mẹ Maria. Khác với vẻ đẹp thiêng liêng thần thánh xa ngoài trí tưởng tượng của mọi người, Đức Mẹ trong tranh của Raphael hoàn toàn gần gũi thân thuộc vẻ đẹp thánh thiện, hi sinh, khiêm nhường….

Những bức tranh vẽ Đức Mẹ Maria của ông, còn lại khoảng 20 bức, đều được xem là những thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật Phục Hưng, và là những “khuôn vàng, thước ngọc” về nghệ thuật thể hiện hình tượng Đức Mẹ có giá trị cho đến ngày nay.

Khi chiêm ngưỡng tranh của ông, vẻ đẹp toát lên của Đức Mẹ không phải là sự tô vẽ đơn thuần, vẻ đẹp ấy hoàn toàn tự nhiên do cách phối màu cùng sự khéo léo sử dụng 2 tông màu truyền thống: sáng-tối. Đôi mắt luôn là nơi mà Raphael gửi gắm nhiều nét vẽ chiều sâu nhất.

Những nét riêng biệt trong tranh của ông chính là xuất phát từ tín tâm tròn đầy của ông, chính điều ấy dệt nên những trang vàng của kiệt tác nghệ thuật.

Hai tác phẩm vẽ về Đức Mẹ nổi tiếng nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Raphael.

Trước hết, phải kể đến “Đức Mẹ Granduca” được Raphael sáng tác năm 1504. Để vẽ bức họa này, ông đã nhọc công tìm kiếm những cái đẹp lí tưởng bằng những phác thảo, do vẽ không sử dụng một nguyên mẫu nào, nên ông phải hoàn toàn tưởng tượng mà vẽ về Đức Mẹ.

“Đức Mẹ Granduca” (Ảnh: tgpsaigon.net)

Người ta nói, Raphael đã để tâm tìm kiếm trong kinh thánh rất chi tiết, ông tưởng tượng ra một vẻ đẹp của Đức Mẹ. Ông đã vẽ nên Đức Mẹ với vẻ đẹp hài hòa bình dị một cách tự nhiên nhưng lại ẩn chứa những cảm xúc vô biên, vượt xa hết thảy những tác phẩm vẽ về Đức Mẹ trước đó.

Giới phê bình mĩ thuật sau này cho rằng, sau khi bức họa về Đức Mẹ Granduca ra đời, thì khuôn mẫu về vẻ đẹp của Đức Mẹ mới được hình thành và Raphael là người đặt nền móng cho chuẩn mực về hình ảnh Đức Mẹ Maria trong hội họa phương Tây, thay đổi và đặt định trong tâm thức người Phương Tây về vẻ đẹp của Đức Mẹ. Và sự ảnh hưởng đó dường như bất biến cho tới tận ngày nay.

Trong bức họa này khuôn mặt dịu dàng nổi bật trong một bóng tối, lớp áo choàng mỏng toát lên sự mềm mại, nhưng sự vững chãi khi bế Chúa Giê su hài đồng trên bàn tay của Đức Mẹ như thể hiện một sức mạnh vô hình rất mạnh mẽ. Chính bố cục và sự cân đối đã tạo lên nét hài hòa hoàn hảo. Bức tranh là sự thể hiện rất chân thực không hề có gì gò bó hay giả tạo trong cách sắp xếp. Chiêm ngưỡng bức họa, người ta như cảm thấy đây là sự hoàn hảo tuyệt đối không có gì phải thay đổi.

Một kiệt tác thứ hai xuất sắc hơn đó là “Đức Mẹ Sistine” Raphael vẽ cho nhà thờ Thánh Sixto năm 1514.

“Đức Mẹ Sistine” (Ảnh: tgpsaigon.net)

Đây cũng là tác phẩm cuối cùng Raphael vẽ về đề tài Đức Mẹ Maria, khi mà nhân cách và tài năng nghệ thuật của ông đang ở giai đoạn phát triển tới đỉnh cao.

Hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử và phê bình mĩ thuật phương tây đều cho rằng, “Đức Mẹ Sistine” của Raphael là tuyệt đỉnh nhất của nghệ thuật Công Giáo về đề tài Đức Mẹ Maria tính cho đến ngày nay.

Trong bức họa này, người xem dễ dàng nhận thấy được, đây chính là thành quả của sự kết tinh giữa đức tin và tri thức của Raphael. Đức Mẹ với vẻ đẹp bình dị cùng với sự tôn kính chào đón xưng tụng Thiên Chúa. Bức tranh cân bằng hoàn hảo từ cấu trúc hình diện tới tầm vóc tư tưởng. Cảm xúc của Raphael khi cầm bút vẽ bức họa này trau chuốt cho từng nét vẽ.

Bức họa như lời tán tụng và tình yêu đối với Thiên Chúa, nơi cảm xúc biết ơn, tôn kính được thể hiện ra bằng nét vẽ của một con chiên mộ đạo.

Trung tâm tác phẩm là hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh đang bồng Chúa Hài Đồng trên tay với dáng dấp vừa trang nghiêm vừa lồng lộng thanh nhã. Đã có rất nhiều bài viết của các nhà phê bình nghệ thuật phân tích các sắc thái biểu ý, biểu cảm của hình ảnh này và không ngớt lời ca ngợi bút pháp điêu luyện cũng như tín tâm mà Raphael đặt vào.

Tuy nhiên, để thực sự hiểu ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, cần phải bắt đầu từ hình ảnh hai vị Thánh quỳ hai bên Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Chỉ khi biết hai vị Thánh này là ai, chúng ta mới có cơ may cảm nhận được ý nghĩa ẩn đàng sau dáng dấp của họ, ý nghĩa sự liên hệ tương tác của các yếu tố trên tranh, và cả ý nghĩa thực sự của hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng

Quỳ hai bên Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng là Thánh Sixto và Thánh Barbara – hai vị Thánh Tử Vì Đạo ở thế kỷ thứ 3, thời Giáo Hội Roma bị bách hại.

Khuôn mặt của 2 vị Thánh này vô cùng thanh thản, nhẹ nhàng. Đức Mẹ và Chúa hài đồng như cưỡi mây trời với ánh sáng huyền diệu lung linh, phía dưới là hình ảnh của 2 thiên thần ngây thơ, tươi vui hạnh phúc. Tất cả cho thấy cảnh giới của bức họa này như trên thiên đàng, cảnh giới hoàn toàn cao siêu khi đức tin và lòng quả cảm được gây dựng bền chắc.

Sự xuất hiện của  2 vị thánh bất tử cùng với những thiên thần như lời tán dương đức tin, họ đến để minh chứng cho cuộc sống vĩnh cửu của con người khi giữ trong mình một đức tin vững chắc bên Thiên Chúa sau cái chết trần thế.

Hai Thiên Thần trong hình ảnh hai em bé ngây thơ, hồn nhiên ở bên dưới, cũng được hiểu như phần thánh khiết trong tâm hồn của con người cần phải gìn giữ và không ngừng gột rửa để có thể trở về bên Chúa…

Những hình ảnh chi tiết trong bức họa được khắc họa rất chân thực, y như chính họa sĩ có mặt tại nơi đó, đây như việc cảnh giới tư tưởng của Raphael đã siêu thoát khỏi cái tầm thường của con người trần tục, đã tiếp cận tới cảnh giới cao hơn nhờ đức tin được tôi đúc trong ông.

Tranh Đức Mẹ Maria của Raphael (Ảnh: pixabay.com)

Những bức họa của Raphael có sức sống bất tử qua các thời đại lịch sử. Người ta lấy những nét tinh túy trong nghệ thuật hội họa của ông, lấy tư tưởng trong con người ông làm chuẩn mực cho nghệ thuật đương đại. Mà phía sau của tất cả sự thành công ấy chính là đức tin tín ngưỡng trong ông mạnh mẽ, điều ấy tạo cảnh giới vượt bậc mà khó có họa sĩ nào sau này có thể gây dựng được những kiệt tác như ông.

Tịnh Tâm (T/H)

Exit mobile version