Đại Kỷ Nguyên

Thưởng thức âm nhạc Beethoven: ‘Serenade Op. 25’ – ý nghĩa thiêng liêng của tình yêu màu nhiệm

Ludwig van Beethoven là người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau. Những bản nhạc của ông là những câu chuyện lãng mạn được kể bằng thứ âm thanh tuyệt diệu.

Serenade Op. 25 được tác giả hoàn thành vào năm 1801, nhưng có tồn tại các bản phác thảo sơ bộ trước đó, và một số học giả tin rằng tác phẩm có từ năm 1797, khoảng thời gian Beethoven hoàn thành Serenade Op. 8. Serenade Op. 25, nhưng có thể khẳng định chắc chắn tác phẩm đã hoàn thành vào cuối năm 1801 khi Beethoven đề nghị nó cho nhà xuất bản còn non trẻ G. Cappi, nơi đã in tác phẩm này vào đầu năm 1802.

Năm 1803 Franz X. Kleinheinz sửa lại Serenade Op. 25, cho sáo, violin và piano, dưới sự kiểm tra và phê duyệt của Beethoven. Bản này được in vào tháng 12 năm 1803 bởi Hoffmeister & Kühnel ở Leipzig với tên Op. 41.

Serenade Op. 25 gồm 7 chương:

Chương 1: Entrata, Allegro

Chương 2: Tempo ordinario d’un Menuetto

Chương 3: Allegro molto

Chương 4: Andante con Variazioni

Chương 5: Allegro scherzando e vivace

Chương 6: Adagio

Chương 7: Allegro vivace e disinvolta

Clip dưới đây là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn bởi 3 nghệ sỹ: Flute: Karlheinz Zöller, Violin: Thomas Brandis, Viola: Siegbert Ueberschaer

Chương 1 toát lên những tính chất âm nhạc rất vui tươi, và tiếng sáo hòa cùng tiếng violon tạo nên cảm giác nhẹ nhõm kỳ lạ. Với bản chất âm thanh sâu, tròn trịa, trong sáng và dễ dàng tan biến như hơi gió khiến nhạc cụ sáo trở nên hoàn toàn nổi bật trong tổng phổ. Như vậy chương 1 như đánh thức những niềm vui rất tự nhiên nơi thính giả, hoặc ít nhất đem tới niềm tin khích lệ vào vẻ đẹp cuộc sống.

Chương 2 với tình yêu màu nhiệm cùng tiếng violon bè cùng viola vô cùng ấm áp êm đềm… (Nguồn ảnh: Flickr)

Phải nói rằng tiếng sáo mở đầu chương 2 như thôi miên thính giả đến với những gì là thân thương nhất, những gì là thiêng liêng của tình yêu màu nhiệm. Và đan xen với tiếng sáo đầy dụ dỗ ấy là tiếng violon bè cùng viola vô cùng ấm áp êm đềm. Thưởng thức chương 2 này, có lẽ thính giả sẽ thêm lòng tin yêu vào thế giới, và cả thế giới nội tâm bất tận.

Chương 3 với những điểm nhấn mạnh mẽ, tạo nên được sự hồi hộp và sức hút sâu thẳm… (Nguồn ảnh: Pinterest)

Chương 3 được chơi trên nhịp nhanh Allegro molto vô cùng hợp lý với những hòa âm và những câu nhạc mang kịch tính nhẹ với những điểm nhấn mạnh mẽ, tạo nên được sự hồi hộp và sức hút sâu thẳm đối với thính giả. Vậy mới thấy tài năng soạn nhạc tuyệt vời của Beethoven đã đưa thính giả trải qua những cung bậc nội tâm tinh tế với sự gắn kết vô hình của tình yêu vĩ đại.

Chương 4 vô cùng lãng mạn và giàu tình cảm… (Nguồn ảnh: wallpapersafari.com)

Sau sự bùng nổ kịch tính nhẹ của chương 3, Beethoven đã soạn một chương 4 vô cùng lãng mạn và giàu tình cảm trên sự trong sáng tuyệt vời của cả 3 nhạc cụ được viết trên nhịp chậm. Chương nhạc này rất ưu ái cho sự phát triển solo của violon và viola, mở ra một cái nhìn thoáng đãng, phong phú và đầy trí tuệ trong nghệ thuật, đặc biệt là khoảnh khắc tuyệt vời khi violon và viola dùng kỹ thuật búng vào dây lúc kết thúc để hạ màn cho một giấc mơ.

Chương 5 với sự thăng hoa nhẹ nhàng của niềm vui… (Nguồn ảnh: dwigallery.com)

Chương 5 là một chương nhạc ngắn, khiến thính giả hồi tỉnh trong sự thăng hoa nhẹ nhàng của niềm vui mềm mại với tính chất âm nhạc được phối khí hài hòa cho cả 3 nhạc cụ. Và Beethoven đã tô điểm cho chương 5 một sự tương phản khá dịu dàng bằng điệp khúc ngả về giọng thứ mang đậm chất suy tư, rồi lại tái hiện chủ đề trước khi kết thúc. Thủ pháp không có gì phức tạp, nhưng chính nó đã đẩy chương 5 lên giới hạn mẫu mực của nghệ thuật cổ điển.

Chương 6 ngắn cũng giống như một bước nghỉ để ông hạ màn chương cuối trong nhịp nhanh đầy lôi cuốn. (Nguồn ảnh: reapit.in)

Chương 6 là chương nhạc Adagio chậm nhất và ngắn nhất trong toàn bộ tác phẩm. Mặc dù những chương nhạc là ngắn nhưng vẫn chiếm vị chí riêng của chương bởi vì tính chủ đề rất riêng biệt và độc đáo của chúng. Beethoven cũng có thể biến tác phẩm trở nên vô cùng hoành tráng bằng cách phát triển những chủ đề ấy, thêm vào những biến tấu đầy trí tuệ, nhưng có lẽ ông chỉ muốn tác phẩm Serenade này mang tính nhỏ gọn. Chương 6 ngắn cũng giống như một bước nghỉ để ông hạ màn chương cuối trong nhịp nhanh đầy lôi cuốn.

Beethoven đã tăng tính hài hước, và đẩy niềm lạc quan của chương cuối lên đến đỉnh điểm bằng cách để cả 3 nhạc cụ liên tục phô diễn những quãng luyến chromatic, tựa như những nhạc công đã ăn và uống quá no say để rồi chơi lên những giai điệu và nốt nhạc chao đảo. Thế nhưng chắc chắn đó là một sự cố tình mang tính nghệ thuật đỉnh cao của nhà soạn nhạc thiên tài

Đôi nét về tác giả

Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn.

Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.

Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.

Kim Cương

Exit mobile version