Đại Kỷ Nguyên

Thời điểm hồi sinh gần đây nhất của các giá trị nghệ thuật cổ điển phương Tây

Các giá trị của nghệ thuật cổ điển không chỉ được phục hưng một lần trong lịch sử phương Tây, với lần hồi sinh gần đây nhất là vào giữa thế kỷ 18. Vậy điều gì và giá trị nào đã làm cho nghệ thuật cổ điển quay trở lại và trở nên bất tử?

Chủ nghĩa Tân cổ điển là sự hồi sinh gần đây nhất của quá khứ cổ điển Tây phương. Phong trào này bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ 18, đánh dấu một thời kỳ trong lịch sử nghệ thuật khi các nghệ sĩ bắt đầu bắt chước theo các tác phẩm từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại và cả từ các các nghệ sĩ thời Phục hưng. Các nhà phê bình nghệ thuật thời kỳ này mong muốn cải thiện nền nghệ thuật đương thời, dựa theo phong cách của các bậc thầy trong quá khứ như Nicolas Poussin (Pháp, 1594 – 1665), Michelangelo (Ý, 1475 – 1564) và Raphael (Ý, 1483 – 1520), là những nghệ sĩ thời Phục hưng hấp thu rất nhiều tinh hoa từ thế giới cổ điển.

“Eliezer và Rebecca”, Họa sĩ Nicolas Poussin (ảnh: Art Fund).

Johann Joachim Winckelmann, người sáng lập khảo cổ học hiện đại và lịch sử nghệ thuật, đã ca ngợi nghệ thuật của Hy Lạp cổ đại và tin rằng nó đã tiến gần nhất tới sự hoàn hảo. Ông nói:

“Cách duy nhất để chúng ta trở nên vĩ đại, hoặc thậm chí là không thể bị bắt chước, chính là bắt chước người Hy Lạp”.

Ủng hộ ý kiến này của Winckelmann, nhiều nghệ sĩ bắt đầu nghiên cứu lại kiến ​​trúc Hy Lạp cổ đại và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ cổ điển. Vào năm 1738, các cuộc khai quật thành phố cổ Pompeii (La Mã cổ đại) và Herculaneum (Hy Lạp cổ đại) đã dẫn đến việc tìm ra những bức tranh vẽ, tranh khảm và đồ gốm trong tình trạng còn tốt. Những khám phá đó đã thúc đẩy sự tò mò và niềm đam mê nghệ thuật thời cổ đại, từ đó các nghệ sĩ bắt đầu sử dụng kiến ​​thức “mới mẻ” về quá khứ này trong nghệ thuật của họ, tạo ra phong cách Tân cổ điển của riêng mình, khác biệt hoàn toàn so với phong cách Rococo vốn phổ biến ở phương Tây trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa Thế kỷ 18.

Nghệ thuật Rococo: Bức ‘The Swing’ (1767-1768)”, Họa sĩ Jean-Honoré Fragonard (ảnh: My Mordern Met)

Một trong những nghệ sĩ như vậy là họa sĩ người Pháp Jean Auguste Dominique Ingres (1780 – 1867). Bức tranh “Oedipus và Sphinx” (1808) của ông tái hiện một cảnh trong các vở kịch cổ điển của Hy Lạp về Sophocles: Oedipus, nhân vật chính của vở kịch, đối mặt với một Nhân sư. Bên cạnh chủ đề được lấy cảm hứng từ văn hóa Hy Lạp cổ đại, các đặc điểm vật chất cũng tuân theo các giá trị cổ điển truyền thống như vẻ đẹp, sự hài hòa, cân bằng và đường tuyến. Việc sử dụng nghiêm ngặt các đường tuyến ngang và dọc thể hiện rõ trong tư thế của Oedipus, là một đặc điểm tân cổ điển rất quan trọng, giúp tạo một bố cục hài hòa và cân bằng cho bức tranh.

“Oedipus trước Nhân sư”, Họa sĩ Jean Auguste Dominique Ingres (ảnh: SlidePlayer).

Trong khi hình ảnh nhân vật Oedipus của trong tranh của Ingres không mô tả hình dạng một con người lý tưởng hóa như yêu cầu chặt chẽ của chủ nghĩa cổ điển, nhưng miêu tả của ông về nhân vật nam này phù hợp với ý tưởng của Winckelmann về “bản chất không hoàn hảo” của tác phẩm nghệ thuật: “Sự hoàn hảo nằm trong trí tưởng tượng, trong khi hình ảnh một họa sĩ vẽ ra trong thực tế chỉ là ý tưởng về sự hoàn hảo”.

“Oedipus Trước tượng nhân sư”, bản vẽ bút chì của Jean-Auguste-Dominique Ingres, được bán tại Christie’s London (ảnh: Artnet).

Việc phát hiện ra những cổ vật trong tình trạng còn tốt cũng đóng một vai trò rất lớn trong nghệ thuật trang trí thời đó. Một trong những nhà sản xuất gốm nổi tiếng nhất của Anh thế kỷ 18, Josiah Wedgwood (1730 -1795), đã thành lập ra công ty Wedgwood vào năm 1759, chuyên sản xuất đồ gốm và đồ trang trí men ngọc lam và từ đá quý màu đen, lấy cảm hứng từ nghệ thuật cổ điển với những khung cảnh và đường viền trang trí giống như trên các đồ gốm Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Bình của Wedgwood (ảnh: Artnet).

John Flaxman (Anh, 1755 -1826), một nhà điêu khắc, họa sĩ và nhà thiết kế Tân cổ điển nổi tiếng, bắt đầu làm việc cho Wedgwood vào khoảng năm 1775. Tác phẩm nghệ thuật của ông bao gồm các hình minh họa cho văn học cổ điển như Odyssey, và thiết kế cho các tác phẩm nghệ thuật trang trí lấy cảm hứng cổ điển do Wedgwood sản xuất, cũng như làm tượng đài các anh hùng quân đội và nhà quý tộc.

Tranh đá “Đám cưới của Cupid và Psyche”, sản phẩm của Công ty English Wedgwood, 1773 (ảnh: Britannica).

Tân cổ điển cũng là một phong trào nghệ thuật quan trọng ở Mỹ. Hoa Kỳ trên thực tế đã xây dựng đất nước phỏng theo nền văn minh cổ đại của Rome và Hy Lạp, cả về mặt kiến ​​trúc và chính trị. Các lý tưởng tân cổ điển được tuôn chảy tự do trong nhà nước cộng hòa mới được thành lập, các tòa nhà và tượng đài lấy cảm hứng từ cổ điển đã được dựng lên. Thủ đô Washington, D.C. được trang trí với những mặt tiền bằng đá cẩm thạch trắng. Mô phỏng các cổ vật và chân dung của các tổng thống được điêu khắc theo cách của các hoàng đế La Mã và được tôn vinh bằng các tượng đài khổng lồ.

Tượng bán thân Washington bằng đá cẩm thạch, được bán tại Sotheby, Tác giả: Hiram Powers (ảnh: Pinterest).

Nghệ thuật phái cổ điển đã có sự hồi sinh mãnh liệt như vậy trong thiên niên kỷ trước, do đó chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi một lần hồi sinh ngoạn mục tiếp theo của các giá trị nghệ thuật cổ điển trong thiên niên kỷ này, và biết đâu điều may mắn đó sẽ xảy ra đúng vào thời đại của chúng ta.

Theo Erica Trapasso / Artnet News

Clip hay: Nguồn gốc, ý nghĩa của các điệu múa Lân – Sư – Rồng

Exit mobile version