Đại Kỷ Nguyên

Tham khảo 10 lời khuyên từ chuyên gia cho nhiếp ảnh thác nước

chụp thác nước

Thác nước luôn thể hiện vẻ đẹp tự nhiên và tạo nên một chủ đề tuyệt vời cho ảnh phong cảnh. Dòng chảy ào ạt của một thác nước lớn hay dòng chảy nhẹ nhàng của một thác nhỏ hơn cũng có thể cho những bức ảnh tuyệt vời. Điều bạn có thể cần chỉ là lời khuyên từ chuyên gia.

Mặc dù thực sự có một số thác nước rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng bạn cũng không cần phải đi quá xa để tìm chủ đề cho nhiếp ảnh thác nước của riêng bạn. Bởi vì các thác nước ít được biết đến vẫn có thể cung cấp cơ hội chụp được những bức ảnh tuyệt vời và rất có thể có một vài thác nước trong khoảng cách lái xe của bạn, cho dù bạn sống ở bất cứ nơi nào.

(Ảnh: traveltriangle.com)

Bài viết này đưa ra 10 lời khuyên giúp bạn tận dụng tối đa vẻ đẹp của thác nước ở địa phương của bạn cho chụp ảnh.

1. Xem dự báo thời tiết

Thời tiết luôn là một yếu tố quan trọng đối với các nhiếp ảnh gia phong cảnh và thiên nhiên. Trong chụp ảnh thác nước thời tiết có thể có tác động thậm chí còn lớn hơn. Nói chung, chụp ảnh thác nước sẽ không tốt vào những ngày nắng và rất sáng, vì những điểm nổi bật trong nước có thể dễ dàng bị biến mất dưới tác động của ánh sáng gay gắt và sự phản chiếu mạnh. Thời tiết nhiều mây và u ám trái lại thường sẽ tạo ra kết quả tốt hơn và cho phép màu sắc của cảnh quan xung quanh thác nước trông đẹp hơn.

(Ảnh: Paisley Scotland / CC BY 2.0)

2. Biết rõ khung cảnh thác nước

Nhiều thác nước được bao quanh bởi những bức tường đá hoặc vách đá cao, và nhiều thác nước cũng sẽ có rất nhiều cây cối ngăn chặn ánh sáng mặt trời. Là một nhiếp ảnh gia ngoài trời, tất nhiên, bạn sẽ muốn làm việc trong điều kiện ánh sáng tốt nhất, có nghĩa là trong những giờ xung quanh lúc mặt trời mọc và mặt trời lặn. Tuy nhiên, khi mặt trời xuống thấp, những bức tường đá, vách đá và cây cối xung quanh thác nước thậm chí còn có tác động lớn hơn đối với nguồn sáng. Tuy nhiên, đây không nhất định là một điều xấu, vì nói chung bạn cần có ánh sáng dịu hơn thay vì ánh sáng mạnh.

(Ảnh: Peter Rivera / CC BY 2.0)

Hãy cố gắng tìm hiểu kĩ khung cảnh của thác nước mà bạn sẽ chụp để có thể dự đoán được ánh sáng sẽ bị các yếu tố môi trường ảnh hưởng như thế nào vào thời điểm bạn dự định tới chụp. Nếu đây là lần đầu tiên bạn đến một thác nước nào đó, bạn có thể cần thực hiện một số nghiên cứu trực tuyến, để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về môi trường xung quanh khu vực.

Bạn cũng cần biết hướng mà thác nước đối diện, vì điều đó cũng có thể có tác động đến ánh sáng chiếu vào thác nước. Nếu thác nước quay mặt về hướng đông hoặc tây, bạn có thể phải tránh các thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn, vì khi ánh sáng chiếu trực tiếp vào thác sẽ không cho ảnh đẹp bằng ánh sáng khuếch tán dịu hơn.

3. Sử dụng trang thiết bị đúng cách

Khi chụp ảnh thác nước, phần quan trọng nhất của thiết bị, ngoài máy ảnh và ống kính, sẽ là chân máy của bạn. Vì những vách đá và cây cối xung quanh ngăn chặn rất nhiều ánh sáng, bạn có thể sẽ cần điều chỉnh một tốc độ màn trập mà yêu cầu có một chân máy để có được một bức ảnh ổn định và sắc nét. Ngoài ra, bạn cũng có thể muốn sử dụng tốc độ màn trập chậm hơn để làm mờ hoặc “làm mềm” dòng nước.

(Ảnh: Dennis Jarvis / CC BY-SA 2.0)

Nếu bạn dự định sử dụng tốc độ màn trập chậm hoặc phơi sáng lâu, bạn cũng có thể cần một kính lọc mật độ trung tính (kính lọc ND) để làm giảm lượng ánh sáng chiếu tới cảm biến. Làm mờ các thác nước là một lựa chọn chụp phổ biến, vì vậy dùng một kính lọc ND tốt là hữu ích nếu đây là mục tiêu của bạn. Tuy nhiên, bạn thường có thể sử dụng tốc độ màn trập đủ chậm sẽ “làm mềm” dòng nước ngay cả khi không có kính lọc ND. Khi đó bạn có thể sử dụng ISO thấp nhất mà máy ảnh của bạn cho phép, cùng với các khẩu độ nhỏ (như f / 16 – f / 22) để làm chậm tốc độ màn trập đủ để làm mờ dòng nước. Tất nhiên, tất cả các cài đặt phơi sáng mà bạn sử dụng và tác động của chúng trong việc làm mờ dòng nước sẽ phụ thuộc vào các điều kiện ánh sáng thực tế, nhưng vì nhiều thác nước nằm trong khu vực tối hơn của bức ảnh, bạn thậm chí không cần kính lọc ND nếu chỉ muốn làm mờ ở mức độ nhẹ.

Một chiếc kính phân cực (polarizer) cũng là một kính lọc tốt mà bạn có thể sử dụng khi muốn cắt giảm sự phản chiếu hoặc ánh sáng chói lóa từ mặt nước. Và tùy thuộc vào độ gần của bạn với thác và lượng nước chảy, bạn có thể cần bảo vệ ống kính của mình khỏi sương mù bằng cách sử dụng một kính lọc phân cực hoặc kính UV. Cũng nên mang theo một số khăn lau ống kính chuyên dụng, hay chỉ là một miếng vải sợi nhỏ hoặc thậm chí là một chiếc khăn mặt để giữ cho thiết bị của bạn sạch sẽ và khô ráo trong điều kiện sương mù ẩm ướt.

4. Xác định xem có nên đưa bầu trời vào sáng tác của bạn không

Một trong những nhược điểm của việc chụp vào những ngày nhiều mây hoặc u ám là bạn có một bầu trời rất nhàm chán. Nếu bầu trời không được thêm vào ảnh của bạn, bạn có thể bố cục các bức ảnh của mình để tập trung chặt chẽ hơn vào chính thác nước và không để lọt một chút bầu trời nào vào trong bố cục. Tùy thuộc vào thác nước và môi trường xung quanh, bạn có thể có các tùy chọn để chụp từ đỉnh thác, từ bên cạnh, từ trên cao. Trong một số ít trường hợp, bạn thậm chí có thể chụp từ phía sau thác.

(Ảnh: Ian Sane / CC BY 2.0)

5. Tìm kiếm những chi tiết thú vị ở tiền cảnh

Đưa những chi tiết thú vị của tiền cảnh vào trong các tác phẩm của bạn là một cách thực hành tốt với phong cảnh nói chung, nhưng khi chụp ảnh thác nước, các chi tiết này rất dễ bị “chìm” trong dòng nước đổ và bạn dễ quên mất khả năng chụp hoặc sự cần thiết phải có yếu tố tiền cảnh. Tại nhiều địa điểm, bạn có thể đưa vào các chi tiết như đá tảng, cây đổ, lá mùa thu hoặc băng tuyết mùa đông để tạo tiền cảnh thu hút. Kết hợp các yếu tố tiền cảnh sẽ dễ dàng hơn nếu bạn chụp từ chân thác. Tuy bạn không bắt buộc phải đưa các yếu tố tiền cảnh vào trong mỗi bức ảnh, nhưng đó cũng là một lựa chọn hay.

(Ảnh: Forest Wander / CC BY-SA 2.0)

6. Thử nghiệm với tốc độ màn trập khác nhau

Một trong những câu hỏi phổ biến nhất về chụp ảnh thác nước là tốc độ màn trập nào nên được sử dụng. Bất cứ khi nào bạn chụp một cảnh trong đó có dòng nước chảy, lựa chọn tốc độ màn trập của bạn sẽ có tác động lớn đến kết quả cuối cùng. Không có tốc độ màn trập tối ưu cho tất cả các bức ảnh thác nước, nhưng nói chung bạn có thể bắt đầu với tốc độ màn trập 1-2 giây để làm mờ nhẹ dòng nước và sau đó điều chỉnh dần. Trong ánh sáng mạnh, dùng tốc độ màn trập chậm sẽ làm ảnh của bạn bị quá sáng, nhưng vào một ngày u ám ở thác nước có thêm bóng râm từ tán cây và vách đá xung quanh, thì có thể chụp trong 1-2 giây mà không cần sử dụng bộ lọc mật độ trung tính. Hãy kiểm tra kết quả ảnh chụp của bạn và điều chỉnh độ phơi sáng nếu cần.

(Ảnh: afronesiatours.co.za)

Nếu bạn muốn “đóng băng” chuyển động của dòng nước – là lựa chọn tốt với những thác nước chảy rất mạnh – hãy sử dụng tốc độ màn trập nhanh và điều chỉnh khi cần thiết. Nếu bạn thực sự muốn làm mờ chuyển động của dòng nước trong trường hợp này, bạn cần phải kéo dài tốc độ màn trập quá 2 giây.

7. Đóng khung tấm ảnh của bạn

Sử dụng khung phơi sáng sẽ giúp bạn đảm bảo rằng bạn có được mức phơi sáng chất lượng và cũng cung cấp cho bạn tùy chọn tạo hình ảnh HDR (High Dynamic Range) nếu bạn chọn tùy chỉnh này. Ảnh HDR của thác nước cũng có xu hướng làm mờ hoặc làm mềm chuyển động của nước do có sự pha trộn của nhiều mức độ phơi sáng.

(Ảnh: Nicolas Raymond / CC BY 3.0)

Ngoài việc sử dụng các mức phơi sáng được đặt trong khung để tạo hình ảnh HDR theo cách tự động, bạn cũng có thể kết hợp thủ công các mức phơi sáng để có kết quả tốt nhất. Ví dụ, thác nước có thể nằm trong một khu vực có bóng tối sâu nên nếu bạn để thác được phơi sáng đủ thì có thể làm một số khu vực khác của bức ảnh bị quá sáng. Bạn có thể sử dụng nhiều mức phơi sáng được đóng khung và kết hợp chúng theo cách thủ công bằng cách sử dụng các lớp trong Photoshop để có được độ phơi sáng cân bằng.

8. Đừng sợ tiến đến gần thác nước

Đôi khi để có được bức ảnh đẹp nhất bạn có thể cần phải lội xuống nước (tất nhiên, hãy chỉ làm điều này khi bạn đã chuẩn bị quần áo và dụng cụ phù hợp). Bạn có thể sử dụng một đôi ủng của người đi câu cá để dễ dàng đến gần thác nước hơn. Ngoài ra hãy chắc chắn rằng chân máy của bạn sẽ có thể chịu được các điều kiện ngâm nước trong thực tế.

(Ảnh: William Warby / CC BY 2.0)

9. Bảo vệ máy ảnh và thiết bị của bạn

Nếu bạn đang đến gần thác nước và chỉ có một mình, bạn sẽ phải hết sức cẩn thận trong việc bảo vệ thiết bị của mình. Trong điều kiện khắc nghiệt, bạn có thể cần áo mưa để bảo vệ máy ảnh. Bạn cũng có thể sử dụng kính lọc để bảo vệ ống kính máy ảnh của mình. Nhưng nhớ đừng dùng kính lọc đắt tiền trong trường hợp này vì có thể bị nước làm hỏng.

(Ảnh: Joe DeSousa / Public Domain)

10. Quay lại thác nước trong các mùa khác nhau

Cũng giống như các cảnh quan khác, thác nước trông sẽ rất khác biệt tại các thời điểm khác nhau trong năm. Vào mùa xuân, bạn có thể thấy cây cối tăng trưởng tươi tốt và dòng nước ào ạt từ băng tuyết tan chảy. Vào mùa thu, bạn có thể bắt gặp những màu sắc tuyệt đẹp, những chiếc lá rơi trên mặt đá và trong làn nước.

(Ảnh: David Phan / CC BY 2.0)

Vào mùa đông, bạn có thể thấy băng và tuyết xung quanh thác. Trong một số trường hợp, thác nước thậm chí có thể đóng băng hoàn toàn. Vì vậy, hãy cố gắng đến thăm cùng một thác nước vào các thời điểm khác nhau trong năm và bạn sẽ thu được những tấm ảnh khá khác nhau.

Theo Marc of Pennsylvania (loadedlandscapes.com)

Clip hay:

Exit mobile version