Đại Kỷ Nguyên

Tản văn: Ngược dòng tìm một mom sông

Chúng tôi đã đứng ngẩn ngơ bên mom sông lộng gió. Mấy cô gái Vị Khê quang gánh rau đã bán hết đang chờ đò ngang… Tôi nhìn họ, chợt nhớ những vần thơ Tú Xương đã xui mình lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh về đây: Quanh năm buôn bán ở mom sông /Nuôi đủ năm con với một chồng…”

Tôi sinh ra và sống trọn cả tuổi hoa niên trên vùng đất nổi, ngầm chảy bên dưới là con sông Vị Hoàng mà không hề biết. Đọc thơ Tú Xương, lòng đau đáu tiếc một con sông vô định trong tâm tưởng “Sông kia rày đã nên đồng…”, có lúc tôi đã lầm hồ Vị Xuyên bây giờ là di tích còn sót lại in dấu dòng sông Vị… Xa Nam Định, đôi khi nhớ về quê cũ, tôi khát cơn khát nước sông Đào, con sông mà ngày bé thơ tôi ngỡ tên đặt cho nó được chắt ra từ màu nước đỏ phù sa. Cùng với những biến thiên của lịch sử, con sông Đào góp phù sa làm biến đổi một vùng đất.

Theo sử cũ, sông Vị Hoàng là con sông được đào vào đời Trần, nối sông Đáy với sông Vĩnh Tế (Vĩnh Giang) chảy quanh co quanh phủ Thiên Trường xưa. Sách Việt sử thông giám cương mục cho rằng: “Việc đào sông Vị Hoàng đã chặn mất long mạch nên nhà Trần mất ngôi”.

Một con sông ở Nam Định chụp năm 1920. Ảnh: Tin Tức Nam Định

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), do sông Vị Hoàng chảy xiết, làm bờ sông ngày càng xói lở, khu phố buôn bán phía Đông-Bắc thành Vị Hoàng có nguy cơ bị mất: thể theo nguyện vọng của địa phương, nhà vua cho đào một con sông mới để chia sẻ dòng nước từ kênh Phù Long đến bến đò Lương Xá, tách làng Vị Hoàng thành hai làng: Vị Hoàng và Vị Khê. Nước sông Hồng đổ vào sông Đào đã được nối với sông Đáy chảy rất mạnh, con sông Vị lững lờ trôi và bị phù sa lắng đọng, bồi lấp dần.

Đến thời Trần Tế Xương, sông Vị Hoàng đã bị lấp dần theo tốc độ đô thị hóa. Hai mươi ba năm sau ngày Trần Tế Xương mất, người Pháp mới cho đào hồ La-két (Vị Xuyên). Hồ đào năm 1930 và bị bỏ dở… Rồi, chẳng bao lâu, vùng đất ấy cũng đã hóa thành phố phường… Dấu xưa nhạt nhòa, mờ ảo dần trong ký ức các thế hệ sau như tôi. Đôi lúc ngậm ngùi, tôi không khỏi trách mình vì vô tình mà ngay nơi chôn nhau cắt rốn cũng không thông tỏ ngọn nguồn… Nói vậy thôi chứ hồn tôi luôn nhớ về quê. Cũng như Chế Lan Viên thao thức “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Nam Định với tôi vẫn còn là một miền quê thân thuộc nhưng có nhiều bí ẩn cần khám phá. Tôi đã đi tìm một “mom sông” trong thơ Tú Xương với một nỗi niềm như vậy.

Tú Xương. Ảnh: Báo Sài Gòn Đầu Tư

Theo sách Thành Nam xưa (Vũ Ngọc Lý) và Trông dòng sông Vị (Trần Thanh Mại) và được sự chỉ dẫn của một vài người quen, tôi đã dò tìm ra cái “mom sông” nhiều người cho là đã mất. Mom sông nơi bà Tú buôn bán quanh năm xưa không thể là nơi có các bến đò Bích Câu, Trà Lũ, Bến Ngự đến thời Tú Xương “rày đã nên đồng”. Nó chỉ còn có thể ở dọc theo con sông Đào trước khi ông Tú sinh ra 38 năm. Nếu tính từ hạ lưu, bên dòng sông Đào có các bến đò như: đò Bái, đò Chè, đò Quan, mom sông… Vị trí của mom sông ngay ở Quán Bánh Giầy phía Đông-Bắc giáp khu Quán Chuột, phía Tây giáp khu Vườn Dâu, đối diện với làng Vị Khê bên kia sông Đào. Ngày nay, mom sông chỉ còn một vệt nhỏ phía ngoài đê bao thành phố, bên trong đê là đường Phù Long chạy thẳng vào Hàng Cót, Hàng Nâu… Ngôi nhà 280 Hàng Nâu nơi ông bà Tú Xương đã từng ở cách mom sông khoảng hơn một ki lô mét… Trên cái vệt nhỏ ấy, theo thói quen từ xưa, dân Vị Khê vẫn mang rau, hoa và các sản vật quê khác qua đò bày bán. Dĩ nhiên, cảnh buôn bán không thể sầm uất như xưa… Theo mom sông ngoài đê, người ta có thể đến làng Long Ngập vốn xưa là eo sông được phù sa bồi đắp mà thành…

Địa chỉ số 247 phố Hàng Nâu (nay là nhà xây mới thuộc đường Minh Khai), nơi Tú Xương sinh ra và lớn lên. Ảnh: Wikipedia

Chúng tôi đã đứng ngẩn ngơ bên mom sông lộng gió. Mấy cô gái Vị Khê quang gánh rau đã bán hết đang chờ đò ngang… Tôi nhìn họ, chợt nhớ những vần thơ Tú Xương đã xui mình lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh về đây:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”

Tôi biết mom sông rồi đây sẽ lở hết… Nhưng cũng như bà Tú Xương – Phạm Thị Mẫn, hình bóng nó sẽ còn mãi trong thơ, in dấu trong những tâm hồn thiết tha với xứ sở cha ông…

Nguyễn Quốc Văn

Clip hay:

Exit mobile version