Đại Kỷ Nguyên

Tản văn: ‘Hội làng’ – niềm hạnh phúc bình dị mà tôi đã quên đi khi lớn lên

Những dòng cảm xúc trong một lần đi hội làng, người viết cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị của trẻ thơ khi đi xem hội, chợt nhớ về mình ngày thơ bé.

Được nghỉ dài ngày, tôi trở về quê đúng vào dịp làng mở hội. Đã lâu lắm rồi, hội làng đối với tôi không còn là sự chờ đợi, mong mỏi. Những năm cấp ba tập trung học hành, những năm học đại học xa nhà… Bây giờ nếu có đi hội, tôi chỉ đi với tâm trạng của một người muốn đến cái nơi mà lâu rồi mình chưa đến, một chút tò mò, đến để xem sự đổi khác.

 “Hội năm nay đông lắm chị ạ!” – Đứa em họ tôi vừa nói vừa hãnh diện khoe đôi tùng teng nó mới mua trên hội. Nhìn ánh mắt trong veo và đôi má lúm đồng tiền đang cười của nó, tôi bỗng thấy vui lây. Đôi tùng teng chỉ khoảng bảy nghìn đồng.

Hội làng tôi diễn ra trong suốt nửa đầu tháng tư âm lịch. Trên ngôi đền của làng nằm ở ngoài cánh đồng tách biệt khỏi khu dân cư. Đường từ nhà lên đền phải hơn một cây số và năm nào cũng nắng nóng.

Đứa em họ tôi vừa nói vừa hãnh diện khoe đôi tùng teng nó mới mua trên hội. (Ảnh: vantho.net)

 “Sinh viên về đi hội đấy à?” – “Vâng, bác chưa lên hội ạ?” – “Ừ, bác còn trông thằng cu cháu”. Trong lúc người bà đang mải nói chuyện, thằng cháu – mới chỉ khoảng ba tuổi – thấy người quen đạp xe qua liền gọi với theo, xin đi nhờ lên hội và nhanh chóng trèo lên xe. Ngay lập tức nó bị bà lôi lại. Những tiếng khóc lóc, dỗ dành, khuôn mặt mếu máo, sự giằng co giữa hai bà cháu… Và tất cả chỉ kết thúc khi người bà bảo: “Về nhà lấy mũ”. Một nụ cười mãn nguyện trên gương mặt đứa trẻ.

 Trên hội, dọc theo cổng vào đền là những gian hàng bán đồ chơi trẻ em. Những đôi tùng teng, những chiếc vòng tay, vòng cổ, dây buộc tóc, búp bê, kiếm nhựa, súng bắn nước, xe ô tô, siêu nhận… Được bày la liệt trên những tấm bạt trải ngay trên nền đất hoặc treo trên chiếc dây chăng ngang giữa hai cột tre phía trước gian hàng. Mỗi món đồ chỉ từ năm đến vài chục nghìn. Thi thoảng tôi mới thấy một vài món lạ. Còn phần lớn vẫn là những món đồ chơi của bao năm qua.

Buổi sáng ngày hội chính diễn ra lễ rước từ ngôi đền đến một ngã ba sông cách đó chừng hai cây số. Lễ rước có kèn trống, có đội múa lân, có những người mặc trang phục rực rỡ khiêng những chiếc kiệu sơn son thiếp vàng được che lọng… Người đi rước, xem rước nườm nượp. Tôi chỉ định bụng đứng ở cổng làng chờ đám rước diễu qua . Nhưng rồi lại bị dòng người xô đẩy, kéo đi theo. Ngay phía trước tôi là bốn bà cháu. Người bà dong bộ chiếc xe đạp. Ba đứa trẻ chỉ chừng bốn, năm tuổi. Đứa nhỏ nhất ngồi trên gác ba ga. Hai đứa còn lại cùng bám tay vào xe, vừa nói chuyện tíu tít, vừa nhanh nhẹn bước theo.

Dòng người hòa vào đám rước mỗi lúc một đông. Tôi bỗng thấy từ xa, phía trước tôi, trên con đường nhỏ bắt vào con đường mà đám rước đang đi. Một hàng màu trắng chuyển động rất nhanh, một màu trắng nổi bật giữa ánh nắng hè gay gắt. Thì ra đó là những em học sinh tiểu học. Không biết tranh thủ giờ ra chơi hay được cô giáo cho phép, chạy ra xem rước. Nhìn những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, vừa có vẻ háo hức sung sướng vì đã không bỏ lỡ lễ rước. Vừa có chút ngẩn ngơ tiếc nuối vì không được tham dự trọn vẹn ngày hội chính của làng. Tôi chợt nhận ra niềm hạnh phúc bình dị của trẻ nhỏ, chợt nhận ra mình của một thời đã qua.

Những gương mặt nhễ nhại mồ hôi háo hức sung sướng vì đã không bỏ lỡ lễ rước… (Ảnh: vantho.net)

Tôi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ với những buổi trưa trốn mẹ đi chơi hội. Thích thú trước những chiếc vòng tay, vòng cổ…  Những món đồ mà sau này lớn lên, đi xa, tôi mới biết rất dễ tìm mua trong các cửa hàng lưu niệm. Còn ngày ấy, với một đứa trẻ chưa một lần ra khỏi lũy tre làng, chúng quả là những món đồ đắt giá và chỉ có thể mua được trong dịp hội làng. Tôi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ với một vài lần hiếm hoi được đi xem rước. Những tiếng kèn trống, những điệu múa lân vui tươi, rộn rã đã xua đi cái yên ả, bình lặng thường nhật của làng quê. Tôi nhớ lại cả sự chán nản, tiếc nuối của mình bởi trong ngày hội chính vẫn phải đi học…

Tôi bỗng cảm nhận lại được niềm hạnh phúc bình dị, giản đơn hồi còn nhỏ mà tôi đã quên đi khi lớn lên.

Sao Băng

Theo Văn thơ net

Exit mobile version