Đại Kỷ Nguyên

Tản Đà ký ức thiên truyện – Vầng sao Khuê trên bầu trời văn chương đất Việt (P.4)

Trong văn đàn Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX đã xuất hiện một vầng sao Khuê. Dù rằng cuộc đời của ông vừa tới tuổi “tri thiên mệnh” đã ra đi; dù rằng thời gian để ông say sưa với rượu, thù tạc với bạn bè, giang hồ phiêu lãng trong Nam ngoài Bắc nhiều hơn bên bàn viết; thế nhưng, cùng với cá tính vô cùng đặc biệt, ông đã kịp để lại một sự nghiệp khá phong phú, đa dạng cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm. Thi sĩ tài năng ấy, vị ‘Khuê tinh bị đày xuống hạ giới’ ấy chính là Tản Đà.

Tiếp theo Phần 1, Phần 2Phần 3

Tản Đà – con người của xê dịch và luôn say mê

Tản Đà đã nhìn hoa sen rất say mê:

Mặt nước chân trời thân gái lạ
Đài xanh, cánh trắng, nhị vàng chen
Xôn xao bay rối vài con bướm
Đủng đỉnh bơi xa một chiếc thuyền
(Hoa sen nở trước nhất trong đầm)

Tản Đà là con người của xê dịch. Những vần thơ nói về thiên nhiên của ông, dù là thiên nhiên thực hay ảo đều rất tự nhiên và say đắm. Ông nhìn ở đó những điều độc đáo và luôn hiện diện cái Tôi của mình trong cảnh vật.

Đây là cảnh Hòa Bình:

Non Tượng trời cho bao tuổi lẻ
Sông Đà ai vặn một dòng quanh

Dòng sông Đà cứ phương Bắc mà chảy, nó không giống bao sông suối khác hướng về Đông. Thiên nhiên ấy, con người này:

Vì ai cho tớ phải lênh đênh
Nặng lắm ai ơi một gánh tình

Đến với Hàm Rồng: “Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân” Tản Đà mơ ước:

Có ngày xe lửa đi qua
Trong xe lại có Tản Đà đứng trông

Vì ai cho tớ phải lênh đênh. Nặng lắm ai ơi một gánh tình. (Ảnh: Youtube.com)

Tản Đà – chữ nghĩa lãng mạn thoát ly mọi khuôn khổ cứng nhắc, nhưng không hề quay lưng lại với đời

Nói đến Tản Đà, người ta nói tới cái chữ nghĩa lãng mạn thoát ly, là nói tới người: “đã tạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa” (Hoài Thanh – Hoài Châu).

Thực ra, Tản Đà khinh đời ngạo thế với những gì ô trọc chứ ông chưa bao giờ muốn quay lưng với đời. Chính ông chủ trương phải hướng nhiệt tình vào văn “vị đời” nghĩa là tập trung viết báo để “dự một phần ngôn trách”, để “bóng mây hơi nước đến dân xã”. Ông đề xướng hai mục trên “An Nam tạp chí” 1930 để kêu gọi ghi chép những biến động của xã hội. “Đệ tử” Nguyễn Công Hoan của ông đã đi rất xa và trở thành nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc sau này cũng bắt đầu từ khởi động ở Tản Đà.

Cái Tôi của Tản Đà đã không tách rời khỏi cộng đồng dân tộc. Tản Đà ca ngợi các anh hùng dân tộc như Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung. Ông bóng gió nói tới các chiến sĩ xuất dương với niềm thương nhớ thiết tha:

Phượng kêu trái núi bên Tê
Rồng bay bốn bể nhạn về nơi nao

Ông đả kích không thương tiếc những thứ họa mi nuôi trong lồng (Ám chỉ Hoàng Cao Khải):

Lồng son cửa đỏ thảnh thơi,
Mi bay mi nhảy sướng đời nhà mi!
Nghĩ cho mi cũng gặp thì
Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không?

Với hàng loạt các bài thơ lặp từ “non nước non nước”, các bài gửi tình nhân có quen và không quen, ta thấy được tâm sự nhức nhối của người dân mất nước:

– Ơn nhà nợ nước hai vai
Nước nhà ai dễ riêng ai nặng nề
– Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con

Tản Đà – người luôn hướng con mắt thương cảm tới những cảnh lầm than

Tản Đà hướng cặp mắt thương cảm của mình vào những cơ cực của nhân dân. Ông miêu tả hiện thực cảnh lụt lội “Miếng ăn chẳng có con nhìn bố” đến nỗi:

Năm hào một đứa trẻ lên sáu
Cha còn sống đó con mồ côi.

Ông căm phẫn những đám quan tham ô lại (Vịnh tri phủ họ Đào). Và đặc biệt, ông lấy ông để mô tả cái quẫn bách của người trí thức, của cả xã hội ngột ngạt:

“Trần gian thước đát cũng không có…
Giấy người, mực người, thuê người in.
Mướn cửa hàng người bán phường phố”.

Ở ông có những tính toán khiến ta xót xa:

“Ông chủ nhà in, in đã đắt
Lại ông hàng sách mấy mươi phân”
Dù nhiều lúc không cam thất bại:
Bạc đánh còn tiền, thua cóc sợ
Đời chưa đáng chán chị em ơi.

(Ảnh: Genk)

Nhưng cái quẫn bách:

Con theo cạnh nách méo môi sò
Nợ réo ầm tai câm miệng hến.

Khiến cho Tản Đà chua chát mỉa mai:

Mười mấy năm xưa ngọn bút lông
Xác xơ chẳng bận chút hơi đồng.
Bây giờ anh đổi lông ra sắt,
Cách kiếm ăn đời có nhọn không?

Ở tuổi 50, Tản Đà lại viết thơ Tết nhân “Tiễn ông Công lên trời”:

Qua hết đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng
Văn chương quẫn mãi cùng thân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông!

Nhà thơ đâu ngờ được đây là bản di chúc tổng kết cả một đời mình chứ không phải “nửa giấc mơ mòng!”

Thời gian và công chúng không nghĩ như Tản Đà. Sự nghiệp của ông là một giá trị tinh thần vô giá cho nhà văn học Việt Nam bởi trước hết ông là một nhà thơ dân tộc. Ông tiếp nhận những tinh hoa văn hóa dân tộc và bằng cá tính, phong cách độc đáo của mình, ông đã tạo nên những giọt mật thơm thảo cho đời từ muôn vạn đóa hoa thơm ngọt.

Thơ Tản Đà có tính dân tộc và hiện đại; có truyền thống và cách tân: “Tản Đà là tự mình làm cơn gió lạ, nối dài một truyền thống sáng tạo bằng hàng loạt những sáng tác mẫu mực”. (Trần Ngọc Vương ). Tản Đà tự hòa “Văn đã giàu thay lại lắm lối” có lẽ nhờ sự kết hợp tuyệt vời những nguồn học vấn mà ông am hiểu sâu sắc.

Tản Đà là một “thi sĩ rất An Nam, có thể nói là hoàn toàn An Nam” (Xuân Diệu)

“Ông là một thi sĩ có tâm hồn đặc Việt Nam, cái tâm hồn của phần đông người Việt” (Vũ Ngọc Phan). Không chỉ dồi dào nguồn thơ ca dân tộc, Tản Đà còn rành thơ phú từ khúc văn chương chữ Hán; ông thông thạo tuồng chèo và các điệu ca lý dân gian không chỉ ở nông thôn mà ở các đô thị, chợ búa, chốn ăn chơi… Tản Đà chưa kịp thành Nho sinh với văn chương cử tử có nếp thì ông đã rời bến sang bờ bên kia đem văn chương bán phố phường. Vì thế ảnh hưởng của văn học bình dân, của ca dao dân ca giúp ông lên ngôi với tư cách một nhà thơ dân tộc tầm cỡ.

Hãy đọc những câu mà Tản Đà gọi là “phong thi” nói về người phụ nữ:

Đương trưa qua một cánh đồng
Em đi mua rượu cho chồng em xơi
Chồng hư mang tiếng mang tai
Tiếng tai thiếp chịu, hơn ai không chồng!

(Ảnh: Pinterest.com)

Đó thật là cái chung tình nhẫn nhục thường thấy của người vợ Việt Nam nhưng phảng phất trong lời “ca dao” ấy, hình như có tiếng nói của vợ ông Nguyễn Khắc Hiếu.

Những câu thơ trêu ghẹo mà trinh bạch:

Gió thu thổi lọt song đào
Chồng ai xa vắng, gió vào chi đây!

Không có cái “vốn Lý Bạch” để ngọn gió xuân đi vào phòng the của thiếu phụ thì Tản Đà khó có cái trong trẻo dân dã Việt Nam này.

Và đây là cái tình tứ duyên dáng vốn có ở ca dao:

Anh đi lẽo đẽo đường trường
Công danh chẳng thấy, những thương cùng sầu
Lại đây ăn một miếng trầu
Kẻo mai tuyết nhuốm trên đầu hoa râm.

Trong bản “hòa âm nước mắt” cuối tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao, mấy câu phong thi của Tản Đà được dùng thật đắc địa:

Ai làm cho khói lên trời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li.
Ai làm cho Nam, Bắc phân kì
Cho hai làng lệ đầm đìa tấm thân.

Đây là cái tinh nghịch từ câu hát xẩm:

“Chúng anh xưa chẳng biết ở nơi nào
Ông trời xô đẩy anh phải vào cái chốn nhân gian
Thẹn vì tình mà ngơ mắt với giang sơn
Công danh chẳng có cũng xẩm xoan cho nó hào
Bấy lâu nay anh nghe tiếng má đào
Mà thề có thấy (một cái) cô nào thì anh cũng đui”

(Ảnh: Pinterest.com)

Chính hồn thơ dân tộc đã khiến cho Tản Đà khi dịch Đường thi cũng mang phong cách riêng ông:

– Trong vòng danh lợi thương ta
Cái thân nhăng nhít cho qua với đời
(Vấn Hoài Thủy)

– Hiểm xưa còn đó ngàn năm
Ai hay trời để chơi khăm đôi người
(Kí Vi Chi – Bạch Cư Dị)

Hết phần 4. Mời độc giả đón đọc phần 5.

La Vinh

Exit mobile version