Đại Kỷ Nguyên

Sơ lược về lịch sử trang phục Tây Phương (P.2): Từ thời Trung Cổ đến thời kỳ Baroque, Rococo

Trong lịch sử, nhân loại đã từng trải qua các thời kỳ, tại các địa phương khác nhau hay những nhóm dân tộc khác nhau sẽ có những phong cách khác nhau về trang phục. Quần áo và trang sức phản ánh được người ở nơi ấy đối với cái đẹp có sự cảm thụ như thế nào. Bài viết này đưa độc giả vào những diễn biến lịch sử về trang phục người Tây Phương từ thời Trung Cổ đến Thời kỳ Baroque, Rococo

(Tiếp theo Phần 1)

3. Thời Trung cổ – Từ tính dân tộc, thần tính đến nhân tính

Đế quốc La Mã cổ đại trải qua mấy trăm năm cường thịnh đã bắt đầu rơi vào suy bại; năm 395 sau Công Nguyên nó được chia thành đế quốc La Mã Tây và đế quốc La Mã Đông. Đế quốc La Mã Tây vẫn lấy thủ phủ tại La Mã, thống trị nước Ý cùng các bán đảo thuộc địa Châu Âu. Đế quốc La Mã Đông lấy thủ phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, cai trị các thuộc địa Tiêu Á, Bắc Phi và những nơi thuộc địa Hy Lạp.

Năm 476 sau Công Nguyên, đế quốc La Mã Tây bị xóa sổ bởi những người Nhật Nhĩ Mạn phương Bắc, Châu Âu bước vào thời kỳ Trung cổ hàng nghìn năm, còn được gọi là thời kỳ bóng tối, bởi vì tất cả các phần Châu Âu đều bị chiếm hữu bởi những tộc người man rợ khác nhau. Họ gọi chung là Man tộc, nền văn minh của Man tộc tương đối lạc hậu so với nền văn minh La Mã cổ đại, một số thậm chí không có chữ viết, giao chiến lẫn nhau, luôn xảy ra những vụ tàn sát và bắt cóc, khiến cho vùng đất Châu Âu hỗn loạn bất an, xã hội đang phát triển đột nhiên bị dừng lại, văn hóa thậm chí thụt lùi. Cho đến khi tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo chảy vào, văn hóa nơi đây mới được dần dần hồi phục.

Trong hàng ngàn năm thời kỳ Trung cổ, sự thay đổi của trang phục được chia thành ba giai đoạn:

+ Thời kỳ đầu Trung cổ, trong các dân tộc vẫn chưa xuất hiện tín ngưỡng Cơ Đốc giáo nên họ vẫn ăn mặc trang phục La Mã cổ đại, pha trộn với phong cách riêng của quốc gia họ. Bởi vì phần lớn các dân tộc cư ngụ ở phía Bắc, khí hậu tương đối lạnh nên họ thường có thói quen mặc quần. Điều này đã làm thay đổi thói quen không mặc quần khi mặc áo dài, từ đó về sau những kiểu mẫu về quần cho phái nam tại Châu Âu mới bắt đầu phát triển.

+ Vào giữa thời Trung cổ, vì sự thịnh vượng của Cơ Đốc giáo, quần áo trang sức có sự thay đổi rất lớn. Các tín đồ Cơ Đốc bình thường sẽ mặc một chiếc áo choàng có tên là Dalmatic, đặc thù là có hai dải dài treo trên vai. Quần áo của phụ nữ có xu hướng bảo thủ do ảnh hưởng tôn giáo, họ quen với việc dùng khăn che đầu cùng với ống tay áo dài che kín thân thể.

Bích họa khảm nạm bằng gạch men – Tượng tín đồ Cơ Đốc giáo. (Ảnh: epochtimes.com)

+ Vào cuối thời Trung Cổ, khi nền kinh tế đã phát triển, những người giàu cũng nhiều hơn, khiến quần áo và trang sức phát triển lên một bước mới. Tại thời điểm này, một thẩm mỹ theo phong cách Gothic đã được phổ biến ở châu Âu; ban đầu nó là một thuật ngữ kiến trúc đề cập đến một nhà thờ với ngọn tháp cao chót vót. Đây là loại thẩm mỹ thể hiện tất cả ra bên ngoài, khá phô trương, màu sắc tươi sáng, và đôi khi áp dụng sự phối hợp màu sắc không đối xứng.

Đàn ông ngoài chiếc trường bào (áo khoác dài) ở bên ngoài, bên trong còn mặc một chiếc áo bó sát người và chiếc quần bó sát chân, kết hợp một chiếc thắt lưng để làm nổi bật vóc người. Phụ nữ chủ yếu vẫn mặc trường bào, đuôi của trường bào rất dài, kéo lê trên đất, đai lưng buộc ngay dưới ngực để lộ phần bụng nếu họ có mang thai, họ cho rằng điều này thể hiện sự tôn kính đối với Thánh Mẫu Maria. Trong các bức tranh được lưu lại, khuôn mặt của các nhân vật trong thời kỳ này rất gầy và nhọn, giày đeo có mũi nhọn, tất cả đều thể hiện phong cách Gothic.

Chân dung của Arnolfini và vợ của ông, năm 1434 (Ảnh: casaprints)

4. Thời kỳ văn nghệ Phục Hưng – Trang phục làm nổi lên đặc điểm giới tính

Từ “Phục Hưng” (Renaissance) mang ý nghĩa “tái sinh”, lại một lần nữa những người dân Châu Âu xem trọng, tiếp nối suy nghĩ và hành động của nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại, bắt đầu từ cuối thế kỷ 14 đến khoảng năm 1.600. Xu hướng này đã quét qua tất cả các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kể cả trang phục. Thời kỳ Phục Hưng bắt đầu ở Ý, do đó, sự thay đổi trong trang phục bắt đầu ở Ý và dần dần ảnh hưởng đến các quốc gia khác ở châu Âu.

Bộ khung váy (Crinolines). (Ảnh: epochtimes.com)

Trái ngược với ý tưởng lấy thần làm chủ điểm trong thời kỳ Trung cổ, thời Phục hưng là một “chủ nghĩa nhân văn” bị chi phối bởi con người, nó có sự nhấn mạnh về giới tính trong trang phục. Người đàn ông nhấn mạnh cơ thể mạnh mẽ cường tráng nam tính, áo rộng phồng lên để tôn lên phía cơ bắp bên trên, kết hợp với quần cụt bó chặt người làm nổi bật các bộ phận thể hiện nam giới.  Phụ nữ mặc áo gi-lê, váy có khung bên trong, thắt chặt eo, áo nịt ngực, có miếng đệm mông và giày đế cao để làm nổi bật nữ tính, trang phục có cổ áo cứng và cao kín cổ. Tại thời điểm này, bất kể nam giới và phụ nữ rất chuộng đeo một loại trang trí có dạng tua rua ở cổ được gọi là “Ruff”.

Chân dung của Nữ hoàng Elizabeth I, trang phục thời Phục hưng. (Ảnh: epochtimes.com)
Hình ảnh công chúa Tây Ban Nha Isabella, thời Phục hưng. (Ảnh: epochtimes.com)

5. Thời kỳ Baroque, Rococo – trang phục từ phức tạp đến sang trọng

Xu hướng văn hóa châu Âu của thế kỷ XVIII đã thay thế thời Phục hưng với phong cách Baroque, khi Pháp trở thành một quốc gia dẫn đầu trào lưu về quần áo. Thế kỷ XVIII có thể được cho là thời đại của Vua Louis XIV của Pháp; trang phục và hành vi của ông là những thứ mà người châu Âu tranh nhau bắt chước. Vào thời điểm này, đàn ông không còn nhấn mạnh nam tính, họ mặc quần áo theo hướng ngược lại: đội tóc giả rất dài và đi giày cao gót.

Vua Pháp Louis XIV, người lãnh đạo xu hướng thời đại. (Ảnh: epochtimes.com)

Các cổ áo nhăn tua rua trở thành một phong cách lỗi thời; phong cách mới là một cổ áo rộng. Đàn ông vẫn duy trì kiểu áo và quần, những chiếc áo được thiết kế riêng, quần dài đến đầu gối, quần nội y mặc bên trong bó sát. Đường viền cổ tay, ống tay áo và phần trên quần cùng được trang trí với những đường viền ren lớn, đồ lót cũng được trang trí với một số lượng lớn các dải ruy băng, đồ lót nam cần sử dụng một dải băng dài khoảng 100 mét.

Ngoài ra, trang phục thời kỳ này lưu hành đeo găng tay, đội nón rộng vành thể hiện sự phóng khoáng và khoan thai của người đàn ông. Tại thời điểm này, trang phục của người đàn ông có thể được cho là cầu kỳ nhất trong lịch sử, nếu nam giới trong thời kỳ Phục hưng là một “người đàn ông kiểu khuôn mẫu” thì người đàn ông của thời kỳ Baroque là “Hoa mỹ nam”. Phần váy duy trì dạng thức nhiều lớp, phần ngoài cùng được trang trí rất cầu kì, từ hoa kết cho đến các viền ren, phối hợp với các lớp bên trong, tạo nên màu sắc và tư thế hết sức hoa lệ.

Bà Pompadour, năm 1759, với quần áo kiểu Rococo. (Ảnh: epochtimes.com)

Thế kỷ mười tám là một thế kỷ của sự thay đổi lớn lao: Sự khai sáng, Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Pháp diễn ra trong thế kỷ này. Trước cuộc cách mạng vĩ đại, quần áo châu Âu, giống như các lĩnh vực văn hóa khác, đã được phổ biến với phong cách “Rococo”, là một biến dạng phóng đại dựa trên phong cách Baroque, làm cho trang phục trở nên phức tạp và sang trọng hơn.

“Hôn nhân thời thượng” – William Hogarth. Phong cách Rococo. (Ảnh: epochtimes.com)

Tại thời điểm này, bộ tóc giả nam thay đổi từ mái tóc dài xoăn thành ngắn xoăn, tóc phía sau lưng được buộc một chiếc nơ với hình dạng kiểu tóc thắt đuôi ngựa. Ba thứ đồ không thể thiếu trong Âu phục của nữ giới là áo gi-lê, váy có khung, áo thắt bụng, thời kỳ này áo gi-lê được mặc ra ngoài, phía trên được trang trí với những hình vẽ cùng trang sức hoa lệ. Trang phục phồng to cùng với kiểu tóc cao đã tạo thành một trong những hình dạng kỳ lạ nhất của trang phục phụ nữ trong lịch sử.

(Còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Clip ý nghĩa: Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt

Exit mobile version